Trang 1 / 2 12 LastLast
Bài 1 đến 10/34

Chủ đề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

Hybrid View

  1. #1
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Phần 1 - Tiểu Sử


    Nguyên Sa (sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932- mất 1998) tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa", v.v.

    Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.

    Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

    Năm 1953, ông đậu tú tái Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

    Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.

    Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.

    Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.


    Dạy học
    Ở Sài Gòn, Nguyên Sa dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An, đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài 2. Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn.

    Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.

    Ngoài hai trường nhà, ông còn cộng tác với nhiều trường khác ở Sài Gòn như: Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền.


    Báo chí
    Tại Việt Nam, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.

    Qua Hoa Kỳ, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.


    Phong cách thơ
    Về phương pháp làm thơ, Nguyên Sa có thuyết cho rằng vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Ông nói nhiều về thuyết này trong Nguyên Sa - Hồi Ký. (Trích: "Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngày cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông.")

    Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa.

    Thơ
    Thơ Nguyên Sa tập 1
    Thơ Nguyên Sa tập 2
    Thơ Nguyên Sa tập 3
    Thơ Nguyên Sa tập 4
    Thơ Nguyên Sa toàn tập

    Truyện dài
    Giấc mơ 1
    Giấc mơ 2
    Giấc mơ 3
    Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ

    Truyện ngắn
    Gõ đầu trẻ
    Mây bay đi

    Biên khảo triết học và văn học
    Descartes nhìn từ phương Đông
    Một mình một ngựa
    Một bông hồng cho văn nghệ

    Bút ký
    Đông du ký

    Hồi ký
    Nguyên Sa - Hồi ký
    Cuộc hành trình tên là lục bát

    Sách giáo khoa
    Luận lý học
    Tâm lý học

  2. #2
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Phần 2
    Những bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa


    Ít người biết những bài thơ nổi tiếng của Nguyên sa như Tiễn biệt, Paris có gì lạ không em, Tuổi Mười Ba, của Áo Lụa Hà Ðông, Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết , .. ông viết lúc đi "cua" Nga, sau này là người bạn đời yêu dấu của ông.

    Ông đã viết về những ngày du học ở Pháp, về quê hương, về tình yêu, và kết thúc bằng lễ cưới của mình như sau:


    “...Tôi không muốn đi, tôi muốn ở lại, tôi gọi trở về quê hương là đi, tôi gọi tới Paris là về. Tình yêu của tôi ở đó, phần đời có trọng lượng của toàn thể của tôi ở đó. Cảm xúc lớn lao, giao động cực mạnh mang lại hàng loạt những bài thơ về biệt ly. Paris có gì lạ không em, Tiễn biệt, Paris. Tôi khởi sự thơ với chủ đề ly biệt. Tôi bắt đầu cùng lúc những bài tình ái và những bài biệt ly. Cũng có thể nói được như thế. Thơ chủ đề biệt ly và thơ chủ đề tình yêu đến gần như trong cùng một thời gian. Xen kẽ. Hỗ trợ. Trong thơ tình có khắc khoải chia xa. Trong Tiễn biệt, Paris có gì lạ không em, Paris có gục đầu trên vai nhau. Nga đầy ắp Paris là bài thơ tình đầu tiên, sau đó là Tuổi Mười Ba, của thời kỳ Paris gục đầu trên vai nhau. Paris tiễn nhau ở gare De Lyon, ở phi trường Orly, Áo Lụa Hà Ðông, Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết của Sài Gòn 1956 và những năm kế tiếp, Nga 1955, Tiễn biệt đầu tiên. 1953, hai bài Paris 54 và 55. Thơ tình của những ngày tháng hôn nhân đến trước thơ tình của tuổi học trò. Áo Lụa Hà Ðông, Tuổi Mười Ba, Tháng Sáu Trời Mưa trình làng ở Sáng Tạo, khi đã trở về Việt Nam, làm khoảng thời gian 56-57. Nga in trên tờ thiệp báo hỷ, bài thơ tương đối dài làm cho người bạn ấn loát in tặng phải chọn lựa tờ giấy lớn hơn thiệp báo hỷ rồi gấp lại làm ba. Tờ thiệp báo hỷ của tôi in trên khổ giấy năm rưỡi tám rưỡi, giấy bảy chục gam, loại láng, in chữ nghiêng, tới chữ O của ‘môi em tròn như chữ O’ câu thơ in nghiêng, anh bạn ấn công chỉ cho tôi thấy chữ O anh đã chọn kiệu chữ thẳng, rất tượng hình thơ...”
    Last edited by Lão K; 13-06-2009 at 06:48 AM.

  3. #3
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Áo Lụa Hà đông



    Photo by TMV


    Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
    bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
    mà mua thu dài lắm ở chung quanh
    linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
    bay vội vã vào trong hồn mở cửa

    gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
    gặp hai hôm thành nhị hỹ của tâm hồn
    thơ học trò anh chất lại thành non
    và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

    em không nói đã nghe từng gia điệu
    em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
    anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
    với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt

    em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
    trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
    nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
    để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

    để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
    giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
    em đi rồi, sám hối chạy trên môi
    những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng

    em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
    giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
    anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
    Nguyên Sa
    Last edited by Lão K; 13-06-2009 at 06:47 AM.

  4. #4
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?



    [
    Photo by TMV


    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về em có còn ngoan
    Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
    Em có tìm anh trong cánh chim

    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về giữa bến sông Seine
    Anh về giữa một giòng sông trắng
    Là áo sương mù hay áo em?

    Em có đứng ở bên bờ sông?
    Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
    Anh về có nương theo giòng nước
    Anh sẽ tìm em trong bóng trăng

    Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
    Mỗi lần tan một chút sương sa
    Bao giờ sáng một trời sao sáng
    Là mắt em nhìn trong gió đưa...

    Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
    Tóc em anh sẽ gọi là mây
    Ngày sau hai đứa mình xa cách
    Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

    Anh sẽ chép thơ trên thời gian
    Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
    Vì em hay một vừng trăng sáng
    Ðã đắm trong lòng cặp mắt em?

    Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
    Anh đàn mà chả có thanh âm
    Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
    Ðể lúc xa vời đỡ nhớ nhung

    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về mắt vẫn lánh đen
    Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
    Chả biết tay ai làm lá sen?...
    Nguyên Sa
    Last edited by Lão K; 13-06-2009 at 06:46 AM.

  5. #5
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    NGA


    Painted by Đinh Cường


    Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
    Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
    Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
    Ðể anh giận sao chả là nước biển...

    Tại sao Nga ơi, tại sao...
    Ðôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
    Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
    Bước chân không đều như chiếc thưóc kẻ ai làm cong
    Ai dám đển ở ngoài mưa, ngoài nắng!

    Nói cho anh đi, Nga ơi...
    (em làm ơn chóng chóng)
    Lại bên anh đi - bằng một lối rõ thật gần
    Bằng một lối gần hơn con đường cong
    Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
    Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
    Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi...

    Và cười đi em ơi,
    Cười như sáng hôm qua.
    Như sáng hôm kia...
    Cười đi em
    Cười như những chiều đi học về
    Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
    Và anh đố em: Em có nhớ
    Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em ?...

    Cười đi em
    Cười rõ thật nhiều đi em...
    Rồi đố anh
    Cho anh không kịp đếm
    Cho anh tan trong niềm vui
    Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh, đèn đỏ thi nhau cười
    Vì hai bàn tay chúng mình sát lại
    (tay anh và tay em)
    Nhớ hai giãu phố chạm vào nhau
    Hai giãy phố chúng mình vẫn đi về
    Em nhớ không ?...

    Em nhớ không, đã có lần anh van em
    Ðã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
    Em sợ thời gian buồn nhu mọt nhấm từng câu thơ
    Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
    Mắt e ngại như từng con chỉ rối
    Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
    Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
    Không dám chọn lấy một ga hò hẹn
    Em nhớ không , anh đã van em
    (và em còn van em như ngày xưa...)
    Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
    Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
    Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
    Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
    Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
    Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
    Ðừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
    Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
    Ðừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa
    Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi!...

    Em nhớ không , anh đã van em đừng buồn
    Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
    Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
    Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
    Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm! ...

    Em nhớ không cả một hôm trời mưa
    Một hôm trời mưa tấm tức
    Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
    Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
    Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
    Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
    Bước chân lê trên những hè phố không quen
    Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
    Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưóoi , lễ xin
    Và em nhơ không , chúng mình đã hỏi nhau:
    Tại sao phải làm lễ tơ hồng
    Tại sao phaỉ nhờ người ta buộc chỉ vào chân
    Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
    Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
    Người ta làm thế nào cắt được
    Bốn bàn tay chim khuyên!...

    Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau

    Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
    Anh sẽ hôn đền em
    Và anh bảo em soi gương
    Nhìn vết môi anh trên má
    Môi anh tròn lắm cơ
    Tròn hơn cả chữ O
    Tròn hơn cả chiếc nhẫn
    Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay !...

    Chúng mình lấy nhau
    Cần gì phải ai hỏi
    Cả anh cũngkh cần phải hỏi anh
    "Có bằng lòng lấy em?..."
    Vì anh đã trả lời anh
    Cũng như em trả lời em
    Và cũng nghẹn ngào nước mắt !...

    Và em sẽ cười phải không em
    Em sẽ không buồn như một con chó ốm
    Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
    Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
    Ðể anh giận sao chả là nước biển!...

    Em sẽ cười phải không em
    Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!...
    Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
    Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
    Với một chữ N
    Với một chữ G
    Và với một chữ A
    Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
    Người ta có thể không thích
    (thì người ta không thích một mình)
    Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh
    Nguyên Sa


    Nguyên Sa uống thuốc liều nên mới dám gọi vợ mình là "con chó ốm"

  6. #6
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Phần 3
    Nguyên Sa và chiến tranh


    Nguyên Sa còn làm thơ về những ngày ở lính và chiến tranh ở đây đã được nhìn ngắm với con mắt của người trong cuộc. Một cuộc chơi tàn bạo được bày ra với tất cả những sự phi lý của nó. Những người tham dự, dù tình nguyện hay bắt buộc, cũng bị lôi đi trong con lốc mịt mờ của thời thế.

    Có một thời gian trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông làm việc trong "Chung Sự Vụ". Đây là một đơn vị tiếp nhận thi hài của những người lính chết trận, lo việc hậu sự và giao lại cho gia đình mai táng. Có lẽ đây là chuỗi ngày đau khổ nhất khi ông phải chứng kiến sự tột cùng đau khổ của những người bất hạnh khi người thân nằm xuống trong một cuộc chiến phi lý, huynh đệ tương tàn.

    Trong khoảng thời gian này, ông làm bài thơ "Sân Bắn" và ông đã viết về bài thơ này như sau


    “Khi Sân Bắn, thơ, đến với tôi, bia cũng tới, đầu tiên, không có chân tay, cảm xúc của thơ mang cho Sân Bắn thơ thêm hình ảnh của ta, của địch, thân phận con người, sự vong thân của bản ngã...

    “Bầu trời của Sân bắn có bia lên, có thân người, có ta, có địch, có tay chân thừa thãi, có tác dụng của xạ trường đến nơi thính giác và cả trí tuệ. Óc tai, hình nhân, giấy bồi, hầm bia, đạn đầu lửa bay trong những buổi thực tập tác xạ ban đêm. Tôi biết kỹ thuật thi nhân từ trước khi thực hiện Sân Bắn, từ lâu. Cũng như nhiều người làm thơ, tôi có một thời kỳ lục bát buổi đầu đời. Thi nhân vừa dẫn bài thơ vô, vừa dẫn từ câu này qua câu kia từ đoạn này sang đoạn khác. Luận lý của suy luận là do đó, là cho nên, là vậy thì. Có thể là tất cả những từ đó và những từ tương tự khác cùng loại.

    Tất cả mọi người đều phải chết

    Socrate là người

    Socrate phải chết

    Chân lý của kết luận chứa ẩn trong những đại tiền đề. Chân lý của tiền đề, bằng những do đó, là vậy thì, là cho nên, đi tới kết luận. Nói rõ ra cũng tốt, không nói tới cũng tốt. Từ ngữ hiện hay ẩn đưa tới kết luận là đưa tới chân lý tất yếu đã nằm trong những tiền đề. Thi nhân của thơ đưa tới những kết luận khác biệt, không tiên liệu trước được, nhảy qua trùng điệp những đồi núi, những bình nguyên rơi xuống một miền đất của riêng. Bia lên mở ra thân người, mở ra thế giới mà khoảng cách giữa ta và địch bị tiêu hủy bởi cái chết, mở ra sự thừa thãi của tay chân, sự bất lực của giác quan và trí tuệ. Trong Sân Bắn, thi nhân hơn một nửa làm nhiệm vụ của liên tự, nó cho phép nói nhiều với ít chữ hơn.

    Bầu trời của thơ không phải là bầu trời của sân bắn xạ trường. Bầu trời Sân Bắn thơ có những đám mây của nó, có vài phần vật liệu từ hơi nước bay lên, nhưng lại có nhiều phần mây có màu sắc bay tới từ thế giới nội tâm, có những đám mây màu sắc tình cảm, đám mây màu sắc suy tư, đám mây màu ngậm ngùi thân phận.

    Chủ nghĩa tả chân và những anh em của nó, như tả chân xã hội, khó lòng mang lại bầu trời thơ, vì không gian của nó hạn hẹp, chỉ có mây của nước bốc hơi, không có chỗ nào cho những đám mây tuyệt vời kia.”


    Không chữ nghĩa nào có thể diễn đạt được sự thê lương của mạng sống con người trong chiến tranh như câu cuối của bài thơ "Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay"

    Last edited by Lão K; 13-06-2009 at 07:44 AM.

  7. #7
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Sân Bắn




    Bia lên ta thấy thân người
    Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du
    Thấy tay dư, thấy chân thừa
    Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không..
    Một đời phơ phất hình nhân
    Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau
    Bia lên thấy mẹ u sầu
    Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta
    Trời cao ngó xuống thịt da
    Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh
    Bia lên tìm chỗ ta nằm
    Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu
    Hầm bia buồn đến mộ sâu
    Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay.

    Nguyên Sa

  8. #8
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Phần cuối
    Nơi an nghĩ cuối cùng của Nguyên Sa


    Nguyễn Mạnh Trinh, nhà văn và cũng là thi sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, đã viết về nơi an nghĩ cuối cùng của thầy mình trong một đoản văn như sau

    Ngày cuối tuần, là ngày Thanh minh. Nhớ lại câu Kiều “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh..” để nhớ bổn phận của một người con, của một người cầm bút nhớ lại những người đã ra đi. Nghĩa trang Peek Family ở cuối đường Bolsa, nơi an nghỉ của mẹ tôi, của thầy Nguyên Sa, thầy Nguyễn Khắc Hoạch, thầy Vũ Văn Tiên, anh Mai Thảo, anh Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, và người anh vợ tôi vừa ra đi cách nay vài ngày, ở những ngôi mộ mà ngày hôm nay tôi đến cắm những nén nhang tưởng nhớ. Con đường Bolsa, con đường đặc biệt của người tị nạn Việt Nam, nơi mở đầu một cuộc sống với phố xá ồn ào, cửa hàng tấp nập và chấm dứt đời tị nạn với những ngôi mộ thinh lặng chỉ có cây cỏ và những chú chim dạn dĩ. Trời hôm nay nắng đẹp trải màu đỏ hồng trong những thảm cỏ xanh rờn. Cuối Mùa Xuân đầu Mùa Hè, tầng mây cao vút, thấy trời và đất thật gần nhau và người chết và người sống dường như có những rung động sâu xa từ tâm thức. Ðến từng ngôi mộ, nhìn lại di ảnh những người đã khuất, tự nhiên tôi thấy lòng bồi hồi. Chỉ mấy năm qua thôi, mà trải qua tưởng như lâu lắm. Những câu thơ trên bia mộ thi sĩ Nguyên Sa, Mai Thảo, Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, hay những câu đối trên bia mộ giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Vũ Văn Tiên, như những nhắc nhở để nhớ về, để tưởng vọng.

