(Lâu quá ko vào blog cũ, hôm nay vào đọc lại vài bài, đem một bài post ở đây chơi ^^)
Nói về “thiên chức” làm mẹ của chị em phụ nữ, chắc hẳn trên đời này từ già trẻ bé lớn không ai là không biết. Nhưng nhìn chung đa số mọi người chưa hiểu đúng hoặc cố tình không hiểu đúng về hai chữ “thiên chức” này, bao nhiêu thế hệ qua đi, cho đến ngày nay, trong tư tưởng mọi người và đặc biệt là các quí ông, cái gọi là “thiên chức” vốn không được để cao ở sự làm mẹ mà chỉ được nhấn mạnh ở điểm… làm mọi.
Vì sao dân gian lại “quí hóa” gắn hai từ “thiên chức” lên vai người phụ nữ? Vì họ có một chức năng đặc biệt trong việc duy trì nòi giống mà đàn ông không có được, đó chính là làm mẹ. Ừ, thì đàn ông cũng có một chức năng đặc biệt mà phụ nữ không thể nào có được đó chính là làm cha. Vậy tại sao lại không dành 2 từ “thiên chức” cho họ? Cùng một công việc duy trì nòi giống, nhưng phải chăng “phận sự” của đàn ông quá đỗi nhẹ nhàng, có khi chỉ cần 3s là xong. Còn chị em phụ nữ nhà ta, phải cưu mang 9 tháng 10 ngày chịu bao vất vả và bất tiện, phải mang nặng đẻ đau, phải chăm sóc con từng li từng tí từ lúc sơ sinh. Khi trẻ giật mình khóc thét lúc nữa đêm, có mấy “quí ông” thức dậy lo cho trẻ? Hay đa số các quí ông nhà ta đôi khi còn cảm thấy bực mình vì không tròn giấc ngủ, thậm chí một số người còn đổ “lỗi” cho người mẹ đã để đứa bé… quấy rầy mình. Trong những trường hợp như thế, giả sử người cha và người mẹ đều mệt mỏi ngang nhau, đều thèm ngủ ngang nhau, người đàn ông có thể sẽ có hành động là… ôm gối đi chỗ khác ngủ tiếp, người phụ nữ liệu có người nào làm vậy hay không?
Lại nói đến chuyện “làm mọi”. Có thể một số người sẽ cho rằng cách dùng từ này hơi nặng nề. Vậy thì đã sao? Vì đó là sự thật. Một sự thật vẫn đang tiếp diễn khắp nơi trong các gia đình ở Việt Nam. Ậu cũng không có gì là tự nhiên mà có, vốn bắt nguồn từ những phong tục và nếp sống cổ hủ thời xưa, “phu xướng, phụ tùy”, “Tại gia tong phụ, xuất giá tong phu, phu tử tòng tử”. Nếu xét về thời xưa, suy nghĩ này có thể có phần đúng. Đúng là vì sao? Vì phụ nữ thời xưa đa số không được cho đi học, không có điều kiện tham gia các hoạt động về kinh tế, chính trị, xã hội. Nói đơn giản là phụ nữ ngày xưa sinh ra chỉ có nghĩa vụ học nữ công gia chánh, kiếm một tấm chồng để chồng nuôi, chồng nuôi mình, thì mình phục vụ chồng là lẽ đương nhiên, không phục vụ “hắn”, “hắn” không cho cơm ăn thì có mà “đói rã họng” ra à, gái theo chồng đã thành “con nhà người ta”, có muốn về nhà cha mẹ cũng không nhận, biết phải sống làm sao?
Thế là, lớp cha ông được “phục vụ”, ắt sẽ đào tạo ra những lớp “con, cháu” sống để “hưởng thụ”. Lớp “bà, mẹ” sống để làm mọi, sao lại không rèn nên những thế hệ “con sen”. Ngẫm đến câu “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, âu cũng một vòng tương tự thế.
Ngày nay, xã hội đã phát triển, thay đổi và tân tiến khá nhiều. Nhưng phát triển ở kinh tế, khoa học, kỹ thuật… vì đó là những thứ “hữu hình”, còn tư tưởng con người, vốn nằm ở chế độ “vô hình”, người nào thích thì mở, không thích thì đóng, nửa vời thì he hé… Ấy là chưa nói đến môi trường sống riêng của từng người, từng gia đình, một sự tác động trực tiếp rất là quan trọng.
Giả sử trong nhà có một trai một gái, ngoài việc học, đa số các bé gái độ 12 tuổi đã được không bà thì mẹ bắt đầu dạy nữ công gia chánh và “giáo huấn” sơ sơ về “đạo làm… phụ nữ”. Còn các bé trai thì sao? Cũng được “huấn luyện”, có điều là huấn luyện thể thao, vui chơi, kết nối bạn bè… Tại sao con trai phần lớn ở lứa tuổi khoảng 15-16 bắt đầu lười học, tập tành ăn chơi, phá làng phá xóm…? Các bé trai trong những gia đình không khá giả hoặc neo người phải phụ mẹ làm việc nhà thì đa số lại rất ngoan ngoãn và chăm học. Sống là phải lao động, các bậc cha mẹ khi huấn luyện cho trẻ tập lao động không lý nào lại cần phân biệt trẻ nam và trẻ nữ. Còn nếu tạo điều kiện cho trẻ phát triển ngang nhau, tôi tin rằng phần lớn các bé gái sẽ có những thành quả cao hơn các bé trai.
Bây giờ lại nói đến tuổi trưởng thành. Vì sao đàn ông khi gặp vấn đề bất trắc trong cuộc sống thường suy sụp và khó đứng dậy hơn phụ nữ? Vì phụ nữ mạnh mẽ hơn? Không phải đàn ông vẫn luôn được xưng tụng là “phái mạnh” sao? Đây cũng từ yếu tố ít lao động thưở bé mà ra. Ít lao động đi kèm với sự ỷ lại, quen với sự “bằng phẳng”. Lao động là sự rèn luyện, trong rèn luyện ắt có va chạm…
Đối với một cặp vợ chồng mới cưới, nếu ông bà già chồng thấy con dâu mình để con trai mình vô bếp, dù chỉ là “năm khi mười họa”, chắc chắn sẽ tỏ thái độ không vui. Người thẳng tính thì bảo “sao không để vợ mày làm, chuyện của đàn bà”. Chuyện nào được qui định là “chuyện của đàn bà”? Chuyện nào mới là “chuyện của đàn ông”? Hay xã hội cũng có luật đàn bà thì chỉ được làm những cái gì, đàn ông thì làm những cái gì…???. Càng buồn cười hơn khi người lịch sự thì sẽ vui cười giả lả “nó mà biết nấu nướng gì, cho nó vô bếp làm sao ăn được”. Không biết thì học? Phụ nữ mới sinh ra đã biết nấu ăn ngon sẵn hay sao?
Con trai cũng là người, con gái cũng là người, trai hay gái đều là con có cha có mẹ sinh ra, ai cũng có quyển được hạnh phúc, được chăm sóc, được hưởng thụ, không pháp luật nào qui định đàn bà sinh ra để phục vụ đàn ông cả. Vì thế không lý nào đàn ông nghiễm nhiên có quyền bóc lột sức lao động của người phụ nữ đề phục vụ cho lợi ích của mình, ấy là chưa nói đến sức người phụ nữ dù sao vẫn yếu hơn so với đàn ông, thế mà… họ phải làm nhiều hơn. Vậy đàn ông yêu người phụ nữ của mình chỗ nào? Họ có làm gì để thể hiện điều đó không? Hay chỉ là những lời nói suông biện hộ cho sự lười biếng, tham lam và ích kỷ của mình trong tình cảm cũng như trong đời sống vợ chồng?
Có những chàng trai trẻ bảo rằng: “Tôi thấy mẹ tôi cả đời phục vụ cha tôi mà bà vẫn hạnh phúc đó thôi, dù cha tôi không làm gì cho bà, hạnh phúc của người phụ nữ là cho chứ không cần nhận”. Người phụ nữ đó có hạnh phúc thật không? Bạn quan niệm thế nào về hạnh phúc? Nếu bạn quan niệm như vậy sao đàn ông không là người “cho chứ không cần nhận” mà mặc định mình ở vị trí “người nhận” vậy?
Vì sao những phụ nữ có tri thức và có điều kiện gia nhập xã hội cao ngày nay thường có khuynh hướng chọn chồng nước ngoài? Đàn ông sẽ bảo họ “xem đô la cao hơn tiền việt”. Đó chỉ là suy nghĩ ích kỷ và không biết nhìn vào sự thật của đàn ông. Tiền đô đúng là tỉ giá cao hơn tiền việt thật, nhưng đâu phải cứ hễ “người nước ngoài” là giàu? Việt Nam mình khối gia đình nhà tranh vách lá nhưng dưới chân giường chôn vài hũ… vàng miếng là chuyện bình thường. Ấy là chưa nói đến việc đâu phải phụ nữ nào cũng cần lấy chồng giàu có. Họ chỉ chọn cho mình một người chồng mà khi chung sống họ được trân trọng, được chăm sóc.
Tôi thấy nhiều gia đình, “năm mười hai tháng” ông chồng vào bếp được dăm ba lần thì dương dương tự đắc giống như mình vừa “ban phước” cho vợ đầy cao cả, dù thức ăn có nuốt không được chị vợ vẫn phải cười cười nói nói khen ngon. Ngược lại, chị vợ quần quật quanh năm suốt tháng, lỡ bữa nào đó món ăn thiếu cọng hành ngò hay cơm không dẻo sẽ bị chồng phàn nàn này nọ có khi lại bỏ đũa không ăn.
Bên cạnh đó, tôi cũng có nhiều anh bạn là người nước ngoài, họ thường mời tôi cuối tuần đến nhà họ để họ vào bếp đãi tôi những món ngon sau một tuần dài mệt mỏi. Nếu tôi nói rằng hôm nào đó để tôi nấu, họ đều rất hạnh phúc và trân trọng bữa ăn mà họ được nhận.
Nếu bạn quen bạn trai trên 3 năm, bạn có thấy vào các ngày đặt biệt thậm chí là sinh nhật của bạn, dù chỉ là một lời chúc qua SMS họ cũng thường quên không? Các bạn nghĩ xem, vậy tại sao chúng ta phải chọn chồng Việt Nam?
Và… Khi đọc xong bài này, các chàng trai và chị em phụ nữ… Các bạn có suy nghĩ gì không?
(Đúng ra định viết nhiều lắm nhưng mỏi vai rồi, dừng ở đây thôi!)
08.03.2011
Sheiran