LTS: Yên Woods (tên đã đổi) là một trẻ mồ côi Việt Nam được một gia đình Mỹ nhận về nuôi từ lúc còn nhỏ. Yên bị bệnh nghiện rượu và đã phải chống chỏi nhiều năm để cưỡng lại ma lực của con sâu rượu. Mẹ nuôi của Yên nổi tiếng, không muốn người ngoài biết có một người con nghiện rượu nên nỗ lực của Yên gặp nhiều khó khăn hơn. Nhờ sự thương yêu giúp đỡ của chồng, Yên hiện đã thôi rượu được gần 2 năm, tuy nhiên cô cho biết “lúc nào cũng cảm thấy nguy cơ có thể bị thần lưu linh mê hoặc bất cứ lúc nào.”
Câu chuyện dưới đây được Yên viết trên Facebook của cô khi nghe tin về cái chết đột ngột của ca sĩ Amy Winehouse, để gióng lên một lời cảnh báo cho các người bị nghiện rượu khác.
Bài được đăng với sự đồng ý của tác giả.
Tôi tên là Yên, tôi là một người nghiện rượu.
Cái tin ca sĩ Amy Winehouse chết tại nhà riêng ở Luân Ðôn hôm 23 tháng 7 vừa qua làm tôi ngẩn ngơ cả ngày. Thật ra tôi bị sốc không phải vì ái mộ tiếng hát của cô ca sĩ 27 tuổi này, nhưng là vì cũng như tôi, Amy Winehouse là một người nghiện rượu.
Cho đến giờ, người ta chưa xác định nguyên nhân gây ra cái chết, vì còn đang chờ kết qủa thử nghiệm, tuy nhiên người thân và gia đình của Amy cả quyết rằng Amy chết vì nghiện rượu.
Không chắc đã có ai muốn đọc thư này, lá thư của một người nghiện rượu.
Nhưng tôi vẫn cứ viết.
Tôi viết như một hình thức cầu nguyện cho Amy, viết để cho tôi bớt ám ảnh bởi cái chết của cô, và quan trọng hơn cả, tôi viết để chống chỏi với ý muốn tìm một chút rượu để uống, ngay lúc này.
Và lại biết đâu những gì tôi viết sẽ làm cho một người cùng hoàn cảnh tỉnh giấc?
Tôi tên là Yên, tôi là một người nghiện rượu.
Tôi bắt đầu uống rượu nhiều sau khi sanh thêm con gái vào năm 1993. Vợ chồng tôi sống ở một căn apartment một phòng ngủ ở Queen Anne, Seatle. Sanh con xong, tính ra tiền lương tôi kiếm được chẳng đủ trả tiền baby sit. Chồng tôi đề nghị tôi ở nhà chăm con. Tôi bằng lòng.
Quen hoạt động, ở nhà suốt ngày trong căn nhà nhỏ, tôi cảm thấy bị tù túng. Vai trò làm vợ làm mẹ fulltime làm tôi bực bội. Tôi trở thành phiền muộn với tất cả mọi người và tất cả mọi việc, và bắt đầu đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mỗi ngày, sau đủ những công việc không tên, tôi bắt đầu uống rượu khi chương trình “Rosie O'Donnell's” bắt đầu vào lúc 4 giờ.
Cứ khoảng 3 giờ 50 chiều, tôi hân hoan mở chai rượu Chardonnay, rồi vừa nhâm nhi ly rượu và xem Rosie. Tôi cảm thấy sau một ngày vật lộn với cô con gái kháu khỉnh nhưng khó nuôi (lúc đó tôi nghĩ thế), tôi cần có rượu để xả stress, và để thực sự thư giãn.
Tôi thấy mình làm việc vất vả, và tự nhủ có tự thưởng một hai ly rượu thì cũng chẳng hại gì.
Ðến năm 1995, vợ chồng tôi chuyển đến ở Greenlake. Sống ngay bên cạnh người hàng xóm chủ nhà, cũng ưa uống rượu, tôi càng uống nhiều hơn. Chúng tôi cùng nhau uống sau khi cô chủ nhà từ sở về đến nhà khoảng 5 giờ chiều, và trước đó tôi cũng đã uống một mình được vài ly rồi. Uống đến sẩm tối, thì tôi “chính thức” say rượu. Tình trạng này kéo dài nhiều năm.
Ðiều đáng nói, là trong những năm đó, càng ngày tôi càng bắt đầu uống sớm hơn, từ 4 giờ, tôi bắt đầu uống từ ba giờ, rồi 2 giờ.
Việc gì phải chờ đến chương trình “Rosie O'Donnell's” mới được uống? General Hospital bắt đầu lúc 2 giờ. Uống với General Hospital cũng thú chán. Lúc đó tôi đã làm hết việc nhà rồi, quần áo đã giặt, chén bát đã rửa xong.
Rồi chương trình Food Network đã trở thành lý do để uống. Tôi thích được là người phụ nữ “tinh tế” nếm rượu khi nấu ăn. Có điều tôi không nếm, mà tu rượu.
Ðáp lại lời than của chồng, tôi lập luận “em làm việc vất vả, cũng cần phải có một hai ly để thư giãn.”
Xem chương trình Food Network cũng có lợi. Thỉnh thoảng tôi cũng nấu được vài bữa ăn thịnh soạn. Nhưng càng ngày thì những bữa ăn càng thưa đi, và rượu thì tôi càng uống nhiều lên. Càng uống nhiều thì tôi càng bỏ bê con cái. Chồng tôi vừa buồn bực vừa thất vọng, nhưng những lời càu nhàu của anh chẳng giúp được gì. Anh càng than thì tôi càng uống.
Một lần đi làm về thấy tôi nồng nặc mùi rượu, dọn ra bàn những món ăn vá víu, chồng tôi nghiêm giọng bảo: “Này, em đã trở thành một người nghiện rượu rồi, có biết không hả?”
Tôi khăng khăng không nhận là mình nghiện và cũng không thay đổi.
Ðể giữ hòa khí, chồng tôi chỉ còn biết tiếp tục mua rượu, càng ngày càng mua rượu rẻ tiền hơn.
Giờ đây tôi cũng không hiểu là những chai rượu Chardonnay lúc đó sao lại có ma lực hấp dẫn tôi như vậy. Tôi chỉ biết lúc đó tôi thấy mình chưa “sống” nếu chưa có cảm giác “lâng lâng” đó. Và khi đã có cảm giác lâng lâng đó rồi thì tôi cũng chẳng còn quan tâm đến bổn phận làm mẹ, làm vợ.
Dần đà tôi mất hết bạn bè và gia đình. Nhưng tôi vẫn uống, vì ai muốn bỏ tôi thì bỏ, chai rượu Chardonnay lúc nào cũng là người bạn trung thành.
Chồng tôi hết buồn phiền đến giận dữ. Gia đình không còn một chút hạnh phúc. Một lần anh làm dữ, đập vỡ hết các ly uống rượu, và không cho mua rượu về nhà nữa.
Tôi bắt đầu lén đi mua rượu và giấu các ly rượu đủ loại khắp quanh nhà. Hết ly tôi uống rượu bằng ly uống trà, bằng ly nhựa, kể cả bằng bình sữa của con. Chồng tôi bắt đầu đi làm sớm hơn, anh rời nhà để khỏi phải nhìn thấy tôi uống rượu. Bây giờ tôi phải có rượu mới chuẩn bị thức ăn sáng cho các con trước khi chúng đến trường.
Một hôm sau buổi họp đại gia đình, chồng tôi được sự ủng hộ của mọi người đưa tôi đến nhà thương. Trước đó tôi đã 6 lần đến các trung tâm cai rượu nhưng về nhà đâu cũng hoàn đấy.
Lần này nằm trong viện một tuần, hai tuần, rồi ba tuần không được uống rượu, tôi tưởng mình suýt chết. Ðược 28 ngày không rượu, nhà thương cho tôi về.
Tưởng mình “ngon lành” đã cai được rượu, tôi nhận lời đi dự sinh nhật một người bạn, và uống một hai ly Chardonnay (!)
Lái xe về nhà tôi lạng quạng thế nào bị cảnh sát chặn lại. Thế là ăn DUI ticket.
Sau lần bị DUI, tôi hoàn toàn mất tự chủ, lại trở về với ly rượu tối ngày sáng đêm.
Một buổi tối chồng tôi xếp vali và buồn rầu bảo, “anh dọn ra ngoài ở một thời gian, không thể tiếp tục cuộc sống này.”
Tôi thẫn thờ nhìn anh, tay cũng không bỏ được ly rượu.
Anh xếp xong vali, đã dợm bước đi, lại quay lại dặn “mai sẽ về đưa em đi bác sĩ, vì lúc nãy anh thấy phòng vệ sinh có máu, có thể em có máu ở trong phân mà không biết.”
Tôi không nói gì, chỉ òa lên khóc. Việc có máu trong phân đã xẩy ra cả tháng nay. Tôi biết nhưng đã giấu cả chồng. Trời ơi, chuyện gì đang xảy ra cho chúng tôi.
Ngày bác sĩ cho biết kết qua thử gan có lẽ là ngày đầu tiên tôi lấy lại được sự sống.
Bác sĩ thông báo nếu không cai rượu ngay lập tức, tôi có thể chết trong vòng vài tháng nữa.
Chết?
Chữ chết nghe như bom nổ bên tai.
Tôi còn trẻ quá, con tôi còn nhỏ quá, tôi còn yêu chồng lắm, không thể nào!
Hôm đó là ngày 6 tháng 10 năm 2009.
Tôi nhớ đã ôm chặt lấy chồng, nói “em không muốn chết.” Chồng tôi dìu tôi ra xe, cố giấu những nước mắt lăn trên má.
Mấy ngày hôm sau chồng tôi lái xe đưa tôi trở lại với chương trình AA (Alcoholics Anonymous). Chương trình này tôi đã tham dự không đều đặn cả 15 năm nay rồi. Nhưng sau ngày đó, tôi mới thực sự dấn thân vào cuộc hành trình chống nghiện rượu.
Với sự giúp đỡ của AA, tôi tự thú, và xác nhận mình là một người nghiện rượu
Nghiện rượu là gì?
Người nghiện rượu là một người bị lệ thuộc vào rượu, không uống không chịu được, bất chấp mọi hậu quả cho sức khỏe, tinh thần, xã hội, gia đình hay bổn phận, kể cả với bản thân.
Người nghiện rượu là người luôn luôn không cưỡng chế được ma lực của rượu.
Tôi tên là Yên, tôi là một người nghiện rượu.
Tôi phải thỉnh thoảng đọc lên như thế, như phù thủy đọc một câu thần chú, để nhắc mình rằng nếu có ly rượu trước mặt, tôi không kiềm chế được, và phải tìm cách tránh những hoàn cảnh có thể uống rượu lại, trong khi tôi còn chưa lành hẳn.
Cũng may, nhờ tình thương yêu và kiên nhẫn vô biên của chồng, tôi đã không uống ly rượu nào nữa từ 22 tháng qua.
Cái chết của Amy Winehouse làm tôi thương cảm, và lại làm tôi nổi cơn ghiền rượu. Nhưng lần này tôi không đi tìm chai rượu, mà viết lá thư này.
Nếu bạn đọc được đến đây, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, những người nghiện rượu.
Bài viết của Yên Woods
Người dịch: Hà Giang