Bàng Bá Lân (tiếp theo và hết)
Hòai Anh

Ta thấy:

- Cái nhìn của Anh Thơ thường là hướng nôi

- Cái nhìn của Bàng Bá Lân thường là hướng ngoại

- Cảnh của Anh Thơ được nhìn bằng quan sát tinh tế

- Cảnh của Bàng Bá Lân thường vương một chút hồn

- Anh Thơ thuộc trường phải tả chân

- Bàng Bá Lân thuộc trường phái lãng mạn

- Cách viết của Anh Thơ trẻ trung, ngộ nghĩnh (Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa)

- Cách viết của Bàng Bá Lân chín chắn, già dặn (Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai).

- Anh Thơ viết theo kiểu thơ Pháp, chú trọng đến ngữ pháp.

- Bàng Bá Lân viết theo kiểu thơ cổ, hàm súc, kín đáo.

- Thơ Anh Thơ thường kết đột ngột, như chấm dứt một cảnh điện ảnh.

- Thơ của Bàng Bá Lân thường có những câu kết bâng khuâng, gợi cảm, như trong bài “Trưa hè”:

Bài thơ hết mà vẫn để lại dư âm man mác, có sức lay động tâm hồn người. Ở phương diện này, Bàng Bá Lân có chỗ gần gũi với Đoàn Văn Cừ, như trong bài Đêm hè, Đoàn Văn Cừ viết:

Thời gian dừng bước trên đồng vắng
Lá ngập ngừng sa nhẹ dưới ao
Như mơ đường khói lên trời nắng
Trường học làng kia tiếng trống vào.
Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha
Gió lay cót két rặng tre già
Sao trời từng chiếc rơi thành lệ
Sương khói bên đồng ủ bóng mơ.
Gió bỗng thổi ào, mây thấp tối
Buồm căng cuốn rách, nước trôi nhanh.
Trên đường cát bụi vàng theo gió
Nón mới cô kia lật nửa vành.
Ếch gọi nhau hoài tự mấy ao,
Trên bờ cây hoảng hốt lao xao.
Đò ngang vội vã chèo vô bến,
Lớp lớp tràn sông đợt sóng rào
Buồn rơi, trơ lại cột tre gầy,
Loang loáng chân trời chớp xé mây
Chim lẻ vội vàng bay nhớn nhác,
Mưa gieo nặng hạt xuống sông đầy.

Bài Mưa sông của Bàng Bá Lân cũng có được sự nhuần nhuyễn, cô đọng như vậy:

Nếu bài thơ Cổng làng đã mở ra cả một khung trời cao rộng thì đến bài Đêm ở làng, tác giả đã khép lại cái khung trời ấy:

Chùa xa chuông khóc ngày tàn
Chiều như muôn dải lụa vàng thướt tha
Lưng trâu mục tử vang ca
Lời thơ tự mấy đời qua lưu truyền
Vừa nghe tắt giọng êm đềm
Ngọn tre treo mảnh trăng liềm mới lên
Mấy cô hàng xén về đêm
Dưới cây đòn gánh cong mềm bước mau.
Làng tre cổng kín từ lâu
Trong sương chó sủa bớt mau. Im dần…
Trời khuya trăng thức tần ngần
Lòng tơ bao gái cũng gần như trăng.

Sau đó, có lẽ do ảnh hưởng thời cuộc, Bàng Bá Lân đã chuyển sang khuynh hướng tả thực, gần với Đoàn Văn Cừ, như trong bài Mùa gặt:

Trời tang tảng. Sương đào bay lớp lớp,
Cánh đồng quê mờ ngợp khói sương mơ,
Từ cổng làng, từng bọn kéo nhau ra,
Tiếng quang cặp, đòn cân va lách cách.
Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất,
Rồi tạt ngang tản mát khắp đồng quê.
Họ dừng chân bên ruộng ướt sương khuya,
Lúa rạp rạp ngả theo chiều gió thổi.
Thợ đàn ông xắn quần lên quá gối,
Thợ đàn bà cao váy xếnh hai bên
Để lộ ra những cặp bắp chân đen.

