Bài 1 đến 10/34

Chủ đề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

Hybrid View

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Hai mươi năm ngày mất nhà thơ lớn Chế Lan Viên
    Vũ Quần Phương

    Trong tập Hoa trên đá (1984), Chế Lan Viên cũng đã quay lại với giọng nhỏ trữ tình riêng tư, như hồi nào ông viết Ánh sáng và Phù sa. Tập trước, 1960, đánh dấu sự chuyển hướng thành công, từ chân trời một người đến chân trời mọi người. Tập sau, một phần tư thế kỷ đi qua, là sự kết tinh một đời thơ, thu ngoại giới vào hồn mình, thành hồn mình. Hoa trên đá là một mốc chuyển đáng lưu ý của Chế Lan Viên. Chủ thể cá nhân bộc lộ khá nhiều mà không cá nhân chủ nghĩa:

    Đời ngoài tuổi năm mươi
    Mong gì hương sắc lạ
    Mọc chùm hoa trên đá
    Mùa xuân đâu chịu lùi

    Nông nỗi cá nhân, mà buồn nữa. Tình thế buồn nhưng người không cam phận.

    Chả bề nào khuây được bể đâu
    Trừ ra bể sâu hơn bể nữa
    Bể gây những cuồng phong bão tố
    Cũng để quên mình lỡ đã thẳm sâu

    Bi kịch nhưng cũng là cái giá phải trả cho sự biết, nhất là để biết mình. Rất nhiều bài thơ như tự vấn trở lại những cái ngỡ như đã biết, thậm chí, đã giảng cho người khác: lẽ nào, chẳng lẽ, ngỡ như...Một nhà thơ nổi tiếng là thông minh, uyên bác và hùng biện như sông Hồng sông Mã, gầm reo trong đạn lửa, lúc cao niên lại muốn im lặng mà lắng nghe tiếng thì thầm của con sông Thương nước mắt sông nhớ thương ai mà nước chảy đôi dòng. Thơ cảm động ở nỗi sâu nặng tình đời, như khi nghe cô gái xênh tiền:

    Chỉ là nhịp gõ ấy sao mà
    Em xoay tà áo thì ta khóc
    Khi thoảng ngang lòng tiếng í a

    Tâm hồn nhà thơ như yếu đuối hơn, ông nài nĩ với cuộc đòi:

    Nghe hết câu chèo đã, được không
    Vội gì trăm núi với ngàn sông
    Lặng đi một phút cho câu hát
    Cùng với mầu mây thấm tận lòng

    Cũng đề tài chiến tranh, sau rất nhiều bài thơ tung hoành như cáo, như hịch, như anh hùng ca giúp người đứng vững giữa đạn bom mà đánh giặc. Nay đất nước yên hàn, lòng ông lắng lại, cân lại những hy sinh Những giọt lệ khô rồi bây giờ lại nhỏ. Ông sống lại nỗi lòng người vợ đợi chồng: Đêm đối diện với ngọn đèn hạt đỗ. Ông xót xa trong đêm hò dấu nỗi đau từ tạ:

    Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
    Nước mắt nhỏ sau câu hò, em lấy tay che

    Ông không dấu vị đắng của lòng mình khi trở về quê cũ An Nhơn sau chiến tranh, sau thời chia cắt Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người. Có câu thơ thật thà như câu nói mà trong hồn vía nó có chiêm nghiệm của cả đời người:

    Ở đâu đong hạnh phúc chén đầy, đây chỉ chén vơi
    Một hạt tấm con no suốt một đời

    Bao nhiêu nỗi buồn của con người thời thơ tránh né, tránh né để lòng yên mà đánh giặc, Chế Lan Viên tự tin mà nhặt lại. Ngay nỗi buồn của lòng ông, kể cả cái tình thế cùng đường bị thời gian dồn đuổi Anh như ông vua Thục / Bị đưổi khỏi thời gian ông cũng không che dấu. Đó cũng là sự tự tin của cả nền thơ. Nỗi xúc động làm bừng tỉnh giữa cơn say ở làng Hung hay vị cay nhoè mắt khói củi sồi năm sơ tán làng quê ngoài Bắc, cỏ xanh ở Tháp Rùa hay lau trắng nơi biên giới...là những cảm xúc đã nâng thành trí tuệ, một cốt cách cổ điển mới của thơ hiện đại..

    Sau khi ông tạ thế, liên tiếp ba tập di cảo được xuất bản (1992, 1993, 1996), bạn đọc sửng sốt và vui mừng: một Chế Lan Viên khác, thực hơn, bạo hơn, gọn hơn, chắc hơn. Do vậy, mới hơn, trẻ hơn và rất lý thú là không hề cắt rời với thi pháp độc đáo Chế Lan Viên. Di cảo là những bài lúc sống, ông chưa đưa in. Chưa đưa in có lẽ vì ngần ngại năng lực tiếp thu của xã hội lúc đó.

    Ông quan niệm lại nhiều thứ. Nghệ thuật là ước lệ. Thực quá có là nghệ thuật không. Dễ mất thi vị lắm nếu cứ thẳng thừng gọi đúng tên mọi vật

    Để khỏi nhớ ơn, người ta bày ra chữ cám ơn
    Cám ơn, một lần, hai lần, thôi thế là rảnh nợ

    Bạo để được thực, nhưng bạo cũng lắm cái phiền. Thực ngay trong sự nhìn lại mình, vẽ ra chính mặt mình có khi lại bị chê là giả, vì người đời đã quen khuôn mặt giả mất rồi. Chế Lan Viên viết như bổ xung, như đính chính những điều đã viết. Nhiều cách nghĩ ta thấy lạ. Lạ với ông. Lạ cả với nền thơ. Nghĩ thế nào về đời, về thơ mà dẫn đến cách đánh giá chính mình như thế này:

    Ôi! Con đường không ra đường của kẻ tìm thơ
    Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường

    Ông như tách khỏi mình mà khảo sát chính mình, ở cái chỗ người ta tưởng ông đắc ý lại là chỗ ông đã xót thương :

    Khi tôi cưỡi trên mây
    Thì máu người rên trên đất
    Mẹ hỏi tôi
    Con lên cao mà làm chi
    Mẹ ở dưới này cơ cực
    Về đi!

