-
Dạy con tuổi mẫu giáo
.
Sưu tầm
Một nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ở đâu ông học được những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy? Ông đã trả lời rằng: Nơi tôi học được nhiều nhất đó là vườn trẻ.
Một nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ở đâu ông học được những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy? Ông đã trả lời rằng: Nơi tôi học được nhiều nhất đó là vườn trẻ, vì rằng, ở đó người ta dạy tôi cách biết tuân thủ các quy định, biết nói xin lỗi khi mình sai… Có lẽ sẽ là thừa khi chúng ta nhắc lại ở đây những lý luận nhằm chứng minh vai trò rất quan trọng của giáo dục trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo đối với quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ trở nên thú vị, khi chúng ta tìm hiểu việc giáo dục trẻ em độ tuổi mẫu giáo ở Mỹ - một trong những nền giáo dục hiện đại nhất thế giới.
Dạy trẻ từ tính tự lập
Ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, người Mỹ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Họ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công, nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn.
Học người Mỹ dạy con tuổi mẫu giáo
Ngay từ tuổi mẫu giáo, trẻ em Mỹ đã được rèn tính tự lập. (Ảnh minh họa).
Những người làm công tác giáo dục mẫu giáo ở Mỹ đều được nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ. Bất cứ sự chăm sóc nào từ phía người lớn cũng phải tạo cho trẻ những cơ hội để rèn luyện cho trẻ các kỹ năng này. Đồng thời, họ cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành ngay tại nhà.
Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ bao gồm: Buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm… Tuy nhiên, những kỹ năng này không đồng nhất ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ. Các nhà nghiên cứu, sau nhiều năm nghiên cứu và quan sát đã chỉ ra rằng: Trẻ từ 18-24 tháng có thể tự dùng cốc uống nước, có thể tự nhặt lấy đồ chơi; từ 2-3 tuổi có thể học cách tự mình đi đại tiểu tiện, ăn cơm, mở phéc-mơ-tuya và mặc quần áo; từ 3-4 tuổi, tính độc lập của trẻ đều phát triển mạnh, những kỹ năng đã học được ở trên đều trở nên thành thục hơn, gần như trẻ có thể làm mà không cần sự giúp đỡ của người lớn; từ 5-6 tuổi, trẻ có thể học cách tự rửa bát, sắp xếp đồ đạc của mình ngay ngắn,…
Những giáo viên mẫu giáo Mỹ khi rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập thường dùng phương pháp là: Đồng thời với việc đề ra nhiệm vụ, họ cũng đưa ra những điều kiện để trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn, để dạy trẻ tự mang giày, họ thường đưa cho trẻ những đôi giày to hơn một chút so với cỡ chân của các em. Hoặc để dạy trẻ tự rót nước sữa, họ đưa cho trẻ những bình sữa có miệng to giúp trẻ thực hiện công việc một cách dễ dàng hơn. Cách làm như vậy sẽ gây cho trẻ hứng thú cũng như tự tin trong việc hoàn thành các “nhiệm vụ”.
Đến sự lễ phép
Ở các trường mẫu giáo ở Mỹ, ngoài việc khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ, người ta rất coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Yêu cầu đối với mỗi em là phải nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng với những học sinh khác. Trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, mỗi khi có một bạn nhỏ hắt xì, sẽ phải nói với những người bạn xung quanh của em rằng: “Xin lỗi!”, ngược lại, những người bạn của em sẽ nói: “Chúc phúc cho cậu!”. Điều này đã trở thành một hành vi tự giác của trẻ.
Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời,… người ta thường dùng phương pháp “phạt ở một mình”. Lý do là, trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất là việc phải ở một mình. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó. Khi trẻ bình tĩnh trở lại, mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Tất nhiên việc “giam” một mình đối với trẻ có phần nào đó khó chấp nhận đối với các bậc phụ huynh, tuy nhiên, nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận. Nổi nóng ở những nơi công cộng là điều dường như không ai có thể chấp nhận được ở Mỹ. Do đó có thể khống chế được tình cảm của bản thân, bất luận trong tình huống như thế nào cũng có thể bình tĩnh ứng xử là một nội dung quan trọng trong các mối quan hệ công chúng ở Mỹ. Phong độ cũng như sự trầm tĩnh của người Mỹ, có lẽ liên quan nhiều đến phương pháp giáo dục ngay từ độ tuổi mẫu giáo này.
Học người Mỹ dạy con tuổi mẫu giáo
Trẻ em là cá thể đặc biệt rất cần được tôn trọng. (Ảnh minh họa).
Trong việc giáo dục những lễ nghi ứng xử cho trẻ ở giai đoạn này, một trong những yếu tố rất được đề cao là vai trò của người giáo viên. Ở độ tuổi mẫu giáo, những điều trẻ học được không phải là những lý giải mà là những mô phỏng. Vì thế, nếu như những thầy cô giáo ở trường có thái độ không tốt đối với trẻ, chúng sẽ học theo các thầy cô, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh. Nói cách khác, hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Do đó, những giáo viên mẫu giáo ở Mỹ đều phải thông qua những yêu cầu rất nghiêm ngặt về trình độ. Bên cạnh yêu cầu trình độ cử nhân trở lên, những giáo viên này còn phải thông qua một chương trình tập huấn chuyên nghiệp và đạt được “Chứng chỉ giáo viên mẫu giáo” hoặc “Chứng chỉ giáo viên tiểu học”. Những năm gần đây, một số bang của Mỹ còn đưa ra yêu cầu trình độ tối thiểu là thạc sỹ đối với các giáo viên ở trường mẫu giáo.
Sự tôn trọng: Chất “dinh dưỡng” đặc biệt
Mỗi đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể là bố mẹ hay thầy cô giáo đều không có đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Đặc biệt là trẻ em, sau này trưởng thành, cha mẹ hay thầy cô không thể thay thế thế chúng trong những lựa chọn mà chúng phải đối mặt trong hiện thực. Vì thế, cần phải làm cho trẻ cảm thấy rằng, bản thân chúng, chứ không phải ai khác là chủ nhân của mình.
Chẳng hạn, người Mỹ rất chú ý đến phương pháp cũng như giọng điệu khi nói chuyện với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn không chỉ phải chăm chú nghe mà có lúc còn phải quỳ xuống để nói chuyện với trẻ một cách “bình đẳng”, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi trẻ ăn cơm, không thể ép, khi trẻ phạm lỗi không nên quở mắng quá lời, khi muốn trẻ thay quần áo, cũng không thể to tiếng quát nạt,… nếu không, sẽ làm cho trẻ cảm giác nặng nề và tự ti.
Người Mỹ, khi đem con đến nhà người khác, nếu như chủ nhân đưa đồ ăn cho trẻ, họ sẽ không thay trẻ nói những câu đại loại như: “Không ăn đâu!”, “Không cần đâu!”,… Đồng thời, khi trẻ tỏ ý muốn ăn đồ ăn, họ cũng sẽ không to tiếng quát mắng. Họ cho rằng, trẻ muốn xem gì, ăn gì, bản thân nó không có gì sai, nếu như trẻ có nhu cầu đó, không có lý do gì có thể chỉ trích chúng cả. Điều những người lớn phải làm là, căn cứ vào thời điểm thích hợp mà đưa ra sự giảng giải thích hợp để trẻ hiểu, với tư cách là “người hướng dẫn”. Người Mỹ phản đối việc dạy dỗ con cái trước mặt người khác, càng không cho phép việc trách mắng là “ngu dốt”, “chẳng làm nên trò trống gì”, “không có chí khí”,… trước mặt nhiều người. Vì rằng, cách dạy dỗ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin cũng như sự phát triển về sau của trẻ.
Nhà giáo dụcJohn Locke từng nói: “Bố mẹ không nói nhiều đến các lỗi của con cái thì chúng sẽ ngày càng coi trọng danh dự của bản thân, từ đó cố gắng để đạt được những lời khen ngợi của người khác đối với mình. Nếu như cha mẹ trước mặt mọi người nhắc đến lỗi lầm của trẻ sẽ khiến chúng xấu hổ. Trẻ em càng cảm thấy danh dự của bản thân bị tổn hại, lại càng ít chú ý đến việc giữ gìn danh dự”. Có người cho rằng, người Mỹ đã tôn trọng con cái một cách quá đáng, nhưng thực tế đã chứng minh, những trẻ em được bố mẹ chúng tôn trọng tỏ ra rất hợp tác với bố mẹ, hữu hảo với bạn bè, rất lễ phép, không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn.
Hai mươi phút quan trọng trong ngày
Nhiều nhà giáo dục Mỹ kêu gọi các bậc cha mẹ dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách cho con cái của mình nghe. Hai mươi phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ. Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mỗi ngày, hứng thú về việc đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh, việc trẻ được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến văn cho trẻ,… Vì thế, ở Mỹ các chuyên gia đều khuyên các bậc phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt.
-
Có 4 thành viên cám ơn bài của thuphong:
Dung_SHA (08-11-2011),Lão K (08-11-2011),Phu sinh (08-11-2011),Tazang (08-11-2011)
-
Re: Dạy con tuổi mẫu giáo
.
Sưu tầm
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giỏi ngoại ngữ là một lợi thế. Nhiều phụ huynh muốn trang bị cho con vốn ngoại ngữ vững chắc, nhưng còn băn khoăn không biết nên cho con học ngoại ngữ từ lứa tuổi nào... hoặc chần chừ vì có thông tin rằng, trẻ học song ngữ sớm thường gặp khó khăn trong giao tiếp...
Độ tuổi lý tưởng để trẻ học ngôn ngữ thứ 2?
Ngôn ngữ thấm dần vào trẻ khi chúng nghe người khác nói chuyện và được nói chuyện với những người xung quanh. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng tiếp thu ngôn ngữ càng tốt. Giai đoạn học tập tốt nhất là từ 3 - 10 tuổi vì não phát triển tốt nhất trong 10 năm đầu tiên của cuộc đời, do đó việc dạy nhạc, ngôn ngữ và những kỹ năng cuộc sống khác sẽ dễ dàng hơn trong những năm tháng đầu đời này. Nếu phụ huynh bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ một cách dễ dàng của trẻ ở lứa tuổi thiếu nhi thì quả là một sự lãng phí lớn.
Tuy nhiên với những năm tháng đầu đời của trẻ (dưới 3 tuổi), ưu tiên số 1 vẫn là việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ. Theo các chuyên gia giáo dục, khi trẻ từ 3 - 5 tuổi, các bậc phụ huynh đã có thể nghĩ tới việc dạy ngoại ngữ cho con, nhưng không nên gò ép chúng vào những giờ học cứng nhắc. Trong việc học ngoại ngữ ở giai đoạn này thì việc nuôi dưỡng hứng thú cho trẻ là điều quan trọng nhất. Nếu phụ huynh quyết định cho con đi học ngoại ngữ ngay từ lứa tuổi này, thì cần phải tìm nơi hội tụ các điều kiện thích hợp như: chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, thời gian học đều đặn, trình độ ngoại ngữ và sư phạm của giáo viên tốt...
Độ tuổi lý tưởng trẻ nên học ngoại ngữ?
Không nên gò ép trẻ 3 - 5 tuổi vào những giờ học cứng nhắc.
Thời gian để trẻ học ngôn ngữ thứ 2?
Khả năng vận dụng ngôn ngữ thứ 2 một cách trôi chảy phụ thuộc và môi trường, nhận thức và tiếp thu của mỗi trẻ. Vì vậy, nếu trẻ không đạt được như mong đợi của bạn từ những ngày đầu tiên thì bạn cũng không nên quá thất vọng mà ép trẻ học cật lực. Trẻ cần thời gian làm quen và bắt nhịp với ngôn ngữ mới trong một vài tuần, thậm chí hơn nữa mới có thể nắm bắt được.
Trẻ học song ngữ có khả năng giao tiếp hơn những trẻ khác?
Một số trẻ có khả năng giao tiếp tốt trước khi học ngôn ngữ thứ 2, một số khác thì sau đó. Điều này hoàn toàn không liên quan đến việc trẻ học ngôn ngữ thứ 2. Khả năng đó là vốn có trong mỗi đứa trẻ cũng như màu tóc hay màu mắt…
Trẻ học song ngữ biết ít từ vựng hơn trẻ khác?
Trẻ em song ngữ hoàn toàn có thể có vốn từ vựng tốt ở cả 2 ngôn ngữ (mặc dù thường là nhiều hơn ở ngôn ngữ được kiểm soát tốt hơn). Trẻ tiếp cận cả 2 ngôn ngữ và bỏ qua việc ưu tiên thứ hạng, chính vì vậy, trẻ sẽ học được vốn từ vựng phong phú nếu chúng có đam mê với ngôn ngữ mới.
Trẻ học song ngữ dễ bị nói lắp, mắc chứng khó đọc và gặp thất bại nhiều hơn ở trường học?
Điều này là hoàn toàn vô lý. Trong quá trình tiếp cận ngôn ngữ mới, trẻ sẽ trải qua giai đoạn pha trộn ngôn ngữ nên có thể trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt. nhưng đây không phải là dấu hiệu của chứng khó diễn đạt hay khó đọc. Theo thời gian và sự hiểu biết rõ hơn về ngôn ngữ, những sai sót đó sẽ bị xóa bỏ.
-
Có 2 thành viên cám ơn bài của thuphong:
Dung_SHA (10-11-2011),Phu sinh (10-11-2011)
Posting Permissions
- Bạn không thể tạo chủ đề mới
- Bạn không thể trả lời
- Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
- Bạn không thể hiệu chỉnh bài
-
Quy định của diễn đàn