Thời tiết miền Bắc hiện vẫn còn lạnh nên hành trình lên núi Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) sẽ rất lý tưởng. Khách du lich sẽ được tận hưởng không gian đẹp nhất của ngọn núi được mệnh danh “đất tổ Phật giáo Việt Nam”.
Tới Thủ đô Hà Nội, khách du lich ngồi xe ô tô thêm khoảng 125 cây số để đến thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), đi thêm khoảng 9 cây số nữa để đến chân núi Yên Tử. Núi cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, đỉnh thường có mây mờ bao phủ nên núi còn được gọi là Bạch Vân Sơn. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa nhỏ vững chãi với thời gian, tương truyền là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia tu tại đây và hình thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam.
Yên Tử không chỉ là chốn hành hương của nhiều người mà còn là một vùng không gian thiên nhiên trầm mặc, trữ tình. Muốn lên núi, khách du lich phải vượt khoảng 6 cây số bằng hàng ngàn bậc thang đá tự nhiên. Một người khỏe phải mất ít nhất 3-4 giờ để vượt qua chặng đường này mới tới đỉnh núi. Dọc đường đi, có nhiều điểm dừng chân với 11 ngôi chùa và hàng trăm am, tháp.
Khai hội vào ngày 12-2-2011, đến nay Yên Tử ngày nào cũng đông đảo khách du lich đến từ mọi miền đất nước đổ về. Hội sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hiện nay đã có 2 tuyến cáp treo hoạt động tại khu danh thắng này, giúp khách hành hương lên và xuống núi chỉ trong một ngày.
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là chùa Lân. Tại đây, khách du lich được các thiền sư hướng dẫn tìm hiểu về phái Thiền trong Phật giáo và lịch sử về chùa Yên Tử. Không khí uy nghi và tĩnh lặng của chùa Lân đủ làm khách lắng lòng mình, bỏ lại sau lưng bao phiền não để một lòng hướng về chốn non thiêng... Đến đây, ai cũng không quên dừng chân ở suối Giải Oan để gột rửa mọi trần tục trước khi hành hương đến liên đài trên đỉnh núi thiêng. Tương truyền, ngày xưa Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng lập đàn giải oan cho các cung tần, mỹ nữ.
Từ chùa Lân, khách du lich vượt con đường dốc đá khoảng 1,2 cây số bằng cáp treo để đến độ cao khoảng 450 mét so với mực nước biển. Nơi đây có chùa Hoa Yên - hay còn gọi là chùa Cả – ngôi chùa quy mô lớn nhất trong quần thể các chùa Yên Tử. Mùa hè, không khí ở đây mát rượi bởi những bóng cây cổ thụ tồn tại hàng trăm năm phủ bóng. Còn vào mùa hội, nhiệt độ rất thấp nên ban trưa vẫn giá lạnh. Nhiều người thường thích đi bộ để một lòng hành hương về đất Phật vừa thưởng lãm phong cảnh núi rừng. Nằm trên đỉnh núi cao 1.068 mét là không gian u tịch của những ngôi chùa cổ: Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiêu, Tượng An Kỳ Sinh... Dù đi bằng phương tiện nào thì trên lộ trình khách cũng thưởng lãm được không gian đẹp hút hồn như tranh vẽ. Nhưng để tận hưởng sự thú vị của chuyến đi thì khách du lich nên đi đường bộ. Mỗi ngôi chùa, am tháp ở đây đều ẩn chứa lịch sử, huyền thoại riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn.
Đỉnh thiêng Yên Tử là đích đến của nhiều khách du lich và những người hành hương. Trên đỉnh ngự trị Chùa Đồng. Chùa nhỏ, kiến trúc giống như cái am - nhưng được xem là điểm trung tâm ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất. Tương truyền chùa được làm từ khi vua Trần Nhân Tông đến để tu hành. Chùa được đúc bằng đồng thể hiện sự trường tồn, ước tổng trọng lượng đến 60-70 tấn. Diện tích chùa chỉ khoảng 20 mét vuông, cao gần 4 mét hình dáng kiến trúc chùa Dâu.
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”.
Đặt chân lên đỉnh núi, khách du lich đều mãn nguyện và cảm thấy thong dong, thân và tâm nhẹ nhàng như mây. Với những người yêu thiên nhiên, đỉnh núi Yên Tử là vị trí tuyệt vời để tận hưởng và chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình trong không khí mát mẻ và cây xanh để khách du lich hòa mình với thiên nhiên. Dù là phật tử hay không, khách du lich một lần đến Yên Tử để cảm thấy thời gian như dừng lại trước những kiến trúc thoát tục, khung cảnh thiên nhiên như nằm trong mây.
Theo du lich Viet Nam