Tặng anh CM món ăn này vì biết anh rất thích. OA cũng thèm món ăn này nữa. Mỗi khi rủ bạn bè đến nhà nhậu món này thì thôi rồi...Rất là tốn kém.

ST.

Lần đầu nếm thử miếng bánh mì nhúng vào nồi lẩu sôi sục với “nước dùng” là phômai đặc sánh, không ít thực khách dè dặt vì… béo quá! Nhưng cảm giác đó nhanh chóng lắng lại khi hương vị lẩu thấm dần trên đầu lưỡi, rồi thực khách có thể… nghiện khi nào không hay



Pháp được nhắc đến như đất nước có số phômai nhiều hơn số ngày trong một năm, nhưng món lẩu phômai lại không hẳn là “độc chiêu” của riêng người Pháp. Món này xuất phát từ vùng núi Alpes, nằm trên biên giới hai nước Pháp và Thuỵ Sĩ nên đến nay, khó xác định được “quốc tịch” chính thức cho món ăn này. Bởi bên này hay bên kia biên giới, lẩu phômai đều được ưa chuộng như nhau. Món lẩu có tên là fondue, lấy từ chữ “fondre” trong tiếng Pháp, nghĩa là “tan chảy”. Ở vùng biên giới lạnh giá, người Pháp và Thuỵ Sĩ xem đây là món ăn ưa thích trong mùa đông, khi thực phẩm tươi sống không dễ tìm. Họ nghĩ ra cách ăn mới là dùng các món khô như bánh mì, phômai, trái cây, rau củ… làm thành món nóng để chống lại giá lạnh.

Cho phômai vào nồi đất nhỏ, đun trên lửa liu riu để phômai tan chảy, khi sôi bùng lên, thêm ít tỏi, rượu (bất cứ loại rượu nhẹ nào như vang trắng, rượu cherry hay anh đào…) cho dậy mùi. Tiếp theo, cho liều lượng vừa đủ chất kết dính như bột bắp, bột mì là nồi lẩu fondue phômai hoàn chỉnh. Bánh mì, rau củ, trái cây được cắt thành những miếng vuông nhỏ, ghim vào cây nĩa dài rồi nhúng ngập trong “nước dùng”, xoay nhè nhẹ cho nước dùng phủ đều rồi nhấc lên thưởng thức. Món ăn vẫn còn hơi nóng và vị của phômai thơm thơm, bùi bùi; cùng một chút tươi mới của rau củ, trái cây hay chất xam xảm của bánh mì. Tất thảy như một sự phối hợp nhịp nhàng giữa cứng và mềm, béo và thanh…

Fondue có thể làm từ nhiều loại phômai với nhau. Đậm chất Pháp thì có Comte Savoyard, Beaufort, Emmental… còn được gọi là fondue Savoyarde. Hoặc chút Thuỵ Sĩ của Gruyere, Emmental… tạo thành fondue truyền thống Neuchatel. Nhưng nếu tinh ý, người ăn sẽ thấy đa phần phômai Pháp có vị nồng và mạnh hơn nhiều loại phômai Thuỵ Sĩ. Hoặc có khi là phối hợp đủ loại cũng cho ra thứ hương vị hấp dẫn riêng, thơm nhẹ mùi kem sữa và nhất thiết là không quá mặn hay quá gắt.

Khác với cách ăn mỗi người mỗi phần vốn thấy của người phương Tây, fondue là món để mọi người quây quần dùng chung, nhưng vẫn có những quy tắc riêng. Chẳng hạn, người thanh lịch không để môi chạm vào phần nĩa sẽ nhúng ngập trong phômai, và cũng tránh để thức ăn rơi vào lẩu.

ST.