Bài 1 đến 8/8

Chủ đề: Viết ngắn

Threaded View

  1. #5
    Newbie Photobucket
    Ngày gia nhập
    May 2011
    Bài viết
    47
    Thanks
    32
    Thanked 266 Times in 45 Posts

    Default Re: Viết ngắn

    CÁC CON ĐỪNG VỨT ĐI NHƯ THẾ!


    Về bản. Như mọi lần, chúng tôi mang theo lương khô, mì tôm, bột canh, chai nước mắm, cùng mấy gói bích quy hương thảo, kẹo mềm, vài gói chè, vài phong thuốc lào nữa. Hành trang mang theo vẫn là giấy, bút, máy móc, thiết bị cho chuyến điền dã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mì tôm để ăn nhanh, lương khô cũng thế, vì điền dã: ăn, ngủ cũng là làm việc. Nước mắm, bột canh là để dễ ăn hơn, có sức thì mới làm như thiêu thân được chứ. Gói bánh, gói chè, phong thuốc lào để biếu người già, mấy gói kẹo cho trẻ con… Người già thì rưng rưng, trẻ con thì mắt sáng cộ. Nhìn bọn trẻ vui một, mình vui mười. Những mái tóc vàng hoe vì nắng, áo quần chưa lành lặn, mặt mũi nhem nhuốc, lọ lem, thế mà cái miệng cười thật vui, hai hàm răng thật trắng, khiến chúng tôi quên cả đói và mệt.

    Đêm qua về đến bản đã quá khuya, nhá phong lương khô, uống mấy ngụm nước, đủ để có một giấc ngủ ngon. Sáng sớm, cả nhóm lục tục dậy cùng người già. Cậu trẻ nhất úp mấy gói mì tôm, bát đầu tiên tôi bưng cho bố. Ông ngồi bên bếp lửa, chòm râu đen chứ không bạc, cứ rung rung, đôi mắt sáng long lanh. Mẹ đang lo đun ấm nước. Chị con dâu đang cho đàn lợn ăn để tiếng kêu của chúng khỏi rát lòng hàng xóm. Chồng chị - anh trưởng bản xuống nhà bác bí thư để bàn chuyện lễ hội ngày mai, ngay từ lúc chúng tôi còn chưa ra khỏi giường. Bọn trẻ thì vẫn ngủ ngon giấc.

    Bố ăn cùng chúng tôi, anh trưởng đoàn nói: “Chúng con phần cho mẹ, anh chị và các cháu rồi, mời bố!”. Bố ăn từ tốn, nhưng tôi biết, bố đang ăn rất ngon, như để muốn giữ mãi cái dư vị thơm nồng cay cay của mì tôm mang lên từ Hà Nội. Chúng tôi thì húp soằm soặp, mì tôm cay, nóng, lại có nước, bù lại miếng lương khô khó nuốt đêm qua.

    Ăn được vài miếng, bỗng nghe bố kể: tháng trước, có đoàn khách của Uỷ ban dân tộc về bản, bản mổ lợn, mổ gà, làm cơm mời đoàn, uống rượu nữa… vui lắm. Có hai cháu gái là nhà báo, lần đầu lên vùng cao, không ăn được da gà, thịt mỡ, cứ xé mỡ, xé da vứt xuống gầm bàn, lấy giầy di đi di lại, bố thấy thế, tiếc quá, bố bảo: “Các con không ăn được thì đừng vứt đi như thế, để người khác ăn được sẽ ăn”.

    Cậu trẻ nhất đoàn vừa húp ực miếng mì tôm cuối cùng nhanh nhảu nói: “Chắc hai cô ấy lên lần đầu đấy bố ạ!” Bố cười thật hiền: “Ừ, bố biết chứ, nên mới nhắc. Vì chưa quen nên ngại để lại trên mâm, sợ người khác nghĩ là bỏ thừa, di chân là để không cho ai biết. Nhưng, dân mình nhiều người ăn còn chưa đủ no, bỏ đi những thứ quý ấy, tiếc lắm”.

    Rồi, bố quay sang tôi: “Con gà, con lợn ăn hạt thóc, hạt ngô, là chúng ăn cả phần của con người mà!". Miệng tôi đắng ngắt, cổ tôi nghẹn lại. Lời người già thật sâu sắc, giọng người già thật hiền. Cái lý của người vùng cao cứ chân chất mà thấm đẫm tình người qua những lời răn dạy.

    Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau, rồi cùng nhìn bố. Bố ăn ngon quá. Chòm râu cứ rung rinh, đôi mắt cứ ánh lên bên bếp lửa. "Các con không ăn được thì đừng vứt đi như thế, để người khác ăn được sẽ ăn” – Câu nói như lời răn dạy, giản đơn mà sâu sắc làm sao.

  2. Có 6 thành viên cám ơn bài của Vũ Phong:

    Ban Mai (26-05-2011),kehotro (26-05-2011),Nhím con (27-05-2011),TeacherABC (25-05-2011),thuphong (25-05-2011),Triplec (26-05-2011)

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •