Sưu tầm
Thời nay các nhạc sĩ thường phổ nhạc vào thơ, còn thời xưa các hoạ sĩ lại thường vẽ tranh theo thơ. Muốn vậy, người hoạ sĩ phải hiểu ý tứ thâm trầm chứa đựng trong câu thơ và diễn tả bằng những nét bút có thần để lột tả được cái ý vị sâu xa đó.
Chuyện kể rằng; Ngày xưa có một ông vua sành cả thơ và hoạ. Một hôm, tìm được câu thơ hay: Thưởng xuân quy lai mã đề hương, nghĩa là: thưởng xuân trở về hương còn vương chân ngựa, vua thường bảo các hoạ sĩ thể hiện câu thơ đó thành tranh, ai vẽ được sẽ thưởng lớn. Các hoạ sĩ say sưa nghiền ngẫm và trổ tài trong cuộc thi đầy thú vị.
Người thứ nhất dâng lên một bức tranh, trong đó vẽ một chàng trai mặt hớn hở ngồi trên con ngựa cũng đang cất cao đầu, trên mặt đường có rất nhiều hoa và ngựa giẫm bước lên hoa. Vua xem rồi nói: "Người và ngựa hớn hở là đang bắt đầu hoặc đang giữa cuộc thưởng xuân chứ không phải trên đường về và hoa đã rụng rơi thì đâu còn hương".
Người thứ hai dâng vua sáng tác của mình: bức tranh vẽ một chàng trai đang dắt ngựa, góc tranh là mặt trời đã nửa vành khuất núi và ven đường đi là vô số những cụm hoa. Vua nhận xét: "Đã rõ ý thưởng xuân trở về nhưng chưa lột tả được ý hương vương chân ngựa".
Một loạt tác phẩm khác dâng lên đều không làm vua hài lòng. Tưởng như đã thất vọng, vua bỗng nhận được bức tranh cuối cùng của cuộc thi và đó chính là tác phẩm trúng giải. Bức vẽ một chàng trai áo khăn xộc xệch, dắt con ngựa với dáng bước chậm rãi và có hai đàn bướm như hai vệt sáng đang đuổi theo vó ngựa.
Khi trao phần thưởng, vua khen người vẽ đã nhìn thấy cái hương hoa vốn là vô hình.
(Thế giới trong ta)