    Có người nghĩ Di cảo là thơ sám hối của Chế Lan Viên. Tôi không thấy thế. Di cảo chỉ là sự bổ xung. Chỉ nói nốt những điều trước kia tự ông dừng lại. Dừng lại không nói, chứ không phải không có nó trong lòng. Di cảo đi xa hơn nhưng vẫn trong hướng tìm của nhà thơ. Ông từng có bài thơ nói người tù Côn Đảo ban ngày trần mình ra chịu đòn thù đánh vào hồn vào xác, nhưng đêm về thì lấy trăng sao, hương gió mà nạp năng lượng cho trận chiến ngày mai. Bây giờ thấy ông còn có thêm đoạn ba này: là nói thế thôi, chứ đêm kẻ thù cũng chẳng để anh yên, cái cuộc đời ở đây phút giây nào chẳng phải căng ra mà chịu trận. Chế Lan Viên ở giai đoạn này, gắng nói gọn, nói hết những điều ông đã thấy, đã nghĩ, đã ngập ngừng. Quen tư duy bằng hình tượng, mọi điều nghĩ đã thành thơ phác thảo. Lúc này ông tước mọi uốn éo tài hoa mà thơ vốn có để nói bộp vào thực chất. Bài thơ ngắn đi, nhưng nghĩ ngợi nhiều, chìm sâu vào chiêm nghiệm.

    Chiêm nghiệm cái đời người.
    Chiêm nghiệm thơ.
    Chiêm nghiệm xã hội, chính trị, vua quan, các thứ chủ nghĩa...

    Thi pháp Di Cảo hiện đại hơn chính vì nó trình bày chất thơ để mộc từ trong lõi. Ông nói: các người đẹp, các vĩ nhân, các thi sĩ thiên tài thì tât cả đều có con nhặng xanh đón đợi. Ngay khi anh đang thơm tho với tuổi tên danh vọng, con nhặng xanh đã nhận ra cái mùi chung cục của anh rồi. Tốt cho anh là anh cũng phải nhìn ra nó sớm. Không phải chỉ tới những ngày trọng bệnh , mà thỉnh thoàng trong đời, ông lại ngẫm nghĩ về sự sống, về cái đời người:

    Ừ anh là sông trôi, là hạt móc
    Là tiếng khóc thất thanh. Nhưng anh lại
    Là người. Việc gì phải tủi .

    Không tủi mà còn thích thú nữa. Nhìn lại, có lúc ông tự trách:

    Được làm người khoái thế
    Vậy mà anh để hồn buồn và trán luôn cau.

    Ông đi thăm lò hoả táng, quan sát nó vận hành. Nghĩ đến chung cục đời người thấy nó ghê ghê. Nhưng ngẫm lại, đó cũng là công việc của đời thường, chuyên cần nhịp nhàng:

    Sáng đưa xác vào, trưa lấy xương ra
    Đều đặn như bánh vào lò
    Mỗi ngày hai suất
    Việc phải đến thì nó đến. Ông đã từng băn khuăn

    Ta đã nghĩ ra cái đẻ không đau
    Nhưng cái chết không đau thì chưa nghĩ tới.

    Rồi lại tự nhủ: mà nghĩ cũng chả để làm gì. Nào triết nào văn, nghe mãi nhức đầu. Trước cái cuộc hành trình nhẩn nha mà rất gấp của đời ấy, tốt nhất:

    Ta đạp lên siêu hình và bớt nghĩ về ta
    Thế là yên chuyện

    Căng mình chống chọi với trời đông, ngạo nghễ như cây thông cũng chỉ là một cách mà cứ mềm mại buông mình xào xạc với gió thu như cây lau lại là một cách khác, không phải không hay. Ông lại nói, như một đấu tranh giai cấp tính: lên voi thì xuống chó, nhưng lên mới đến chó thì xuống đến đâu. Kiểu lập tứ ấy giống như một lối chơi tu từ, nhưng ngẫm kĩ nó là chuyện đời bây giờ đấy chứ. Chua chát! Ừ thì chua chát, đời mà, mấy khi ngọt. Người ta nói dối nhiều nên vu cho chú Cuội tội nói dối mà phê phán để trốn được tội mình đi.

    Nói dối gì, Cuội thật biết bao nhiêu
    Thế hệ nào đến cũng gặp mày nguyên tại chỗ
    Chỉ kẻ nhìn lên trăng thì nói dối đủ điều

    Lúc là chú bé con , hét một tiếng trong Văn Miếu, nghe tiếng vang mà sợ, chạy. Lớn lên, nói trên Đài, hét trong sách lại thích thú chờ tiếng vang dội lại, có khi còn chạy đuổi theo. Nay cuối đời thèm yên tĩnh, nhìn xuống huyệt mình lại thấy có tiếng vang(!). Chế Lan Viên ưa nghĩ ngợi, thích phát hiện những ý tưởng thâm trầm ở những sự việc đã quá quen mòn, không ai còn để ý. Nhìn cái lá sen ngoài hồ lật theo chiếu gió, liên hệ với tâm trạng mình, ông cho nó một ý nghĩa triết học:

    Phía bên này lá sen là cuộc đời quá cũ
    Danh vọng, giấy tờ, bàn tủ
    Hoan hô và chửi rủa
    Thế mà lật lá sen hồ, bỗng chốc phía bên kia
    Bỗng chốc là mùi hương ở bên kia lá
    Là ánh trăng ở trong tiếng gió
    Là thì thầm ánh sao khuya
    Trong cỏ...
    Gọi anh đi

    Ông tự hỏi: ông đã viết câu thơ cổ vũ hai nghìn người đêm ấy ra trận, chỉ ba mươi người về:

    Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
    Ngồi quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
    Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
    Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
    Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
    Tôi ú ớ
    Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
    Mà tôi xấu hổ

    Con người thông minh và giàu lãng mạn, thuở đầu đời phóng ra xa tới siêu thực, cuối đời rút vào cốt lõi hiện thực, gạt đi mọi trang trí để lần ra thực chất đời người.

