Tiết kiệm và nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình lễ hội:
Chấn chỉnh ngay từ khâu kịch bản
VH- Mấy năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức những chương trình lễ hội để nhằm tôn vinh di sản văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng và quảng bá hình ảnh con người và đất nước ra với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những chương trình lễ hội được tổ chức hiệu quả, chất lượng nghệ thuật cao, tạo sự hấp dẫn cho du khách thì cũng có không ít những lễ hội nội dung còn na ná giống nhau, gây nên sự nhàm chán.
Trước tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị yêu cầu giảm tần suất tổ chức lễ hội, tiết kiệm và nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật. Để việc tổ chức lễ hội thật sự mang lại hiệu quả cao từ nhiều mặt thì khâu kịch bản lễ hội cũng cần được chấn chỉnh một cách kiên quyết.
Sân khấu hóa làm mất đi tính thiêng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó đáng kể là sự xuất hiện quen thuộc của một ê kíp bao thầu gồm tác giả, đạo diễn chạy sô hết lễ hội này đến lễ hội khác. Hàng loạt lễ hội gần đây cho người xem cái cảm giác chưa xem đã biết sẽ có gì. Một kịch bản sân khấu hóa được xào xáo tái sử dụng ở nhiều lễ hội, chỉ khác là thay đổi tên, nhân vật và sự kiện...
Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp con người hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương của dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần, góp phần giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho người dân. Phần lớn các lễ hội gắn với sự kiện lịch sử và các lễ hội văn hóa dân gian của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội thực sự có bản sắc riêng và tạo được sức hấp dẫn với đông đảo mọi tầng lớp dân chúng thì có những lễ hội, địa phương vì mải khuếch trương thanh thế và cứ nghĩ nhiều tiền đầu tư sẽ tạo nên tiếng vang đã làm mất đi bản sắc riêng của lễ hội. Lễ hội dân gian truyền thống lại được pha trộn tính “hiện đại” gây nên sự khập khiễng v.v...
Đạo diễn, NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Những người tổ chức và dàn dựng các chương trình lễ hội hiện nay dựa vào “lễ” để sinh ra “hội”, dẫn tới một loạt các chương trình nhàm chán, na ná nhau. Họ nghĩ cứ phải sử thi mới hoành tráng, nên chỗ nào cũng phải dựng sử thi, đưa vào đó cảnh dựng nước, giữ nước, diễn biến lịch sử, niềm tin vào tương lai xán lạn của quê hương...
Một nghịch lý là chúng ta có một đội ngũ các tác giả, đạo diễn có thể làm rất tốt các chương trình lễ hội nhưng vì sao hầu hết khi tổ chức lễ hội, các địa phương và nhiều thành phố lại chỉ "nương nhờ" vào một số công ty tổ chức sự kiện và tác giả, đạo diễn các chương trình lễ hội cũng chỉ rơi vào tay một vài người... Không có chuyên môn, đặt hàng và thuê những người dàn dựng chương trình một cách rẻ nhất chính là nguyên nhân dẫn tới việc dư luận phản ứng với hàng loạt lễ hội gần đây”.
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành chia sẻ: “Khi xem một chương trình lễ hội của một công ty tổ chức sự kiện thực hiện, tác giả đứng tên kịch bản là một quan chức của địa phương. Tôi thấy rõ là kịch bản lễ hội đó là của tôi. Nhưng bây giờ lấy căn cứ gì để nói? Mình không đăng ký tác quyền. Hơn thế, để làm rõ mọi sự việc rất mất thời gian, nên chỉ có cách đứng nhìn sản phẩm của mình đang bị “đánh cắp” mà thôi”.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong dàn dựng lễ hội
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Hiện nay nước ta chưa đào tạo chuyên ngành viết kịch bản lễ hội. Những người được mời viết kịch bản lễ hội hiện nay đang tự làm đơn điệu các lễ hội khi dựa theo lối viết kịch bản sử thi, lịch sử... Cái thiếu và yếu của chúng ta hiện nay là thiếu những tác giả và đạo diễn lễ hội chuyên nghiệp để nâng cao tính chuyên nghiệp về nội dung và hình thức!”.
Đã hơn một lần từ chối không dàn dựng lễ hội cho địa phương bởi không đồng tình với cách làm của ban tổ chức, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm lễ hội. Lễ hội phải là hoạt động văn hóa được tổ chức do dân, vì dân và hướng tới nâng cao các giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Tôi thấy một số lễ hội gần đây đã không thu hút được sự tham gia và hưởng ứng của nhân dân địa phương. Theo tôi, muốn các lễ hội mang được bản sắc văn hóa của từng vùng miền phải huy động được sự sáng tạo và tham gia của chính người dân ở đó!”.
Đó là chưa kể hiện nay, bản thân người tổ chức và tham gia dàn dựng lễ hội cũng chưa hiểu rõ mục tiêu và đặc điểm riêng của từng lễ hội, dẫn tới việc sân khấu hóa lễ hội một cách thô vụng, xa rời đặc trưng và ý tưởng của từng lễ hội...
Việc tái hiện sân khấu hóa các lễ hội theo sử thi nhưng chính bản thân người viết, người dựng còn chưa hiểu thấu đáo về lịch sử, không biết tạo nên những điểm nhấn để khoe được cái hay, cái độc đáo riêng từng lễ hội. Lễ hội phải gắn liền với văn hóa, đời sống của người dân ở từng vùng, miền. Lễ hội không phải sáng tác dựa trên một khuôn mẫu nhất định, vì vậy sẽ không nhàm chán nếu biết cách làm”.
Bước vào mùa lễ hội năm 2011, các cơ quan chức năng đang xiết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thiết nghĩ, đó cũng là nội dung mà các địa phương, ngành khi được phép tổ chức lễ hội cần phải đổi mới.
Thúy Hiền