***

Rồi hơ hải người liềm xô xuống ruộng
Lúa thức giấc xạc xào trong hỗn độn,
Lúa run run lìa cuống ngã trên tay…
Lũ cào cào, châu chấu sợ tung bay,
Nhưng chớp mắt lại nặng nề rơi xuống
Liềm hái gặt. Lúa thi nhau lìa cuống
Nằm ngổn ngang trên ruộng trở màu đen.
Phía trời đông quạt lửa rộng xòe lên,
Cánh đồng bỗng rực tươi màu đỏ ối.
Sương mỏng mỏng nhẹ tan như làn khói,
Lúa thơm thơm rơm mới cũng thơm thơm
Không khí thơm theo gió chạy rập rờn
Làm gợn gợn sóng vàng trên biển lúa…

Trong bài này có những câu phảng phất thơ Đoàn Văn Cừ.

Bàng Bá Lân:

Trời tang tảng. Sương đào bay lớp lớp

Đoàn Văn Cừ:

Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng

Bàng Bá Lân:

Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất

Đoàn Văn Cừ:

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Bàng Bá Lân:

Cánh đồng bỗng rực tươi màu đỏ ối
Sương mỏng mỏng nhẹ tan như làn khói

Đoàn Văn Cừ:

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa..

Bàng Bá Lân:

Chùa đâu đó rỏ hồi chuông lanh lảnh

Đoàn Văn Cừ:

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh

Ta thấy lời thơ của Bàng Bá Lân thật thà, vụng về hơn Đoàn Văn Cừ nhưng lại thể hiện được những khía cạnh thôn quê mà Đoàn Văn Cừ trước đây chưa nhìn thấy, đặc biệt là chủ đề lao động sản xuất.

Cảnh người kéo cày thay trâu cũng được Bàng Bá Lân phản ảnh trong bài Người trâu làm ở Đôn Thư năm 1945:

Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước
Đôi bóng người đang chậm bước, đi đi
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót
Họ là những nông phu nghèo bậc chót
Không có trâu nên người phải làm… trâu
Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu
Nước đến bụng ôi rét càng thêm rét.
Áo rách tướp hở ra từng miếng thịt
Tím bầm đen trong giá lạnh căm căm
Hì hục làm thỉnh thoảng lại dừng chân
Véo và ném lên mặt đường từng vốc
Nhát trông ngỡ là nắm bùn hay đất
Nhìn lại xem! Ồ đống đỉa đen sì,
Ta rùng mình quay mặt bước chân đi
Lòng tê tái một mối sầu u ám.

Đến bài thơ Đói tả cảnh đói năm 1945, với những chi tiết đặc tả trần trụi, gợi nhớ đến những tấm ảnh thời sự có giá trị lịch sử của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh cũng về đề tài này, nhưng về giá trị nghệ thuật thì còn phải bàn, mặc dầu Bàng Bá Lân cũng là một nhà nhiếp ảnh từng được giải thưởng quốc tế:.

Đói tự Bắc Giang đói từ Hà Nội
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp
Giữa đống trẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khua
Như muốn bắt những gì hư ảnh
Dưới mái tóc rối bù và kết dính
Một làn da đen sạm bọc da đầu
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu
Má hóp lại răng hằn sâu gớm ghiếc…

Sau khi di cư vào Nam, năm 1956, Bàng Bá Lân làm bài thơ Đã hai năm rồi xa quê hương gợi nhớ đến những cái Tết miền Bắc năm xưa, đây cũng là một “Thương nhớ mười hai” trong thơ:

Đã hai Xuân rồi xa quê hương
Ngồi trông về Bắc buồn vương vương
Hoa đào còn đỏ
Hoa cúc có vàng?
Hoa Xuân có phô màu tuyết
Bàn thờ còn ngát trầm hương
Gió khuya heo hút phố phường
Có ai đi lễ trong sương lạnh lùng?
Những bàn tay mịn như nhung
Có vịn cành tơ hái lộc?
Những bàn tay già
Còn lay ống thẻ đầu năm?
Và ở miền quê yêu dấu
Đình chùa miếu mạo ra sao?
Hội hè nô nức xôn xao
Cây đu còn dải yếm đào đùa bay?
Những chiếc khăn vuông mỏ quạ
Còn ôm ấp má hây hây
Những cặp môi hồng tươi nở
Còn thơm, còn thắm trầu cay?

Sống trong cảnh phồn hoa đô hội ở miền Nam, Bàng Bá Lân vẫn nhớ về tiếng võng đưa ở quê nhà miền Bắc:

Tiếng võng đưa
Cót ca cót két
Đêm dài mưa rét
Mẹ ru con mơ màng…
Dân tộc Việt Nam
Lớn trong tiếng võng
Già trong lời ru
Êm đềm thay tiếng võng đưa
Nhịp thơ
Dân tộc
Mơ màng ta nghe tiếng khóc
Của thời măng sữa xa xôi
Ạ ơi ơi…
Ạ ơi ơi…
Cót ca cót két
Muôn đời
Nhịp thở
Và đây những vần thơ
Nhịp theo tiếng võng đung đưa
Nhịp theo lời ân ái
Tình quê vời vợi
Hồn dân tộc mang mang
Bao giờ nối lại giang san
Mà nghe tiếng võng mơ màng đâu đây

Trong ngày “nối lại giang san” sau 30 – 4 – 1975, tôi đã gặp Bàng Bá Lân ở nhà chị Anh Thơ tại đường Thiệu Trị thành phố Hồ Chí Minh và trò chuyện nhiều với ông về quê hương Bình Lục, anh em họ hàng ông và bạn bè văn nghệ của ông ở miền Bắc. Tuổi già, để đoàn tụ gia đình ông xuất cảnh sang Mỹ, và qua đời năm 1989 nhưng trước sau ông vẫn một lòng trung thành với quê hương, đất nước, như bông sen “gần bùn vẫn chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ở đây không chỉ là vấn đề về nghệ thuật thơ mà trước hết là ở nhân cách của nhà thơ. Trong bài Nghịch lý của việc nhận dạng một người Mỹ, John Kinnaid đã viết: “Thơ Whitman cho thấy rằng những hoạt động của trí tưởng tượng của một nhà thơ cũng phải đi liền với ý chí “sống” và hơn nữa cũng tùy thuộc ở sức sống của nhà thơ. Và cái nhân cách của nhà thơ thoát ra từ âm điệu trong câu thơ không phải là cái mặt nạ giả tạo của mộng tưởng do trí tưởng tượng của nghệ thuật, nhưng là một tiếng nói “không thể tách rời khỏi nhân cách của nhà thơ trong cuộc sống thực tại, mặc dầu tiếng nói đó không có liên quan gì đến cuộc sống thực tại. Và cái ý nghĩa chỉ tiến tới một nhân cách như vậy không phải như nhiều người nghĩ chỉ giới hạn trong trạng thái tinh thần lãng mạn của Whitman mà còn là một yếu tố tối cần thiết cho tất cả các nhà thơ khác trong thế giới hiện đại”.

Lời nhắc nhở của một nhà văn Mỹ có thể gợi rất nhiều cho chúng ta trong việc đánh giá các nhà văn sống ở miền Nam sau năm 1954, để có một cái nhìn chân xác thấu lý đạt tình, tránh khỏi những cách vùi dập nghiêt ngã hay tâng bốc bốc đồng, vì như Whitman đã nhấn mạnh cuốn sách của ông thực ra không phải chỉ là một cuốn sách: “Đọc nó tức là đọc một người”.

Nguồn: Văn chương hồn Việt