Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt mắt cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông
Xin chờ những rạng đông. Đời sao im vắng.
Như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai
Em về hãy về đi, ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây
Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi
Một ngày như mọi ngày, ta nhận lời tình cuối
Một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói
Một ngày như mọi ngày, mang nặng hồn tả tơi
Một ngày như mọi ngày, nhớ mặt trời đầu môi
Một ngày như mọi ngày, đau nặng từng lời nói
Một ngày như mọi ngày, từng mạch đời trăn trối
Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi
Những sông trôi âm thầm
Ðám rong rêu xếp hàng
Những mặt đường nằm câm
Những mặt người buồn tênh
Sóng đong đưa linh hồn
Có mưa quanh chỗ nằm
Mãi một đời về không
Trong chập chùng thác nguồn
Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi
Một ngày như mọi ngày, quanh đời mình chợt tối
Một ngày như mọi ngày, giọng buồn lên tiếp nối
Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say
Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi
Một ngày như mọi ngày, xếp vòng tay oan trái
Một ngày như mọi ngày, từng chiều lên hấp hối
Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi...
Tôi không thể nào quên được buổi sáng hôm ấy, vào 7.30g ngày 16/5/1967, bạn Phan Đạm Hiệp đạp xe đến gọi tôi thảng thốt: ”Chị Hoa ơi! Chị Mai tự thiêu trên chùa Từ Nghiêm rồi. Chị lên mau đi”. Tôi đạp xe vội lên Từ Nghiêm, vừa đi vừa khóc. Chị Nhất Chi Mai học Sử ở Văn khoa, tôi học Triết, và chị rất thương tôi, coi tôi như một người em tâm đắc, thường gọi đi làm công tác xã hội cùng chị vào các xóm nghèo vùng ngoại ô Sài Gòn. Một người chị nhu mì, hiền lành, một nữ tu Dòng Tiếp hiện mà thầy Nhất Hạnh rất quý nễ trong công tác với tâm bồ đề chân thành. Làm sao hiểu nỗi chị đã chuẩn bị cho cái hạnh Bồ tát này, từ khi đọc báo nghe tin Morrison một giáo sư đại học Mỹ tự thiêu cho hòa bình Việt Nam vào cuối năm 1965. Chị Mai đã khóc và kể lại cho tôi, Morrison bế đứa con gái thân yêu nhất đời Emily một tuổi ra trước tòa nhà Ngũ Giác Đài bộ quốc phòng Mỹ tự thiêu để thức tỉnh lương tri con người, mong chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Emily đứng nhìn ngọn lửa thiêu sống cha mình kêu khóc: ”Cha ơi!” Chị đã vô cùng xúc động và kính phục Morrison, rồi âm thầm tự nguyện đem thân làm đuốc để đáp lại tấm lòng Bồ tát bên kia bờ đại dương trên xứ sở đang gây chiến ở Việt Nam...
Tôi lên đến nơi thì ngọn lửa vừa tắt, Nhất Chi Mai của tôi ngồi xếp bằng như một pho tượng đồng đen bất động, mùi thịt da khét lẹt bốc khói. Tôi đặt tay lên đùi chị, phải rụt lại ngay, suýt bỏng tay mình. Tôi gục xuống nức nở đau đớn: ”Mai ơi! Sao phải như thế này? Không còn cách nào khác sao, hỡ Mai?” Nhìn hai pho tượng nhỏ Đức Mẹ Maria và Quan Âm Bồ tát đặt ngay ngắn trước mặt chị với 10 bức thư cho gia đình và cho những người có thẩm quyền gây chiến ở Việt Nam.
Trong đó có bài thơ "Chắp tay tôi quỳ xuống":
Chắp tay tôi quỳ xuống
Sao người Mỹ tự thiêu
Sao thế giới biểu tình
Sao Việt Nam im tiếng
Không dám nói hòa bình
Tôi thấy mình hèn yếu
Tôi nghe lòng đắng cay
Sống mình không thể nói
Chết mới được ra lời
Hòa bình là có tội
Hòa bình là cộng sản
Tôi vì lòng nhân bản
Mà muốn nói hòa bình
Chắp tay tôi quỳ xuống
Chịu đau đớn thân này
Mong thoát lời thống thiết
Dừng tay lại người ơi!
Dừng tay lại người ơi!
Hai mươi năm nay rồi
Nhiều máu xương đã đổ
Đừng diệt chủng dân tôi!
Chắp tay tôi quỳ xuống.
(Nhất Chi Mai, tự Nhất Chi, Kính cáo)
Tôi chép vội bài thơ và không dám ở lại với chị lâu hơn, cũng không thể tiễn đưa chị được vì chùa sợ cảnh sát tới gây khó dễ. Cô em nữ sinh Phật tử H. đã vừa khóc vừa kể hết nỗi niềm của chị Mai cho tôi nghe, bởi em đã gần gũi chị suốt những ngày cuối.
Tôi không về nhà mà đạp xe qua An Tiêm, gặp TCS ở đó kể hết sự tình cho Sơn nghe và tôi khóc nhiều vì thương chị Mai quá chừng. Sơn hốt hoảng rơi người xuống ghế, sửng sốt chết lặng một lúc rồi kêu lên: ”Trời ơi, con gái mà cũng tự thiêu à? Dễ sợ ghê quá, sao không ai can ngăn dùm?”
“Can ngăn gì nỗi Sơn ơi, chị ấy đã âm thầm chuẩn bị rất kỷ ngay từ khi nghe tin Morrison tự thiêu bên Mỹ kìa”. Tôi vừa khóc vừa đọc bài thơ Chắp tay tôi quỳ xuống của chị Mai cho Sơn nghe: ”Sơn thấy không, cái tâm Bồ đề của chị thanh cao vời vợi như vậy thì làm sao mà can ngăn cho được. Chị thành Bồ tát rồi Sơn ơi!”
Sơn ngồi bất động, vẫn chưa hoàn hồn, trầm ngâm buồn bả, ứa nước mắt: ” Ừ, đúng rồi chỉ có cái tâm Bồ tát mới làm được một hạnh nguyện lớn lao như vậy!”
Vài ngày sau, Sơn nhắn tôi lên An Tiêm và ôm đàn hát miên man ca khúc vừa mới viết: ”Hãy sống dùm tôi, Hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi...” Sơn hát xong, tôi kêu lên: ”Tuyệt quá Sơn ơi”. Sơn nói: ”Hôm đó bạn về rồi, suốt ngày mình không làm gì được, suốt đêm cũng không ngủ được, cứ trằn trọc mãi với câu thơ của chị Mai ‘Sống mình không thể nói, Chết mới được ra lời!’ Tại sao vậy? Mình đã tự hỏi bao lần như vậy. Tối qua vùng dậy viết... Cuối cùng đã trả lời được cho chị Mai, cho bạn và cho chính mình bằng mấy nốt nhạc này đây. Được chưa? ” Sơn đưa tôi bản nhạc chép tay vừa ráo mực. Tôi mừng quá đến chảy nước mắt: ”Được quá sơn ơi, bây giờ làm sao in ra cho sinh viên đây? ” Sơn bảo: ”Khoan đã, để từ từ mình sẽ in chung trong tập Ca khúc da vàng với bài Ru con (nay đổi là Ngủ đi con).
Bạn bè sợ 2 bài này ý mạnh quá, kẹt cho Sơn nên chỉ chuyền tay nhau trong sinh viên thôi. Sau đó, Sơn âm thầm mang đi Nhật Bản và được một hãng đĩa Nhật vinh danh là tiếng kêu hòa bình thống thiết nhất từ Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến khắp thế giới cùng tên tuổi của TCS và Khánh Ly. Từ đó đến nay giọng ca Khánh Ly đã đưa Ca khúc da vàng của TCS vào tận tim óc con người, nó lột trần được nguyên hình cái Ác của người với người trong chiến tranh. Giọng ca Khánh Ly đầy ma lực, đến nỗi khi hát cứ như nhập thần. Cho nên Ca khúc da vàng bị cấm hát trên quê hương mình như thân phận nhức nhối, đắng cay của nó...
Hãy Sống Dùm Tôi Khánh Ly
Last edited by chuột con; 07-06-2009 at 01:09 AM.