"Cuộc đời là một sân khấu lớn và mỗi người đều có một vai quan trọng" (Shakespeare)
Ohh, xưa đại lộ Thăng Long đâu có dài rộng như bây giờ, đúng không Boulevard? Vì vậy, nếu đọc thấy một trang viết của VP như thế này:
CÂY BÀNG
Trước ngõ nhà tôi có một cây bàng, thân cây tôi ôm không xuể, cành lá sum suê, mùa hè bóng cây chùm mát căn phòng tôi ở trên tầng hai. Mẹ tôi bảo, cây bàng bằng tuổi tôi đấy. Mẹ nói đúng.
Tôi thương lắm cây bàng vào mùa thu, thật trớ trêu vì đấy là mùa tôi yêu nhất trong năm, mùa tôi sinh ra và mùa tôi có em... Mùa thu, tôi thích nhìn ngắm những chiếc lá bàng vật vã đổi màu. Phải rồi, có sự thay đổi nào mà không vật vã cơ chứ! Như người đàn bà khi "vượt cạn", như mẹ tôi khi sinh ra tôi - những cơn đau co thắt, giằng xé như dứt ruột dứt gan, đầm đìa mồ hôi, vật vã chịu đựng đến nửa ngày trời, để khi tôi chào đời bằng tiếng khóc, mà cũng đã xong đâu... dây nhau cuốn cổ ba vòng, gỡ mãi... tôi mới ra đời trọn vẹn.
Cây bàng trước ngõ chứng kiến tuổi thơ tôi. Cái tuổi lên ba, đôi bàn tay nhỏ xíu của tôi chỉ có thể cầm nắm được một trái bàng thôi, rồi đến tuổi được cắp sách đến trường, tôi kéo lũ bạn đến nhà, con trai thì trèo lên cây rung cành, hái quả, đám con gái thì ầm ĩ tranh nhau nhặt những trái bàng xếp lại một đống để chơi đồ hàng... Và, đến tuổi biết yêu, hơn một lần cây bàng hiểu tâm trạng đợi chờ của người ấy... khi đợi tôi...
Tôi yêu cây bàng, chẳng phải chỉ vì căn phòng tôi luôn mát vì được nó toả bóng, hơn thế - loài cây này bốn mùa thay lá: Xanh um khi mùa hè đến, vàng ươm mỗi độ thu về, trụi cành khi mùa đông qua và nảy lộc khi mùa xuân quay trở lại.
Năm nào cũng thế, vào cuối hè lá bàng cứ bớt xanh đi một chút, một chút... đến một hôm tôi giật mình, thảng thốt, thấy toàn thân cây bàng phủ một màu đỏ ối... đỏ rực lên rồi dần dần ngả sang màu tím ngắt... Chao ôi, thế là đã thu rồi đấy! Cây bàng thân yêu của tôi lại vật vã sang thu. Chỉ ít hôm nữa thôi, thu sẽ gọi heo may về, trời se se lạnh...
Tôi yêu lắm cây bàng trước ngõ và thầm cảm ơn loài cây đó, vì nhờ nó mà tôi cảm nhận được không gian và thời gian. Tôi thêm yêu loài cây mà mỗi độ thu về, tôi lại được lắng nghe, được ngâm tẩm đến tận cùng nỗi vật vã của những chiếc lá bàng đổi màu trong gió mùa thu...
... thì liệu Boulevard có còn... théc méc nữa không ạ?
Hì, không sao đâu. VP luôn tin ở thái độ thiện chí, chân tình của các anh chị, các bạn nơi này!
CÁC CON ĐỪNG VỨT ĐI NHƯ THẾ!
Về bản. Như mọi lần, chúng tôi mang theo lương khô, mì tôm, bột canh, chai nước mắm, cùng mấy gói bích quy hương thảo, kẹo mềm, vài gói chè, vài phong thuốc lào nữa. Hành trang mang theo vẫn là giấy, bút, máy móc, thiết bị cho chuyến điền dã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mì tôm để ăn nhanh, lương khô cũng thế, vì điền dã: ăn, ngủ cũng là làm việc. Nước mắm, bột canh là để dễ ăn hơn, có sức thì mới làm như thiêu thân được chứ. Gói bánh, gói chè, phong thuốc lào để biếu người già, mấy gói kẹo cho trẻ con… Người già thì rưng rưng, trẻ con thì mắt sáng cộ. Nhìn bọn trẻ vui một, mình vui mười. Những mái tóc vàng hoe vì nắng, áo quần chưa lành lặn, mặt mũi nhem nhuốc, lọ lem, thế mà cái miệng cười thật vui, hai hàm răng thật trắng, khiến chúng tôi quên cả đói và mệt.
Đêm qua về đến bản đã quá khuya, nhá phong lương khô, uống mấy ngụm nước, đủ để có một giấc ngủ ngon. Sáng sớm, cả nhóm lục tục dậy cùng người già. Cậu trẻ nhất úp mấy gói mì tôm, bát đầu tiên tôi bưng cho bố. Ông ngồi bên bếp lửa, chòm râu đen chứ không bạc, cứ rung rung, đôi mắt sáng long lanh. Mẹ đang lo đun ấm nước. Chị con dâu đang cho đàn lợn ăn để tiếng kêu của chúng khỏi rát lòng hàng xóm. Chồng chị - anh trưởng bản xuống nhà bác bí thư để bàn chuyện lễ hội ngày mai, ngay từ lúc chúng tôi còn chưa ra khỏi giường. Bọn trẻ thì vẫn ngủ ngon giấc.
Bố ăn cùng chúng tôi, anh trưởng đoàn nói: “Chúng con phần cho mẹ, anh chị và các cháu rồi, mời bố!”. Bố ăn từ tốn, nhưng tôi biết, bố đang ăn rất ngon, như để muốn giữ mãi cái dư vị thơm nồng cay cay của mì tôm mang lên từ Hà Nội. Chúng tôi thì húp soằm soặp, mì tôm cay, nóng, lại có nước, bù lại miếng lương khô khó nuốt đêm qua.
Ăn được vài miếng, bỗng nghe bố kể: tháng trước, có đoàn khách của Uỷ ban dân tộc về bản, bản mổ lợn, mổ gà, làm cơm mời đoàn, uống rượu nữa… vui lắm. Có hai cháu gái là nhà báo, lần đầu lên vùng cao, không ăn được da gà, thịt mỡ, cứ xé mỡ, xé da vứt xuống gầm bàn, lấy giầy di đi di lại, bố thấy thế, tiếc quá, bố bảo: “Các con không ăn được thì đừng vứt đi như thế, để người khác ăn được sẽ ăn”.
Cậu trẻ nhất đoàn vừa húp ực miếng mì tôm cuối cùng nhanh nhảu nói: “Chắc hai cô ấy lên lần đầu đấy bố ạ!” Bố cười thật hiền: “Ừ, bố biết chứ, nên mới nhắc. Vì chưa quen nên ngại để lại trên mâm, sợ người khác nghĩ là bỏ thừa, di chân là để không cho ai biết. Nhưng, dân mình nhiều người ăn còn chưa đủ no, bỏ đi những thứ quý ấy, tiếc lắm”.
Rồi, bố quay sang tôi: “Con gà, con lợn ăn hạt thóc, hạt ngô, là chúng ăn cả phần của con người mà!". Miệng tôi đắng ngắt, cổ tôi nghẹn lại. Lời người già thật sâu sắc, giọng người già thật hiền. Cái lý của người vùng cao cứ chân chất mà thấm đẫm tình người qua những lời răn dạy.
Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau, rồi cùng nhìn bố. Bố ăn ngon quá. Chòm râu cứ rung rinh, đôi mắt cứ ánh lên bên bếp lửa. "Các con không ăn được thì đừng vứt đi như thế, để người khác ăn được sẽ ăn” – Câu nói như lời răn dạy, giản đơn mà sâu sắc làm sao.
2 cô nhà báo đó kém nhể? Mềnh thì lại thích ăn da gà... Chỉ mong đi ăn với ai giống hai cô bạn đó thì tốt nhể ? 2 cô bạn nhà báo hơi "chảnh" trong ăn uống đó chắc không phải trường hợp số đông. Vì nhà báo thường là người thích nghi với môi trường sống, hoàn cảnh sống và điều kiện sống nữa... ka ka. Với lại những người mà không ăn bỏ đi, lại di di thức ăn dưới chân... nghe thấy hơi chuối tí nhỉ? Ở nhà B thường dạy con bé, con không ăn thì không được vứt đồ ăn... Vứt như vậy là có tội đới...
"Cuộc đời là một sân khấu lớn và mỗi người đều có một vai quan trọng" (Shakespeare)
Vâng, VP cũng cùng ý nghĩ như chị. VP cũng thuộc thế hệ 7X áp 8X, nên tin ở những gì mà lứa thanh niên có tri thức ngày nay sẵn sàng lăn xả vào thực tế. VP cũng là dân đi nhiều, đi kỹ, có lẽ còn đi hơn cánh nhà báo, chị à! Nhưng đây là câu chuyện có thật 100%, VP được nghe kể lại tại một bản người Mông nơi đỉnh đèo Pha Đin đấy!
VP cũng thích ăn da gà. Thích chén thịt dọi luộc. Hì
À, 2 cô nhà báo ấy là phóng viên của báo... culture đấy ạ!
Last edited by Vũ Phong; 26-05-2011 at 12:02 AM.
HOA BẰNG LĂNG
Ngày nhỏ, trong mảnh vườn trước sân nhà tôi có một cây bằng lăng, cây cao, to, tán lá xoè ra che rợp một góc vườn. Mỗi năm, khi hè về là cây bằng lăng lại bắt đầu trổ hoa. Những bông hoa cánh mỏng như lụa khẽ rung rinh dưới ánh nắng mặt trời.
Hoa bằng lăng thật lạ. Trên cùng một cây mà hoa có tới hai màu: Trắng và tím. Những bông hoa đầu cành phơn phớt trắng, dịu dàng, trinh bạch. Còn những bông hoa cuối cành lại mang màu tím biếc, thuỷ chung... tôi say đắm, ngưỡng vọng và yêu tin như thế.
Một dịp hè, nắng chói chang và những đàn ong rù rì trong hương hoa, hương gió. Cây bằng lăng cũng bắt đầu trổ hoa. Tôi lần theo dấu chân nhỏ dại tuổi thơ xưa để ra vườn. Cây bàng đã già, cành cây xưa vươn cao, ngạo nghễ là thế, giờ đã xã xuống, uể oải đu đưa trước mặt tôi. Tôi chăm chú nhìn cây bằng lăng chi chít đầy hoa và bỗng giật mình - sao chỉ thấy những bông hoa màu tím biếc, những bông hoa màu trắng thủa xưa đâu rồi? Tôi căng mắt tìm... nhưng vô vọng.
Đúng lúc ấy, cơn mưa ập đến - những cơn mưa đầu mùa hạ thoắt đến thoắt đi, náo nhiệt và ồn ã như tình yêu của người đàn bà nông nổi. Tôi vội chạy vào nhà.
Đêm ấy, tôi thao thức không sao ngủ được, ngỡ ngàng bởi phát hiện ban chiều, day dứt, khó hiểu đè nặng tâm trí tôi. Không hiểu sao, tôi linh cảm sẽ có một điều gì nghiệt ngã, chua chát đang đón đợi mình. Ngoài kia, gió và mưa vật vã suốt đêm.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy... sững sờ... những cành hoa bằng lăng giờ lại có hai màu: Trắng tím. Phút chốc, tôi nhận ra loài hoa bằng lăng đã phai màu sau một đêm mưa. Thì ra là thế! Tất cả những gì là kỳ lạ, là tuyệt vời, là ngưỡng vọng một thời tôi ấp ủ, si mê bỗng chốc đổ vỡ tan tành.
Bên tai tôi vọng về câu nói của ba: "Con của ba, đừng bao giờ nhìn cuộc đời chăm chú quá, bởi những ai nhìn đời chăm chú thường hay đau khổ...". Nhưng, thưa ba, con biết làm sao đây, con không thể quay đi, làm ngơ trước những gì con thấy. Và, tôi tự nhủ - không được mềm yếu, không được tự huyễn hoặc mình, phải biết cứng rắn, phải biết dũng cảm nhìn vào sự thật. Sự thật dù xấu xí, cay đắng đến bao nhiêu thì còn gấp ngàn vạn lần sự giả dối mà đẹp đẽ, ngọt ngào.
Từ ấy, theo thời gian... tôi lớn lên, tôi cũng lãng quên đi nhiều thứ, nhưng kỷ niệm về hoa bằng lăng thì còn theo mãi...