Lương tâm nào cho công trình?
Có một hiện tượng vô lý nhưng lại được tồn tại hiển nhiên đã từ khá lâu ở nước ta: Nhiều công trình xây dựng, đường sá… vừa đi vào sử dụng đã bị xuống cấp, lún nứt, hư hỏng…
Trong khi đó, có những ngôi nhà cổ, công trình cũ từ thời xa xưa đến nay vẫn sử dụng rất tốt,“trơ gan cùng tuế nguyệt”. Các công trình này tốt đương nhiên không phải do công nghệ hay kỹ thuật xưa khá hơn nay, mà do lương tâm của những người xây dựng nên nó. Lương tâm có thể làm biến đổi ngay cả những thứ tưởng như bền vững nhất là bê tông hay cốt thép!
Trong đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng chiếm một lượng vốn khổng lồ, có công trình lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng khi đi vào sử dụng người ta mới thấy rõ nhiều công trình chẳng xứng với “đồng tiền bát bát gạo”.
Gần đây, dư luận bức xúc trước hiện tượng mặt cầu Thăng Long được đầu tư cả trăm tỷ đồng để sửa chữa, nhưng chỉ sau thời gian ngắn tu bổ, các vết nứt và ổ gà, ổ voi đã lại xuất hiện, làm khổ người đi đường!
Một dự án khác cũng bị dư luận “lên án” là cây cầu Thanh Trì, với mức đầu tư 5.700 tỷ đồng, qua vài năm sử dụng, đã xuất hiện những vết lún nghiêm trọng dài hàng km trên mặt cầu tại làn đường ô tô chạy. Các vết lún, nứt ngày càng trầm trọng, trong khi nhà thầu vẫn tuyên bố “đang ra sức bảo hành, duy tu”…
Người dân chỉ biết thở dài ngao ngán: Không biết tình trạng chắp vá kiểu này trên những cây cầu, đoạn đường ở nước ta khi nào mới chấm dứt?
Mặc dù những hiện tượng kiểu như kể trên không còn là chuyện mới, chuyện hiếm, nhưng lại chưa bao giờ có được câu trả lời rõ ràng về nó. Không ai dám khẳng định về chất lượng thực sự của các công trình hiện nay. Cũng như khó ai có thể biết rõ công trình ấy đã bị “rút ruột” chính xác bao nhiêu? Người ta đã “ăn” bao nhiêu đất, cát, đá, sỏi…? Bao nhiêu phần trăm của công trình biến thành xe hơi, nhà cửa, tài khoản của những người có trách nhiệm???
Sự bòn rút công trình còn được “đồng thuận” bởi nhiều chủ thể liên quan, từ giám sát, thi công, thiết kế…, nên lại càng khó để xác định tách bạch trách nhiệm. Như vậy, có nhiều đối tượng được hưởng lợi từ việc công trình xuống cấp, chỉ có những người sử dụng chúng là phải chịu đựng và chấp nhận!
Câu hỏi day dứt được đặt ra là: Làm gì để trả lại chất lượng thực cho công trình? Đã có nhiều chữ “cần” được đặt ra: Cần giám sát chặt chẽ; cần chế tài, luật pháp đủ mạnh; cần răn đe, xử phạt thích đáng, nghiêm minh…
Nhưng ngay cả khi những chữ cần trên đầy đủ và vận hành đồng bộ, thì vẫn có một chữ cần khác cần được “lắp đặt” bền vững mới hy vọng cải thiện được tình trạng trên. Đó là cần “nâng cao chất lượng” lương tâm và trách nhiệm của những người xây dựng các công trình! Và đây mới là nền móng thực sự cho vấn đề chất lượng công trình xây dựng ở nước ta.
Ngô Đồng
Theo Biettuot