Tầm quan trọng của chương trình giáo dục sức khỏe về tình dục và căn bệnh thế kỷ


TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ

Kết quả hiện hữu và mầu nhiệm nhất của mối quan hệ tình dục giữa hai người nam nữ có lẽ là việc cho ra đời những đứa con, những mầm non tương lai của xã hội. Nhưng những gì có khả năng tạo hầu như đều có khả năng diệt.


Và tình dục cũng thế. Sinh hoạt tình dục kém lành mạnh có thể gây tác hại đến sức khỏe, tinh thần và cả về tương lai hạnh phúc của cá nhân và những người liên hệ. Nạn nhân của tình dục thường là do thiếu hiểu biết. Do đó, GDSKVTD (Giáo dục Sức khỏe về Tình dục) là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm giúp con người giữ được thế quân bình, tự chủ, và để tận dụng được những sản phẩm tốt của nguồn tài nguyên thiên tạo quí báu nầy.

Với sự lan tràn của dịch bệnh Liệt Kháng (SIDA/AIDS), GDSKVTD ngày nay mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Đây không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác y tế, mà là trách nhiệm của mọi ngành, mọi giới, mọi thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, GDSKVTD đòi hỏi kiến thức và kỹ năng của người truyền đạt, nhất là đối với các trẻ em còn nhỏ tuổi, ngoài ra, chương trình GDSKVTD cần được dựa trên tinh thần không làm phương hại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các chuyên viên y tế giáo dục cũng cần tôn trọng đức tin và quyền chọn lựa thông tin phù hợp của cá nhân và gia đình.

Có sự khác biệt giữa GDSKVTD và giáo dục sức khỏe về giới tính (GDSKVGT). GDSKVTD chú trọng về sự phát triển và những hoạt động tâm sinh lý trong đời sống tình dục của con người, bao gồm việc truyền bá kiến thức về cuộc sống gối chăn hay ngăn ngừa những bệnh lây truyền qua sự giao cấu. Trong khi đó, GDSKVGT quan tâm đến đặc điểm cấu tạo, sự phát triển của cơ quan sinh dục, chức năng sinh sản của phái nam và nữ, vai trò và quyền bình đẳng giới tính.

Đa số các chương trình y tế công cộng thường kết hợp và bao gồm GDSKVGT và GDSKVTD. Riêng các chương trình cho thanh thiếu niên, GDSKVGT và cách phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường sinh dục là đề tài chủ yếu.

Cho đến nay, một số cha mẹ và tổ chức tôn giáo ở các nước Tây Âu và Á Châu vẫn còn phản đối việc giảng giải cho trẻ em những vấn đề liên quan đến hoạt động sinh lý của con người với lý do mà thiết nghĩ giới hữu trách cũng cần nên lưu ý. Nhưng trước sự lan tràn của bệnh Liệt Kháng, nạn mua dâm trẻ nhỏ và sự lan tràn sách báo, phim ảnh khiêu dâm trên hệ thống truyền hình và mạng vi tính, việc giảng giải cho trẻ em về những vấn đề liên quan đến sức khỏe về tình dục là một việc cần được thực hiện, và cần được công nhận như là một phương thức chủng ngừa hữu hiệu để giúp các em có những “kháng thể” cần thiết và từ đó hy vọng các em sẽ không là nạn nhân của dục vọng.

Sau đây là vài nét căn bản tổng quát trong việc giảng giải thắc mắc liên quan đến sức khỏe về tình dục cho trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên. Vấn đề GDSKVTD cho trẻ em không gia đình, kém may mắn cũng được đề cập đến trong bài viết.



