Trang 3 / 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 LastLast
Bài 21 đến 30/34

Chủ đề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

  1. #21
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Anh Thơ


    Các bút danh khác: Tuyết Anh, Hồng Minh

    (1918-2005)

    Họ và tên khai sinh: Vương Kiều Ân. Sinh ngày 25 tháng 01 năm 1918, tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

    Quê quán: Thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Mất ngày 14 tháng 3 năm 2005, tại Hà Nội.

    Tác phẩm chính đã xuất bản: Bức tranh quê (thơ, 1941); Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (1944); Hương xuân (thơ, in chung, 1944); Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957); Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Đảo ngọc (thơ, 1964); Hoa dứa trắng (thơ, 1967); Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974); Quê chồng (thơ, 1979); Tiếng chim tu hú (hồi ký, 1995); Lệ sương (thơ, 1995); Cuối mùa hoa (thơ, 2000); Từ bến sông Thương (hồi ký, 2002).

    Giải thưởng văn học: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

    Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, 2007.


    Bến đò đêm trăng

    Mây tản mát ven trời trôi đón gió
    Sao mơ hồ thưa bóng lẩn trong sương.
    Sông lặng chảy một nguồn trăng sáng tỏ.
    Bóng cô Hằng lơ lửng đứng soi gương.

    Trên bến vắng chòm si ôm bực đá,
    Bờ đê cao không một bóng in người,
    Gió se sẽ bước vào thăm khóm lá
    Trước quán hàng vắng lặng bóng trăng soị

    Ngoài sông nước đó đây về chở gió
    Thuyền lênh đênh trong lớp khói sương mù
    Ngồi mơ mộng đầu thuyền cô lái nhỏ
    Khua trăng vàng trong nhịp hát đò đưa

    Anh Thơ

  2. #22
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ
    Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính

    Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó, cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

    Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

    Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

    Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

    Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên cao đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

    Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau: "Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân, giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên". Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

    Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.

    Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

    Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

    Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.

    (còn tiếp)

    Trần Đình Thu
    (Theo Thanh Niên)

  3. #23
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân....

    Kỳ 2: Khởi bước giang hồ

    Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này, Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố, vì vậy ông bỏ Hà Nội tìm đến Hà Đông - nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác (tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này) đang dạy học - tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

    Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi. Đặc biệt, có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ:

    Nhà em cách bốn quả đồi
    Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
    Nhà em xa cách quá chừng
    Em van anh đấy, anh đừng yêu em

    Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh có nhận xét: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu". Có lẽ thời đó, Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi.

    Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết, trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

    Buổi chiều uống rượu làm thơ
    Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi
    Lá khô là lá của trời
    Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng
    (Thơ tôi)

    Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

    Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lẽo hiu quạnh ở miền biên ải, ông lại hoài vọng:

    Có phải đêm nay trời mới tối
    Đêm nào trời cũng tối như đêm
    Ải xa không pháo giao thừa nổ
    Mưa rét tơi bời mưa rét thêm
    Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
    Cành mai ai gửi đến xa xôi
    Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
    Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi
    (Tết biên thùy)

    Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

    Từ độ phiêu linh mãi đến giờ
    Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
    Bốn năm biết mấy tao gian khổ
    Thôi để xuân sau trở lại nhà
    Nhưng rồi tết ấy tết sau qua
    Lần lữa ai chưa trở lại nhà
    Quán trọ xuân này hoa lại nở
    Lại ngồi xem tết, tết người ta

    Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính nghiện rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường nghiện rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

    Ở đây chiều xuống rất mau
    Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ
    Rượu say từ sáng đến giờ
    Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên

    Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác "sầu bơ vơ" khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối, tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn sắp đổ xuống.

    Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

    Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
    Lá rừng thu đổ nắng sông tà
    Chênh chênh quán rượu mờ sương khói
    Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

    Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

    Đồi lau gió lạnh phất cờ
    Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư
    Sương buông, chiều xuống lững lờ
    Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men
    Điếm canh tuần tráng thay phiên
    Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm

    Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ "huyết thư" hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng "nâu chen lẫn chàm" thì thật là tuyệt diệu!

    Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

    Giường tre le lói ánh đèn
    Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to
    Đôi ba người bạn giang hồ
    Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà
    Chập chờn bóng quỷ hình ma
    Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn

    Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo!