    Thực chất cái goi là sự “bất tử”:
    Có nhà thơ để lại bộ lông vằn tên tuổi
    Các thế hệ sau đến độn vào đấy rơm và danh vọng
    Thậm chí thêm cho con vật chết khô
    Cả một tiếng gầm.

    Thực chất cái chết, nó đã alô cho ông rồi, sỗ sàng, thẳng thừng. Thì nó sợ ai:

    A lô! Nói gì nói nhanh lên
    (...) Và nhìn gì thì nhìn đi
    Không ai bịt mắt
    Mà cũng đừng nhắm mắt
    Nói lên vắn tắt
    Rồi đi

    Nhưng thực chất thơ. Ông nói tới đủ điều, ví với nhiều công việc. Mà vẫn như chưa vào thực chất thơ. Ông là nhà thơ nghiền ngẫm về chuyện làm thơ nhiều nhất. Những bài nói về nghề bằng văn xuôi, những chương nghĩ về thơ bằng thơ sâu sắc, tài tình. Giờ đây, thời gian kíp lắm rồi, ông vẫn lật đi lật lại, mê mải nói thêm. Ông so thi sĩ với hòn đá tảng, thơ nói ra (ở người) và thơ nén vào thành lửa (ở đá), cái nào hơn? Ông nhận ra cái không hoàn toàn mới là cái còn tiến hoá. Ông chấp nhận nghich cảnh: nụ hoa hồng vừa nhú tươi non trên cành ông khô nhựa. Ông biết quy luật của nghề:

    Ta là ta mà luôn luôn bối rối
    Tìm lại ta
    Đi tám cõi mười phương rồi mới tìm ra
    Nó ở trong nhà

    Hơn bảy trăm bài thơ Di cảo là một cách dùng quy luật nghề để vượt lên nghịch cảnh. Ông đã thắng. Chỉ riêng với Di cảo thôi đủ tạo dựng sự nghiệp một nhà thơ lớn.

    Nguồn: Hoinhavanvn

  2. #2
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Bàng Bá Lân, Thơ như tiếng sáo diều (1)
    Hòai Anh

    Bàng Bá Lân nguyên họ Nguyễn Xuân, mới đổi ra họ Bàng đến Bàng Bá Lân là ba đời. Quê gốc ở làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh tháng 11 năm Nhâm Tý (tháng 12-1912) tại phố Tân Ninh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Dòng dõi nhà nho nên biết làm thơ từ nhỏ. Đã xuất bản những tập thơ Tiếng thông reo (1934), Xưa (chung với Anh Thơ, 1941), Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).

    Trong Thi nhân hiện đại (1941), Hoài Thanh viết: “Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ, không nhìn đủ hình dáng đời quê như Anh Thơ. Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh. Bàng Bá Lân có khi lại mến cảnh quên nhìn, nhưng nếu đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu ý đến cảnh ấy - như khi người tả cảnh một buổi sáng

    Cổng làng rộng mở. Ồn ào
    Nông phu lững thững đi vào nắng mai

    Ta thấy rõ người mến cảnh ấy lắm: lòng người cũng mở rộng với cổng làng và cùng vui với nông phu trong nắng sớm.

    Bởi thế có lúc con người đã cảm được hồn quê vẫn bàng bạc sau cảnh vật. Tôi không biết làm thế nào nói cho ra điều ấy. Âu là cứ trích ít câu thơ của Bàng Bá Lân:

    Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
    Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
    Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…
    Đứng lặng trong mây một cánh diều

    Cả cái hồn lặng lẽ ngây ngất của đồng quê dưới nắng trưa như ngưng lại trong mấy câu ấy.

    Một lần khác, tả trưa hè trong gian nhà tịch mịch, người viết:

    Bụi nằm lâu choán xà nhà
    Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu.

    Mười bốn chữ, chữ nào cũng mang nặng một chút hồn. Thiết tưởng người ta không thể đi sâu vào cảnh vật xứ quê hơn nữa.

    Ấy cũng vì Bàng Bá Lân sau khi hấp thụ ở thành thị nền học khá liền về ở nhà quê luôn. Người sống cuộc đời thong dong một ông chủ trại, thì giờ làm ruộng ít hơn là để làm thơ. Chuyện mộng của nhiều người với Bàng Bá Lân đã thành chuyện thực. Có nhiều người thanh niên làm gì thì làm vẫn ao ước thú điền viên, cái thú thân yêu của nhà nho ngày trước. Họ không đủ sống lam lũ như người dân quê thực. Nhưng thành thị thì họ chán ghét lắm rồi. Họ tức tối mỗi lần nghĩ đã đưa giọt máu trong sạch và cường tráng của ông cha đến nơi hẹn hò của bệnh tật, của tội lỗi”.