VÀI NGUYÊN TẮC CHUNG CẦN LƯU Ý

Giảng giải những thắc mắc liên quan đến sức khỏe về tình dục cho trẻ em cần được thực hiện một cách đúng đắn, lời khuyên bảo phải chính xác dựa trên cơ sở khoa học và sự hiểu biết tốt nhất. Phương cách và nội dung giáo dục phải phù hợp với khả năng hiểu biết của từng đối tượng, từng lứa tuổi và phải kịp thời. Các bậc phụ huynh cần tôn trọng và tuyệt đối không nên xem thường những thắc mắc của con em về vấn đề nầy. Ngày nay phương cách phổ cập thông tin đang được khuyến khích sử dụng. Với phương cách nầy những thắc mắc về tình dục của trẻ em sẽ được giải đáp một cách đầy đủ và phù hợp với lứa tuổi bởi các bậc phụ huynh hay chuyên viên.

Đối với phụ huynh Việt Nam, do những cổ tục và định kiến về tình dục, chắc chắn không ít phụ huynh còn gặp khó khăn hay còn tránh né trong vấn đề giảng giải thắc mắc liên quan đến sức khỏe về tình dục cho con em. Do đó, việc đầu tiên là nên tự chuẩn bị cho mình nhiều hơn về mặt tinh thần, nên tham khảo thêm sách vở, nên dự đoán những câu hỏi và tìm câu trả lới thích hợp cho con em. Các bậc phụ huynh nên xem việc giải đáp thắc mắc như là cơ hội để chăm sóc, là dịp để tìm hiểu thêm về những sinh hoạt hàng ngày và các quan hệ bạn bè bên ngoài xã hội. Sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, ngay cả trong cùng một gia đình, có thể sớm muộn không đồng đều. Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu tâm để có thể hướng dẫn kịp thời nhằm tránh và giảm thiểu đến mức tối đa những muộn màng đáng tiếc cho con em mình.



GIÁO DỤC SỨC KHỎE VỀ TÌNH DỤC TRONG HỌC ĐƯỜNG

Nhiều nước trên thế giới đã có chương trình GDSKVTD và GDSKVGT trong học đường cho trẻ em bắt đầu từ năm 11 hay 13 tuổi. Với chiều hướng tuổi dậy thì càng ngày càng sớm, một số chuyên gia trong ngành ở các nước Tây Âu đang đề nghị nên bắt đầu chương trình nầy ở bậc tiểu học, thậm chí ở lứa tuổi mẫu giáo. Cũng nên lưu ý rằng, các bậc phụ huynh cần được tham vấn và thông báo về nội dung giáo dục trước khi nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình giảng dạy.

Việc GDSKVTD trong học đường là một đề án giáo dục quan trọng, nó tạo cơ hội giáo dục đồng đều và có quy củ. Đây là vấn đề cải cách giáo dục mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho xã hội và trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ mồ côi và con em của những gia đình mà các bậc phụ huynh vì bận mưu sinh không đủ thời gian hay điều kiện để hướng dẫn cho con em như họ mong muốn.



GIÁO DỤC SỨC KHỎE VỀ TÌNH DỤC CHO TRẺ BỤI ĐỜI

Trẻ em không gia đình cần sự bảo vệ của xã hội nhiều như trẻ em sống trong gia đình cần sự bảo bọc của cha mẹ. Do đó, một trong những việc hàng đầu của giới hữu trách là thực hiện chương trình GDSKVTD, GDSKVGT, cách phòng ngừa bệnh Liệt Kháng (SIDA/AIDS) và các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, nhằm giảm bớt nguy cơ sa đà không lối thoát cho các em. Bên cạnh những kiến thức căn bản liên quan đến sức khỏe về giới tính và tình dục, trẻ em không gia đình cần được hướng dẫn chi tiết hơn về những vấn đề phức tạp khác liên quan đến cuộc sống lề đường.

Tóm lại, vấn đề hướng dẫn sức khỏe về tình dục là một việc làm quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người. Với ước nguyện được góp phần vun đắp một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống an lành hạnh phúc hơn cho thế hệ trẻ Việt Nam về phương diện tinh thần cũng như về thể chất, hy vọng bài viết này mang đến cho quí độc giả một vài điều bổ ích trong việc hướng dẫn cho con em.

Bs Nguyễn thị Kiều Oanh