Rối loạn tiêu hoá là chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống, hiện tượng gây ra do có sự co thắt không đều của các cơ vòng trong hệ tiêu hoá gây ra đau bụng và đi ngoài nhiều lần... Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này cụ thể qua bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa về rối loạn tiêu hoá
Rối loạn tiêu hoá là hội chứng gây ra bởi hiện tượng co thắt không đều của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hoá. Những triệu chứng gây nên là đau bụng và thay đổi đại tiện. Tuy bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm người bệnh cảm thấy khó chịu.
Triệu chứng của rối loạn tiêu hoá
Hội chứng này thường xuất hiện một số biểu hiện như sau:
- Thói quen đại tiện thay đổi: Hiện tượng này tiến triển và nặng dần theo thời gian, người bệnh bị đau bụng từng cơn, táo bón và tiêu chảy xen kẽ, đi đại tiện không đều đặn.
- Đau bụng: Nhiều mức độ từ đau âm ỉ cho đến dữ dội, đau vùng bụng bên trái hoặc có thể đau nhiều chỗ khác, trong một vài trường hợp đau có thể lan ra sau lưng.
- Đầy hơi: Bụng căng trướng, ợ hơi liên tục, trung tiện nhiều.
- Một số triệu chứng khác: Ợ hơi, đắng, hôi miệng, buồn nôn, nôn…
Nguyên nhân
Chế độ ăn không hợp vệ sinh
Ăn uống không đảm bảo hoặc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc gây nên đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột.
Ăn những món kị nhau
Khi nấu chung một số thực phẩm hoặc cho vào cơ thể cùng lúc có thể gây nên tình trạng nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn lâu dài.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc đặc biệt là kháng sinh rất dễ gây tiêu chảy và hiện tượng rối loạn tiêu hoá. Trường hợp dùng kháng sinh kéo dài có thể làm cho tiêu chảy trở nên nặng hơn. Do đó khi sử dụng thuốc cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
Điều trị bệnh không đúng cách
Khi xuất hiện một số vấn đề ở bụng thường điều trị theo người xung quanh mách bảo hoặc đọc sách báo.. Chính việc điều trị không đúng cách làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán
Rối loạn tiêu hoá có triệu chứng với nhiều bệnh khác như viêm đại tràng, loét tiêu hoá, bệnh tuyến giáp, ung thư ( nhất là ung thư đường ruột)… nên người bệnh cần đi khám và làm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác được bệnh. Tuỳ theo tình trạng bệnh, tuổi tác, sức khoẻ hiện tại mà bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm khác nhau.
Điều trị rối loạn tiêu hoá
Chế độ ăn uống
Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để tránh hiện tượng rối loạn tiêu hoá:
- Thức ăn đảm bảo vệ sinh và có nguồn gốc rõ ràng
- Tránh một số thực phẩm gây hiện tượng đầy hơi chướng bụng như hành tỏi, đậu, cần tây, chuối, nho khô, húng quế…
- Tránh những món ăn có chứa nhiều sorbitol (một loại đường dùng trong các loại nước ngọt ăn kiêng), kẹo cao su hoặc quá nhiều đường fructose (như trong mật ong và một số trái cây).
- Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước
- Tăng cường luyện tập thể dục giúp hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn.
Điều trị bằng thuốc
Tuỳ thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hợp lý nhưng thuốc chỉ đóng vai trò phụ trong việc điều trị, chỉ nên dùng khi thật cần thiết và càng ít càng tốt.
Phòng chống rối loạn tiêu hoá
Để phòng chống hiệu quả rối loạn tiêu hoá đặc biệt là hiện tượng rối loạn tiêu hoá sau khi dùng thuốc kháng sinh cần thực hiện tốt một số điều sau đây:
- Tránh sử dụng thức ăn ôi thiu và nhiễm hoá chất độc hại, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn
- Ăn đủ bữa, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt
- Không nên để quá đói
- Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh
- Tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khoẻ
Nguồn:Trangphuclinh.vn