Bài 1 đến 2/2

Chủ đề: Dư âm một cuộc đời

Threaded View

  1. #2
    Silver Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    1.870
    Thanks
    3.084
    Thanked 2.095 Times in 433 Posts

    Default Re: Dư âm một cuộc đời

    Phần II

    Cha hắn là một người rất có hiếu với bà nội. Cái ngày giải phóng, cha hắn đã leo lên tàu rồi nhưng nghĩ đến bà nội nên đành phải leo xuống trở về. Ấy thế mà lại may. Nếu không thì làm gì có hắn và con em hắn. Nhưng hình như quy luật cuộc đời luôn trớ trêu khi người ta nói : Lợi bất cập hại.

    Bà nội hắn sau này nuôi các em của cha hắn vất vả quá nên cha hắn lại ra đi lần nữa. Lần này, cha hắn đi tuyến đường bộ sang Campuchia mà lúc này đang là thời điểm đánh nhau ác liệt giữa bộ đội VN và bọn Pôn pốt. Mãi sau này, khi người bạn đi cùng từ Mỹ viết thơ về VN nhờ người sang nhắn hộ với bà nội hắn là cha hắn bị Pôn Pốt bắn chết. Thì gia đình hắn mới lập bàn thờ mà khóc vơi nước mắt. Bảy người đi chỉ một người chạy thoát sang Thái Lan, bốn người bị phía Việt Nam bắt lại và hai người không tìm thấy xác. Mẹ hắn đau khổ đến tột cùng và vẫn ở vậy tới giờ để nuôi hai anh em hắn.

    Nhưng hắn biết rất rõ, Mẹ hắn luôn đổ lỗi cái chết của cha hắn là do bà nội. Mặc dù, trong thâm tâm hắn cũng cho rằng chưa chắc đó là chuyện đúng. Nhưng hắn thấy Mẹ hắn quá đau thương nên hắn chẳng bao giờ nói gì mỗi khi Mẹ hắn cằn nhằn những chuyện xa xưa. Người phụ nữ không chồng một nách hai con lại còn phải nuôi cả bà ngoại. Đây quả thật cũng là chuyện phi thường trong cái thời kỳ ăn độn bo bo và bột mì Liên xô.

    Khuôn mặt của Mẹ hắn luôn phảng phất một nỗi buồn u uất. Người phụ nữ với dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt vẫn còn đầy nét quyến rũ đã thu hút nhiều người đàn ông. Rất nhiều người đã bóng gió hay trực tiếp ngỏ lời nhưng kết quả chỉ là cái lắc đầu muôn thuở. Mẹ hắn vẫn không hề lay chuyển. Hắn rất thương Mẹ nhưng giá như hắn đừng ở cái xóm ấy, đừng chơi với những thằng bạn hư hỏng ấy thì hắn đã không đến nỗi như ngày nay! Mẹ Trang Tử còn có tiền để chuyển nhà năm lần bảy lượt chứ Mẹ hắn làm sao có tiền để làm chuyện ấy.

    Buổi sáng hắn thường nằm ườn ở nhà xem tivi hay siêng hơn là ra đầu ngõ ngồi nhấm nháp ly cà phê đen nóng. Đốt thuốc và hưởng thụ cái cảm giác lâng lâng, ngồi tán dóc với vài người ngồi uống cà phê rồi đợi đến giờ thì đi làm. Hôm nay, hắn phát hiện có một nhân vật mới keng. Một thằng nói giọng bắc vào quán kêu một cái nâu. Bà chủ chẳng hiểu hắn gọi đó là cái gì, nhì nhằng mãi mới hiểu hắn gọi ly cà phê sữa. Thế là cả cái quán nhỏ được một trận cười no nê. Vài ngày sau thì cũng quen dần và hắn cũng phát hiện thằng kia cũng từng là dân nghiện. Thằng này ăn nói có duyên và phải nói là hay chuyện. Hắn lượm lặt ở đâu mà đủ thứ chuyện trên đời. Đương nhiên, hắn cũng biết thừa là tay kia phải thêm thắt dặm mắm dặm muối vào nên câu chuyện mới vừa nêm.

    Có lần thằng ấy kể đi cùng thằng bạn vào lối đường tàu để chơi hàng. Chẳng là thằng kia trúng quả bốn chiếc xe đạp. Hai thằng hỉ hả vừa đi vừa cười nói. Mọi khi, thằng kia chỉ chơi một bi nhưng hôm nay tiền nhiều quá. Thằng kia quyết thưởng thên nửa bi nữa. Can không được nên đành cho chơi. Ấy thế mà phê lòi! Mọi khi còn về được, lần này vừa đi vừa lim dim mắt, đã thế lại cứ hết lấy trái rồi lấy phải. Đến phố đông người ai cũng phải tránh đường cho ông tướng nghênh ngang. Mà trời xui thế nào mà tay ấy đi húc ngay vào cái cột đèn.

    Cái đầu nghe tê tê nhưng hắn nhanh mồm bảo:

    Cháu xin lỗi bác ạ!

    Nối rồi, thằng ấy đánh vòng để tránh khỏi va nhưng chẳng hiểu sao lại đâm đầu vào cột điện. Nó lại nhanh nhẩu:

    Cháu xin lỗi bác ạ.

    Rút kinh nghiệm, lần này thì đánh một cái xa thật xa nhưng đấy là nó nghĩ. Bước tới lại va đầu vào cột đèn. Cu cậu cay quá, quyết không nhịn nữa. Hắn to còi rống lên:

    Cháu xin lỗi bác rồi mà sao bác không cho cháu đi?

    Cả hàng phố hôm ấy cười một trận cứ gọi là vỡ bụng. Mà ở cái quán cà phê ấy cũng được trận cười no nê.

