TP là dân ngoại đạo thì làm sao thấy hay được.
Cái này đồng nghĩa với "mời lơi"
Nhớ nha, chờ khi nào LK về, mình sẽ ọp trên "Du Thuyền Sông Hậu".
Hồi 2005, LK có dịp xuống Cần Thơ cùng mấy người bạn. Buổi chiều lang thang ở Bến Ninh Kiều, thấy Du thuyền Sông Hậu, anh bạn ghé vào mua vé. Tối nay, cả bọn sẽ có dịp bềnh bồng trên dòng sông Ba Sắc, nhìn toàn cảnh thành phố Cần Thơ.
Hôm ấy không phải cuối tuần, trời mưa lâm râm, nhe hạt. Khi xuống thuyền, chờ hoài mà chỉ có 6 người của phe ta. LK thấy ái ngại nên nói với ông chủ:
- Ít khách quá, nhắm đủ sở hụi không ông chủ? Có gì tối mai tụi tui trở lại đi cũng được.
- Không sao, tụi tui làm ăn uy tín. Vé bán ra rồi, lỗ cũng chơi luôn.
Nói xong, ông chủ ra hiệu cho tài công tháo dây, kéo neo, hụ còi một tiếng rồi từ từ chạy ra giữa sông. Ngồi trên boong tàu, gió thổi hiu hiu, nhấp ngụm "dầu gió xanh", lai rai khô mực, cả bọn tám chuyện rân trời.
Chạy được khoảng 5 phút, phía sau có tiếng micro gỏ lọc cọc, tiếng đàn so dây:
- Kính chào bà con cô bác, ban đờn ca tài tử xin được bắt đầu và kính chúc quý khách một đêm vui trên sông Hậu.
Cả bọn bất ngờ vì không ngờ chỉ có 15.000 mà còn được xem văn nghệ nữa. LK vổ tay tận tình cho ban nhạc lên tinh thần, nhất là trong khung cảnh, ban nhạc đông gần bằng ... khán giả, một anh đờn lục huyền cầm, một anh kéo đờn gáo, một kép và hai cô đào.
Sau bài hát chào khán giả, cô đào lớn tuổi ca bài "Võ Đông Sơn, Bạch Thu Hà" bắt đầu bằng câu "Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi". Cái này mở đúng tần số của LK với một trời kỷ niệm. Ngồi kế bên, người dưng cũng lặng người, nắm chặt tay mình. Anh N. ngồi đối diện, nhìn hai người cười hóm hỉnh nhưng sao mắt anh hơi ươn ướt. N. là bạn học cũ ở Đại Học Khoa Học, bây giờ là Đại Học Tổng Hợp. Sau khi ra trường, anh về làm ở ban Kế Hoạch tỉnh Minh Hải. Mấy năm ở đó, anh luyện ca vọng cổ thật nhuyễn. Sau này anh trở về Saigon và thành VIP của một công ty lớn. Hôm đó còn có anh chị B., gốc Sóc Trăng, cũng là dân Khoa Học nên cả đám quậy thật vui.
Khi cô đào xuống câu vọng cổ, LK hỏi N.
- Bây giờ boa được chưa? Hay chờ tới cuối bản?
N. nghiêm mặt:
- Bậy bạ, mầy không được nói boa mà phải là "bồi dưỡng nghệ sĩ". Mầy nói boa là khi thường nghệ sĩ, tội này nặng lắm.
- Làm gì khó dzị? Ừa để tao đi bồi dưỡng nghệ sĩ.
- Không được, muốn bồi dưỡng, mầy phải cuốn tờ giấy bạc vào cánh hoa rồi đem lên tặng hoa cho cổ, biết chưa?
- Ừa, biết rồi, mà lấy hoa đâu mà tặng?
- Bộ mầy không thấy bình hoa ... ny lông trên bàn sao còn hỏi. Mầy có mắt cũng như đui.
Nói xong, hắn ta cười khà khà, đầy vẽ khoái trá cho sự khờ khạo của LK.
Sau vài bài hát, ban nhạc mời khán giả giao lưu, anh B. đại diện cho khách đáp lễ bằng bài "Tần Quỳnh khóc bạn'. Lúc đó, không còn ranh giới chủ khách nữa. Anh kép hát và hai cô đào xuống bàn ngồi tám với cả bọn luôn.
Một lúc sau, N. nổi hứng ca một bài "lưu thuỷ hành vân" và chơi luôn LK:
- Để tiếp nối chương trình, anh Tư Sa Đẻc sẽ hát bài "Tình anh bán chiếu"
Trời đất như vậy là chết LK rồi.
- Tui đâu có thuộc lời đâu mà hát.
- Không sao, tụi em có tập bài ca, anh cầm hát cũng được.
Sau khi ra trường, lý lịch đen như mực, bạn bè về làm kế hoạch, công nghiệp, LK về Bến Lức dạy học. Lúc ấy, bao nhiêu tai ương đổ xuống gia đình, LK chán đời quá nên đắm chìm trong men rượu và thuốc lá. Tối nào ở lại trường, theo mấy đứa học trò đi coi cải lương. Riết rồi quen với đoàn hát nên theo họ học ca luôn. Về Saigon, mỗi lần gầy cuộc nhậu với bạn bè, LK thường ca Tình anh bán chiếu, đến bấy giờ N. vẫn còn nhớ.
Vậy mà hôm nay, sau mấy chục năm, ca lại được ban nhạc khen là "anh Tư ca mùi tận mạng, gần bằng ... Út Trà Ôn". Đúng là xạo bà cố.
Đêm sắp tàn, thuyền về gần tới bến, đêm văn nghệ kết thúc bằng trich đoạn "Nửa đời hương phấn" với dàn diễn viên thượng thặng gồm cả chủ lẫn khách. Cô đào lớn tuổi vai Hương, cô nhỏ vai Dịu và LK được đóng vai Tùng. Mấy năm qua, mỗi lần nghĩ tới đêm văn nghệ hôm đó, LK còn nhớ giọng cô đào xuống câu cuối cùng "Chị đây là chị của hai em".
Thuyền ghé bến, mọi người bịn rịn chia tay, ban nhạc nói "lâu lắm mới có một đêm vui như hôm nay". Anh chị B. còn lưu luyến nên mời luôn ông chủ Tàu và ban nhạc lên bến Ninh Kiều, ghé vào quán ăn buổi cháo khuya.
Từng đi xem nhiều buổi trình diễn nhưng chưa có hôm nào vui bằng đêm hôm ấy. Cái ranh giới của người nghệ sĩ và khán giả không còn. Ban nhạc đờn thật hay, nghệ sĩ hát hết mình vì biết người nghe không phải là dân ngoại đạo, biết thưởng thức cái hay của ca cổ miền Nam, cái đẹp của văn hoá miệt vườn. Riêng với LK, một trời kỷ niệm của hơn hai năm ở Bến Lức, sống trong cái tình của dân miền Tây trở về trong đêm hôm ấy.
Last edited by Lão K; 12-11-2010 at 09:02 AM.
TP chẳng biết hát, chịu thôi... chỉ biết nghe nhưng k đến nỗi k hiểu đâu.
Kiểu nó giống như những đêm hát đối đáp quan họ và giống như khi đối hoạ thơ ấy mà... Nếu có bạn đối hoạ ngang tầm, ngang khả năng và đồng cảm thì đối hoạ rất vui... đó là những kỷ niệm ngọt ngào cũng giống như khi Lão K hát đối vậy
.
Sẽ còn có ngày mai
Lão K (13-11-2010),NHAT NGUYET (14-11-2010),SunWild (12-11-2010)