Bốn anh em chia nhau một khúc sông dài khoảng hơn 1000m. Đoạn sông này còn khá hoang vu, dừa nước mọc dọc theo bờ sông dày đặc. Không có đường cho xe chạy vào đến tận nơi nên phải để xe bên ngoài và đi bộ vào.
Đã đi câu sông thì phải là câu bằng cần tre mới là đúng điệu. Loại cần rất nhẹ, rất mãnh. Cần câu đã được cẩn thận chôn lại từ lần câu trước. Mấy anh em chỉ việc đào lên.
Mồi câu có hai loại: trùn đất và tôm. Mỗi người tự mình chọn một nơi để ngồi và thưởng thức cái cảm giác chờ đợi, giật, gắn mồi mới…
Cá ở đây không lớn như câu ở các ao cá dịch vụ. Chủ yếu là cá Bống dừa và cá lòng tong. Con lớn nhất chỉ bằng khoảng 2 ngón tay. Ai mới câu lần đầu thường chỉ câu được cá lòng tong.
Cá lòng tong rất háo ăn nhưng chúng chỉ lớn bằng khoảng ½ ngón tay út thôi. Đặc biệt là không bao giờ chúng cắn vào lưỡi câu nên phải biết cách giật mới câu được chúng nếu không thì chỉ thấy hết mồi liên tục mà chẳng câu được con nào. Cá lòng tong sống ở tầng nước mặt nên muốn câu chúng thì thả lưỡi câu chỉ khoảng 10 đến 20 cm dưới mặt nước thôi. Khi thấy lưỡi câu lay động là nhấc cần lên ngay, chỉ nhấc lên chứ không giật vì chúng không cắn vào lưỡi câu nên giật mạnh là chúng rớt lại xuống nước ngay. Vì rất háo ăn nên dù nhấc lên khỏi mặt nước nhưng chúng vẫn còn cắn chặt vào mồi chứ không thả ra ngay, lợi dụng việc đó khi nhấc cần câu lên thì phải đưa lên bờ ngay vì chúng có thể thả con mồi ra và rơi xuống bất cứ lúc nào. Cái cảm giác nhấc một con cá lên khỏi mặt nước, đưa nó vào gần đến nơi nó lại rới xuống nưóc thì bực tức và tiếc nuối vô cùng.
Cá Bống dừa thì khác, chúng sống ở sâu hơn, trong bóng mát, thường là gần các gốc dừa nước (có lẽ như vậy nên mới có tên là Bống dừa). Đặc điểm cá Bống dừa là ăn mồi sống nên chúng thường chỉ ăn các con mồi đang bơi. Để câu cá Bống dừa phải cho con mồi di chuyển chầm chậm liên tục. Khi câu quen sẽ có thể phân biệt được khi nào là cá Bống dừa khi nào là cá lòng tong cắn câu. Cá Bống dừa khi ăn mồi chúng ăn cả lưỡi câu chứ không rỉa rỉa như cá lòng tong nên giật cần lên là chúng dính vào lưỡi câu ngay. Thường thì các cảm giác cần câu lay động kích thích người câu cá rất mạnh nên ai cũng “phấn khích” mà giật thật mạnh con cá lên bờ ngay. Nhưng nếu muốn có cảm giác thì phải biết “chơi với con cá đã mắc câu” thì mới là “cực sướng”.
Tôi thích câu cá Bống dừa hơn vì chúng cho tôi cái cảm giác được đùa giỡn với chúng. Khi cá Bống dừa cắn câu tôi không giật mạnh để mang chúng lên bờ ngay mà chỉ lay nhẹ đầu cần đủ để lưỡi câu mắc vào chúng chứ không kéo chúng lên khỏi mặt nước. Bản năng sinh tồn khi bị mắc câu, chúng sẽ chạy, vùng vẫy… tôi cũng cho chúng chạy, tôi cho cần chạy theo chúng một tí rồi sau đó giật nhẹ lại, rồi lại thả ra cho chúng chạy. Cuộc chơi cứ thế kéo dài mãi… Mấy đứa em thường bảo hành động ấy của tôi tàn nhẫn. Tôi cũng thấy thế nhưng xét cho cùng thì cuộc đời còn nhiều việc tàn nhẫn hơn như thế sao chẳng thấy ai lên tiếng hay lên án? Cuộc đời đâu thiếu những con người dùng những thủ đoạn nào đó để dắt con mồi của mình vào tròng sau đó đắt con mồi đi vòng vòng theo ý mình ấy chẳng tàn nhẫn hay sao? Việc câu cá của tôi thì xét cho cùng tôi có giật con cá lên ngay hay để nó tận hưởng thêm một phút giây nào đó dưới nước thì kết quả cũng là nó bị mắc câu.
Giờ khúc sông này đã không còn nữa. Cao ốc chen nhau mọc lên, khúc sông thành cảnh quan chung, cấm câu cá...