Đức Trí: "Chưa thấy ai động lực mạnh như Hà Hồ"
"Khi mới làm việc với Hà, tôi hỏi cô ấy muốn làm ngôi sao hát 5-10 năm hay muốn làm ca sĩ hạng B nhưng hát được suốt đời. Hà xác định phải là một ngôi sao. Và tư chất ngôi sao ấy đã có sẵn trong con người Hà", Đức Trí chia sẻ.
Sau nhiều ngày kiên nhẫn “phục kích” cả ở lớp dạy nhạc, ở nhà và phòng thu, cuối cùng chúng tôi mới “bắt” được nhạc sĩ Đức Trí vào giờ ăn trưa lúc… 2 giờ chiều. Anh than bận kinh khủng và đang lo lắng không giữ được lời hứa đưa vợ và con gái về Đà Lạt thăm ông bà ngoại vào cuối tuần này.
“Thảm họa” đẻ ra từ những nghịch lý
- Anh đang làm gì mà kêu bận thế?
Công việc chính hàng ngày của tôi vẫn là phối nhạc, hiện đang làm nhạc múa mở màn cho chương trình Chuông vàng vọng cổ, rồi nhạc cho kịch… Tôi cũng mới “bị” lãnh một trọng trách: làm Giám đốc điều hành Music Faces. Từ trước tới nay toàn làm việc “phía sau”, không phải điều hành, nay muốn tránh cũng không được nữa…
- Thời gian gần đây, lần lượt Hồ Ngọc Hà, Hoàng Bách, Phương Vy đã từ Music Faces “ra đi”, nghe nói cả Anh Khoa cũng không còn, công việc sản xuất âm nhạc cho Idol không còn là “độc quyền” của Đức Trí nữa… Tóm lại, mọi người thấy Music Faces của anh dường như đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Anh phải “nhảy ra” để khuấy động lại nó lên chăng?
Giai đoạn trầm lắng? Tôi không nghĩ thế. Music Faces là một câu chuyện dài, mỗi bước chuyển của nó đòi hỏi thời gian khá lâu. Nhiều khi nhìn thấy một số mô hình khác người ta làm nhanh, mình cũng suy nghĩ, cũng thấy thích…, nhưng cuộc chơi Music Faces không như vậy. Sự thực là xu hướng thị trường (âm nhạc) hiện nay đang đi quá nhanh, bắt kịp nó không dễ. Đôi khi có những thứ mình cho là hay nhưng chưa chắc bán được trên thị trường. Tuy nhiên mục đích của chúng tôi là làm những cái mà mình tin là đúng.
Rock của Anh Khoa vẫn là cái chúng tôi tin. Tuy nhiên, nếu đầu tư cho Khoa để lấy lời vào thời điểm này thì rất khó. Hợp đồng của Khoa với Music Faces đã hết và sắp tới Khoa sẽ cùng đầu tư với Music Faces. Trường hợp Hồ Ngọc Hà trước đây cũng tương tự: sau khi kết thúc hợp đồng độc quyền, 2 năm sau Music Faces vẫn cộng tác với Hà trong từng dự án mà Hà có đầu tư cùng. Trường hợp Hoàng Bách, Music Faces đã không làm được thành công cho Bách như kế hoạch, chúng tôi xin lỗi Bách và chuyển sang hình thức cùng hợp tác.
Còn trường hợp các ca sĩ trẻ mà Music Faces đang đầu tư như Quốc Thiên Idol, Su Boy, Anh Khang thì còn cần thêm thời gian. Trong số này, tôi biết nhiều người “đặt dấu hỏi” vào Quốc Thiên Idol. Idol là một cuộc chơi khắc nghiệt. Ai cũng đợi chờ xem người chiến thắng ở Idol bước ra thị trường ca hát sẽ như thế nào. Nhà sản xuất buộc phải làm cho được ngay cả việc mình không tin. Sau hai lần cộng tác với nhà tổ chức Vietnam Idol (ở vị trí nhà sản xuất cho người chiến thắng), Music Faces không thể tiếp tục cũng vì lý do này: chúng tôi không thể làm được với những “chất liệu” không phải do mình lựa chọn.
Với trường hợp Quốc Thiên, mặc dù là giọng hát được phát hiện từ cuộc thi Vietnam Idol nhưng Thiên không phải “giọng ca thị trường”. Theo tôi, đó là một giọng hát quá đẹp nhưng có thể không thuộc loại “đang được yêu thích”. Thiên không phải giọng hát nhạc trẻ. Ngay khi thi Idol, Thiên cũng được yêu thích vì hát nhạc xưa và dòng nhạc mang âm hưởng dân gian. Thử thách lớn nhất của tôi với Quốc Thiên là không thể đưa một ca sĩ trẻ “lên” bằng dòng nhạc xưa. Trường hợp của Thiên không phải là không làm được, nhưng phải có thời gian. Có thể một, hai tuần nữa chị sẽ thấy một số cái mới của Quốc Thiên sẽ được “đẩy” ra thị trường một cách từ từ, từng bài một, chứ không ra album ào ạt.
Nhạc sĩ Đức Trí: Không phải lúc nào cũng “mát tay”?
- Nhưng anh từng thành công trường hợp Hồ Ngọc Hà với nhạc xưa khi cô ấy mới xuất hiện cơ mà?
Các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới lâu lâu cũng thích làm một đĩa nhạc xưa. Nhưng nhiệm vụ của ca sĩ là đi tiếp chứ không thể bám hoài vào cái cũ. Thời kỳ đầu Hồ Ngọc Hà cũng ra 2 CD nhạc mới rồi mới làm 1 CD nhạc xưa. Chưa kể thời đó của Hà xu hướng thị trường cả ca nhạc lẫn thời trang quay lại phong cách cổ điển đang thịnh hành, có thể kết hợp chúng với nhau, mà Hồ Ngọc Hà là một ca sĩ có cả hình ảnh trong âm nhạc. Quốc Thiên thì khác, cậu ấy thuộc loại ca sĩ mà khi nghe, người ta quan tâm chủ yếu tới âm nhạc chứ không phải hình ảnh. Làm sao phải giữ được thế mạnh ấy của Thiên mà vẫn phù hợp với thị trường ở giai đoạn này là điều không dễ.
- Anh vẫn nổi tiếng là giỏi đọc thị hiếu âm nhạc. Theo anh, thị hiếu âm nhạc của người nghe ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Ở Việt Nam vẫn luôn chia ra hai mảng thị trường rõ rệt: thị trường nghe nhạc ở các thành phố lớn, khu vực thành thị, và các vùng còn lại. Ở thị trường các thành phố lớn có vẻ đang có xu hướng quay về acoustic thời 1960, thời của The Beatles, với các nghệ sĩ tự sáng tác và hát các sáng tác của mình - tuy nhiên mô hình nghệ sĩ kiểu này ở ta không có nhiều. Các thị trường còn lại thì vẫn như cũ, thị phần này thì Music Faces bỏ luôn…
- Tức là “bỏ luôn” những ca sĩ kiếm tiền tận hang cùng ngõ hẻm kiểu như Lâm Chấn Huy…?
Huy đã hết hợp đồng với Music Faces từ lâu. Thú thật là những người làm nhạc đang ở trong thời điểm rất dễ mất lòng tin. Thị trường âm nhạc hiện tại chỉ sôi động ở hiện tượng, chứ thật ra, theo tôi, chả có khởi sắc gì. Các sản phẩm âm nhạc làm ra không có tiền, thị trường băng đĩa gần như mất hẳn, nhạc bây giờ “cho không biếu không” là chính. Ca sĩ thì lên giá… Tất cả rất dễ làm cho những người làm nghề chán nản, không muốn đầu tư nữa. Thời điểm này, thà mất ít còn hơn mất nhiều.
- Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, ca sĩ Mỹ Linh cũng có tâm trạng giống anh khi nói về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại. Anh nghĩ tình trạng này còn kéo dài bao lâu?
Nói tới tương lai của ngành công nghiệp sản xuất âm nhạc, tôi thấy cực kỳ lo ngại. “Chỗ lấy tiền” đã thay đổi. Xưa, băng đĩa là nơi kiếm tiền chính của ngành công nghiệp âm nhạc, kinh doanh băng đĩa còn để bù cho show diễn. Nay đĩa không những không thu được lợi nhuận mà còn lỗ. Thay cho băng đĩa, nhạc số đã bắt đầu bán được vì cả thị trường thế giới đã quy tụ về một, hai “đại gia” như Sony, Universal. Chính các ông lớn này đã áp đặt hệ thống phân phối và luật chơi mới lên thị trường toàn cầu - cuộc chơi đó đã được phân định gần như rõ ràng.
Còn ở Việt Nam, chúng ta không có “đại gia” trong làng sản xuất âm nhạc, tất cả các hãng sản xuất đều hoạt động rời rạc, không ai chịu đứng với ai, mỗi người tự đặt ra luật chơi riêng của mình, cũng bởi vậy mà tất cả cùng bị chèn ép. Kết quả thì,đấy, ở ta vai trò của nhà sản xuất thực thụ ngày càng bị thu hẹp lại. Ca sĩ bắt đầu trở thành nhà đầu tư, bỏ tiền thuê nhà sản xuất. Thành ra bây giờ ca sĩ trở thành nhà sản xuất. Những nhà sản xuất - ca sĩ như vậy, có thể xem như những nhà sản xuất ngắn hạn, có thể đem lại thành công chớp nhoáng, nhưng thực sự không đem lại gì cả cho sự phát triển của thị trường lẫn ngành sản xuất âm nhạc. Phong cách ăn theo trào lưu của ai đó đang nổi và cứ lâu lâu sẽ lại phát hiện một vụ “đạo” ý tưởng… Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm. Vẫn có những ca sĩ có khả năng của một nhà sản xuất giỏi, nhưng giá mà họ được tập trung toàn bộ thời gian và năng lực cho việc biểu diễn…
- Những thảm họa nhạc Việt cũng bắt đầu từ đây?
Tôi nghĩ sự hỗn loạn đang được đẻ ra từ những nghịch lý. Thực tế ở ta đang có nhiều nghịch lý lắm. Người nghe nhạc Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn nhưng người trả tiền cho âm nhạc ngày càng mất dần đi, người làm nhạc cũng ngày càng ít đi vì không ai thích học nhạc, chỉ thích học làm ca sĩ để nổi tiếng! Ở mấy lớp nhạc mà tôi đang dạy, khi quảng cáo mở lớp, người ta gọi điện tới hỏi rất nhiều, 90% trong số các cuộc gọi ấy là hỏi có đào tạo ca sĩ không?
- Anh định “dẹp loạn” bằng sự nghiệp giáo dục âm nhạc ư?
Nói thế nghe to tát quá, nhưng thời điểm này đúng là tôi muốn tập trung cho công việc giáo dục âm nhạc. Hiện tôi đang dạy 3 lớp bên Đại học Sài Gòn, năm thứ ba rồi, các sinh viên học ở đây đa số sẽ trở thành người dạy nhạc. Ngoài ra tôi còn 3 lớp khác ở nhà dạy về kỹ thuật thu thanh, phong cách nhạc nhẹ và kỹ thuật hòa âm. Một số nhà báo cũng có tham gia lớp học này đấy, họ chủ yếu học nghe nhạc một cách chủ động. Tham vọng của tôi là mở được một trung tâm lớn đào tạo về âm nhạc cho nhiều đối tượng khác nhau. Các lớp này sẽ không dạy những gì thuộc về âm nhạc kinh điển mà người ta có thể học ở nhạc viện, tập trung cho nhạc nhẹ và mang tính thực tiễn. Tôi nghĩ, một lứa mới những người làm nhạc may ra sẽ làm thay đổi được tình hình…
Chưa thấy ai có động lực mãnh liệt như Hồ Ngọc Hà
- Trở lại với một nhân vật đã có thời gian gắn liền với danh tiếng, sự thành công của Music Faces cũng như của anh trên cương vị nhà sản xuất âm nhạc, và cũng là một “ca” thú vị của làng nhạc Việt: ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Bây giờ Hà đã chính thức một mình trên con đường của cô ấy, không có sự chống lưng của anh và Music Faces. Thú thực cô ấy vẫn đang “hot” trong mỗi lần xuất hiện, nhưng những cái “hot” ấy chỉ nằm ở trang phục, ở vũ điệu, ở những chuyện “hậu trường ca hát”, mà những cái ấy giờ này Hà không còn “một mình một cõi” như xưa nữa rồi, vì đã có những Minh Hằng, Thủy Tiên, Hoàng Thùy Linh… Trong “kế hoạch mang tên Hồ Ngọc Hà” của Music Faces trước đây, có “mục” nào tính đến tình cảnh này chưa?
Khi Hà còn làm việc với Music Faces, mọi thứ đều được lên kế hoạch, 1 năm, 3 năm, 5 năm. Đa số mục tiêu tính trong kế hoạch 5 năm thì… không thực hiện được. Năm 2004, chúng tôi đề ra kế hoạch năm 2009 - 2010 Hà sẽ giữ vị trí top 5 trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Cái chúng tôi không làm được trong giai đoạn này dù đã có trong kế hoạch là phát triển thị trường của Hà ra khu vực cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là khu vực Đông Âu, bằng việc chủ động tổ chức các liveshow. Thực tế Hà vẫn có nhiều show ở hải ngoại, nhưng là được mời chứ chưa phải những show do chủ động tổ chức. Trong kế hoạch, tới năm 2010 Hà đã thôi hình ảnh một ngôi sao giải trí để chuyển sang một hình ảnh khác, trong đó có cả những dự án chuyên môn cao. Những dự án này bao gồm làm clip dạng nhạc kịch - musical, những talkshow liên quan tới chuyên môn âm nhạc… Nếu chỉ dừng lại ở hình ảnh ngôi sao nhảy đẹp thì chỉ vài năm nữa sẽ có mấy “đứa nhỏ” nhảy đẹp hơn…
- Vậy Hà sẽ thế nào khi không tiếp tục đồng thành cùng anh và Music Faces ?
Tôi tin Hà đủ thông minh để biết dừng ở đâu. Có điều hơi nguy hiểm là bây giờ bên thời trang, ai cũng nghĩ ra hát là có thể thành… Hồ Ngọc Hà.
- Anh từng tiết lộ, Hà Hồ khẳng định mục tiêu trở thành ngôi sao ngay khi vừa bước chân vào làng ca hát, và đó cũng chính là một động lực làm việc của anh?
Khi mới làm việc với Hà, tôi có hỏi cô ấy muốn làm ngôi sao hát 5-10 năm hay muốn làm ca sĩ hạng B nhưng hát được suốt đời. Nói thật làm ca sĩ hạng B sướng lắm, số tiền kiếm được cũng chẳng thua gì ngôi sao đâu, có khi còn hơn nữa. Hà xác định phải là một ngôi sao. Và tôi nghĩ, tư chất trở thành ngôi sao đã có sẵn trong con người Hà, phẩm chất đó thể hiện rõ khi cô ấy làm việc, tôi và Music Faces chỉ giúp cho nó tỏa sáng mà thôi. Nhà sản xuất không thể nặn ra khả năng của ngôi sao được.
- Khi mới xuất hiện, Phương Vy từng được so sánh với Hồ Ngọc Hà, nhưng rõ ràng Vy đã chọn con đường khác. Sau Hồ Ngọc Hà, anh đã nhìn thấy ai có động lực trở thành ngôi sao mạnh mẽ như cô ấy?
Hiện tại tôi chưa nhìn thấy ai. Thường thì trong một thế hệ ca sĩ chỉ xuất hiện một, hai trường hợp như vậy.
- Anh từng xác nhận có cảm hứng làm việc mạnh mẽ khi người cộng tác có động lực mãnh liệt. Vào giai đoạn trầm lắng này, anh có định đi tìm “động lực mãnh liệt” đó để lại bùng lên cảm hứng mới?
Không, tôi không đi tìm và cũng không có dự định lặp lại một mô hình giống như vậy nữa.
(TTVH)