Vở kịch tạm dừng cho giờ giải lao. Giữa đám đông khán giả đứng tại ban công nhà hát, người đàn ông trông thấy một cô phóng viên đang phỏng vấn hai cụ già. Cái vẻ hăm hở, tự tin của cô bé nhắc người đàn ông nhớ về cô gái đã từng yêu anh.

Anh nhớ cảm giác thôi thúc lúc mới vào nghề cùng cô chầu chực ở các buổi diễn, len lỏi tìm phỏng vấn một ngôi sao. Cả khi cô phải xuống một tỉnh miền Tây và chỉ có anh đứng dưới sân khấu chờ chụp ảnh, không hẳn vì vở diễn, mà vì nếu đến sớm, anh sẽ có thể đứng ở chỗ ngày hôm kia cô đã đứng. Và trên tất cả, anh nhớ vẻ tự tin của cô.

Không biết vào giờ này cô đang làm gì? Buổi tối, nơi cô ở tĩnh lặng, thảng hoặc rộ lên mấy câu hát của một anh chàng cao hứng đi bên cô bạn gái. Từ chiếc ghế cô và anh từng cùng đi mua, cô sẽ nhìn ra cửa lắc đầu mỉm cười, và viết vào bài tạp bút cuối tuần: Những ngày làm việc không thể thiếu đi sự lãng mạn, như ánh mắt đôi bạn vừa đi qua con đường nhà tôi buổi tối hôm nay.

Tại sao anh không lạc quan được như em?

Anh cũng chỉ cười, dài hơn bình thường. Cười là dấu hiệu lạc quan, phải không nào, anh đùa, biết rằng mình chỉ đang lảng tránh câu hỏi của cô.

Vai anh khẽ run, trời chuyển se lạnh, tưởng như chớm thu ở thành phố ngoài kia.

Nếu anh có thể chuyển ra cùng cô. Buồn cười thật, anh biết mình sẽ không chuyển ra, nhưng vẫn dằn vặt mình vì điều ấy.

Chủ nhật, mỗi buổi sáng anh thức dậy rất sớm. Đi ra cửa rồi lại trở vào. Tay anh cầm tách cà phê mà mắt chăm chăm nhìn điện thoại. Thường mỗi sáng chủ nhật, cô gọi trêu anh không cho anh ngủ nướng. Có khi anh vừa nhấc ống nghe cô đã gác máy, còn anh mỉm cười làu bàu mà vẫn không quay vào giường vì biết đúng năm phút sau cô sẽ gọi lại cho anh. Anh chăm chăm nhìn rồi lại bước ra sân, rồi quay vào. Chiếc máy điện thoại vẫn nằm chết cứng.

Dẫu anh có ngủ nướng thêm cũng chẳng có ai gọi điện đến trêu anh.

Chính trong hiện tại cô lại dùng điện thoại nhiều hơn, những quan hệ cần tạo ra, những ấp ủ cần bước ra hiện thực. Cô cần đi xa hơn nữa.

Khi hai mươi tuổi, anh có những giấc mơ cỏn con, mơ có những người thầy sẽ thôi giọng đanh thép, để đi xuống từng hàng ghế nghe những tiếng ngáp, và để đủ can đảm buông tiếng thở dài.

Ở tòa soạn, họ xếp anh ngồi ở chiếc bàn nhìn xuống con đường bên dưới. Khi không có việc, anh lại ngồi vẩn vơ nhìn dòng người đi, mong tìm thấy cô trong ấy, đang trở về sau một lần săn tin.

Và rồi như những người yêu nhau một ngày nào cảm thấy có điều gì ngột ngạt khi cùng ngồi giữa thành phố êm đềm, anh tự hỏi vì sao như thế.

Lúc chập chờn rồi thức giấc trong đêm, châm điếu thuốc và tựa lưng ở cửa sổ nhìn vào bóng tối, nơi có lẽ những cô gái đang ngủ say bên cạnh người yêu trước khi quay về buổi sáng với những lề thói cũ, trong một lúc cảm giác duy nhất trong anh chỉ là cái lạnh của đêm. Trong một lúc thôi bởi vì anh sẽ tức khắc trở lại giường chùm kín chăn ngay, mắt anh sẽ nhắm thật chặt gọi giấc ngủ mau đến. Vì nếu không, chỉ một khoảnh khắc nữa thôi, đôi mắt anh sẽ hướng về đêm đen, chăn xổ tung, anh như đang ở vạch đến, hiểu rằng đến đích cùng mình vẫn là những kỷ niệm anh đã cố để lại phía sau. Anh sẽ khóc.

Anh phải cứng rắn hơn chứ. Hứa với em đi, đừng bao giờ khóc nhé.

Hứa với em đi. Nhỡ sau này…

Nhỡ sau này em không còn ở bên cạnh anh nữa thì sao.

Không còn bên anh? Một năm nay đã bao lâu rồi cô không còn ở bên anh. Vẫn cố gắng đi làm thật sớm để cùng ăn sáng, mỗi buổi tối học vẫn gọi điện cho nhau, mà chuyện cứ ngày một ít đi. Và anh thảng thốt trước một sự thật mơ hồ mà có thể chính cô chưa nhận ra khi nói những lời ấy.

Ngày mai cô sẽ đi theo đoàn làm việc ở một nước khác.

Cô tất bật xếp quần áo, anh nhìn cô mà không biết được cô đang nghĩ gì, có ý nghĩ nào cho anh không. Còn anh thì nhớ những buổi tối thế này họ chụm đầu bên nhau xuýt xoa trước một tựa bài lẽ ra nên ngắn hơn, nhớ chuyến đi đầu tiên họ cùng đi với nhau với một đoàn nhà báo ra nước ngoài. Lần đầu tiên cũng là lần cuối.

Vị trưởng đoàn đã ra nước ngoài nhiều lần nhưng sự tiếp đón vẫn làm ông có ấn tượng mạnh. Cúi đầu nhận vòng hoa của chủ nhà, anh mỉm cười. Nhớ nhà quá, nhớ cả ông giáo viên sát vách anh sáng nào còn cau có vì bọn nhóc lớp ông khiến ông mất điểm thi đua thì bây giờ gặp anh gật gù cười, rằng kiếm được ra phết, ông ạ. Cô gái vừa choàng hoa lên cổ anh chỉ độ mười bảy, không biết ở trường cô có giống anh từng hăm hở theo lời thầy cô viết thư gửi những người bạn không quen và cả sau này vẫn không quen. Đã mấy năm anh mất dấu những người bạn cũ.

Hôm anh ra sân bay là ngày khai giảng năm học mới. Ngôi trường cấp hai của anh đã có tên mới, chỗ trọ mới - khu đất ngày xưa anh học, họ đang xây một cao ốc.

Đích thân vị phó thủ tướng dẫn họ đi tham quan trong thời gian đoàn ở thăm. Nhiều thắng cảnh lạ để xem, nhất là những ngôi chùa. Vị nhà báo anh vẫn gọi là chú lẩm bẩm cửa chùa làm con người nhẹ nhõm hơn. Có lẽ đúng thật. Lớp báo chí của anh phải lục suýt nát cả phiếu thư mục để tìm những bài xã luận hai mươi năm trước ông từng đánh, trớ trêu thay, chính đất nước này.

Họ ở tại một khách sạn trong trung tâm thủ đô.

Will your writing care about us?

Anh nhìn cô rồi lại nhìn cậu hầu phòng có giọng nhát gừng ấy. Anh mỉm cười với cậu, bởi điều ấy gợi anh trở về ngày đầu anh ngồi cạnh cô trong quán nhỏ. Anh cầm trên tay tách cà phê và nghe cô hỏi anh bước vào nghề này để làm gì. Anh đã lúng túng, dẫu biết rằng anh mong khi mình đã thành lụ khụ, có cậu học sinh nào hỏi công việc ngày xưa có điều gì để tự hào, anh không phải cười xòa. Sự lúng túng ấy có thể là lý do để anh chưa bao giờ hỏi lại cô câu hỏi ấy.

Tuổi cậu hầu phòng chỉ độ tốt nghiệp cấp III.

Giữa đêm hôm ấy, anh từ biệt cô rồi trở về phòng. Anh nghe có tiếng lao xao bên ngoài. Tiếng chân người, ban đầu văng vẳng, ngày một rõ hơn, rồi tiếng la ó. Anh bước ra ban công. Đêm không còn đen, những bó đuốc thắp sáng những khuôn mặt giận dữ hô những tràng khẩu hiệu mà dù anh không hiểu nghĩa vẫn đoán được họ đang làm gì. Quang cảnh anh đã từng đọc trong những trang hồ sơ và tưởng tượng cho bài báo những ngày kỷ niệm, quang cảnh ấy bây giờ bằng xương bằng thịt đập vào anh. Anh cởi áo khoác, thấy trên cổ lấm tấm mồ hôi. Anh tự nhiên cảm thấy ngượng…Hay sợ? Anh không phân biệt được cảm giác, chỉ vừa đủ tỉnh táo để mong ai đó trong đám đông sẽ không nhận ra anh sáng nay vừa cùng cả đoàn nhận huy chương từ tay vị bộ trưởng nước chủ nhà.

Tiếng còi xe inh ỏi tứ phía như cố át giọng của đám đông. Theo thói quen anh đặt tay bên sườn tìm máy ảnh. Nó không có ở đó. Chỉ có ánh đuốc chập chờn hỗn loạn. Cảnh sát ngày một nhiều…

Anh đứng mà không biết mình đứng trong bao lâu. Đêm đen dần. Những bó đuốc rơi lả tả…

Quanh khách sạn chỉ còn bóng cảnh sát lôi sềnh sệch những người biểu tình. Anh kịp thấy trong đám người ấy có cậu hầu phòng, người đã gợi lại niềm hy vọng cho ngòi bút của anh.

Tiếng súng nổ. Cậu bé đổ xuống. Những xe cảnh sát phóng vụt đi.

Anh gõ cửa phòng cô.

Chúng giết cậu ta rồi!

Họ còn ở lại thêm một tuần. Vị phó thủ tướng đảm bảo vụ ẩu đả vừa qua chỉ là hành vi của đám quá khích cay cú vì đội bóng thủ đô thất bại trong giải vô địch quốc gia.

Sau này trong câu chuyện của họ không còn quay lại chuyến đi ấy. Mà đã lâu rồi họ không chụm đầu vào nhau bàn bạc một tựa bài nên đặt ra sao.

Đã lâu rồi kể từ khi hai người đứng bên nhau và anh đưa cho cô lá thư của tay Việt kiều mời anh làm cố vấn cho một gallery sắp mở.

...
Nguồn: Diendan.Eva.Vn
.