Cựu cầu thủ của đội tuyển VNCH vô địch MERDEKA 1966, hậu vệ sắt Phạm Văn Lắm, còn có biệt danh là “Lắm Rỗ,” sau gần sáu năm trời chống chọi với nhiều căn bệnh ngặt nghèo, nảy sinh ra từ cơn đột quỵ vào năm 2006 và sau đó nằm liệt một chỗ từ 2009, đã từ giã cõi đời vào lúc 11 giờ 18 phút đêm 5 tháng 2 năm 2012, hưởng thọ 69 tuổi.
Các tuyển thủ Việt Nam Cộng Hòa đoạt giải Merdeka 1966. Phạm Văn Lắm
bên phải hàng thứ hai từ trên xuống. (Hình Tư liệu)
Ðể chạy chữa thuốc thang cho ông sau cơn đột quỵ, gia đình phải bán đi căn nhà ở đường Trần Văn Ðang, quận 3 để về thuê nhà ở Bình Chánh. Người vợ luôn bên cạnh ông để săn sóc cũng kiệt sức sau một cơn bệnh và đã qua đời trước đó vài tháng.
Ông Phạm Văn Lắm sanh ngày 17 tháng 10 năm 1943 tại Bạc Liêu lên Sài Gòn khởi nghiệp đá bóng năm 17 tuổi, trong đội bóng hạng nhất Tòa Ðô Chính, năm sau ông chơi cho đội Ngôi Sao Gia Ðịnh, năm 1961 ông được tuyển vào đội tuyển Thiếu Niên VNCH, cùng với Tam Lang, Quang Kim Phụng, Lâm Hồng Quân dự giải thiếu niên Á Châu kỳ 4 tại Bangkok. Từ đó, cuộc đời đá bóng của ông bắt đầu thăng tiến. Ông về đầu quân cho đội nhà Ðoan tức Quan Thuế một trong những đội hàng đầu của làng cầu Ðồng Nai, được tuyển vào đội tuyển thanh niên năm 1962-1963.
Ðến tháng 4 năm 1964, ông có mặt trong đội tuyển Quốc Gia VNCH cùng với các đàn anh Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Ngọc Thanh... sang thủ đô Tel Aviv của Do Thái tham dự trận cầu vòng loại Olympic, đã tạo nên kỳ tích chỉ trong 15 phút ghi 2 bàn thắng do công của trung phong Nguyễn Văn Quang và tả biên Nguyễn Văn Ngôn I.
Ông cũng có mặt trong thành phần chính thức của VNCH tham dự giải MERDEKA năm 1966 và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất góp phần đưa đến chức vô địch MERDEKA cho đội tuyển VNCH.
Suốt gần một thập niên 1960-1970, tên tuổi ông luôn gắn liền trong các chuyến viễn du của đội tuyển túc cầu VNCH. Gót giày của ông đã in đậm trên các vận động trường quốc gia của Ðại Hàn, Nhật Bản, Nam Dương, Miến Ðiện, Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Ðài Loan, Campuchia, Lào.... Với những chiến tích lẫy lừng, như vô địch Merdeka 1966, huy chương bạc Seagames hai lần 1965-1969, HCÐ Seagames 1971, vô địch quân đội khu Viễn Ðông, nhiều lần vô địch giải túc cầu Quốc Khánh VNCH cùng nhiều chức vô địch quốc gia, trong hai màu áo Tổng Tham Mưu và Quan Thuế.
Vai trò sở trường của ông là vai tả vệ (hậu vệ biên bên trái), lúc đương thời ông được đánh giá không có người tương xứng để thay thế vị trí của ông. Ðược xem là một trụ đồng phòng thủ vựng chắc, từ đội nhà cho đến đội tuyển lúc tài nghệ đang ở đỉnh cao, cộng thêm kinh nghiệm thi đấu dạn dày, ông lại xin giã từ đội tuyển với lý do nhường chỗ cho lớp trẻ đi lên, lúc đó ông chỉ vừa tròn 27 tuổi.
Sau tháng 4, 1975, Quan Thuế đổi tên thành Hải Quan, ông vẫn được trọng dụng với vai trò đội trưởng dẫn dắt đội Hải Quan (từng đoạt giải Cửu Long - A1 sau này).
Và cũng chính trong đầu năm này, ông có mặt trong trận cầu được xem là lịch sử của 2 miền Nam-Bắc, và cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các danh thủ của hai miền, nằm trong hai đội vô địch miền Bắc, Tổng Cục Ðường Sắt và Hải Quan.
Trận đấu trên đây, trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của gần 20 ngàn khán giả có mặt trên sân Thống Nhất ( Cộng Hòa), ông Phạm Văn Lắm đã hợp cùng với thủ môn Hồ Thanh Chinh, Hiển, Cang, Cù Hè, Cù Sinh, Bình lùn chơi một trận xuất thần hạ gục đội vô địch miền Bắc Tổng Cục Ðường Sắt với các danh thủ Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, thủ môn Trường Sinh.... với tỷ số 2-1, do công của trung phong Cù Sinh ở phút 30 và Hồ Thanh Cang ở phút 75.
Chiến thắng của đội Hải Quan đã làm cho người mộ điệu túc cầu miền Nam, như sống lại trong niềm vui ngây ngất, chặn đứng bước tiến du Nam với thành tích bất bại trước đó, qua bốn trận toàn thắng của đội đương kim vô địch miền Bắc, Tổng Cục Ðường Sắt.
Ðến năm 1981, ông tuyên bố giải nghệ, chuyển sang vai trò huấn luyện, trước khi qua lái xe cho công ty du lịch.
Sau khi nhận được tin buồn về sự ra đi của ông, chúng tôi đã điện đàm với các đồng đội của ông, cũng là các cựu tuyển thủ VNCH đang sinh sống tại Hoa Kỳ, tả biên Nguyễn Văn Ngôn I, trung phong Quang Kim Phụng, thủ môn Lâm Hồng Châu, Cù Sinh, Nguyễn Văn Quang, Võ Bá Hùng, Nguyễn Văn Xê, Trần Tiết Anh, cho đến tuyển thủ thế hệ kế tiếp Võ Thành Sơn, Quang Ðức Vĩnh, Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Văn Quân, Quốc Bảo, Khánh Hùng, Lý Trí Vân... tất cả đều bùi ngùi thương cảm ông, một đồng đội, một người anh, người em tốt từ trong sân cỏ cho đến ngoài đời. Tất cả cầu chúc cho ông thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng.
Thi hài cố tuyển thủ Phạm Văn Lắm, do nhà thuê quá xa và chật hẹp nên được đặt tại nhà quàn của trại hòm tại số 174-176 Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình. Lễ di quan diễn ra lúc 6 giờ ngày 8 tháng 2, 2012 và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.