Bàng Bá Lân, Thơ như tiếng sáo diều (1)
Hòai Anh

Bàng Bá Lân nguyên họ Nguyễn Xuân, mới đổi ra họ Bàng đến Bàng Bá Lân là ba đời. Quê gốc ở làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh tháng 11 năm Nhâm Tý (tháng 12-1912) tại phố Tân Ninh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Dòng dõi nhà nho nên biết làm thơ từ nhỏ. Đã xuất bản những tập thơ Tiếng thông reo (1934), Xưa (chung với Anh Thơ, 1941), Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).

Trong Thi nhân hiện đại (1941), Hoài Thanh viết: “Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ, không nhìn đủ hình dáng đời quê như Anh Thơ. Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh. Bàng Bá Lân có khi lại mến cảnh quên nhìn, nhưng nếu đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu ý đến cảnh ấy - như khi người tả cảnh một buổi sáng

Cổng làng rộng mở. Ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai

Ta thấy rõ người mến cảnh ấy lắm: lòng người cũng mở rộng với cổng làng và cùng vui với nông phu trong nắng sớm.

Bởi thế có lúc con người đã cảm được hồn quê vẫn bàng bạc sau cảnh vật. Tôi không biết làm thế nào nói cho ra điều ấy. Âu là cứ trích ít câu thơ của Bàng Bá Lân:

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…
Đứng lặng trong mây một cánh diều

Cả cái hồn lặng lẽ ngây ngất của đồng quê dưới nắng trưa như ngưng lại trong mấy câu ấy.

Một lần khác, tả trưa hè trong gian nhà tịch mịch, người viết:

Bụi nằm lâu choán xà nhà
Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu.

Mười bốn chữ, chữ nào cũng mang nặng một chút hồn. Thiết tưởng người ta không thể đi sâu vào cảnh vật xứ quê hơn nữa.

Ấy cũng vì Bàng Bá Lân sau khi hấp thụ ở thành thị nền học khá liền về ở nhà quê luôn. Người sống cuộc đời thong dong một ông chủ trại, thì giờ làm ruộng ít hơn là để làm thơ. Chuyện mộng của nhiều người với Bàng Bá Lân đã thành chuyện thực. Có nhiều người thanh niên làm gì thì làm vẫn ao ước thú điền viên, cái thú thân yêu của nhà nho ngày trước. Họ không đủ sống lam lũ như người dân quê thực. Nhưng thành thị thì họ chán ghét lắm rồi. Họ tức tối mỗi lần nghĩ đã đưa giọt máu trong sạch và cường tráng của ông cha đến nơi hẹn hò của bệnh tật, của tội lỗi”.

Theo tôi, không phải Bàng Bá Lân về sống ở nhà quê, nên cảm được hồn quê. Anh Thơ cũng sống ở Phủ Lạng Thương cùng với Bàng Bá Lân, còn Đoàn Văn Cừ thì cho đến khi xảy ra kháng chiến chống Pháp vẫn sống ở nông thôn, mà sao không tả được hồn quê như Bàng Bá Lân. Ta phải tìm câu trả lời ở mặt khác. Đó là phong cách của mỗi nhà thơ. Thơ viết về nông thôn của Đoàn Văn Cừ ít nhiều mang tính chất tả thực khách quan, gần với trường phái Thi sơn của Pháp, còn thơ viết về nông thôn của Bàng Bá Lân nhiều tính chất trữ tình chủ quan, gần với trường phái lãng mạn.

Trong bài phỏng vấn Bàng Bá Lân của Nguyễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa CXI, khi được hỏi:

- Sáng tác để làm gì? Để cho mình hay cho thiên hạ? Để cho bây giờ hay cho mai sau?

Bàng Bá Lân trả lời.

- Chính vì câu hỏi mở đầu này mà tôi chậm trả lời để anh phải nhắc nhở, hỏi lại nhiều lần, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sáng tác để “cho thiên hạ và cho mai sau”. Đó là một cao vọng vượt ra ngoài tầm tư tưởng của tôi. Có thể nói rằng, cũng như chim ca hót, ve than nắng, cuốc kêu hè, dế nỉ non khi hoàng hôn xuống… và nếu bị cấm làm thơ thì tôi khổ sở vô cùng.

- Sáng tác theo một đường lối nhất định nào hay là tùy hứng?

- Nói đường lối nhất định nghe có vẻ chính trị hoặc khoa học quá! Nhưng thật ra thơ tôi thiên về một hướng: ấy là nông thôn. Có lẽ tại tuổi thiếu thời tôi đã sống nhiều ở thôn quê; những cảnh vật cùng nếp sống của người quê đã in sâu vào trí não tôi nên về sau dù ở đâu tôi cũng vẫn không quên được mái đình cong cong, cây đa cô độc, ngõ tre thăm thẳm, đám mạ xanh rờn, đồng lúa vàng hoe, cùng những buổi nắng sớm mưa chiều, trưa hè oi nồng, đêm đông lạnh giá với mùa cấy, mùa gặt vất vả nhưng đông vui vang rộn giọng nói lời ca chan chứa tình thương mộc mạc…

Những cảnh vật đó cứ ám ảnh tôi hoài, bắt tôi phải nghĩ tới, nhớ tới chúng. Vì thế hình ảnh chúng choán khá nhiều chỗ trong thơ tôi. Có thể nói rằng, tôi làm thơ phần nhiều là để được sống lại những tháng ngày mộc mạc êm đềm đã qua bên bờ tre ruộng lúa.

- Những gì đã xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả từ khi tác phẩm bắt đầu thai nghén cho đến lúc nó thành hình?

- Với tôi không có gì “xảy ra trên trang giấy” cả, vì trong lúc làm thơ tôi ít khi viết ra. Phần nhiều những bài thơ của tôi được cấu tạo và thành hình trong trí não. Gần xong hoặc xong hẳn mới viết ra. Và khi đó chỉ còn việc sửa chữa ít lời chưa hay chưa ổn mà thôi.

- Xin cho biết những kinh nghiệm sống?

- Khi có một ý tưởng, một tứ thơ cần được thể hiện, tôi thường nghĩ luôn luôn đến nó như một ám ảnh. Có khi làm xong ngay, có khi kéo dài hàng tuần, hàng tháng chưa rồi! Tôi làm thơ bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào: khi đang đi dạo trên đường phố, lúc giữa hai giờ dạy học (đôi khi cả lúc đang “chạy trường”), khi đang đọc sách, đọc báo… Nhưng thường thì về ban đêm, khi đi nằm thao thức chưa ngủ được và lúc sáng sớm tỉnh dậy. Những giờ phút này với tôi, là thời gian sáng tác nhiều nhất.

Tôi làm thơ tuy là tùy hứng, nhưng cũng tùy cả ý chí mình nữa. Kinh nghiệm cho tôi hay rằng: có tứ rồi mà quyết chí làm xong thì phải xong. Trái lại, thì bỏ dở dang, kéo dài vô tận!

Thơ tôi làm xong, thường chỉ phải sửa đổi, gọt giũa rất ít. Có khi sửa xong ngay, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp phải những chữ chưa ưng ý, mà nghĩ mãi không đổi được, nếu không có sự may mắn tình cờ. Tỉ như trường hợp sau đây:

Năm 1941, tôi cho xuất bản tập thơ “Xưa”, trong đó có một bài thơ ngắn về bức tranh thủy mặc Tàu cổ của ông tôi, nhan đề là “Bức tranh xưa”.

Non cao suối bạc tuôn dòng
Một cầu nho nhỏ, đường cong mép đồi
Nhà sơn ba túp lôi thôi
Rừng xa xào xạc gọi đôi chim về
Lối mòn hun hút chân đê
Xe trâu lọc cọc bánh kê gập ghềnh
Dặm xa lẽo đẽo một mình
Đổi vai khăn gói chạnh tình tha hương.

Có một chữ tôi chưa ưng ý: đó là chữ đổi ở câu cuối, vì tôi thấy nó thật thà quá, thiếu chất thơ! Nhưng nghĩ mãi mà không tìm được chữ khác hay hơn để thay thế, nên đành phải để vậy cho in mà lòng riêng vẫn hằng tấm tức? Tháng năm qua. Mãi đến năm 1945, Hội Trí Đức Dục Thanh Bình, nhân dịp khánh thành thư viện mới, mời tôi xuống diễn thuyết về vấn đề văn học (do nhà sách Minh Đức làm trung gian). Thế rồi, trong một bữa tiệc đầy đủ mặt thân hào, nhân sĩ, văn nghệ sĩ đất Thái, cô Anh Thơ (hồi đó ở Thái Bình) bị mời ngâm thơ. Trong số mấy bài thơ cô ngâm, có bài “Bức tranh xưa” mà câu cuối cùng cô đã ngâm rằng:

Dặm xa lẽo đẽo một mình
Trở vai khăn gói chạnh tình tha hương!

Tôi giật mình, mừng rỡ. Cái chữ rất thường ở ngay trước mặt, ngay đầu lưỡi, thế mà tôi đã bận trí tìm tòi hơn bốn năm ròng không ra.

Tiệc tan tôi hỏi thử Anh Thơ:

- Trong bài thơ của tôi mà cô ngâm, có một chữ lầm! Cô có biết không!

Nghĩ vài giây, nữ thi sĩ quả quyết trả lời:

- Không

- Cô nhớ lại câu cuối xem!

Anh Thơ vẫn quả quyết:

- Nhất định không lầm chữ nào!

- Có! Chữ “đổi” … Đổi vai khăn gói… cô đã tự ý sửa hay hơn là trở vai khăn gói.

- Anh nói đùa! Từ trước đến nay tôi vẫn nhớ và vẫn ngâm như thế mà! Từ đấy rút kinh nghiệm vừa kể, mỗi lần gặp một chữ bí miễn cưỡng mà chưa tìm ra chữ gì thay thế, tôi thường đọc cho bè bạn có khi cả con cháu trong nhà nghe, hi vọng gặp lại sự tình cờ may mắn trên, may mắn không kém gì nhà thơ Malherbe (1555-1626) với bài thơ “Stances à du Perier” vậy*

Trong bài viết về Anh Thơ trong cuốn Vài kỷ niệm về mấy Văn thi sĩ hiện đại (Xây dựng, Sài Gòn), Bàng Bá Lân viết:

“Lúc Anh Thơ đến, tôi đang chép lại bài “Bà đồ” mới làm xong. Anh Thơ xem và thích lắm, đòi coi tất cả những bài khác, rồi hỏi tôi bao giờ cho in Tôi trả lời:

- Cái đó còn tùy, vì một tập thơ ít ra cũng phải có chừng 25 hoặc 30 bài, mà tôi mới sáng tác được hơn mười bài, lại phải còn chọn lọc nữa chứ.

Tác giả “Bức tranh quê” liền đề nghị: Để cho tập thơ chóng hoàn thành và nếu tôi không thấy gì trở ngại, cô sẵn sàng hợp tác vì cô cũng rất mến yêu người xưa cảnh cũ và cũng đã có làm vài bài rồi. Và cô đọc cho tôi nghe bài thơ “Vườn xưa”. Tôi thấy bài ấy rất được, nên thuận để cô hợp tác.

Chỉ mấy ngày, cô đã đem lại một số bài khiến tôi không khỏi ngạc nhiên về sự mẫn tiệp đó. Tiện đây tôi tưởng cũng nên tiết lộ để bạn đọc rõ lối sáng tác thơ khá đặc biệt của tác giả Bức tranh quê. Nhà thơ này không sáng tác như phần đông thi sĩ khác. Khi một đề tài nảy ra trong trí, Anh Thơ phải ngồi vào bàn, trải giấy ra trước mặt, tay cầm bút rồi viết viết xóa!...thì ý thơ mới ra, lời thơ mới tới. Nghĩa là cô làm thơ như người ta viết văn. Với Anh Thơ, không có chuyện “xuất khẩu thành thi”! Nhưng cũng không cần phải chờ đợi cảm hứng.

Với lối làm việc này, tác giả lại chịu khó thì tưởng sự sáng tác mau lẹ của cô cũng không lạ vậy.

Vì thế, tháng 11 năm đó (năm 1941-NV) thi phẩm Xưa đã in xong và bắt đầu phát hành”.

Trong tập Xưa có 15 bài của Bàng Bá Lân và 10 bài của Anh Thơ (mà nhà thơ làm xong trong có mấy ngày), qua mảng ký ức này, ta thấy Anh Thơ không đợi cảm hứng. Khi làm thơ phải viết ra giấy và viết rất nhanh. Trong khi Bàng Bá Lân phải chờ cảm hứng, nhẩm trong trí cho đến khi hoàn thành mới viết ra giấy và viết rất lâu.

Dưới đây thử so sánh bài thơ Trưa hè của Bàng Bá Lân với bài thơ Trưa hè của Anh Thơ, để thấy được sự khác nhau giữa hai phong cách thơ:

Anh Thơ: Các bà già đưa võng hát, thiu thiu

Bàng Bá Lân: Quán cũ nằm lười trong sóng nắng

Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu

Anh Thơ: Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng

Bàng Bá Lân: Cành thưa, nắng tưới chim không đứng

Quả chín bâng khuâng rụng trước hè

Anh Thơ: Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa

Bàng Bá Lân: Đứng lặng trong mây một cánh diều

Anh Thơ: Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ

Của vài người cưỡi ngựa đến xua ngay

Bàng Bá Lân: Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng

Anh Thơ: Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy

Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu

Bàng Bá Lân: Ve ve rung cánh ruồi say nắng

Vài cô về chợ buông quang thúng

Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

(còn tiếp)