.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoi bỏ nhà đi giữa trời tuyết giá, rồi chết ở một nhà ga. Nguyện vọng cuối cùng của ông là không phải thấy mặt vợ.
Không ít người là vĩ nhân được cả thế giới xưng tụng, hoặc nắm trong tay quyền lực vô đối, nhưng lại sống khổ sống sở dưới sự đay nghiến của vợ mình.
Yêu nhau vẫn hành nhau
Cuộc hôn nhân của nhà văn, bá tước Tolstoi với bà vợ Sofya bắt nguồn từ một tình yêu tuyệt đẹp. Họ sống bên nhau 48 năm trời và sinh hạ nhiều con. Sofya không chỉ là vợ mà còn là người trợ lý, thư ký cho chồng, tận tụy hỗ trợ ông trong công việc. Ấy thế mà về sau, bà lại thành một tội nợ của ông, góp phần làm ông thấy cuộc sống thêm bế tắc.
Thực ra, lỗi không hoàn toàn toàn thuộc về bà Tolstoi, có chăng là họ đã trao nhau trái tim nhưng rốt cục lại không đồng hành về tư tưởng. Tolstoi ngày càng đau đớn về những bất công trong xã hội và sự bất lực của mình trong việc cải tạo nó. Cảm thấy sự giàu có của mình là tội lỗi, ông chỉ muốn từ chối của cải, các tác phẩm của mình được in ra ông từ chối tiền tác quyền. Nhưng bà lại muốn thu vén tài sản để đảm bảo cho gia đình con cái, muốn có danh vọng, tiếng tăm... Sự "trái tính trái nết" của chồng làm Sofya giận dữ và không chịu nổi.
Lev Tolstoi và vợ, ảnh chụp ba năm trước khi ông mất.
Trong nhiều năm, Sofya hết cằn nhằn, trách móc lại đay nghiến chồng với những lời bẳn gắt, mạt sát độc địa, chua cay. Những cuộc xung khắc dường như bất tận, chất thêm gánh nặng vào tâm hồn vốn đã nặng trĩu nỗi đau đời của đại văn hào. Có những lúc bá tước phu nhân như phát điên, nằm lăn ra đất lăn lộn, vật vã. Nhiều lần bà dọa tự tử, dọa đâm đầu xuống giếng... Thế là mối tình đẹp như mơ của họ dần biến thành địa ngục. Và một ngày đông trời đầy tuyết, đại văn hào bỏ nhà đi rồi 11 ngày sau trút hơi tàn ở một nhà ga, ước nguyện cuối cùng là không nhìn thấy vợ nữa.
Sau cái chết đó, nhiều người hâm mộ Tolstoi coi Sofya như một tội đồ. Thế nhưng những người công bằng hơn thì hiểu rằng, Sofya rất có công trong cuộc đời sáng tác của Tolstoi và đã phải khổ vì chồng không kém. Bà đã suốt đời tận tụy với ông, một mình lo thu vén gia đình, và hy sinh cả văn tài của mình để chăm sóc cho người chồng đầy nỗi đau tư tưởng và chỉ lo "chuyện thiên hạ".
Nhà triết học và "sư tử Hà Đông"
Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate được bao nhiêu người quỳ gối ngưỡng vọng, nhưng với bà vợ Xanthippe thì ông chỉ là "con tép". Socrate lấy vợ khi đã 50 tuổi, bà trẻ hơn ông rất nhiều, nhưng mức độ ghê gớm của người vợ này thì vang lừng cả thành Athen. Ai cũng biết nhà triết học nổi tiếng suốt ngày bị vợ chửi bới, hành hung. Đến nỗi sau mấy nghìn năm, tên bà đã trở thành danh từ chung để chỉ những ác phụ, những người đàn bà đanh đá, lăng loàn. Được cái với vợ thì Socrate là ông chồng "ngoan", chẳng bao giờ cãi nửa lời.
Tranh vẽ cảnh Socrate bị vợ dội nước trước mặt khách khứa.
Chuyện kể rằng có lần, bậc thầy triết học đang đàm đạo với các môn sinh thì bà Xanthippe lại mắng nhiếc, rủa sả om sòm đến nỗi tất cả mọi người đều tối tăm mặt mũi, trừ ông chồng vẫn điềm nhiên. Cơn tam bành lên đến đỉnh điểm, bà bưng cả vò nước rót lên đầu chồng, ông vẫn im lặng chịu trận, lại còn đùa với các học trò: "Sau cơn sấm sét bao giờ cũng phải có mưa giông".
Lần khác, Socrate đang ăn cơm với bạn thì bà vợ trời đánh lên cơn điên giận, chẳng kể gì khách khứa, ném cả mâm cơm ra sân. Trong khi ai nấy tức nổ đom đóm thì Socrate vẫn nói chữa: "Chắc bà ấy muốn chúng ta ra sân ăn cho mát". Đáp lại ông chồng AQ, bà Xanthippe lấy chổi quét hết thức ăn để chồng hết đường nhặt lại. Đến nước này thì các ông khách đều muốn giúp khổ chủ cho bà vợ lăng loàn một bài học, nhưng ông ngăn lại: "Giả sử như các anh đang ăn mà có con gà nhảy vào làm đổ hết mâm bát, các anh có đi đuổi nó để trừng phạt không?".
Bị vợ hành như vậy nhưng hễ có ai dèm pha bà, ông lại bảo: "Chính nhờ bà ấy mà tôi trở thành triết gia". Người ta cho rằng Socrate nhẫn nhục, "biết điều" với vợ một phần vì nhà hiền triết biết rằng với gia đình, ông là một ông chồng vô tích sự, là gánh nặng cho vợ con.
Vua cũng không yên thân với vợ
Napoleon III (cháu gọi Napoleon đệ nhất bằng bác ruột) không được coi mà một vĩ nhân nhưng đã ghi dấu ấn trong lịch sử nước Pháp như một hoàng đế cuối cùng và tổng thống đầu tiên. Ông cưới nữ bá tước Mari Eugénie Ignace Augustine de Montiji, người đàn bà đẹp nhất châu Âu thời đó, làm vợ và yêu nàng mê mệt. Có thể nói nhà vua phủ lên bà hoàng hậu mỹ miều của mình toàn bộ tình yêu và mọi xa hoa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để hoàng hậu Eugenie đặt niềm tin vào chồng. Bà điên cuồng vì nghi ngờ, ghen tuông và chính điều đó làm ông chồng hoàng đế nghẹt thở, làm vua mà chẳng còn chút tự do nào.
Napoleon III cạnh hoàng hậu xinh đẹp của mình.
Sợ chồng có nhân tình, hoàng hậu không ngừng canh giữ chồng, tra xét, lùng sục mọi ngóc ngách trong cung điện, bất chấp vương lệnh, nghi thức và sĩ diện. Napoleon III đang làm việc trong văn phòng, hoàng hậu thường đột ngột xộc vào với hy vọng "bắt quả tang". Thậm chí cả khi nhà vua có cuộc họp bí mật để bàn đại sự, bà cũng nằng nặc đòi có mặt để đảm bảo không có chuyện tình ái lăng nhăng nào.
Chưa hết, mỹ hậu của Napoleon III còn thường xuyên nói xấu chồng với họ hàng, mắng chửi chồng khi lên cơn ghen bóng gió, khóc lóc ầm ĩ. Nhà vua chỉ muốn được yên thân một mình cũng không xong, vì bà hoàng hậu thấy cái sự một mình đó ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm.
Kết cục là Napoleon III phải lén ra ngoài cung điện một chút cho nó dễ thở và dẫn đến ngoại tình thật.
Người vợ ‘kinh dị' của tổng thống Mỹ Lincoln
Được xem là một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ nhưng về đời tư, Linlcon lại rất khổ sở: ông bị vợ hành hạ suốt cả cuộc đời.
Khi nhớ đến những danh nhân có sự nghiệp vĩ đại nhưng lại khổ sở trong cuộc sống gia đình do bị vợ "hành", người ta nghĩ ngay đến Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ.
Bị vợ lăng nhục trước cả đám đông
Lincoln cưới Mary Told năm 1842 khi ông 33 tuổi còn Mary mới 23. Cô dâu không chỉ xinh đẹp, trẻ trung hơn ông mà còn có xuất thân danh giá hơn ông. Nếu như Lincol là con trai của một gia đình nghèo khó mà cả bố mẹ đều là những nông dân mù chữ thì Mary Told là con gái của thống đốc ngân hàng, học hành trong những trường cao cấp, thông minh, hiểu biết, ăn mặc thời trang... Mặc dù vậy, Lincoln đã phải đắn đo mất ba năm mới quyết định cưới, một quyết định đẩy ông vào cuộc sống hôn nhân bất hạnh cho đến lúc bị ám sát.
Mary Told phải điều trị tâm thần về cuối đời nên người ta cho rằng cách cư xử kinh khủng của bà với chồng, ngay cả khi ông đã là tổng thống, một phần cũng do căn bệnh đó. Sau thời gian trăng mật, cô gái duyên dáng và quý phái này dần dần hiện nguyên hình là một người đàn bà bẳn gắt, hay gây sự và rất dễ nổi cơn tam bành lục tặc. Bà thường xuyên ghen tuông với tất cả mọi người xung quanh chồng, mắng nhiếc ông thậm tệ.
