Trích dẫn của
TeacherABC
Giải mã 'xe điên'
Ngoài những nguyên nhân nguy hiểm như uống rượu-bia hay cố tình bỏ chạy, đôi khi chỉ vì không quen xe, lần đầu lái số tự động, bực dọc với người khác mà tài xế có thể gây ra tai nạn liên hoàn.
Trong vài năm gần đây mặt báo, diễn đàn ngày càng nhiều tin về những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nó không đơn giản là "va quệt" mà liên quan đến nhiều người và nhiều phương tiện.
Dần dần, từ "xe điên" hình thành, mang tính khái niệm do xã hội đặt tên dù thực chất xe không "điên". Tai nạn không loại trừ ai và loại trừ phương tiện nào, từ xe số tự động, số sàn, từ chở khách, chở hàng; từ xe siêu trường hay xe kéo moóc...Bài viết này chỉ đề cập đến xe gia đình, từ 4 chỗ đến 7 chỗ, là loại có nhu cầu cá nhân cao và tăng nhanh.
Đâu là nguyên nhân
Điều cần công nhận là tai nạn giao thông phần lớn do con người chứ không phải phương tiện. Sức khỏe không đảm bảo, thiếu bình tĩnh khi xử lý, thậm chí nổi nóng cũng gây nên tình trạng này.
Một cán bộ công an giao thông Hà Nội nêu ra ba đặc điểm của tài xế trong các vụ tai nạn mang tính liên hoàn. Đầu tiên là những người có tâm lý bỏ chạy, trốn trách nhiệm. Trường hợp thứ hai uống rượu, bia, chất kích thích. Cuối cùng là người hoảng loạn không tự chủ được hành vi. Họ mất kiểm soát từ va chạm đầu tiên để rồi biến thành liên hoàn, nghiêm trọng.
Mấy chục năm cầm lái từ xe kéo pháo, hai cầu, Z157 tải đạn nhưng khi lên chiếc Ford Mondeo đi mượn hồi tháng 3/2011, người đàn ông tên Mạnh đã đâm 14 xe đạp, 7 xe máy cùng chiều khiến 20 người nhập viện trên tuyến đường Xuân Thủy- Hồ Tùng Mậu- Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội).
Mới nhất là ngày 7/10, bác sĩ Trần Anh Huy, 42 tuổi, lái chiếc Altis đâm hỏng Mercedes E200 và Camry chạy cùng chiều phía trước trên đường Lý Thái Tổ- Sư Vạn Hạnh (Quận 10, TP HCM). Sau đó còn đâm vào nhóm xe máy đang chờ đèn đỏ. Hai người tử vong, 12 người bị thương, 8 người đã xuất viện, 4 người đang phải điều trị tại bệnh viện 115.
Hậu quả thật lớn và câu hỏi là tài xế đã làm gì? Những người đang sử dụng ôtô tự hỏi làm thế nào để mình không phải là người gây ra thảm cảnh đó. Cảnh sát giao thông làm việc khi tai nạn đã xảy ra. Tôi lại muốn tìm hiểu những yếu tố trước đó.
Các bạn, những người từng đi học, nhận bằng và đang hoặc chưa sở hữu xe hơi có thể nhận ra rằng hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép của Việt Nam thiếu tính thực tiễn. Thực tế trên đường khác quá xa so với sa hình. Một bên là hàng chục chiếc xe máy vây quanh, chưa kể ôtô, xe bus, xe đạp, người đi bộ. Trong khi chúng ta đi thi thì sao? Một sa hình yên ả, với những "mẹo" biết trước. Bạn có thể chỉ mất một ngày thuê "xe chip" để đạt 90 hay 95 điểm, dù chưa đi thực tế phút nào.
Vì thế, ai may mắn học ở chỗ tốt, có xe thì lái ngay được ra đường. Số còn lại hoặc là toát mồ hôi khi ngồi vào vô-lăng hoặc rất liều. Nhìn xe khác như kẻ địch. Hệ thống tạo điều kiện để nhiều người cố gắng "lấy bằng" mà không cần "biết lái". Điều này ngược với quy trình sát hạch ngay trên thực địa ở nhiều nước.
Quy trình đào tạo cũng đang chậm hơn thực tế. Ta chỉ có loại hình dạy lái bằng xe số sàn trong lúc xe số tự động phổ biến với tốc độ nhanh. Phụ nữ bây giờ ai còn muốn mua xe số sàn. Trong khi đó, số tự động dễ khiến những sai lầm phải trả giá đắt. Dễ xảy ra nhất là nhầm chân ga với phanh.
Tiếp đến là thực trạng giao thông, thứ dồn nén người lái xe vào những khó chịu, căng thẳng. Tắc đường liên miên, đường sá lộn xộn không theo một quy luật nào. Tạt đầu một chiếc ôtô thật đơn giản với người đi xe máy. Nhưng họ đâu biết rằng phía sau có người đang bực dọc. Cũng như thế, một ôtô quay đầu không đúng chỗ làm hàng dài xe máy đợi chờ. Vì những lý do như thế, bạn có nhận ra chúng ta nói tục ngày càng nhiều khi đi trên đường?
Nguyên nhân cuối cùng là trong vài trường hợp, đạo đức người lái ôtô không tương xứng với phương tiện họ đang điều khiển. Nhiều vụ tai nạn tài xế thể hiện rõ sự dã tâm, chủ động chạy trốn và gây ra tai họa cho nhiều người nhưng lại kết thúc bằng án chưa thỏa đáng. Vì thế mà ngày càng nhiều người nhờn luật.
Giải pháp nào cho vấn đề "xe điên"
Đào tạo và cấp bằng là giai đoạn đầu tiên, mang tính căn bản để một tài xế có "điên" trong tương lai hay không. Vì vậy cần phải thay đổi những gì đã cũ, lạc hậu, bổ sung cái mới nhằm tiếp cận gần hơn với thực tế.
Quy trình phải gắn với thực hành. Học viên "học mà chơi, chơi mà học". Bộ GTVT nên thiết kế những game với bối cảnh giao thông Việt Nam, mật độ Việt Nam, biển báo Việt Nam, tốc độ cho phép Việt Nam, đường sá Việt Nam và thời tiết Việt Nam. Nhờ thế người chơi mới học nhanh, không cứng nhắc vào mớ lý thuyết. Dễ nhớ, hứng thú, chơi và học được với nhiều người. Có tác dụng quảng bá và giáo dục với mọi tầng lớp từ nhi đồng tới người cao tuổi.
Còn về thực hành, học viên có thể được học bằng cabin điện tử có vô-lăng, cần số, hệ thống phanh ga côn như xe thật, hệ thống màn hình tạo được không gian thời gian và cảm giác địa hình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giáo trình đầy đủ, sát với thực tế và đi cùng những người thầy không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải tâm huyết, có văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.
Thời gian dành cho thực hành nhiều hơn và bắt các học viên tuân thủ như một lớp học thực thụ. Không đủ số buổi tham dự và chứng nhận của thầy giáo sẽ không được thi. Mở rộng sang cả hình thức xe số tự động. Quy trình sát hạch dành cho phần đi thực tế phải đóng vai trò cao hơn điểm số như hiện tại.
Học viên phải có nhận thức hoặc thực hành một số tình huống đặc biệt. Chẳng hạn khi đạp nhầm chanh phanh với ga sẽ phải làm gì. Xe nổ lốp nên làm thế nào. Gặp các tình huống khẩn cấp phải thao tác ra sao.
Khi đã có giấy phép người lái xe phải có thời gian thực tập ít nhất là một tháng với người hướng dẫn, trước khi chính thức tự mình điều khiển phương tiện tham gia giao thông hòa nhập với cộng đồng.
(VNEXPRESS)