Tản mạn Lá Diêu Bông
14:55 16-03-2007
Trưa Sài Gòn, nắng như thiêu như đốt. Phòng làm việc máy lạnh luôn ở 16oC nhưng vẫn thấy nóng. Mở blog lên xem, thấy 1 đứa bạn viết về bài thơ Lá Diêu Bông...
...
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
...
Em vào thực tập tại Công ty tôi đang công tác vào một ngày đầu năm. Ấn tượng đầu tiên em để lại cho tôi là một đứa con gái, học ngành kỹ thuật, ăn mặc hở hang (mình bảo thủ thật). Nhưng nghĩ lại cũng thấy hay hay, mấy đời, Công ty chuyên về kỹ thuật mà có nhân viên nữ, đã vậy còn đẹp và hở hang nữa chứ. Nhưng đây cũng chính là rắc rối cho em.
Trong 14 điều răn của Phật (theo bản dịch từ chùa Thiếu Lâm - Trung Quốc), điều thứ 4: Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ. Chính tính ghen tỵ của mọi người đã đưa em đến gần tôi trong ngày chia tay em hoàn thành khóa thực tập. Em chọn chỗ ngồi cạnh tôi, cùng uống Lavie với tôi thay vì uống bia như mọi người, gắp thức ăn cho tôi và nhờ tôi gắp thức ăn cho em. Em giải thích chỉ để chọc tức những người ganh tỵ với em chứ không có gì hết. Trong mắt anh lúc ấy, em trẻ con vô cùng.
...
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
...
Dù em không còn thực tập ở Công ty nữa nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Mỗi khi buồn, em lại rủ tôi đi nhâu. Em tập cho tôi có thói quen, khi nào buồn tôi lại rủ em đi nhậu. Những buổi nhậu và những câu chuyện không đầu, không cuối, tôi chở em về, em tựa đầu trên lưng tôi, khi thì ngủ khi thì trò chuyện. Những chuyện buồn, em chẳng biết kể với ai. Em bảo, em chỉ trò chuyện được với anh vì người yêu em lại chẳng hiểu em, khi nào anh không muốn nghe em nói nữa thì báo cho em biết nhé.
...
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
...
Ngày cưới em, tôi bận việc, không dự được. Hơn hai tháng sau mới gặp lại em. Sài Gòn mùa này như một chảo lửa lớn. Ngồi bên nhau, lòng lại lạnh như băng.
Lá diêu bông chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của Hoàng Cầm. Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1921, Bắc Ninh, nổi danh vào thập niên 1940, với các tác phẩm kịch nghệ như Lên Đường, Kiều Loan, Viễn Khách, Hận Nam Quan...
Năm Hoàng Cầm lên 8 tuổi, từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà bị "tiếng sét ái tình" khi gặp người con gái 16 tuổi tên Vinh. Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau, Hoàng Cầm tâm sự: "Trước mắt tôi, chị hiện ra sáng rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số 1, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ... Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng".
Một buổi chiều mùa đông... Chị Vinh đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ. Hoàng Cầm bí mật, lặng lẽ lần theo, thấy chị thẩn thơ tìm đồng chiều, lẩm bẩm một mình: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng...
25 năm sau, năm 1959, bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm mới ra đời.
Lá Diêu Bông
Tác giả: Hoàng Cầm
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
- Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
em tìm thấy lá
Chị cười
xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt
chị không nhìn
Từ thủa ấy
em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời.....!
.....ới Diêu bông!.....
Lá Diêu Bông được Phạm Duy viết thành ca khúc vào giữa thập niên 1980. Đầu thập niên 1990, ở trong nước, Trần Tiến phổ biến bài nầy mang âm điệu dân ca, bình dân. Trần Tiến không hiểu được hồn của bài thơ, ngộ nhận nhân vật, nhưng làm nổi tiếng tên tuổi Lá Diêu Bông:
Lời ru buồn nghe mênh mông, mênh mông, sau lũy tre làng khiến lòng tôi xôn xao.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê, con đê mòn lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em.
Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi; còn đâu bao đêm trăng thanh, tát gàu sòng vui bên anh.
Ru em, thời con gái kiêu sa, em đố ai tìm dược lá diêu bông, em xin lấy làm chồng...