    Một bữa đang làm thì gặp chú út đến nhậu cùng bạn bè. Giơ cốc bia lên mời nó uống rồi hỏi làm ở đây thấy thế nào? Hắn cũng thật thà nói tạm ổn, chỉ có điều làm hơi khuya. Chú út nói, sáu tháng nay theo dõi, thấy mầy lo làm không còn ham chơi nên để tao xin cho mày sang làm chỗ khác. Chỗ này rất ngon và lương cao. Ráng lo mà làm nha!

    Chẳng cần đợi hết tháng, hắn vội vã xin nghỉ lấy nửa tháng lương và chuyển chỗ làm. Chú út kiếm đâu ra cho hắn mấy bộ đồ đem tới nhà bảo hắn mặc thử. Hắn cởi trần ra mà chú út hốt hoảng. Người hắn trông cứ như Thảo cầm viên với nào rồng nào rắn rồi thì cả bò cạp, chú út nói ngay:

    Mày đừng có mà ăn mặc kiểu phô trương mấy thứ đó ra, chỗ này toàn dân có tiền đến. Trông thấy rồng thấy rắn, bố bảo ma nào nó dám vào.

    Hắn ậm ừ cho qua chuyện và lựa lấy mấy chiếc sơ mi tay dài mặc vào. Nhưng miệng hắn thì lẩm bẩm:

    Mẹ kiếp, mấy năm trời nhịn hút nhịn xơi, đánh đổi biết bao nhiêu giờ công lao động mới được xăm trổ đầy đủ như thế này. Thử vào trong đó xem chúng nó có đánh cho mà giập mật. Nói là đi cai chứ chẳng khác đi tù.

    Cũng có đại bàng cát cứ, cũng có băng nhóm tranh giành rồi lại còn chế độ tem phiếu. Vì tiền mặt thì mua thuốc, mua đồ ăn giá khác còn dùng tem phiếu thì giá khác nên mỗi lần Mẹ hắn đi thăm là xem như hắn phải nuốt vào bụng tờ năm trăm ngàn. Quản giáo có xét cũng chẳng thấy gì. Đến lúc đi toa-let lại bươi bươi quẹt quẹt mà lấy ra xài. Cũng nhờ bà nội đưa tiền cho Mẹ hắn tiếp tế mà hắn được ưu đãi hơn. Chứ cái loại nhát cáy như hắn làm gì mà được thế!

    Thằng nào không số má giang hồ vào đều phải tựa lưng vào tường giang hai tay ra cho bọn chúng phang vào ngực đến quỵ mới thôi. Đêm ngủ phải nằm gần nhà xí, lại còn phải đấm lưng, đấm bóp cho bọn đàn anh. Đồ ăn gia đình đưa vào nếu không biết điều thì chúng cướp sạch. Đố thằng nào dám thưa với cán bộ nếu không muốn đang ngủ bị trùm mềm đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

    Sau lần đầu bỡ ngỡ, hắn được khôn ra nhiều. Bằng cách nào để giấu tiền, bằng cách nào để trữ thuốc hút, hắn đều học được. Rồi còn đặt quan hệ với những thằng có thể tuồn thuốc lá vào bán trong trại. Mua được thuốc cũng là một nghệ thuật, không phải cứ có tiền là đã có hàng. Một gói thuốc trong này, được móc nối và bán với giá đắt gấp mười lần so với bên ngoài. Vậy mà còn chẳng có để mua. Thuốc lá trong tù được ví như vàng ở ngoài đời. Có thuốc là có tất cả.

    Những hôm trại tổ chức giao lưu văn nghệ thì mới biết thế nào là giá trị của nó. Thằng nào có thuốc là có em. Mà nếu đưa giá cao thì cũng xơi được toàn những em xinh xắn. Thử hỏi đàn ông mà cả mấy tháng trời không được gần phụ nữ thì cảm giác nó như thế nào? Bọn chúng cứ giống như những con hải thác vào mùa giao phối. Ai trình diễn văn nghệ cứ trình, nhạc cứ đánh xập xình mà đâu đó trong các góc khuất, những tiếng thở hổn hển, những tiếng gào đầy khoái cảm vẫn vang lên. Nếu không có tiếng hát át tiếng gào hẳn người ta sẽ nghĩ mình đang là đoàn làm phim quay cảnh bầy hải thác đang lên cơn cuồng nộ.

    Chưa bao giờ hắn cảm thấy mình làm chuyện đó mà mạnh mẽ như vậy, chưa bao giờ hắn cảm thấy PN lại đáng yêu đến như vậy! Cái cảm giác da thịt cứ mạnh mẽ rung lên, tỏa ra, lan đến tận cùng những ngõ ngách của cơ thể, rung lên đến tận mỗi tế bào.

    Hắn đã từng có mấy mối tình nhưng đến khi nghiện thì người yêu hắn nhất cũng phải rơi nước mắt mà ra đi. Hắn cũng chẳng cần đoái hoài đến chuyện cô ấy đi lấy chồng. Thời kỳ ấy điều hắn cần là thuốc. Muốn giữ hắn cô người yêu phải cho hắn tiền. Nhưng tiền cỡ nào cũng đâu chịu nổi so với đồng lương công nhân ít ỏi. Thế là chia tay trong cơn mưa như cảnh các phim VN thường diễn.

    Còn tiếp
    Ta già chưa nhỉ em ơi?
    Để thơ hon hỏn vay đời nỗi đau.

  2. Có 4 thành viên cám ơn bài của kehotro:

    bachvan (14-06-2011),MinhThy (13-05-2011),Nhím con (14-05-2011),Phu sinh (13-05-2011)

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •