Lương tối thiểu tăng nhưng người lao động sống không đủ là do giá cả thiết yếu tiêu dùng đẩy quá cao, tích lũy của người lao động ít, không đảm bảo mức sống - ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.
>> Lương tối thiểu là 830.000 đồng từ ngày 1/5
"Nền lương tối thiểu của mình thấp không đảm bảo mức sống".
Xin ông cho biết mức lương tối thiểu tăng được tính dựa trên những yếu tố nào?
Theo Nghị định 203 năm 2004, lương tối thiểu được tính dựa trên ba yếu tố cơ bản gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt tiêu dùng (CPI) và quan hệ cung cầu lao động. Trong đó quan hệ cung cầu lao động thực ra là mức tiền công trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, lương tối thiểu tăng còn phải tính đến dựa trên khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Vậy việc tăng lương tối thiểu lần này có gây khó khăn cho doanh nghiệp không?
Không có gì khó khăn cả, vì tăng lương đã được tính toán căn cứ vào mức lương thực tế hiện nay doanh nghiệp trả cho người lao động. Theo tính toán, điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, so với mức lương từ 730.000 tăng lên 830.000 đồng/tháng thì ở vùng 4 chỉ có 1,2-1,3% số doanh nghiệp không thực hiện được.
Tuy nhiên ở đây phải nhìn nhận, mức lương tối thiểu chỉ là bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người lao động. Thực tế thị trường lao động mức lương thường được trả cao hơn nhiều mức lương tối thiểu, cụ thể như thuê người giúp việc cũng phải trả từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, chứ nếu trả với mức tối thiểu 830.000 đồng/tháng thì lao động sẽ rất khó sống.
Theo lộ trình tăng lương, đến năm 2012, lương tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thống nhất một mức lương chung. Vậy theo ông liệu có thực hiện được không?
Đấy là lộ trình và chúng ta cũng đang cố gắng thực hiện. Còn thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào khả năng chi trả tài chính của doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu mức lương tối thiểu tăng cao với doanh nghiệp FDI thì cũng là cả vấn đề.
Cứ mỗi lần nghe lương tăng thì giá cả lại tăng theo, thậm chí lương tăng không kịp với giá cả. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Giá cả là kinh tế tổng hợp và bao giờ nó cũng đẩy lên trước. Thử hỏi nếu giá cả tăng lương không tăng thì người lao động sẽ như thế nào.
Ở đây giá tăng là do nhiều yếu tố tổng hợp như hiện nay nhà nước tăng giá điện là giá đầu vào nên đẩy toàn bộ giá cả tăng theo.
Thực tế lương tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng là tăng 13,7%, trong khi trượt giá năm 2010 là 11,75 %, như vậy là lương tăng cao hơn mức trượt giá.
Nhưng tại sao người lao động sống không đủ lại là việc khác, đó là do giá cả thiết yếu tiêu dùng đẩy quá cao, tích lũy của người lao động ít, nền lương tối thiểu của mình thấp không đảm bảo mức sống cho nên khi lương tăng tỷ lệ cao, nhưng tổng tuyệt đối tiền lương của người lao động lại thấp.
Vậy trước thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề xuất gì để hỗ trợ đời sống của người lao động?
Trước thực tế đó vì thấy mức lương không đảm bảo nên nhà nước phải thực hiện trợ cấp. Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn cùng một số các Bộ ngành liên qua mới trình Chính phủ qua Quyết định 471 về trợ cấp khó khăn đối với những người có hệ số lương dưới 3,0 hoặc người lao động có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng/ tháng, người hưởng lương hưu... thì được trợ cấp trong quý II là 250.000 đồng/quý để đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với lương tối thiểu dành cho khối hành chính sự nghiệp có ý kiến cho rằng mức lương này quá thấp không thể giúp họ đảm bảo đời sống ổn định. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đấy là do nền lương tối thiểu của mình quá thấp.
Xin cám ơn ông!
Theo Vũ Điệp
VEF
Theo Dân Trí