Bà Mary, nỗi kinh sợ của tổng thống Lincoln.
Mary có một sở thích kỳ quái là nhục mạ chồng trước mặt đám đông. Dường như bà tìm được khoái cảm trong việc thường xuyên lôi ngoại hình khắc khổ của ông chồng ra để xài xể, châm biếm, nào là "ốm đói, lưng gù, đi đứng cứng quèo như que củi, gai cả mắt", nào "tai gì cứ vểnh như tai voi, mũi thì lệch, môi thì trề". Bà bắt chước dáng đi của ông rồi đay nghiến rằng sao ông không cố mà học dáng đi thanh lịch tao nhã của bà, mà cứ "kéo lê chân thằng mọi".
Một cựu chủ trọ của vợ chồng Lincoln kể lại, có lần vị tổng thống tương lai lỡ lời nói một câu trái tai vợ trong bữa ăn sáng. Thế là bà vợ "lên cơn điên" cầm tách cà phê nóng ném ngay vào mặt chồng trước mặt nhiều khách trọ khác. Abraham ngồi chết sững, không nói nổi lời nào trong khi bà chủ trọ lấy khăn ướt gột quần áo cho ông.
Dù sống ở đâu thì những người hàng xóm của họ cũng luôn phải điếc tai vì giọng la hét the thé, bù lu bù loa của Mary những khi chửi chồng. Và trước những câu lăng nhục đó, Lincoln chỉ im lặng bỏ đi. Và vì quá sợ "tổ ấm" của mình nên trong thời gian hành nghề luật sư, ông thường kiếm cớ "đi công tác" để khỏi về nhà.
Ngay cả khi đã là một chính khách rồi tổng thống, Lincoln vẫn không thoát cảnh nhục vì vợ. Bà vẫn ăn nói và cư xử thô bạo với ông bất chấp lễ tiết. Bà còn gây rắc rối cho chồng bằng cách nhận của đút, và công khai giễu cợt sự vụng về, quê mùa của chồng ngay cả trong các buổi tiếp tân trọng thể.
Vẻ ngoài khắc khổ của Lincoln luôn là đề tài cho vợ ông giễu cợt, lăng mạ.
Lincoln và nghi án đồng tính luyến ái
Đau đầu vì chuyện chính trị, khi về nhà, Abraham Lincoln lại gặp phải một "hậu phương" thậm chí còn nhiều tiếng súng hơn. Ấy vậy mà vị tổng thống vẫn nhẫn nhục vác cây thánh giá hôn nhân này suốt đời mà không hề có ý định ly dị. Một số học giả cho rằng, cách hành xử điên loạn của bà Mary và sự nhẫn nhịn của Abraham có thể có nguyên nhân từ việc ông là người đồng tính.
Trong cuốn sách mới "Thế giới thầm kín của Abraham Lincoln", nhà tâm lý, tình dục học C.A.Trip chứng minh giả thuyết của ông rằng vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ là người đồng tính. Abrahma dậy thì sớm từ khi 9 tuổi nhưng lại có rất ít quan hệ với phái nữ. Mẹ kế của ông, người rất hiểu Abraham, từng nói: "Theo tôi biết, nó không mê con gái lắm!".
Học giả Trip cũng khẳng định Lincoln có quan hệ tình cảm với đội trưởng đội cận vệ của ông là David V.Derickson, người thường xuyên ngủ chung giường với tổng thống mỗi khi bà Mary đi vắng. Điều này rất nhiều người biết và đã ghi vào nhật ký hoặc kể lại. Ngoài ra, từ thuở mới lớn, Abraham cũng có quan hệ đặc biệt với anh bạn thân Joshua Speed. Một bức thư Lincoln gửi bạn có dòng kết âu yếm "mãi của anh" được coi là bằng chứng cho thấy giữa hai người không chỉ có tình bạn. Trip cũng nêu một số người đàn ông khác từng chung giường với Lincoln.
Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là giả thuyết, vì người ta cũng biết rằng trước khi lấy bà Mary Todd, Abraham Lincol từng có vài mối tình với phụ nữ. Cô gái đầu tiên mà ông đem lòng yêu sâu nặng không may lại hồng nhan bạc mệnh. Cái chết vì bệnh thương hàn của cô làm chàng thanh niên Abraham đau khổ và tuyệt vọng đến nỗi muốn chết theo. Một thời gian sau đó, ông phải lòng một cô gái khác nhưng bị cô này chê là quê mùa và cự tuyệt.
Dù có đồng tính hay không, có một sự thật là Abraham là một trong những ông chồng bất hạnh nhất thế giới.
(Sưu tầm)