Phần cuối
Nơi an nghĩ cuối cùng của Nguyên Sa


Nguyễn Mạnh Trinh, nhà văn và cũng là thi sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, đã viết về nơi an nghĩ cuối cùng của thầy mình trong một đoản văn như sau

Ngày cuối tuần, là ngày Thanh minh. Nhớ lại câu Kiều “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh..” để nhớ bổn phận của một người con, của một người cầm bút nhớ lại những người đã ra đi. Nghĩa trang Peek Family ở cuối đường Bolsa, nơi an nghỉ của mẹ tôi, của thầy Nguyên Sa, thầy Nguyễn Khắc Hoạch, thầy Vũ Văn Tiên, anh Mai Thảo, anh Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, và người anh vợ tôi vừa ra đi cách nay vài ngày, ở những ngôi mộ mà ngày hôm nay tôi đến cắm những nén nhang tưởng nhớ. Con đường Bolsa, con đường đặc biệt của người tị nạn Việt Nam, nơi mở đầu một cuộc sống với phố xá ồn ào, cửa hàng tấp nập và chấm dứt đời tị nạn với những ngôi mộ thinh lặng chỉ có cây cỏ và những chú chim dạn dĩ. Trời hôm nay nắng đẹp trải màu đỏ hồng trong những thảm cỏ xanh rờn. Cuối Mùa Xuân đầu Mùa Hè, tầng mây cao vút, thấy trời và đất thật gần nhau và người chết và người sống dường như có những rung động sâu xa từ tâm thức. Ðến từng ngôi mộ, nhìn lại di ảnh những người đã khuất, tự nhiên tôi thấy lòng bồi hồi. Chỉ mấy năm qua thôi, mà trải qua tưởng như lâu lắm. Những câu thơ trên bia mộ thi sĩ Nguyên Sa, Mai Thảo, Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, hay những câu đối trên bia mộ giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Vũ Văn Tiên, như những nhắc nhở để nhớ về, để tưởng vọng.

Tôi nhìn di ảnh thầy Nguyên Sa, thấy cái nón kết quen thuộc, thấy nụ cười hiền hòa bao dung khi bị lũ học trò cũ chúng tôi chọc phá. Mới đây mà đã mười năm.


Trong những năm cuối của cuộc đời, Nguyên Sa có cái nhìn về tình yêu như sau:

“Ðề tài tình yêu thường thay đổi theo thời gian... trước năm 1963, tình yêu đó thuần túy những cảm xúc, những đam mê. Ðó là niềm đam mê, lúc tin tưởng mạnh mẽ, lúc rụt rè thắc mắc, lúc muốn ngỏ lời, lúc không dám ngỏ. Nhưng về sau lúc người ta 50, 60 tuổi, đam mê tình ái không còn nữa, như xao xuyến về một vạt áo trong sân trường, như bồi hồi vì một mái tóc xõa ngang vai, không có nữa. Thời gian xóa bỏ nhiều thứ. Tình yêu có bóng dáng của sự buồn phiền xót xa vì thời gian trôi qua. Và ngậm ngùi nhận ra rằng việc chấm dứt cho tất cả mọi sự sẽ phải tới. Khi nào suy nghĩ ấy xen lẫn trong đời sống trong tình yêu trong thơ, tất cả sẽ chán chường. Võ sĩ lên đài mà không nghĩ đến chiến thắng đến tiền thưởng mà chỉ nghĩ đến cái chết gần tới thì chắc chắn quả đấm của võ sĩ ấy phải khác với một võ sĩ chỉ nghĩ đến cách thế để cho đối thủ quỵ ngã. Ðối với tôi tâm sự về tình yêu lúc 50 tuổi trở lên như võ sĩ lên đài thay vì chiến đấu mãnh liệt say mê thì lại đưa quả đấm giơ lên rồi bỏ xuống. Tư tưởng cái chết ám ảnh mạnh mẽ tình yêu...”