    Theo tôi, không phải Bàng Bá Lân về sống ở nhà quê, nên cảm được hồn quê. Anh Thơ cũng sống ở Phủ Lạng Thương cùng với Bàng Bá Lân, còn Đoàn Văn Cừ thì cho đến khi xảy ra kháng chiến chống Pháp vẫn sống ở nông thôn, mà sao không tả được hồn quê như Bàng Bá Lân. Ta phải tìm câu trả lời ở mặt khác. Đó là phong cách của mỗi nhà thơ. Thơ viết về nông thôn của Đoàn Văn Cừ ít nhiều mang tính chất tả thực khách quan, gần với trường phái Thi sơn của Pháp, còn thơ viết về nông thôn của Bàng Bá Lân nhiều tính chất trữ tình chủ quan, gần với trường phái lãng mạn.

    Trong bài phỏng vấn Bàng Bá Lân của Nguyễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa CXI, khi được hỏi:

    - Sáng tác để làm gì? Để cho mình hay cho thiên hạ? Để cho bây giờ hay cho mai sau?

    Bàng Bá Lân trả lời.

    - Chính vì câu hỏi mở đầu này mà tôi chậm trả lời để anh phải nhắc nhở, hỏi lại nhiều lần, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sáng tác để “cho thiên hạ và cho mai sau”. Đó là một cao vọng vượt ra ngoài tầm tư tưởng của tôi. Có thể nói rằng, cũng như chim ca hót, ve than nắng, cuốc kêu hè, dế nỉ non khi hoàng hôn xuống… và nếu bị cấm làm thơ thì tôi khổ sở vô cùng.

    - Sáng tác theo một đường lối nhất định nào hay là tùy hứng?

    - Nói đường lối nhất định nghe có vẻ chính trị hoặc khoa học quá! Nhưng thật ra thơ tôi thiên về một hướng: ấy là nông thôn. Có lẽ tại tuổi thiếu thời tôi đã sống nhiều ở thôn quê; những cảnh vật cùng nếp sống của người quê đã in sâu vào trí não tôi nên về sau dù ở đâu tôi cũng vẫn không quên được mái đình cong cong, cây đa cô độc, ngõ tre thăm thẳm, đám mạ xanh rờn, đồng lúa vàng hoe, cùng những buổi nắng sớm mưa chiều, trưa hè oi nồng, đêm đông lạnh giá với mùa cấy, mùa gặt vất vả nhưng đông vui vang rộn giọng nói lời ca chan chứa tình thương mộc mạc…

    Những cảnh vật đó cứ ám ảnh tôi hoài, bắt tôi phải nghĩ tới, nhớ tới chúng. Vì thế hình ảnh chúng choán khá nhiều chỗ trong thơ tôi. Có thể nói rằng, tôi làm thơ phần nhiều là để được sống lại những tháng ngày mộc mạc êm đềm đã qua bên bờ tre ruộng lúa.

    - Những gì đã xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả từ khi tác phẩm bắt đầu thai nghén cho đến lúc nó thành hình?

    - Với tôi không có gì “xảy ra trên trang giấy” cả, vì trong lúc làm thơ tôi ít khi viết ra. Phần nhiều những bài thơ của tôi được cấu tạo và thành hình trong trí não. Gần xong hoặc xong hẳn mới viết ra. Và khi đó chỉ còn việc sửa chữa ít lời chưa hay chưa ổn mà thôi.

    - Xin cho biết những kinh nghiệm sống?

    - Khi có một ý tưởng, một tứ thơ cần được thể hiện, tôi thường nghĩ luôn luôn đến nó như một ám ảnh. Có khi làm xong ngay, có khi kéo dài hàng tuần, hàng tháng chưa rồi! Tôi làm thơ bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào: khi đang đi dạo trên đường phố, lúc giữa hai giờ dạy học (đôi khi cả lúc đang “chạy trường”), khi đang đọc sách, đọc báo… Nhưng thường thì về ban đêm, khi đi nằm thao thức chưa ngủ được và lúc sáng sớm tỉnh dậy. Những giờ phút này với tôi, là thời gian sáng tác nhiều nhất.

    Tôi làm thơ tuy là tùy hứng, nhưng cũng tùy cả ý chí mình nữa. Kinh nghiệm cho tôi hay rằng: có tứ rồi mà quyết chí làm xong thì phải xong. Trái lại, thì bỏ dở dang, kéo dài vô tận!

    Thơ tôi làm xong, thường chỉ phải sửa đổi, gọt giũa rất ít. Có khi sửa xong ngay, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp phải những chữ chưa ưng ý, mà nghĩ mãi không đổi được, nếu không có sự may mắn tình cờ. Tỉ như trường hợp sau đây:

    Năm 1941, tôi cho xuất bản tập thơ “Xưa”, trong đó có một bài thơ ngắn về bức tranh thủy mặc Tàu cổ của ông tôi, nhan đề là “Bức tranh xưa”.

    Non cao suối bạc tuôn dòng
    Một cầu nho nhỏ, đường cong mép đồi
    Nhà sơn ba túp lôi thôi
    Rừng xa xào xạc gọi đôi chim về
    Lối mòn hun hút chân đê
    Xe trâu lọc cọc bánh kê gập ghềnh
    Dặm xa lẽo đẽo một mình
    Đổi vai khăn gói chạnh tình tha hương.

    Có một chữ tôi chưa ưng ý: đó là chữ đổi ở câu cuối, vì tôi thấy nó thật thà quá, thiếu chất thơ! Nhưng nghĩ mãi mà không tìm được chữ khác hay hơn để thay thế, nên đành phải để vậy cho in mà lòng riêng vẫn hằng tấm tức? Tháng năm qua. Mãi đến năm 1945, Hội Trí Đức Dục Thanh Bình, nhân dịp khánh thành thư viện mới, mời tôi xuống diễn thuyết về vấn đề văn học (do nhà sách Minh Đức làm trung gian). Thế rồi, trong một bữa tiệc đầy đủ mặt thân hào, nhân sĩ, văn nghệ sĩ đất Thái, cô Anh Thơ (hồi đó ở Thái Bình) bị mời ngâm thơ. Trong số mấy bài thơ cô ngâm, có bài “Bức tranh xưa” mà câu cuối cùng cô đã ngâm rằng:

    Dặm xa lẽo đẽo một mình
    Trở vai khăn gói chạnh tình tha hương!

    Tôi giật mình, mừng rỡ. Cái chữ rất thường ở ngay trước mặt, ngay đầu lưỡi, thế mà tôi đã bận trí tìm tòi hơn bốn năm ròng không ra.

    Tiệc tan tôi hỏi thử Anh Thơ:

    - Trong bài thơ của tôi mà cô ngâm, có một chữ lầm! Cô có biết không!

    Nghĩ vài giây, nữ thi sĩ quả quyết trả lời:

    - Không

    - Cô nhớ lại câu cuối xem!

    Anh Thơ vẫn quả quyết:

    - Nhất định không lầm chữ nào!

    - Có! Chữ “đổi” … Đổi vai khăn gói… cô đã tự ý sửa hay hơn là trở vai khăn gói.

    - Anh nói đùa! Từ trước đến nay tôi vẫn nhớ và vẫn ngâm như thế mà! Từ đấy rút kinh nghiệm vừa kể, mỗi lần gặp một chữ bí miễn cưỡng mà chưa tìm ra chữ gì thay thế, tôi thường đọc cho bè bạn có khi cả con cháu trong nhà nghe, hi vọng gặp lại sự tình cờ may mắn trên, may mắn không kém gì nhà thơ Malherbe (1555-1626) với bài thơ “Stances à du Perier” vậy*

    Trong bài viết về Anh Thơ trong cuốn Vài kỷ niệm về mấy Văn thi sĩ hiện đại (Xây dựng, Sài Gòn), Bàng Bá Lân viết:

    “Lúc Anh Thơ đến, tôi đang chép lại bài “Bà đồ” mới làm xong. Anh Thơ xem và thích lắm, đòi coi tất cả những bài khác, rồi hỏi tôi bao giờ cho in Tôi trả lời:

    - Cái đó còn tùy, vì một tập thơ ít ra cũng phải có chừng 25 hoặc 30 bài, mà tôi mới sáng tác được hơn mười bài, lại phải còn chọn lọc nữa chứ.

    Tác giả “Bức tranh quê” liền đề nghị: Để cho tập thơ chóng hoàn thành và nếu tôi không thấy gì trở ngại, cô sẵn sàng hợp tác vì cô cũng rất mến yêu người xưa cảnh cũ và cũng đã có làm vài bài rồi. Và cô đọc cho tôi nghe bài thơ “Vườn xưa”. Tôi thấy bài ấy rất được, nên thuận để cô hợp tác.

    Chỉ mấy ngày, cô đã đem lại một số bài khiến tôi không khỏi ngạc nhiên về sự mẫn tiệp đó. Tiện đây tôi tưởng cũng nên tiết lộ để bạn đọc rõ lối sáng tác thơ khá đặc biệt của tác giả Bức tranh quê. Nhà thơ này không sáng tác như phần đông thi sĩ khác. Khi một đề tài nảy ra trong trí, Anh Thơ phải ngồi vào bàn, trải giấy ra trước mặt, tay cầm bút rồi viết viết xóa!...thì ý thơ mới ra, lời thơ mới tới. Nghĩa là cô làm thơ như người ta viết văn. Với Anh Thơ, không có chuyện “xuất khẩu thành thi”! Nhưng cũng không cần phải chờ đợi cảm hứng.

    Với lối làm việc này, tác giả lại chịu khó thì tưởng sự sáng tác mau lẹ của cô cũng không lạ vậy.

    Vì thế, tháng 11 năm đó (năm 1941-NV) thi phẩm Xưa đã in xong và bắt đầu phát hành”.

    Trong tập Xưa có 15 bài của Bàng Bá Lân và 10 bài của Anh Thơ (mà nhà thơ làm xong trong có mấy ngày), qua mảng ký ức này, ta thấy Anh Thơ không đợi cảm hứng. Khi làm thơ phải viết ra giấy và viết rất nhanh. Trong khi Bàng Bá Lân phải chờ cảm hứng, nhẩm trong trí cho đến khi hoàn thành mới viết ra giấy và viết rất lâu.

    Dưới đây thử so sánh bài thơ Trưa hè của Bàng Bá Lân với bài thơ Trưa hè của Anh Thơ, để thấy được sự khác nhau giữa hai phong cách thơ:

    Anh Thơ: Các bà già đưa võng hát, thiu thiu

    Bàng Bá Lân: Quán cũ nằm lười trong sóng nắng

    Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu

    Anh Thơ: Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng

    Bàng Bá Lân: Cành thưa, nắng tưới chim không đứng

    Quả chín bâng khuâng rụng trước hè

    Anh Thơ: Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa

    Bàng Bá Lân: Đứng lặng trong mây một cánh diều

    Anh Thơ: Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ

    Của vài người cưỡi ngựa đến xua ngay

    Bàng Bá Lân: Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng

    Anh Thơ: Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy

    Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu

    Bàng Bá Lân: Ve ve rung cánh ruồi say nắng

    Vài cô về chợ buông quang thúng

    Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

    (còn tiếp)

  3. #3
    Super Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    6.058
    Thanks
    3.717
    Thanked 3.039 Times in 1.244 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Pha Lê ơi, bài viết chọn màu chữ đỏ đọc nhức mắt quá em à!

  4. #4
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Trích dẫn Trích dẫn của TeacherABC Xem bài viết
    Pha Lê ơi, bài viết chọn màu chữ đỏ đọc nhức mắt quá em à!
    Anh reply nhanh thế... em thao tác nhầm...

  5. #5
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Anh Thơ


    Các bút danh khác: Tuyết Anh, Hồng Minh

    (1918-2005)

    Họ và tên khai sinh: Vương Kiều Ân. Sinh ngày 25 tháng 01 năm 1918, tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

    Quê quán: Thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Mất ngày 14 tháng 3 năm 2005, tại Hà Nội.

    Tác phẩm chính đã xuất bản: Bức tranh quê (thơ, 1941); Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (1944); Hương xuân (thơ, in chung, 1944); Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957); Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Đảo ngọc (thơ, 1964); Hoa dứa trắng (thơ, 1967); Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974); Quê chồng (thơ, 1979); Tiếng chim tu hú (hồi ký, 1995); Lệ sương (thơ, 1995); Cuối mùa hoa (thơ, 2000); Từ bến sông Thương (hồi ký, 2002).

    Giải thưởng văn học: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

    Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, 2007.


    Bến đò đêm trăng

    Mây tản mát ven trời trôi đón gió
    Sao mơ hồ thưa bóng lẩn trong sương.
    Sông lặng chảy một nguồn trăng sáng tỏ.
    Bóng cô Hằng lơ lửng đứng soi gương.

    Trên bến vắng chòm si ôm bực đá,
    Bờ đê cao không một bóng in người,
    Gió se sẽ bước vào thăm khóm lá
    Trước quán hàng vắng lặng bóng trăng soị

    Ngoài sông nước đó đây về chở gió
    Thuyền lênh đênh trong lớp khói sương mù
    Ngồi mơ mộng đầu thuyền cô lái nhỏ
    Khua trăng vàng trong nhịp hát đò đưa

    Anh Thơ

  6. #6
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ
    Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính

    Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó, cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

    Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

    Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

    Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

    Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên cao đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

    Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau: "Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân, giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên". Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

    Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.

    Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

    Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

    Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.

    (còn tiếp)

    Trần Đình Thu
    (Theo Thanh Niên)

  7. #7
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Kỳ 2: Khởi bước giang hồ

    Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này, Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố, vì vậy ông bỏ Hà Nội tìm đến Hà Đông - nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác (tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này) đang dạy học - tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

    Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi. Đặc biệt, có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ:

    Nhà em cách bốn quả đồi
    Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
    Nhà em xa cách quá chừng
    Em van anh đấy, anh đừng yêu em

    Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh có nhận xét: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu". Có lẽ thời đó, Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi.

    Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết, trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

    Buổi chiều uống rượu làm thơ
    Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi
    Lá khô là lá của trời
    Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng
    (Thơ tôi)

    Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

    Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lẽo hiu quạnh ở miền biên ải, ông lại hoài vọng:

    Có phải đêm nay trời mới tối
    Đêm nào trời cũng tối như đêm
    Ải xa không pháo giao thừa nổ
    Mưa rét tơi bời mưa rét thêm
    Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
    Cành mai ai gửi đến xa xôi
    Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
    Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi
    (Tết biên thùy)

    Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

    Từ độ phiêu linh mãi đến giờ
    Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
    Bốn năm biết mấy tao gian khổ
    Thôi để xuân sau trở lại nhà
    Nhưng rồi tết ấy tết sau qua
    Lần lữa ai chưa trở lại nhà
    Quán trọ xuân này hoa lại nở
    Lại ngồi xem tết, tết người ta

    Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính nghiện rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường nghiện rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

    Ở đây chiều xuống rất mau
    Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ
    Rượu say từ sáng đến giờ
    Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên

    Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác "sầu bơ vơ" khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối, tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn sắp đổ xuống.

    Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

    Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
    Lá rừng thu đổ nắng sông tà
    Chênh chênh quán rượu mờ sương khói
    Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

    Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

    Đồi lau gió lạnh phất cờ
    Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư
    Sương buông, chiều xuống lững lờ
    Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men
    Điếm canh tuần tráng thay phiên
    Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm

    Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ "huyết thư" hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng "nâu chen lẫn chàm" thì thật là tuyệt diệu!

    Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

    Giường tre le lói ánh đèn
    Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to
    Đôi ba người bạn giang hồ
    Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà
    Chập chờn bóng quỷ hình ma
    Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn

    Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo!

    (Còn tiếp)

    Trần Đình Thu
    (Theo Thanh Niên)

  8. #8
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Bàng Bá Lân (tiếp theo và hết)
    Hòai Anh

    Ta thấy:

    - Cái nhìn của Anh Thơ thường là hướng nôi

    - Cái nhìn của Bàng Bá Lân thường là hướng ngoại

    - Cảnh của Anh Thơ được nhìn bằng quan sát tinh tế

    - Cảnh của Bàng Bá Lân thường vương một chút hồn

    - Anh Thơ thuộc trường phải tả chân

    - Bàng Bá Lân thuộc trường phái lãng mạn

    - Cách viết của Anh Thơ trẻ trung, ngộ nghĩnh (Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa)

    - Cách viết của Bàng Bá Lân chín chắn, già dặn (Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai).

    - Anh Thơ viết theo kiểu thơ Pháp, chú trọng đến ngữ pháp.

    - Bàng Bá Lân viết theo kiểu thơ cổ, hàm súc, kín đáo.

    - Thơ Anh Thơ thường kết đột ngột, như chấm dứt một cảnh điện ảnh.

    - Thơ của Bàng Bá Lân thường có những câu kết bâng khuâng, gợi cảm, như trong bài “Trưa hè”:

    Bài thơ hết mà vẫn để lại dư âm man mác, có sức lay động tâm hồn người. Ở phương diện này, Bàng Bá Lân có chỗ gần gũi với Đoàn Văn Cừ, như trong bài Đêm hè, Đoàn Văn Cừ viết:

    Thời gian dừng bước trên đồng vắng
    Lá ngập ngừng sa nhẹ dưới ao
    Như mơ đường khói lên trời nắng
    Trường học làng kia tiếng trống vào.
    Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha
    Gió lay cót két rặng tre già
    Sao trời từng chiếc rơi thành lệ
    Sương khói bên đồng ủ bóng mơ.
    Gió bỗng thổi ào, mây thấp tối
    Buồm căng cuốn rách, nước trôi nhanh.
    Trên đường cát bụi vàng theo gió
    Nón mới cô kia lật nửa vành.
    Ếch gọi nhau hoài tự mấy ao,
    Trên bờ cây hoảng hốt lao xao.
    Đò ngang vội vã chèo vô bến,
    Lớp lớp tràn sông đợt sóng rào
    Buồn rơi, trơ lại cột tre gầy,
    Loang loáng chân trời chớp xé mây
    Chim lẻ vội vàng bay nhớn nhác,
    Mưa gieo nặng hạt xuống sông đầy.

    Bài Mưa sông của Bàng Bá Lân cũng có được sự nhuần nhuyễn, cô đọng như vậy:

    Nếu bài thơ Cổng làng đã mở ra cả một khung trời cao rộng thì đến bài Đêm ở làng, tác giả đã khép lại cái khung trời ấy:

    Chùa xa chuông khóc ngày tàn
    Chiều như muôn dải lụa vàng thướt tha
    Lưng trâu mục tử vang ca
    Lời thơ tự mấy đời qua lưu truyền
    Vừa nghe tắt giọng êm đềm
    Ngọn tre treo mảnh trăng liềm mới lên
    Mấy cô hàng xén về đêm
    Dưới cây đòn gánh cong mềm bước mau.
    Làng tre cổng kín từ lâu
    Trong sương chó sủa bớt mau. Im dần…
    Trời khuya trăng thức tần ngần
    Lòng tơ bao gái cũng gần như trăng.

    Sau đó, có lẽ do ảnh hưởng thời cuộc, Bàng Bá Lân đã chuyển sang khuynh hướng tả thực, gần với Đoàn Văn Cừ, như trong bài Mùa gặt:

    Trời tang tảng. Sương đào bay lớp lớp,
    Cánh đồng quê mờ ngợp khói sương mơ,
    Từ cổng làng, từng bọn kéo nhau ra,
    Tiếng quang cặp, đòn cân va lách cách.
    Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất,
    Rồi tạt ngang tản mát khắp đồng quê.
    Họ dừng chân bên ruộng ướt sương khuya,
    Lúa rạp rạp ngả theo chiều gió thổi.
    Thợ đàn ông xắn quần lên quá gối,
    Thợ đàn bà cao váy xếnh hai bên
    Để lộ ra những cặp bắp chân đen.

    ***

    Rồi hơ hải người liềm xô xuống ruộng
    Lúa thức giấc xạc xào trong hỗn độn,
    Lúa run run lìa cuống ngã trên tay…
    Lũ cào cào, châu chấu sợ tung bay,
    Nhưng chớp mắt lại nặng nề rơi xuống
    Liềm hái gặt. Lúa thi nhau lìa cuống
    Nằm ngổn ngang trên ruộng trở màu đen.
    Phía trời đông quạt lửa rộng xòe lên,
    Cánh đồng bỗng rực tươi màu đỏ ối.
    Sương mỏng mỏng nhẹ tan như làn khói,
    Lúa thơm thơm rơm mới cũng thơm thơm
    Không khí thơm theo gió chạy rập rờn
    Làm gợn gợn sóng vàng trên biển lúa…

    Trong bài này có những câu phảng phất thơ Đoàn Văn Cừ.

    Bàng Bá Lân:

    Trời tang tảng. Sương đào bay lớp lớp

    Đoàn Văn Cừ:

    Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng

    Bàng Bá Lân:

    Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất

    Đoàn Văn Cừ:

    Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

    Bàng Bá Lân:

    Cánh đồng bỗng rực tươi màu đỏ ối
    Sương mỏng mỏng nhẹ tan như làn khói

    Đoàn Văn Cừ:

    Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
    Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa..

    Bàng Bá Lân:

    Chùa đâu đó rỏ hồi chuông lanh lảnh

    Đoàn Văn Cừ:

    Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh

    Ta thấy lời thơ của Bàng Bá Lân thật thà, vụng về hơn Đoàn Văn Cừ nhưng lại thể hiện được những khía cạnh thôn quê mà Đoàn Văn Cừ trước đây chưa nhìn thấy, đặc biệt là chủ đề lao động sản xuất.

    Cảnh người kéo cày thay trâu cũng được Bàng Bá Lân phản ảnh trong bài Người trâu làm ở Đôn Thư năm 1945:

    Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước
    Đôi bóng người đang chậm bước, đi đi
    Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì
    Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót
    Họ là những nông phu nghèo bậc chót
    Không có trâu nên người phải làm… trâu
    Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu
    Nước đến bụng ôi rét càng thêm rét.
    Áo rách tướp hở ra từng miếng thịt
    Tím bầm đen trong giá lạnh căm căm
    Hì hục làm thỉnh thoảng lại dừng chân
    Véo và ném lên mặt đường từng vốc
    Nhát trông ngỡ là nắm bùn hay đất
    Nhìn lại xem! Ồ đống đỉa đen sì,
    Ta rùng mình quay mặt bước chân đi
    Lòng tê tái một mối sầu u ám.

    Đến bài thơ Đói tả cảnh đói năm 1945, với những chi tiết đặc tả trần trụi, gợi nhớ đến những tấm ảnh thời sự có giá trị lịch sử của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh cũng về đề tài này, nhưng về giá trị nghệ thuật thì còn phải bàn, mặc dầu Bàng Bá Lân cũng là một nhà nhiếp ảnh từng được giải thưởng quốc tế:.

    Đói tự Bắc Giang đói từ Hà Nội
    Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm
    Khắp đường xa những xác đói rên nằm
    Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp
    Giữa đống trẻ chỉ còn đôi hố mắt
    Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma
    Những cánh tay gầy quờ quạng khua khua
    Như muốn bắt những gì hư ảnh
    Dưới mái tóc rối bù và kết dính
    Một làn da đen sạm bọc da đầu
    Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu
    Má hóp lại răng hằn sâu gớm ghiếc…

    Sau khi di cư vào Nam, năm 1956, Bàng Bá Lân làm bài thơ Đã hai năm rồi xa quê hương gợi nhớ đến những cái Tết miền Bắc năm xưa, đây cũng là một “Thương nhớ mười hai” trong thơ:

    Đã hai Xuân rồi xa quê hương
    Ngồi trông về Bắc buồn vương vương
    Hoa đào còn đỏ
    Hoa cúc có vàng?
    Hoa Xuân có phô màu tuyết
    Bàn thờ còn ngát trầm hương
    Gió khuya heo hút phố phường
    Có ai đi lễ trong sương lạnh lùng?
    Những bàn tay mịn như nhung
    Có vịn cành tơ hái lộc?
    Những bàn tay già
    Còn lay ống thẻ đầu năm?
    Và ở miền quê yêu dấu
    Đình chùa miếu mạo ra sao?
    Hội hè nô nức xôn xao
    Cây đu còn dải yếm đào đùa bay?
    Những chiếc khăn vuông mỏ quạ
    Còn ôm ấp má hây hây
    Những cặp môi hồng tươi nở
    Còn thơm, còn thắm trầu cay?

    Sống trong cảnh phồn hoa đô hội ở miền Nam, Bàng Bá Lân vẫn nhớ về tiếng võng đưa ở quê nhà miền Bắc:

    Tiếng võng đưa
    Cót ca cót két
    Đêm dài mưa rét
    Mẹ ru con mơ màng…
    Dân tộc Việt Nam
    Lớn trong tiếng võng
    Già trong lời ru
    Êm đềm thay tiếng võng đưa
    Nhịp thơ
    Dân tộc
    Mơ màng ta nghe tiếng khóc
    Của thời măng sữa xa xôi
    Ạ ơi ơi…
    Ạ ơi ơi…
    Cót ca cót két
    Muôn đời
    Nhịp thở
    Và đây những vần thơ
    Nhịp theo tiếng võng đung đưa
    Nhịp theo lời ân ái
    Tình quê vời vợi
    Hồn dân tộc mang mang
    Bao giờ nối lại giang san
    Mà nghe tiếng võng mơ màng đâu đây

    Trong ngày “nối lại giang san” sau 30 – 4 – 1975, tôi đã gặp Bàng Bá Lân ở nhà chị Anh Thơ tại đường Thiệu Trị thành phố Hồ Chí Minh và trò chuyện nhiều với ông về quê hương Bình Lục, anh em họ hàng ông và bạn bè văn nghệ của ông ở miền Bắc. Tuổi già, để đoàn tụ gia đình ông xuất cảnh sang Mỹ, và qua đời năm 1989 nhưng trước sau ông vẫn một lòng trung thành với quê hương, đất nước, như bông sen “gần bùn vẫn chẳng hôi tanh mùi bùn”.

    Ở đây không chỉ là vấn đề về nghệ thuật thơ mà trước hết là ở nhân cách của nhà thơ. Trong bài Nghịch lý của việc nhận dạng một người Mỹ, John Kinnaid đã viết: “Thơ Whitman cho thấy rằng những hoạt động của trí tưởng tượng của một nhà thơ cũng phải đi liền với ý chí “sống” và hơn nữa cũng tùy thuộc ở sức sống của nhà thơ. Và cái nhân cách của nhà thơ thoát ra từ âm điệu trong câu thơ không phải là cái mặt nạ giả tạo của mộng tưởng do trí tưởng tượng của nghệ thuật, nhưng là một tiếng nói “không thể tách rời khỏi nhân cách của nhà thơ trong cuộc sống thực tại, mặc dầu tiếng nói đó không có liên quan gì đến cuộc sống thực tại. Và cái ý nghĩa chỉ tiến tới một nhân cách như vậy không phải như nhiều người nghĩ chỉ giới hạn trong trạng thái tinh thần lãng mạn của Whitman mà còn là một yếu tố tối cần thiết cho tất cả các nhà thơ khác trong thế giới hiện đại”.

    Lời nhắc nhở của một nhà văn Mỹ có thể gợi rất nhiều cho chúng ta trong việc đánh giá các nhà văn sống ở miền Nam sau năm 1954, để có một cái nhìn chân xác thấu lý đạt tình, tránh khỏi những cách vùi dập nghiêt ngã hay tâng bốc bốc đồng, vì như Whitman đã nhấn mạnh cuốn sách của ông thực ra không phải chỉ là một cuốn sách: “Đọc nó tức là đọc một người”.

    Nguồn: Văn chương hồn Việt

Chủ đề tương tự

  1. Thác Giang Điền
    By travelvietnam in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-04-2011, 11:26 AM
  2. Núi non Hà Giang
    By Quỳnh_muộn in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 03-12-2009, 05:43 PM
  3. Pha Lê làm người đẹp giang hồ
    By TeacherABC in forum Tin tức - Đời sống Điện ảnh
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 24-09-2009, 08:57 AM
  4. Lưu Hương Giang - Vol.1
    By Đôi Mắt Mùa Đông in forum Links Download Nhạc Việt
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 28-07-2009, 11:39 AM
  5. Thành phố mưa bay - Bằng Giang
    By Nguyên Thoại in forum T
    Trả lời: 1
    Bài cuối: 18-06-2009, 10:21 AM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •