SAN JOSE, California - Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, đã qua đời hôm 1 Tháng Chín tại San Jose, California, thọ 75 tuổi (sinh ngày 7 Tháng Năm năm 1932 tại Hà Nội) sau một thời gian bệnh.
Ông Hoàng Anh Tuấn từng du học tại Paris, Pháp, năm 1949.
Năm 1958 trở về Việt Nam, cộng tác với một số tờ báo và tạp chí.
Ngoài khả năng viết báo, ông Hoàng Anh Tuấn còn có tài viết kịch (“Người nướng thịt”) và có lúc là nhà văn, viết cuốn tiểu thuyết “Xa lộ không đèn” mà sau đó ông làm đạo diễn luôn của cuốn phim này, thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn, với nữ nghệ sĩ Thanh Nga, đóng vai chánh.
Có lúc nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã làm trưởng Ðài Phát Thanh Ðà Lạt năm 1960 và rời khỏi ngành truyền thanh vào năm 1970.
Sau 1975 ông Hoàng Anh Tuấn đi "học tập cãi tạo", rời Việt Nam trở lại Paris năm 1979 và sang Hoa Kỳ định cư, cư ngụ tại "thung lũng hoa vàng" thành phố San Jose, California, cho đến khi ông qua đời.
Vài nét về tiểu sử Hoàng Anh Tuấn (1932-2006)
Hoàng Anh Tuấn sanh ngày 7-5-1932 tại Hà-nội. Ngoài làm thơ, viết văn, viết kịch (Ly Nước Lọc, Hà Nội 48), ông còn là đạo diễn điện ảnh.
- 1949 Đi Pháp du học
- 1954 Lập gia đình
- 1958 Về Việt Nam, cộng tác với các tạp chí văn nghệ, cùng nhiều tuần báo và nhật báo ở Sàigòn
- 1965 Quản đốc đài phát thanh Đàlạt
- 1975 Tù cải tạo về tội phản động
- 1979 Trở lại Paris
- 1981 Qua Mỹ. sống ở San Jose, California
- Từ trần 7:30 sáng (giờ cali) ngày thứ Sáu, mồng 1 thang 9 năm 2006 tức ngày 9 tháng bảy năm Bính Tuất, Thọ 75 tuổi.
Mặc dù rời Hà Nội năm 17 tuổi và chưa một lần trở về nhưng Hà Nội vẫn lảng đãng trong những bài thơ, bản nhạc của ông
Yêu Em, Hà Nội
Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá
Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Năm ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo
Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ
Hà-nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp
Hà-nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại
Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở
Hà-nội yêu, xin cầm tay lần nữa
-một lần thôi cho vừa đủ hai lần-
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu thác đổ.
Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ
Hoàng Anh Tuấn
Bài Thơ Hà Nội
Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
Theo gót chân em từng bước hàng Hài
Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc
Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học
Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn
Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an
Khi hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ
Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổ
Gió mơn man hàng Quạt, áo đong đưa
Đây hàng Khay anh đưa tặng bài thơ
Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng
Thơ bay lạc, hồn anh là hàng Trống
Nghe hàng Gai cùng mũi nhọn buồn đau
Ôi hàng Ngang tội nghiệp mối tình đầu
Anh hờn giận mơ hàng Buồm lãng tử
Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ
Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư
Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ
Thơ giàu có như thương về hàng Bạc
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội.
Hoàng Anh Tuấn
Nhiều người thích thơ lục bát Hoàng Anh Tuấn vì ý thơ cô đọng và ngôn ngữ tinh chất như Nguyễn Xuân Thiệp đã viết “lục bát của Hoàng Anh Tuấn mới thể hiện hết những vẻ đẹp cấu trúc ngôn từ và cảm xúc”.
BÀI CA M.L.
Về khuya tiếng nói âm thầm
Em nghiêng mái tóc cho gần vai anh
Nhạc lên men rượu si tình
Ngẩn ngơ khói thuốc bồng bềnh ý thơ
Ðâu rồi ngực áo ngày xưa
Vết hôn lơi lả bây giờ đâu em
Cho anh xin trái môi mềm
Linh hồn du mộng trong thuyền mắt em
Cho anh phố vắng nửa đêm
Cho anh một chút mái thềm trú mưa
Cho anh gặp gỡ tình cờ
Hai giờ khuya lạnh để vừa dìu nhau
Cho anh mái tóc yêu sầu
Cho anh gò má nát nhàu cô liêu
Cho anh tròn một vòng eo
Cánh tay lãng tử gầy theo tuổi mòn
Hoàng Anh Tuấn
Chiều Thơm Gỗ Cũ
Hương còn ngấn ẩn trên môi
Ươm hơi rừng cũ
Đượm mùi gỗ xưa
Mượt lá đợi
Óng rêu chờ
Sững im cương thạch
Quanh co ôn tuyền
Hoàng Anh Tuấn
Trong những bài thơ của ông, LK thích nhất bài Nhớ Khương Muội, Chim và Bướm. Có lẽ đây là bài "mốc" hơn tất cả các bài thơ "mốc" với cách dùng chữ thật tuyệt vời sang cả
Nhớ Khương Muội, Chim và Bướm
Lửa rạo rực còn nguyên trong mạch máu
Sóng cuồng quay ẩn náu dưới làn da
Gỡ mưa mềm cho nắng ấm phù sa
Cởi sương mỏng –thôi ngượng ngùng mắc cở
Em hoang dại cồn dâng vùng rêu cỏ
Anh ngựa điên tung vó dấy phong ba
Trời quạnh hiu nổi bão tố phấn hoa
Khe suối nhỏ ẩm nồng hương dã thú
Mùa hạn hán bỗng tràn lan nước lũ
Tiết đông hàn trổ lộc nõn thanh xuân
Rất ngàn xa trong ấp ủ miết gần
Nghe nhung lụa trong vuốt ve tình sử
Rợn kiêu hãnh tấm thân ngà Bao Tự
Mượt não nùng vùng tóc xõa Tây Thi
Đẹp Liêu Trai khi ngây ngất bờ mi
Tây Sương Ký khi ngả nghiêng sóng mắt
Xin nửa trang của Truyền Kỳ Mạn Lục
Mượn Truyện Kiều những chữ thật yêu thương
Em lẳng lơ như một đóa hải đường
Đón ân ái giọt sương anh ngấn đọng.
Hoàng Anh Tuấn
Sau hết, mời các bạn nghe bài Mưa Saigon, Mưa Hà Nộicủa nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đây là một bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ họ Phạm nhưng ít ai biết ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hoàng Anh Tuấn.
. Thơ các nhà thơ thì hay rồi... mấy bài thơ của Hoàng Anh Tuấn mà LK giới thiệu rất hay nhưng thế còn thơ của LK đâu nhỉ? TP nghe nhiều người nói về thơ của LK mà chưa thấy LK viết thơ ở NR
. Thơ các nhà thơ thì hay rồi... mấy bài thơ của Hoàng Anh Tuấn mà LK giới thiệu rất hay nhưng thế còn thơ của LK đâu nhỉ? TP nghe nhiều người nói về thơ của LK mà chưa thấy LK viết thơ ở NR
Ngày xưa tập tểnh rặn thơ
Bây giờ chỉ biết ngồi chờ đọc thôi
Ngày xưa tập tểnh rặn thơ
Bây giờ chỉ biết ngồi chờ đọc thôi
Ngày xưa tập tểnh rặn thơ
Bây giờ chỉ biết ngồi chờ đọc thôi Anh Tư... vang bóng một thời
Bậm môi... rặn phát là lòi ra... thơ
Bây chừ sao lại ỡm ờ?
Ừ thì vẫn... rặn... sau thơ... là vần... (???)