    (Còn tiếp)

    Trần Đình Thu
    (Theo Thanh Niên)

  4. #24
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Kỳ 3: Giữa phố phường Hà Nội

    Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời bỏ làng quê để cất bước giang hồ. Tuy nhiên, ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau.

    Tính từ năm 1936 đến 1945 là gần mười năm, nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội, vào khoảng năm 1935 hoặc 1936, Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.

    Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau, Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương... Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.

    Qua một số tài liệu để lại, ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng năm 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước... đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

    Ta hãy đọc lại vài câu thơ độc đáo viết về làng quê của Nguyễn Bính trong giai đoạn này:

    Xóm Tây bà lão lưng còng
    Có hai cô gái lấy chồng cả hai
    Gió thu thở ngắn than dài
    Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa
    (Không đề - 1938)

    Lợn không nuôi, đặc ao bèo
    Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
    Giếng thơi mưa ngập nước tràn
    Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
    (Qua nhà - 1936)

    Đấy là những câu thơ đặc tả về làng quê mà khó có người thứ hai nào sáng tác được hay hơn thế. Như là những bức tranh làng Hồ vẽ bằng thơ.

    Khi Nguyễn Bính bước chân vào văn đàn, vào khoảng năm 1936, thì cuộc cách mạng thơ mới khởi đầu từ năm 1932 đã đến hồi kết thúc. Lúc này, Nguyễn Bính chỉ việc ung dung thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng mà thôi. Tuy nhiên, ông lại có một công lao khác đối với cuộc cách mạng này. Đó là, bằng những câu thơ mang hơi thở làng quê của mình, Nguyễn Bính đã góp phần giữ cho cuộc cách mạng không đi quá xa đến mức trên văn đàn tràn ngập những câu thơ ảnh hưởng nặng nề thơ Pháp. Có người cho rằng, Nguyễn Bính đã ra một tuyên ngôn về thơ trong bài thơ Chân quê ngay trong năm 1936 khi ông viết những câu thơ sau đây:

    Nói ra sợ mất lòng em
    Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
    Như hôm em đi lễ chùa
    Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
    Hoa chanh nở giữa vườn chanh
    Thầy u mình với chúng mình chân quê

    Có thể Nguyễn Bính không nghĩ như thế nhưng vừa bước chân vào văn đàn mà đã thành công rực rỡ ngay là chính nhờ ông đã khai thác đề tài làng quê.

    Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội rồi. Vì vậy, ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:

    Hà Nội ba mươi sáu phố phường
    Lòng chàng có để một tơ vương
    Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
    Góp lại đường đi, vạn dặm đường
    (Hà Nội ba mươi sáu phố phường)

    Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
    Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ
    Tôi thấy quanh tôi và tất cả
    Châu thành Hà Nội chít khăn xô
    (Lòng người trinh nữ)

    Những năm 1939 trở đi, đề tài sáng tác của Nguyễn Bính đã mở rộng ra rất nhiều. Và thật đáng ngạc nhiên, khi rời bỏ cây đa giếng nước của làng quê để viết về phố phường, sau một thời gian lúng túng, thơ ông lại vẫn hay như thường:

    Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
    Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
    Có một buổi chiều qua lối ấy
    Tôi về dệt mãi mộng ba sinh
    (Người con gái ở lầu hoa)

    Có những ngày đi rất nhẹ nhàng
    Vườn tôi đầy cả gió xuân sang
    Hai ba con bướm giang hồ đó
    Đã trở về đây rũ phấn vàng
    (Vườn xuân)

    Vào lúc này, Nguyễn Bính không còn là một chàng trai ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội như ngày nào vừa mới rời khỏi thôn Vân nữa. Nguyễn Bính đã biết hút thuốc phiện, uống rượu tây, đi hát ả đào. Có lần Nguyễn Bính cùng hai người bạn thân Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên tàu lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Thú vui hát ả đào ngày ấy đã trở thành món ghiền khó bỏ đối với nhiều văn thi nhân, trong đó có Nguyễn Bính. Chính vì thế mà Nguyễn Bính có vài bài thơ khi đọc lên thấy ngờ ngợ vì nó không giống những bài thơ khác của ông về tiết tấu, về ngôn ngữ. Chẳng hạn như mấy câu thơ dưới đây nằm trong tập thơ Mây Tần, xuất bản năm 1942:

    Đêm xuân này giấc mộng thế là tan
    Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn
    Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch
    Một khúc trường ca men Lý Bạch
    Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi
    (Trên cầu Chiết Liễu)

    Đây chính là những câu thơ Nguyễn Bính sáng tác ra để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ viết ra để đọc?