    Tôi nhìn di ảnh thầy Nguyên Sa, thấy cái nón kết quen thuộc, thấy nụ cười hiền hòa bao dung khi bị lũ học trò cũ chúng tôi chọc phá. Mới đây mà đã mười năm.


    Trong những năm cuối của cuộc đời, Nguyên Sa có cái nhìn về tình yêu như sau:

    “Ðề tài tình yêu thường thay đổi theo thời gian... trước năm 1963, tình yêu đó thuần túy những cảm xúc, những đam mê. Ðó là niềm đam mê, lúc tin tưởng mạnh mẽ, lúc rụt rè thắc mắc, lúc muốn ngỏ lời, lúc không dám ngỏ. Nhưng về sau lúc người ta 50, 60 tuổi, đam mê tình ái không còn nữa, như xao xuyến về một vạt áo trong sân trường, như bồi hồi vì một mái tóc xõa ngang vai, không có nữa. Thời gian xóa bỏ nhiều thứ. Tình yêu có bóng dáng của sự buồn phiền xót xa vì thời gian trôi qua. Và ngậm ngùi nhận ra rằng việc chấm dứt cho tất cả mọi sự sẽ phải tới. Khi nào suy nghĩ ấy xen lẫn trong đời sống trong tình yêu trong thơ, tất cả sẽ chán chường. Võ sĩ lên đài mà không nghĩ đến chiến thắng đến tiền thưởng mà chỉ nghĩ đến cái chết gần tới thì chắc chắn quả đấm của võ sĩ ấy phải khác với một võ sĩ chỉ nghĩ đến cách thế để cho đối thủ quỵ ngã. Ðối với tôi tâm sự về tình yêu lúc 50 tuổi trở lên như võ sĩ lên đài thay vì chiến đấu mãnh liệt say mê thì lại đưa quả đấm giơ lên rồi bỏ xuống. Tư tưởng cái chết ám ảnh mạnh mẽ tình yêu...”

  9. #9
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....


    Nguyên Sa ở Peek Family Memorial Park









    Nằm chơi ở góc rừng này
    Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
    Xin em một sợi tóc vàng
    Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
    Biết đâu thảo mộc bớt đau?
    Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?

    Nguyên Sa

  10. #10
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    808
    Thanks
    4.832
    Thanked 2.769 Times in 576 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....


    Nguyên Sa và Tình Ca Ngô Thụy Miên


    Tin nhà thơ Nguyên Sa mất đến với tôi thật đột ngột! Sáng nay một người bạn gọi vào sở hỏi tôi:"Ông có biết nhà thơ Nguyên Sa vừa qua đời chưa?" Tôi bàng hoàng, thẩn thờ một chút mặc dù đã được biết tình trạng sức khoẻ của ông mấy năm gần đây. Chúng tôi trao đổi vài ba câu chuyện. Tôi cám ơn bạn rồi thầm nói với mình: "Thôi, cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sàigòn, cũng không còn nữa Paris, người tình và giòng sông Seine với những vòng tay ôm, những môi hôn vội vả… Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời, làm điệu với người!"...

    Ngoài trời những giọt mưa vẫn tiếp tục rơi đều trên khung cửa kính. Buổi chiều về nhà, bạn bè dưới Cali gọi lên báo tin. Bỏ điện thoại xuống, tôi ra vườn sau nhà. Nhìn những cánh hoa anh đào đang rụng bay theo gió, chợt thấy lạnh, và nỗi buồn ập đến khiến tôi choáng váng. Buổi tối anh Nguyễn Mạnh Trinh gọi lên nhờ tôi đóng góp một bài để đăng trong tuyển tập anh dự định in trong những ngày sắp tới. Tôi hứa sẽ viết một chút về những bản nhạc đã phổ từ thơ ông.

    Tôi không rõ nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp trở về Việt Nam từ năm nào, chỉ biết cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, ông đã đem Paris về cho bọn trẻ chúng tôi. Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù… Cùng một lúc ông đã mang nắng Sàigòn, lụa Hà Ðông và đâu đó bóng dáng Hà Nội vào thi ca Việt Nam của chúng ta một cách thân thiết nhẹ nhàng. Nhiều người hỏi tôi có quen biết hay có họ hàng với nhà thơ? Như tôi đã nói, chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quí thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn giòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.

    Cuối năm 1969, khi một số tình khúc của tôi đã được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh, cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hoá, hay các giảng đường đại học. Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Nói đến Áo Lụa Hà Ðông, có lẽ chúng ta mấy ai không biết:

    Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông.

    Cá nhân tôi khi đọc bài thơ đã chú ý ngay 4 câu:

    Em chợït đến, chợt đi anh vẫn biết
    Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
    Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
    Ðể anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.

    Lời thơ man mác buồn, đã vỗ về, chia xẻ tâm tư tôi ngày tháng đó. Lang thang Sàigòn một ngày nắng nhẹ, giòng nhạc lan man trong đầu óc: "Rê Ðô Rê, Sol Sib Sib Rê Rê, Sol Sol La, Sol Sib Rê Rê La…", tôi đã hoàn tất phần điệp khúc được viết theo cung Rê thứ để thích hợp với hồn thơ. Khi phổ hai phần đầu, và cuối, tôi đã gặp khó khăn với hai câu:

    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

    vì vần trắc của chữ "trắng" đã không thích hợp với giòng nhạc chuyển tiếp cần âm bằng. Sau hơn một tuần loay hoay tìm kiếm, cuối cùng tôi đã phải dùng một phương pháp phổ thơ cũ: nhắc lại lời thơ ở câu trên để chuyển ý nhạc trở về phần hai, cũng như đoạn cuối của bản nhạc:

    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng.
    Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn

    Ðể tạo ấn tượng nuối tiếc cho người nghe, khi kết thúc bản nhạc, tôi đã thêm câu:

    Anh vẫn yêu màu áo ấy, em ơi

    với giòng nhạc đi lên, chuyển từ Sol thứ qua Sib, La, và chấm dứt bằng Rê trưởng.

    Cuối năm 1970, trong một đêm nhạc tình ca tại trường đại học Khoa Học, tôi đã giới thiệu bài hát tới các bạn trẻ của tôi. Sau đó bản nhạc đã được phổ biến thường xuyên qua các chương trình nhạc do tôi và nhạc sĩ Trường Sa thực hiện trên đài phát thanh Quân Ðội, cũng như trong các đêm nhạc do bạn bè chúng tôi tổ chức tại Sàigòn. Ngoài ra trong năm 1970, tôi cũng đã viết "Tình Khúc Tháng Sáu" phổ theo ý thơ bài Tháng Sáu Trời Mưa của Nguyên Sa. Mãi đến năm 1984 tôi mới phổ bài "Tháng Sáu Trời Mưa" của ông.

    Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình… Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc… Riêng "Paris Có Gì Lạ Không Em" khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971.

    Cung Ðô trưởng mở đầu nhịp nhàng:

    Paris có gì lạ không em
    Mai anh về, em có còn ngoan...

    tôi thích nhất câu:

    Là áo sương mù hay áo em

    từ cung Ðô trưởng đổi chuyển qua La thứ để vào phần điệp khúc:

    Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
    Tóc em anh sẽ gọi là mây...

    Khi Hoàng Phúc bạn tôi hát bài này lần đầu tiên, đã nói "bài này phải để chị Thái Thanh hát mới được". Ðúng như lời Phúc nói, sau này chị Thái Thanh đã thu bài này. Ðể thêm một chút Paris, chị đã hát:

    La la la la la la
    La la la la la la

    khi kết thúc bản nhạc.

    Sau Áo Lụa Hà Ðông và Paris Có Gì Lạ Không Em, tôi đã phổ tiếp Tuổi 13. Cũng như "Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông", "Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường" là 2 câu thơ được bọn trẻ chúng tôi thuộc nằm lòng ngày đó. Tôi yêu cái ý thơ hồn nhiên, lời thơ trong sáng. Ðọc bài thơ thấy hồn lâng lâng, như đang nhớ nhung, hẹn hò, đang đợi chờ, mơ ước. Ý nhạc đến thật nhanh:

    Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
    Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay...

    Tôi đã vào đề với những nốt nhạc cao của cung Ðô trưởng để diễn tả cái thắc mắc ngày mưa ngày nắng của mình. Khi chuyển qua điệp khúc tôi nhắc lại câu "Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ…" 2 lần như một lời trấn an người tình nhỏ và kết thúc tôi nhắc lại câu "Nên đến trăm lần, nhất định mình chưa yêu" như một câu hỏi cho chính lòng mình. Tôi vẫn nghĩ bản nhạc với những niêm luật gò bó đã không thể nói lên hết được ý thơ của tác giả. Chỉ hy vọng bản nhạc đã không làm giảm giá trị của bài thơ.

    Ðầu năm 1974, khi quyết định cùng một nhóm bạn thực hiện cuốn băng Tình ca Ngô Thụy Miên, tôi đã đến gặp nhà thơ để xin phép thu 3 bản nhạc. Lần đầu tiên nói chuyện để lại ít nhiều kỷ niệm. Nhà thơ rất giản dị, dáng dấp xuề xoà. Ông rất vui khi biết tôi phổ thơ ông, và hỏi tôi sẽ nhờ ai hát ? Tôi nói nhạc sĩ Văn Phụng viết hoà âm, ca sĩ Duy Trác hát Áo Lụa Hà Ðông, Thái Thanh hát 2 bài Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13. Và từ đó, Áo Lụa Hà Ðông, Paris Có Gì Lạ Không Em , Tuổi 13, đã trở thành một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên.

    Năm 1980 khi tôi đặt chân đến Cali, người đầu tiên tôi liên lạc để hỏi thăm tin tức sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng chúng ta ở hải ngoại là nhà thơ Nguyên Sa. Ông có cho tôi biết về sự ưu ái của thính giả dành cho bài Áo Lụa Hà Ðông, cũng như cuốn băng Tình ca Ngô Thụy Miên. Năm sau đó tôi đã rời Cali để lên miền Tây Bắc. Ông vẫn thỉnh thoảng liên lạc bằng điện thoại với tôi, và gửi lên tôi những bài thơ mới viết về sau.

    Trong những tháng ngày đầu ở Cali, mặc dù bận rộn với đời sống mới, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Cùng với Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Bản Tình Ca Cho Em, Dốc Mơ… Tôi đã phổ bài thơ "Paris" của Nguyên Sa: Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn, Paris sẽ nhìn theo... với tôi Paris lúc đó chính là Sàigòn, Sàigòn của những nỗi nhớ muộn màng, Sàigòn của những mất mát khôn nguôi. Ý nhạc không tươi trẻ như Tuổi 13, hồn nhạc không dịu dàng như Áo Lụa Hà Ðông. Tôi đã mượn thơ ông để gửi gấm tâm sự mình. Tôi biết khi tôi đi Sàigòn đã buồn, và Sàigòn đã nhìn theo.

    Năm 1981, sau khi về cư ngụ tại thành phố Seattle, trong nỗi nhớ những con đường, những hàng quán thân quen của Sàigòn ngày nào, cùng với ám ảnh thương yêu về Áo Lụa Hà Ðông, về Paris của một thời, tôi đã viết bài Nắng Paris Nắng Sàigòn:

    Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sàigòn
    Nắng Sàigòn hôm nao dìu bước chân em
    Qua phố phường vào quán chợ thân quen...

    Tôi nghĩ đây là một kết hợp đẹp của một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa.

    Năm 1986, nhà thơ gọi lên tôi và nói sẽ thực hiện một cuốn cassette gồm một số bản nhạc phổ thơ mới của ông. Tôi gửi xuống ông "Tháng Giêng Và Anh", đã được Hải Lý hát, và sau đó là Vũ Khanh, Ý Lan, Khánh Hà… Ông rất thích bài hát này. Tiếc là bản nhạc đã không được phổ biến rộng rãi như ý ông muốn.

    Ðầu năm 1997, tôi về Cali ra mắt cuốn CD Riêng Một Góc Trời, trong đó có bài "Cần Thiết" phổ từ thơ ông do Thanh Hà hát. Gần đến phút cuối chương trình, tôi được biết có ông đến tham dự. Rất tiếc tôi đã không thể đến gặp ông để chào hỏi, cũng như ngỏ một lời cảm ơn.

    Năm ngoái khi anh chị Duy Trác qua Seattle thăm bạn bè, chúng tôi đã có dịp gặp lại nhau. Anh em hàn huyên tâm sự, và anh tặng tôi một cuốn cassette có chương trình phát thanh giới thiệu chủû đề Thơ Nhạc Nguyên Sa/Ngô Thụy Miên do anh thực hiện tại Houston Texas. Trong chương trình này anh Duy Trác có nhắc lại:

    Thi sĩ Nguyên Sa đã có lần nói rằng bài thơ Áo Lụa Hà Ðông của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc, và ca sĩ Duy Trác trình bày, thì từ đó cái tên Áo Lụa Hà Ðông đã gắn chặt tên tuổi của 3 người, thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó đã trở thành một định mệnh. Mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải là ca khúc tuyệt tác nhất của Ngô Thụy Miên, cũng như không phải là bài hát mà ca sĩ Duy Trác trình bày thành công nhất.

    Một lần nào đó tôi đã nói "trong nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa có một chỗ đứng rất đặc biệt…" Vâng, trong nhạc tôi ý thơ ông bàng bạc khắp nơi, đâu đó thấp thoáng một chút nắng Sàigòn, một chút lụa Hà Ðông, đâu đó bâng khuâng một chút trời Paris và người yêu rất nhớ… Ðịnh mệnh đã cho tôi được đọc thơ Nguyên Sa, được nghe tiếng hát Duy Trác, được thưởng thức hoà âm của Văn Phụng, để ngày hôm nay, và mãi mãi sau này, dù các anh còn ở đây, hay đã đi rồi, tôi vẫn xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất của một người viết nhạc tình ca đến các anh. Xin lần cuối gửi lời cầu chúc nhà thơ một chuyến đi xa về nơi an lành, vĩnh cửu.

    Ngô Thụy Miên
    4/1998



Trang 1 / 2 12 LastLast

Chủ đề tương tự

  1. Thác Giang Điền
    By travelvietnam in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-04-2011, 11:26 AM
  2. Núi non Hà Giang
    By Quỳnh_muộn in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 03-12-2009, 05:43 PM
  3. Pha Lê làm người đẹp giang hồ
    By TeacherABC in forum Tin tức - Đời sống Điện ảnh
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 24-09-2009, 08:57 AM
  4. Lưu Hương Giang - Vol.1
    By Đôi Mắt Mùa Đông in forum Links Download Nhạc Việt
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 28-07-2009, 11:39 AM
  5. Thành phố mưa bay - Bằng Giang
    By Nguyên Thoại in forum T
    Trả lời: 1
    Bài cuối: 18-06-2009, 10:21 AM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •