Trông vào thực tại
Trước khi đi vào phân tích chúng ta nên nhìn lại tổng thể đất nước từ mặt địa lý, tài nguyên, con người và văn hóa.
VN với diện tích trên 330.000 km2, dân số trên 86 triệu người. Phần đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Cam pu chia. Phần bờ biển dài trên hàng ngàn ngàn km với nhiều đảo và quần đảo. VN từng được xem là ngã ba quan trọng trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, Theo dòng lịch sử, đất nước chúng ta liên tục có chiến tranh và không có thời gian hòa bình lâu dài đủ để đầu tư và xây dựng một nền kinh tế ổn định, có chiều sâu để làm tiềm lực phát triển thành quốc gia vững mạnh.
So sánh với các nước khác trên bản đồ thế giới, chúng ta là nước nhỏ, yếu và lạc hậu. Điều này được nhìn rõ hơn khi tiếng nói của chúng ta không có giá trị trên bàn cờ thế giới. Phần lớn các quyết định quan trọng và có lợi luôn tùy thuộc vào các cường quốc.
Trước đây, các cường quốc thường đem lực lượng quân sự hùng mạnh đi xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia yếu hơn nhằm chiếm đoạt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng hiện nay, chuyện ấy đã không còn phù hợp. Do vậy mà họ buộc phải tinh vi hơn để có thể lấy đi nguồn tài nguyên của các nước khác thông qua nhiều con đường mềm mại hơn, kín đáo hơn. Đường biên giới trên lục địa của các quốc gia cho đến hiện nay tương đối đã ổn định ở nhiều khu vực. Việc xâm lấn nếu có cũng không đưa đến ảnh hưởng quan trọng về mặt kinh tế nhưng về hải biên thì việc chồng lấn đường ranh vẫn chưa rõ ràng nên đây chính là khe hở để họ tranh chấp quyết liệt.
Nguồn tài nguyên từ biển được nâng lên tầm cao theo nhận thức mới và kỹ thuật mới. Trước đây, các mỏ dầu nằm sâu trong thềm lục địa sẽ gây khó khăn và tốn nhiều vốn đầu tư nhưng giờ đây, điều đó đã không còn là nan đề. Ngoài ra, biển lại là nguồn cung cấp thực phẩm với vốn đầu tư nhỏ và hiệu suất lớn. Gia súc thì phải tốn nguồn đầu tư cho chuồng trại, thức ăn, công chăm sóc và thuốc chống dịch bệnh. Nhưng nguồn hải sản từ biển chỉ cần đầu tư tàu, dầu và lưới là có thể đánh bắt. Dân số thế giới ngày càng tăng, áp lực về mặt lương thực và thực phẩm ngày càng trở nên trầm trọng. Áp lực về nguồn năng lượng ngày càng trở nên cấp bách. Do vậy, biển là giải pháp tối ưu nhất có thể giải quyết được vấn đề.
Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của biển từ rất lâu và họ đã vạch nhiều chiến lược thôn tính làm các quốc gia kề cận bất ngờ khi họ tấn công chiếm đóng và khai thác nguồn tài nguyên từ lãnh hải của mình. Những phản ứng bị động của các quốc gia nhỏ yếu cho đến hiện nay vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt nào! Một số nước có đồng minh mạnh làm hậu thuẫn. Họ dám đem lực lượng vũ trang đánh đuổi nhưng với các quốc gia không có hậu thuẫn thì việc đối đầu quân sự chỉ có thể gây thêm nhiều hiểm họa.
Nhưng nếu chỉ đứng nhìn lãnh hải của mình bị xâm chiếm, tài nguyên của mình bị khai thác, ngư dân không thể ra khơi lại cũng không là giải pháp an toàn. Đây quả là cục diện bế tắc. Không thể dùng lý lẽ thuyết phục thế giới bênh vực giải quyết vấn đề, không thể dùng lực lượng quân sự đối đầu khi vũ khí và khí tài quá chênh lệch. Lại không thể đứng yên nhìn vì áp lực từ phía con người. Thoát khỏi cục diện này là một nan đề! Việc này, đòi hỏi một đối sách mà chỉ có thiên tài mới giải quyết được!
Còn tiếp