    (Còn tiếp)

    Trần Đình Thu

  5. #25
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Kỳ 4: Mưa xuân và những sáng tác đầu tay

    Từ 1936 đến 1940 là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của Nguyễn Bính. Phần lớn những bài thơ làng quê có giá trị đều được ông sáng tác trong thời kỳ này. Có hàng trăm bài thơ của ông được đăng báo. Năm 1940, Nguyễn Bính cho in thành sách hai tập thơ Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi. Đây là hai tập đầu tiên trong bảy tập thơ sáng tác trước năm 1945 của Nguyễn Bính.

    Căn cứ theo những số liệu về ngày tháng ghi dưới các bài thơ thì những bài thơ sớm nhất của Nguyễn Bính được sáng tác vào năm 1936, lúc Nguyễn Bính mới 18 tuổi. Trong hai tập thơ đã nói trên, có rất nhiều bài thơ cùng đề năm sáng tác là 1936. Đó là các bài Mưa xuân, Lòng mẹ, Đêm cuối cùng, Nhớ, Qua nhà… Điều đặc biệt đáng quan tâm là tất cả những bài thơ sáng tác vào năm đầu tiên này đều là những bài thơ hay. Về sau có thể có những bài thơ không xứng tầm với Nguyễn Bính nhưng thời gian này thì không xảy ra tình trạng đó. Và trong số những bài thơ sớm nhất đó, bài Mưa xuân nằm trong tập Lỡ bước sang ngang được nhiều người xác nhận là bài thơ đầu tiên, tức tác phẩm đầu tay chính thức của Nguyễn Bính.

    Toàn bộ Mưa xuân là một câu chuyện yêu đương hẹn hò vui buồn của trai gái đến tuổi lấy vợ gả chồng ở thôn quê. Cô con gái sống bằng nghề canh cửi phải lòng chàng trai làng bên. Họ đã vài lần nói chuyện với nhau. Một hôm có hội chèo về hát, cô con gái xin phép mẹ đi xem với mục đích để được gặp chàng trai. Trời tháng giêng mưa xuân bay phơi phới, xòe bàn tay thử trước mái hiên mưa rơi từng chấm lạnh ngắt. Thế nhưng cô gái vẫn náo nức đi. Đến hội hát, cô gái mải lặn lội đi tìm chàng trai mà không để ý gì đến chuyện hát hò. Nhưng tìm mãi, tìm mãi không thấy chàng đâu. Đêm ấy, trên đường về cô gái lầm lũi đi trong mưa. Cô nhớ lời chàng hẹn hôm trước, khi nào có đám hát sẽ sang xem và gặp nhau trò chuyện. Lời hẹn hò thật chắc chắn mà nay đã bay đi đâu mất rồi?

    Một câu chuyện thơ hoàn toàn có thể kể lại được bằng văn xuôi một cách rõ ràng, có đầu có đuôi như vậy. Thậm chí có thể viết lại thành một truyện ngắn được. Đấy chính là một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Bính: thơ có cốt truyện, có nhân vật, có cao trào, có kết thúc mà trong các phần khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

    Bài thơ này không có nhân vật tôi. Hai nhân vật trong Mưa xuân là mẹ và em. Nguyễn Bính đã ký thác tâm sự của mình vào họ, để họ thay ông nói ra bằng lời những suy tư ngẫm nghĩ, những buồn vui cuộc đời... Nguyễn Đăng Điệp gọi đây là cách nói thác lời. Đây vốn là sở trường của các nhà tiểu thuyết, không hiểu vì sao Nguyễn Bính lại giỏi về khoa này? Có rất nhiều bài thơ Nguyễn Bính dùng cách nói thác lời tài tình như vậy.

    Mưa xuân cho ta những câu thơ thật đẹp và đặc biệt thật chỉn chu. Hình như là những bài thơ đầu tiên này Nguyễn Bính phải viết đi viết lại nhiều lần lắm. Nghe nói vào thời gian này, Trúc Đường trực tiếp biên tập thơ cho Nguyễn Bính rất kỹ. Về sau này ta thấy nhiều câu thơ của Nguyễn Bính viết quá dễ dãi. Nhưng giờ đây ta hãy đọc vài câu thơ hay và chỉn chu của Mưa xuân. Chẳng hạn như bốn câu thơ đầu tiên:

    Em là con gái trong khung cửi
    Dệt lụa quanh năm với mẹ già
    Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
    Mẹ già chưa bán chợ làng xa

    Khổ thơ thật nhẹ nhàng và chân chất. Ta để ý thấy có một chỗ đặc biệt, là hai câu thơ so sánh cô gái với cây lụa trắng. Trong thơ Việt Nam dường như không có tác giả nào khác có kiểu so sánh như vậy. Đây chính là cách so sánh kiểu dân gian, nó cụ thể hóa những điều trừu tượng thành vật chất cụ thể: sự trẻ trung hồn nhiên của một cô gái so sánh với một cây lụa trắng mới dệt xong. Nguyễn Bính đã học tập từ các nghệ sĩ dân gian cách làm này và sau đó ông đã đẩy lên đến mức điêu luyện, đôi lúc vượt qua những người thầy dân gian của mình. Chẳng hạn như hai câu thơ "Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em".

    Thơ Nguyễn Bính viết về xuân rất nhiều nhưng bài Mưa xuân này có một vẻ đẹp lung linh huyền diệu hơn tất cả. Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ đẹp:

    Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

    Diễn đạt mưa và hoa như thế thật là tài tình. Mưa phơi phới bay thì đúng là mưa xuân rồi. Những cơn mưa của sự đâm chồi nảy lộc, của sự hớn hở trong lòng người. Làm sao có thể tìm ra từ nào xuân hơn là phơi phới bay? Cũng như thế, hoa xoan thì lại lớp lớp rụng vơi đầy. Đọc câu thơ, ta hình dung rõ mồn một cảnh trên đường làng gió tung hoa lên từng trận mịt mù phủ kín không gian. Dường như là hoa nhiều lắm. Hoa từ đầu làng đến cuối ngõ. Chỉ thấy hoa chứ không thấy cảnh vật nữa. Làng quê qua ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Bính hiện lên đẹp như là một bức tranh.

    Một góc độ nào đấy, có thể so sánh Mưa xuân của Nguyễn Bính với Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử bởi sự toàn bích của nó. Nếu một số bài thơ hay khác của Nguyễn Bính, đôi lúc ta thấy tiếc trong một vài chỗ thì với Mưa xuân, ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Ta không còn có thể khen chê vào đâu được nữa. Viên ngọc đầu tiên của người thợ chạm tài ba này không hề có một tỳ vết.

    Trên một số báo Văn Nghệ trước đây, tác giả Nguyễn Xuân Nam lấy làm tiếc rằng ngày ấy Hoài Thanh không trích dẫn Mưa xuân vào Thi nhân Việt Nam. Đúng là như vậy thật. Tác giả Chu Văn Sơn cũng viết: "Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi". Ý Chu Văn Sơn cho rằng Mưa xuân là một bài thơ thể hiện đúng chất ngòi bút đồng quê của Nguyễn Bính nhất. Nhận định này rất chính xác. Hiện nay trong chương trình văn học phổ thông, phần giới thiệu Nguyễn Bính có trích dẫn duy nhất một bài Tương tư, nói như Nguyễn Xuân Nam là ta thấy rất đáng tiếc vì Mưa xuân không được trích dẫn thêm vào. Ở đây cần nhấn mạnh, nếu vì lý do gì đó không thể trích dẫn thêm thơ Nguyễn Bính, thì ta nên thay bài Tương tư bằng bài Mưa xuân.

    (Còn tiếp)

    Trần Đình Thu

  6. #26
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.466
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Trích dẫn Trích dẫn của phale Xem bài viết
    Kỳ 4: Mưa xuân và những sáng tác đầu tay

    ................................
    Trần Đình Thu
    Bài viết hay quá. Nhận định của tác giả về bài Mưa xuân hoàn toàn chính xác (theo cảm nhận của TT). Trong nhiều cuộc bình thơ mini, TT vẫn khăng khăng Mưa xuân là bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính. Chú em (cử nhân văn) thì cho rằng bài ấy hay nhưng không nhất, đó là bài thơ xinh xắn dễ thương.
    TT muốn nêu thêm một ý nữa là Nguyễn Bính tả tâm lý cô gái cũng rất khéo. Bài thơ kể về 2 giai đoạn: trước khi đi hội và sau khi về, lặp đi lặp lại. Cũng cảnh ấy mà:

    Khi đi: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
    Khi về: Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

    Khi đi: Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
    Khi về: Hoa xoan đã nát dưới chân giày

    Khi đi: Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay
    Khi về: Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

    Khi đi: Mưa bụi nên em không ướt áo
    Khi về: Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt.

    Khi đi: Thôn Đoài cách có một thôi đê
    Khi về: Có ngắn gì đâu một dải đê.

    Hình như người ta gọi đó là thủ pháp "đầu cuối tương ứng"
    Trong bài thơ, TT thích nhất 4 câu tả tâm trạng người con gái quê mới biết yêu, đẹp và chính xác như rõ hết tâm can cô vậy:

    Lòng thấy giăng tơ một mối tình
    Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
    Hình như hai má em bừng đỏ
    Có lẽ là em nghĩ đến anh.

    Tác giả Trần Đình Thu muốn thêm bài Mưa xuân vào chương trình văn học phổ thông, nếu không được thì bài Tương tư phải nhường chỗ. TT cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên TT thấy còn tiếc hơn là trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, người ta cũng bỏ qua bài này mà chọn bài “Những bóng người trên sân ga” vào cái suất ít ỏi 1 bài cho mỗi tác giả được bầu chọn. Hẳn nếu Nguyễn Bính biết, ông cũng không hài lòng.
    Cảm ơn tác giả Trần Đình Thu đã cho chúng ta biết thêm cái hay cái đẹp của bài thơ và nói hộ lòng bạn đọc.
    Cảm ơn Phale vì lòng yêu thơ đã có công sưu tầm, chọn lọc và giới thiệu.

    Last edited by Tường Thụy; 06-10-2009 at 01:19 PM.
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  7. #27
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    PL xin phép giới thiệu 3 bài thơ mà anh TT đã đề cập trong reply trên:

    Mưa Xuân

    Em là con gái trong khung cửi
    Dệt lụa quanh năm với mẹ già
    Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
    Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

    Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
    Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
    Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".

    Lòng thấy giăng tơ một mối tình
    Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
    Hình như hai má em bừng đỏ
    Có lẽ là em nghĩ đến anh.

    Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
    Em ngửa bàn tay trước mái hiên
    Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
    Thế nào anh ấy chả sang xem!

    Em xin phép mẹ, vội vàng đi
    Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
    Mưa bụi nên em không ướt áo
    Thôn Đoài cách có một thôi đê.

    Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
    Em mải tìm anh chả thiết xem
    Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
    Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

    Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
    Thế mà hôm nọ hát bên làng
    Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
    Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

    Mình em lầm lũi trên đường về
    Có ngắn gì đâu một dải đê!
    Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
    Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

    Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
    Hoa xoan đã nát dưới chân giày
    Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
    Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".

    Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
    Bao giờ em mới gặp anh đây?
    Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
    Để mẹ em rằng hát tối nay?

    Nguyễn Bính


    Tương tư


    Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
    Một người chín nhớ mười mong một người,
    Gió mưa là bệnh của trời,
    Tương Tư là bệnh của tôi yêu nàng,

    Hai thôn chung lại một làng,
    Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
    Ngày qua ngày lại qua ngày,
    Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng,

    Bảo rằng cách trở đò giang,
    Không sang là chẳng đường sang đã đành,
    Nhưng đây cách một đầu đình,
    Có xa xôi mấy mà tình xa xôi,

    Tương tư thức mấy đêm rồi,
    Biết cho ai hỏi ai người biết cho,
    Bao giờ bến mới gặp đò,
    Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau,

    Nhà em có một giàn trầu,
    Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
    Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào.


    Nguyễn Bính

    Những Bóng Người Trên Sân Ga

    Những cuộc chia lìa khởi tự đây
    Cây đàn sum họp đứt từng dây
    Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
    Lần lượt theo nhau suốt tối ngày .

    Có lần tôi thấy hai cô gái
    Sát má vào nhau khóc sụt sùi
    Hai bóng chung lưng thành một bóng
    "Đường về nhà chị chắc xa xôi ?"

    Có lần tôi thấy một người yêu
    Tiễn một người yêu một buổi chiều
    Ở một ga nào xa vắng lắm
    Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu .

    Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
    Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
    Họ giục nhau về ba bốn bận
    Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

    Có lần tôi thấy vợ chồng ai
    Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
    Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
    "Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi !"

    Có lần tôi thấy một bà già
    Đưa tiễn con đi trấn ải xa
    Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
    Lưng còng đổ bóng xuống sân ga .

    Có lần tôi thấy một người đi
    Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
    Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
    Một mình làm cả cuộc phân ly.

    Những chiếc khăn màu thổn thức bay
    Những bàn tay vẫy những bàn tay
    Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
    Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

    Nguyễn Bính


    PL cũng thấy bài Tương tư không hay bằng bài Mưa xuân, nhưng có lẽ để giới thiệu vào sách giáo khoa thì người giới thiệu hẳn đã cho rằng bài Tương Tư sẽ phù hợp hơn vì sự diễn đạt tâm lý trong bài Tương tư nhẹ nhàng hơn.

  8. #28
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Kỳ 5: Bài thơ tạo ra hiệu ứng đặc biệt nhất!

    Có lẽ sự kiện đặc biệt nhất trong đời thơ Nguyễn Bính là việc Tuần báo Tiểu thuyết thứ năm đăng tải bài thơ Lỡ bước sang ngang của ông vào năm 1939.

    Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng những người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang trong những xóm làng hiu quạnh.

    Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ "tác giả Lỡ bước sang ngang". Và Lỡ bước sang ngang không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe Lỡ bước sang ngang. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể ông từng phải đọc đi đọc lại Lỡ bước sang ngang cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn nghe để ông quên mệt trong một lần tránh Tây đi càn.

    Lỡ bước sang ngang là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư… Tập thơ này cùng với tập Tâm hồn tôi đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.

    Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở khu vực Đa Kao, Q.1, TP.HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại một nhà sách. Cuối cùng bản viết tay tập Lỡ bước sang ngang được một nhà thầu khoán yêu thơ mua với cái giá tính ra khoảng 18 triệu đồng hiện nay. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải bán bản quyền cả tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.

    Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 quan khách, mời cả ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ đến để ngâm bài Lỡ bước sang ngang. Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.

    Nhưng vì sao mà bài thơ tạo nên một hiệu ứng ghê gớm như vậy? Có gì đặc biệt trong bài thơ này? Một vài tác giả có lý giải về vấn đề này nhưng dường như không hợp lý lắm.

    Lỡ bước sang ngang là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh "Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ".

    Đấy là câu chuyện riêng của người con gái - nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang - nhưng đấy cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, dưới mái nhà mang tên gọi tam tòng tứ đức. Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, người ta mới dám nghĩ đến điều này. Bắt đầu từ năm 1933, Nhất Linh cùng với một số nhà văn khác trong Tự Lực Văn Đoàn đã ào ạt tấn công vào cái thành trì kiên cố đó để giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự áp đặt của quan niệm gả bán, tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tư tưởng môn đăng hộ đối. Nhưng xã hội lúc đó vẫn còn quá nhiều những cô gái bị bán gả theo kiểu như cô Loan trong Đoạn tuyệt.

    Chính vì vậy mà cho đến năm 1939, Lỡ bước sang ngang ra đời, người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này. Bằng thể loại thơ, Lỡ bước sang ngang đã đem đến cho người ta phương tiện để than thân trách phận, để giãi bày, để tự an ủi mình mà trước đó những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn không thể làm thỏa mãn độc giả được.

    Thật ra thì trước đó một năm, những bài thơ của T.T.Kh đã gián tiếp bày tỏ vấn đề này rồi. Nhưng mấy bài thơ của T.T.Kh là những bài thơ mang tiếng nói cá nhân, còn Lỡ bước sang ngang là phát ngôn của thời đại, phản ánh một thực trạng bất công trong xã hội. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.

    Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam.

    Ở đây cần lưu ý, một số tác giả khi phân tích bài thơ này đã không gắn nó vào giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, không xem xét hết đặc điểm của bài thơ nên đã có những phân tích bình giảng không chính xác. Chẳng hạn như giáo sư Hoàng Như Mai. Ông đã đi theo hướng phân tích Lỡ bước sang ngang như là một bài thơ phản ánh sự trắc trở lỡ làng muôn thuở trong tình yêu nói chung của cả nam lẫn nữ chứ không phải là những bi kịch tất yếu từ chế độ hôn nhân gia đình của lễ giáo phong kiến mà người phụ nữ phải gánh chịu, nên đã không lột tả hết bài thơ.

    (Còn tiếp)

    Trần Đình Thu
    Last edited by phale; 08-10-2009 at 09:13 AM.

  9. #29
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Lỡ bước sang ngang

    I
    "Em ơi em ở lại nhà
    Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
    Mẹ già một nắng hai sương
    Chị đi một bước trăm đường xót xa.
    Cậy em, em ở lại nhà
    Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
    Hôm nay xác pháo đầy đường
    Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
    Chuyến này chị bước sang ngang
    Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay .
    Rượu hồng em uống cho say,
    Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
    (Rồi đây sóng gió ngang sông,
    Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ)
    Miếu thiêng vụng kén người thờ,
    Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em.
    Đêm nay là trắng ba đêm,
    Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
    Một vai gánh vác giang san...
    Một vai nữa gánh muôn vàng nhớ thương.
    Mắt quầng, tóc rối tơ vương
    Em còn cho chị lược gương làm gì!
    Một lần này bước ra đi
    Là không hẹn một lần về nữa đâu,
    Cách mấy mươi con sông sâu,
    Và trăm nghìn vạn nhịp cầu chênh vênh
    Cũng là thôi... cũng là đành...
    Sang ngang lỡ buớc riêng mình chị sao?
    Tuổi son nhạt thắm phai đào,
    Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người!
    Em đừng khóc nữa, em ơi!
    Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em!
    Một đi bảy nổi ba chìm,
    Trăm cay nghìn đắng, con tim héo dần
    Dù em thương chị mười phần,
    Cũng không ngăn nỗi một lần chị đi."
    Chị tôi nước mắt đầm đìa,
    Chào hai họ để đi về nhà ai...
    Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
    Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
    Tôi ra đứng ở đầu làng
    Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.

    II
    Giời mưa ướt áo làm gì?
    Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng.
    Người ta: pháo đỏ rượu hồng
    Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang.
    Lần đầu chị bước sang ngang,
    Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
    Ở nhà em nhớ mẹ thương
    Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
    Mẹ ngồi bên cửi se tơ
    Thời thường nhắc: "Chị mày giờ ra sao?"
    "…Chị bây giờ"... nói thế nào?
    Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
    Chị từ lỡ bước sang ngang
    Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
    Xuôi dòng nước chảy liên miên,
    Đưa thân thế chị tới miền đau thương,
    Mười năm gối hận bên giường,
    Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
    Mười năm đưa đám một mình,
    Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên .
    Mười năm lòng lạnh như tiền,
    Tim đi hết máu, cái duyên không về.
    "Nhưng em ơi một đêm hè,
    Hoa soan nở, xác con ve hoàn hồn.
    Dừng chân bên bến sông buồn,
    Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
    Đoái thương, duyên chị lỡ làng.
    Đoái thương phận chị dở dang những ngàỵ
    Rồi... rồi... chị nói sao đây!
    Em ơi, nói nhỏ câu này với em...
    ...Thế rồi máu trở về tim
    Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
    Chị nay lòng ấm lại rồi,
    Mối tình chết, đã có người hồi sinh.
    Chị từ dan díu với tình,
    Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng."
    Tim ai khắc một chữ "nàng"
    Mà tim chị một chữ "chàng" khắc theo.
    Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
    Chị còn dám ước một điều gì hơn.
    Một lần hai lỡ keo sơn,
    Mong gì gắn lại phím đàn ngang cung.
    Rồi đêm kia, lệ ròng ròng
    Tiễn đưa người ấy sang sông chị về.
    Tháng ngày qua cửa buồn the,
    Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.


    III
    Úp mặt vào hai bàn tay,
    Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm.
    "Đã đành máu trở về tim,
    Nhưng không ngăn nỗi cánh chim giang hồ.
    Người đi xây dựng cơ đồ...
    Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
    Người đi khoác áo phong trần,
    Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
    Hồn trinh ôm chặt chân giường,
    Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
    Năm xưa đêm ấy giường này,
    Nghiến răng... nhắm mắt... chau mày... cực chưa!
    Thế là tàn một giấc mơ,
    Thế là cả một bài thơ não nùng!
    Tuổi son má đỏ môi hồng,
    Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
    Đêm qua mưa gió đầy giời,
    Trong hồn chị, có một người đi qua...
    Em về thương lấy mẹ già,
    Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
    Chị giờ sống cũng như không
    Coi như chị đã sang sông đắm đò."

    Nguyễn Bính

  10. #30
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Tìm hiểu thế giới thi nhân.... (Nguyễn Bính-Thi sĩ giang hồ)

    Kỳ 6: Cô hái mơ


    Cô hái mơ là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không chính xác. Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14, trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.

    Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền, ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra, theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng tiên nâu.

    Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.

    Vì sao lại như thế?

    Ta hãy đọc lại bài thơ Cô hái mơ để xem có điều gì lạ ở trong đó không.

    Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
    Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
    Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
    Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

    Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo. Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là "Hội làng mở giữa mùa thu/Giời cao gió cả giăng như ban ngày" hay là "Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi"... Ta thấy cái câu thơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo mới thật xa lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực:

    Suốt giời không một điểm sao
    Suốt giời mực ở nơi nào loang ra
    Lửa đò chong cái giăng hoa
    Mõ sông đùng đục canh gà le te
    (Lửa đò)

    Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Bính để chứng minh:

    Đã thấy xuân về với gió đông
    Với trên màu má gái chưa chồng
    Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
    Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong
    (Xuân về)

    Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: "Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao" và "Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật".

    Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà Cô hái mơ lại là một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này, nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác.

    Ta hãy đọc tiếp khổ thơ thứ hai và ba:

    Hỡi cô con gái hái mơ già
    Cô chửa về ư? Đường thì xa
    Mà ánh chiều hôm dần một tắt
    Hay cô ở lại về cùng ta?

    Nhà ta ở dưới gốc cây dương
    Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
    Có suối nước trong tuôn róc rách
    Có hoa bên suối ngát đưa hương

    Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh "suối nước trong tuôn róc rách" và "hoa bên suối ngát đưa hương" là hai hình ảnh đã "hương đồng gió nội bay đi rất nhiều". Vì sao lại như vậy?

    Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện, không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng?

    Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật Tây:

    Hỡi cô con gái hái mơ già
    Cô chửa về ư? Đường thì xa

    Chửa về ư là lối nói người xứ quê của ông mà Nguyễn Bính vẫn quen dùng lâu nay.

    Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy.

    (còn tiếp)
    T.Đ.T

Trang 3 / 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 LastLast

Chủ đề tương tự

  1. Thác Giang Điền
    By travelvietnam in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-04-2011, 11:26 AM
  2. Núi non Hà Giang
    By Quỳnh_muộn in forum Du Lịch Đó Đây
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 03-12-2009, 05:43 PM
  3. Pha Lê làm người đẹp giang hồ
    By TeacherABC in forum Tin tức - Đời sống Điện ảnh
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 24-09-2009, 08:57 AM
  4. Lưu Hương Giang - Vol.1
    By Đôi Mắt Mùa Đông in forum Links Download Nhạc Việt
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 28-07-2009, 11:39 AM
  5. Thành phố mưa bay - Bằng Giang
    By Nguyên Thoại in forum T
    Trả lời: 1
    Bài cuối: 18-06-2009, 10:21 AM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •