Con sáo biết nói
Con chim sáo đá anh mua mãi tận trong Bích động Ninh Bình. Con chim non mép vàng lởm chởm lông măng rất phàm ăn và dạn dĩ. Nó kết thân với bọn trẻ trong xóm cùng lứa con anh, cũng líu lô chành choẹ đủ điều. Bẵng đi vài năm, nó như một thành viên của gia đình hoà nhập vào lối sống công chức hiền lành, giờ giấc, cam chịu.
Một chiều về đến nhà thằng con lớn khoe với anh : "Bố ơi ! con sáo biết nói rồi !". "Nó nói gì ?". "Nó rao bánh mì, cả xóm chạy ra mua". Từ hôm ấy anh mới để ý đến giọng hót của nó, không còn là những âm thanh hào sảng của núi rừng sông suối nữa, không còn cả những thảng thốt gọi bầy lúc chiều nhập nhoạng, không còn cả những ríu rít sớm mai theo đàn trâu kiếm mồi bên chân núi. Nó cũng không đáp lại tiếng gọi của đàn sáo hoang về tìm thức ăn trên cây gạo tháng ba đỏ rực bờ đê. Nó bắt chước tiếng chị. Nó cằn nhằn về chuyện anh không chịu thay quần áo, nó kêu ầm lên "Bít tất kinh quá !". Vâng ! Rất kinh, anh biết nhưng chưa bao giờ dám kêu như thế. Nó giục cả nhà "Tắt đèn, ngủ đi !" rồi rên hừ hừ như ông lão hàng xóm mắc bệnh suyễn. Chị và các con khen con sáo khôn ngoan sành sỏi cứ như thể là một tấm gương đạo đức, biết nhắc nhở nhiều điều anh quên. Anh ngán ngẩm như người trót đa mang.
Tối nay tôi đến thăm anh, chị thầm thì như hối lỗi : "Sáng dậy anh mở lồng cho con sáo bay đi rồi anh cũng đi từ sáng không về". Vừa ngồi chưa ấm chỗ anh đã trở về huyên náo, con sáo theo chân anh bay về nhà chui tọt vào chiếc lồng tre rệu rạo. "Tớ vừa sang nhà cậu !", con sáo cãi "Giả vờ, giả vờ".
Anh đã không gặp tôi, con sáo nói đúng. Tôi không mấy khi ở nhà vì một nhẽ rất giản đơn, nhà tôi cũng có một con sáo biết nói.
Nghe trong chiều mưa
Có những lúc như sực tỉnh, anh ngồi yên lặng lắng nghe. Ngoài kia quay cuồng tiếng động bon chen phố phường, ngoài kia hăm hở kiếm tìm, rực rỡ thành công, ê chề thất bại, ngấm ngầm mưu mô, huênh hoang thời vận. Quá thừa những bộ mặt nhưng lại thật thiếu vắng những tấm lòng. Rất ít khi còn gặp những cử chỉ đẹp, nghe một lời nói hay thật lòng. Người ta giả yêu giả ghét, giả phẫn nộ giả xót thương và lạ nhất đôi khi lại chân thật yêu những cái đẹp giả tạo. Anh lắng nghe và cười thầm khi nghĩ đến các hoa hậu trả lời ban giám khảo trong bất kỳ cuộc thi nào cũng hỏi về ý nghĩa câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp". Thực lòng anh không thể hiểu nổi vì sao các cụ lại để cho hai thứ đều đẹp đẽ như vậy "đánh nhau". Rồi lại dạy về Tứ đức "Công, dung, ngôn, hạnh" trong đó hạnh kiểm được xếp xuống hàng cuối cùng ? Có một khoảng trống rất mơ hồ trong tâm thức, ở đó rung lên những hồi chuông ngắn về thân phận của cái đẹp bị người ta sao nhãng. Anh ngạc nhiên khi thấy phần lớn những người yêu nghệ thuật chỉ quan tâm đến chuyện "thật giả" của một bức tranh, mà ít ai nghĩ đến chuyện "xấu đẹp". Càng ngạc nhiên hơn khi thấy người ta lao tâm khổ tứ để "chơi" một chiếc ôtô, "ngắm" một lô đất, chứ không nghe một buổi hoà nhạc hay thưởng thức một tác phẩm hội hoạ. Nếu không còn nghệ thuật chả lẽ cuộc sống chỉ còn toàn đất và ôtô ? Nếu không còn những tấm lòng xót thương đồng loại chả lẽ cuộc sống chỉ còn toàn những "hoa hậu" thuộc bài như cháo chảy ? Chảy về đâu rất dễ biết.
Cơn mưa chiều ập xuống, tiếng ve chới với giây lát rồi cũng chìm vào mưa. Trong mưa anh vẫn nghe thấy tiếng lá cựa mình, tiếng đập cánh rối rít của đàn chim khuyên tìm chỗ ẩn nấp trong lùm hoa phượng đỏ rực. Vẫn còn một thiên nhiên tươi đẹp mà hy vọng...
(trích từ tập truyện rất ngắn của Đỗ Phấn:
Chuyện vãn trước gương, nxb Hội Nhà Văn, 2005, 340 tr)