Cô héo rũ. Lòng như lửa đốt. Héo quay quắt cả tấm thân. Kiệt sức. Hớp hơi. Mắc cạn. Lục tìm trong đầu không chữ nào tả nổi. Cô quá nặng với bản thân. Huống là với chữ. Nghẹn riết ở cổ là những giọt nước mắt. Chúng định ứa, mà thắt ngặt quá, lại tụt trở lại. Mắc cứng. Lệ không rơi xuống. Cũng không dâng lên.
Chiều thành phố, nghe trên lầu cao - ì ầm đồng vọng như biển. Xe cộ và dòng người xuôi ngược tấp nập dưới kia. Ai cũng vội vã đi về đâu đó. Ai cũng có chỗ để đến, để về, để ngơi nghỉ.
Riêng cô thì không. Không ai chờ, cũng không có chốn để cô về. Biết làm sao bây giờ? Chẳng có chỗ nào để khuây khỏa. Cô không biết đặt cả mắt vào đâu, đôi mắt khô cứng và mỏi. Nó đã hao tổn sức mà chắt lấy mấy giọt lệ hiếm hoi mà không đặng. Vô ích. Hình như nước mắt đã đông kết lại thành sỏi và nó lạo xạo trẹo trọ nghiến xiết vào nhau trong trái tim quá bé nhỏ và đau đớn của cô.
Mời các bạn nghe toàn bộ tác phẩm:
Sao cô không thể yên được? Không thể gì được. Trỗng rỗng và bỏng rát. Biết ở đâu có nhà thờ để xả ra bằng xưng tội. Chợt cô nghĩ đến một ông già, sống ở góc bên kia thành phố một mình. Một ông già cô độc. Thế thì cô sẽ đến và có thể sẽ vợi bớt nỗi thống khổ, với ông.
Cô đi, cũng lâu, trên đường, với cặp mắt khô ráo mà chẳng nhìn thấy gì. Theo thói quen vô thức. Đôi lúc nhầm đường, rồi lại lộn trở lại.
Ngẩng lên, đã đến nhà ông. Trên cao là ban công, che phủ màu xanh lá già. Chắc lá cây quỳnh. Cô hét:
- Cụ Uyển ơi! Mở cửa cho em.
Một khuôn mặt già 75 hiện ra trên cao, trong đám lá quỳnh:
- Cô Thảo à! Đợi tôi xuống mở khóa nghe.
Rồi cụ xuống:
- Mới về chắc bận lắm phải không? Một tuần mới thấy cô. Cô vô nhà đi!
- Em không vô đâu cụ. Mời cụ ra vườn Tao Đàn uống với em. Em có chuyện muốn nói.
Cụ cười nhẹ gật gật đầu. Cụ ưng. Chắc vì trông thấy vẻ gì trên mặt cô. Cô có cái bản mặt hiển hiện rõ ràng những gì cần được phản chiếu bên trong. Bản mặt ấy ngoài ý muốn của cô. Như thể một màn ảnh nhỏ.
Vườn Tao Đàn. Nơi uống bia ngoài trời, dưới nhiều gốc cây sao to, bóng cả, cành cao. Cũng ì ầm như thành phố. Rồi cử động ồn ào. Sao mà nó khác hẳn nơi cô vừa rời khỏi cách đây nửa vòng trái đất. Xanh Peterburg. Nơi cô ở yên ắng và im lặng như một nhà thương. Cái cư xá sinh viên của cô trên hòn đảo - đảo Vaxili, một bên là sông cách nó với trung tâm thành phố - và một bên là vịnh biển Bantích. Cô ở một phòng tầng trệt, sát đất, trần thấp, hành lang suốt ngày phải để điện sáng. Cô luôn có cảm giác nghẹt thở vì tầng trệt, cứ như cô phải đội cả cái nhà sáu tầng ở trên đầu.
- Cụ kêu cái gì đi. Em đãi cụ.
Cô khó nhọc đi ra khỏi mình, kéo ghế mời ông già và chỉ trong nháy mắt, một cậu bé khoảng mười tám, người Bắc, giọng quê đặc, đem đến những gì cần cho một cuộc lai rai của hai người. Chanh tươi, ớt tươi, tỏi tươi và đậu sống, với một ít rau ghém thơm cùng mắm tôm chưa pha. Cụ lui cui sắp xếp pha trộn. Bia đã sủi bọt trắng trào lên miệng cốc và xoáy xuống vùng màu vàng mật ong ở đáy cốc. Ôi! Sao nghẹt thở quá. Cô cố chống lại mình - và những ý nghĩ chen chúc trong đầu.
- Cụ hút thuốc đi. Em có "con mèo" đây!
Cô đẩy nhẹ trước ông già một bao Craven A đỏ. Cô ưng màu đỏ của vỏ bao và thuốc lá nhẹ kiểu này. Thuốc loại này hợp ý cô hoàn toàn. Ông già lại lui cui châm lửa, và cô chờ ông sửa soạn ăn theo cách ông ưng. Ông thong thả rề rà chậm rãi bóc nõn vài ba nhánh tỏi, một lát ớt, một tép hành cũng đều bóc nõn và một vài cọng rau thơm, một miếng đậu trắng. Ông hỏi cô - cho đến bây giờ ông mới hỏi: Chàng đâu? Sao cô đi một mình?
Cô chỉ khẽ nhếch cười, có lẽ cô đã đưa ra một cái cười méo mó. Và không trả lời. Tận đâu trong cuống mũi, dâng lên cay cay vị đắng của nước mắt. Chúng mày hãy cứ ở yên đấy! Cô nhủ thầm với những giọt nước mắt, và thay vì trả lời, cô mời: Cụ uống đi.
Cô không biết chàng đâu và cũng không biết làm gì để có chàng thật. Cô không biết làm sao để neo giữ chàng ở nhà. Con gái riêng của chàng mỗi khi đi đâu về, hỏi: Bố cháu đâu? - Đi uống rồi. - Thế ạ? Nó trả lời tưng tửng. Nó và cô đều chờ ngong ngóng.
Có một hôm nó buột nhận xét về cô, người vợ thứ ba của bố nó: Sao cô cứ im im thế? Sao cô không tìm cách giữ ông ấy
ở nhà?
Một đoạn phim quay lại trong trí nhớ của cô, mỗi hôm cô chiếu nó một lần, cho cô là người xem duy nhất và hôm nào tim cô cũng gào khóc và rỉ máu.
Đã được một tuần cô trở về Sài Gòn.
Sân ga Matxcơva, chuyến bay về Việt Nam nào cũng làm cô tái nhợt vì lo sợ. Đủ thứ hỗn loạn và chen lấn. Lần này cô sẽ về hẳn, không nghĩ đến ngày quay trở lại. Cô để lòng trôi trên đầu đám đông chen chúc đầy nhóc sân bay và dạt lòng về Sài Gòn. 18 giờ bay, rồi cái gì cũng phải kết thúc chứ. Bay và đến. Cô và chàng. Sẽ là chàng ở sân bay, tóc điểm bạc, điếu thuốc lá ở một góc môi và sẽ qua hết, ngay trong giây đầu tiên, những tháng ngày dằng dặc chờ đợi. Cũng như chẳng bao giờ cô đi vắng. Không khi nào và không bao giờ cô sẽ đi nữa và để chàng đợi cô ở nhà một mình.
Máy bay như lắc mình chuẩn bị hạ cánh. Tim cô thót lại vì cảm giác hụt xuống. Cửa sổ máy bay bỗng mờ đi. Mưa Sài Gòn táp vào từng giọt to tướng. Đã có mưa Sài Gòn táp vào cửa kính rồi ư? Thế là đã thật về nhà. Cô nghĩ, nhưng không hiểu sao cô không thấy vui.
Cô lấy túi xách, bước xuống thang máy bay và làm tất cả các thứ thủ tục trở về như mộng du. Vẫn còn lại cảm giác chơi vơi trên thinh không. Và suốt trong chuyến bay, cô cứ ngỡ đó là cảm giác do quá cao ở trên trời. Sau cô mới biết là linh tính báo điềm chẳng lành.
Không có chàng - chồng của cô, trong đám người ra đón chuyến bay ấy. Hoàn toàn không. Cô cứ đứng một mình với cái valy chờ cho người cuối cùng ra khỏi ga hàng không. Mưa vẫn nặng hạt. Và trời đã đổ tối. Bảy giờ. Ngày hôm nay là ngày rằm tháng tám, rằm to nhất trong một năm đây. Cô hoàn toàn không hiểu gì. Thẫn thờ và vô định. Cóng lạnh và tràn ngập sợ hãi. Biết chàng có bị làm sao?
Kêu vội chiếc taxi của một ông già, cô về nhà. Mưa vẫn như trút nước, lại vẽ loằng ngoằng những dòng nước trên cửa kính ô tô. Ông lái xe như độc thoại, cứ nói chuyện mà cô không nghe. Cô như không biết gì. Đến rồi. Thế hả ông. Cô loay hoay tìm chìa khóa cửa và mở cửa vào nhà mình. Mãi cô mới mở được khóa, bên trong, và cô như cố cất lên tiếng nói trong lòng, với mình - vì đơn độc quá, cả cô cũng không thiết trò chuyện với chính mình - mình đi đã hơn một năm rồi còn gì. Vật đổi sao dời. Bao nhiêu nước chảy...
Trong khi cô mở cửa thì vài tia mắt hàng xóm chiếu qua cửa sổ dõi nhìn cô. Cô biết sau đó là ý nghĩ gì. Lạ quá, cô ả kia đi Tây về, không có chồng đón và đang phải mở cửa vào nhà một mình. Ôi, sao khó quá thế này! Cô muốn chửi tục, và cô chửi tục thầm trong lòng một mình bằng tiếng Nga. Cục cứt ! Rồi như có tác động của tiếng chửi, cái khóa bật ra, cô nhấc nó lên, thở phào.
Cô bật điện. Căn nhà của cô và chàng thật ngổn ngang bừa bộn. Các khăn phủ nệm ghế xô lệch, áo quần vương vãi trên đi-văng. Gạt tàn thuốc lá đầy mẩu thuốc, cái nào cũng thẳng đứng, có lẽ đã được dụi tắt một cách cương quyết. Một cái bánh trung thu khuyết một góc trên đĩa. Một cốc rượu còn sót lại chút nước màu trà vàng vàng ở đáy cốc - có lẽ là cô-nhắc. Vẫn còn phảng phất mùi rượu đâu đó. Cô thấy đau nhói ở tim và ngộp thở quá chừng. Căn nhà trống vắng quá, khi có một mình cô ở đây. Im lặng. Chỉ có tiếng mưa vẫn sầm sập dai dẳng ngoài kia. Cô chợt nhớ ra là mình đang ướt lướt thướt, gai ốc đang nổi ớn lạnh và cô vào bồn tắm. Cũng lộn xộn và không sạch sẽ. Như một cái máy, cô thay áo quần, tắm sạch nước mưa và quyết định ngăn lòng mình đang thổn thức bằng cách bắt tay vào dọn dẹp căn phòng. Quét tước, xếp dọn, lau rửa cốc chén, bát đĩa, thu dọn quần áo cũ bỏ vào máy giặt. Chắc mai mới giặt đồ được vì bây giờ cô muốn xỉu. Cô lẽ ra đã đói bụng, còn bây giờ thì không. Đau đớn cùng cực làm cô no đầy.
Cô tiến lại gần cửa sổ để làm một động tác cuối cùng, sau đó cô nghĩ là cô sẽ nghỉ ngơi, đành đợi chàng về thôi, biết tìm chàng ở đâu trong cái thành phố rộng mênh mông biển sở này. Cô cúi người gập gọn lại cái mền đắp trên cái giường cạnh cửa sổ.
Bỗng cô thấy như có một bóng người hắt vào cửa sổ chăng lưới sắt. Cô há hốc nhìn. Chàng. Kịp thoáng thấy gương mặt chàng rồi biến mất. Có tiếng chân xuống cầu thang. Sao vậy. Cô không hiểu. Cô vội chớp mắt và lao ra, tay vẫn còn cầm ổ khóa, cửa sau lưng cô mở toang. Cô ngó xuống thang gác để nhìn một lần nữa cho rõ hơn thì nhận ra chàng đang cùng một người đàn bà nữa. Cô hét tên chàng và hỏi thảng thốt: Anh đi đâu đấy?
Chàng không trả lời, giật tay người đàn bà và hai bên cùng vội bỏ đi như chạy. Cô không kịp nghĩ gì nữa, từ trên lầu một cô lao theo không nhớ là trên tay mình còn cầm một ổ khóa sắt nặng, trên người một cái váy mỏng manh và chân không dép. Trước mắt cô là chàng, và một người đàn bà khác, người đó đã kịp giương ô lên để che mưa. Và mưa vẫn trút.
Cô băng chạy - cô vốn là người chạy nhanh từ khi thi chạy ở trường phổ thông - kịp đến bên chàng, chụp tay, nắm chặt tay chàng: - Anh đi đâu bây giờ? Anh về đi, về đi!
Chàng vùng vằng dứt tay ra, và khi đó cô mới biết là cô đã đoạt trong tay chàng một chiếc chìa khóa. Chàng mở miệng, dằn từng tiếng, và đứng lại. Người đàn bà đã đào tẩu, cô ta đi nhanh, nhưng đã kịp nung đỏ vào tim cô một hình dáng, cao gầy, hông cao, chân hơi vòng kiềng và nét nghiêng của khuôn mặt, nét khô và gầy.
- Đưa chìa khóa xe đây. Em đừng làm những gì vô lối trên địa danh này. Anh đã quá mỏi mệt vì nhiều chuyện ở đây. Đưa chìa khóa đây cho anh, mau lên.
- Em không đưa. Anh đi về đi. Anh hãy đi về nhà. Không hiểu sao, cô không nói to, giọng thấp và cầu khẩn.
- Đưa chìa khóa đây!
Cứ mưa, và nước mưa cứ rơi đầy đầu. Cô không chịu. Cuối cùng chàng lôi từ trong túi ra một cái chìa khóa khác và nhận ra đó cũng chính là chìa khóa xe máy. Còn cái chìa trong tay cô là chìa khóa cửa. Chàng bảo: à, đây rồi và vội vàng nổ máy xe phóng theo cái bóng đàn bà vội vã đang che ô đằng kia.
Cô chết sững dưới mưa và chậm chạp quay lại lê bước về nhà, lên lầu một không biết cô mơ hay tỉnh, như choáng. Và cứ thế ngồi bệt xuống đi-văng trân trối ngó qua cửa sổ nhìn mưa. Cứ rơi, cứ rơi và cứ mưa lớn nữa đi. Lòng cũng tan nát hết cả đi!
Khuya lắc, chàng về, ướt sũng. Chàng la lối mắng mỏ cô, trong giọng đầy hơi rượu. Cô vẫn như mọi khi, cởi quần áo giúp chàng và bảo chàng đi tắm nước nóng. Trong khi chàng vẫn cứ ào ào mắng mỏ thì cô chỉ nói một câu: Anh khỏi nói gì. Em chẳng nghĩ gì. Có gì đâu. Chừng thấy vô lối, chàng im, và bảo thôi đi ngủ.
Trời ơi! Ngủ làm sao được. Cô hét thầm nhưng vẫn như một thói quen từ lần nghỉ hè về nước năm ngoái, lên giường đặt mình xuống và nằm yên. Chân tay cô cứng ngắc, miệng khô, cổ đắng. Và cô chịu một cuộc gặp lại hầu như dửng dưng, máy móc, không hưởng ứng, không chống cự. Cô mặc lòng. Cái mà cô biết người ta gọi là "nghĩa vụ". Sao tình yêu lại có lúc phải sa vào cái hố oái oăm này?
Sau đó, chàng ngủ say, còn cô - một tư thế nằm thẳng, tay bắt chéo lên ngực và mắt trân trân ngước lên trần nhà. Suốt đêm cô không chợp mắt một giây, cuốn phim cứ loang loáng trong đầu. Được quay rất chậm. Một đêm mới hết từ đầu đến cuối. Nó nướng cả cô trên lửa với tất cả các chi tiết hủy diệt, chết chóc của nó.
Từ đó, giữa hai người có một khoảng im lặng không gì lấp đầy. Hôm nào cuốn phim cũng trở về với cô vào bất kỳ giờ nào trong ngày, nó nghiến cô cứ như thể cô là thóc bỏ trong vòng quay đau thương của nó. Cho nỗi đau bật vỏ ra. Nó không biết rằng nỗi đau để trần không vỏ thì đau hơn. Đến cùng cuối.
Cô chợt tỉnh. Tiếng thằng nhỏ bồi bàn: Cháu gắp đá bỏ vào ly bia của cô nhé? Cô máy móc: Thôi khỏi. Cô uống lạnh rồi.
Ông cụ ngó lom lom: Uống đi cô. Bia lạnh mát quá. Và cụ cũng chẳng nói gì hơn. Cụ có ý chờ cô thêm lời.
Công viên bắt đầu đông hơn. Chiều xuống thật thấp và đã ngả tối. Sương hay là khói cứ lãng đãng dưới vòm các cây sao. Các bàn uống bia vẫn ì ầm. Các lò than lẩu hồng rực. Những tập bánh tráng. Các con tôm hồng lên rồi xém vỏ trên lửa. Và ông cụ cũng chả nói gì hết trơn, lại lui cui lột vỏ tỏi hành và sắp xếp vào bát đủ các thứ gia giảm trên bàn. Cô giật tỉnh. Sao mình ra đây để nói chuyện với cụ già cơ mà, sao cứ ngồi mà quay phim lại một mình? Rồi như biết lỗi, cô xởi lởi: Cụ uống đi và muốn ăn gì em kêu. Mấy hôm nay hình như em ốm sao mà nuốt không trôi.
Cụ già cười hiền lành, uống thêm một ngụm bia và bảo nhẹ: Cô cứ mặc tôi, mình còn ngồi mà. Mai cô kêu chàng ra đây. Cô im. Tội nghiệp. Cụ không biết, chúng tôi vừa mới chia tay nhau mấy ngày. Tôi đã đi ở một chỗ mới thuê tạm, chỗ đó tọa lạc trên một căn lầu cao, lầu sáu và một nơi chỉ đủ cho mình tôi ở tạm thời. Hình như quá đau đớn thì cuộc ra đi bao giờ thường có vẻ ngoài nhẹ thênh. Chàng ngồi hút thuốc lá vặt và ngáp trên đi-văng. Chàng dậy muộn như hôm nào cũng thế: chín giờ. Hôm nay cũng thế, như thể cô sẽ đi dạy học. Cô lôi kéo chiếc va li quần áo sách vở của mình ngang qua phòng, ra cửa, bảo người xích lô: Ông đem xuống buộc cho tôi, rồi quay lại với chàng.
- Em đi anh nhé...
Chàng nhìn đâu đó không vào cô và buông: ừ.
Và cô đi. Thế là kết thúc. Chẳng bi, chẳng hài, mà là chính kịch. Nghĩa là trong đó có đủ thứ màu. Màu chói nhất là màu của đổ vỡ.
Thế mà cô đã bao đêm ngày ngóng đợi ngày trở về với chỉ một ước muốn - có lẽ thường - ngồi đợi ở bậc thềm, nhà mình, nghe tiếng bước chân chàng lên thang gác, nhấn chuông và chạy xuống mở cửa. Nhưng rốt cuộc đã chẳng có bậc thềm. Và cô đã phải ra đi bỏ lại cả cô với bậc thềm đằng sau lưng.
Bàn bia bên cạnh cười vui như pháo nổ. Cô lại tỉnh khỏi mộng mị bản thân. Thấy một người đàn ông ngồi bên ly bia, trong đám phá nổ xung quanh, chỉ cười lặng. Mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không, và buông lời, với khuôn mặt đầy mồ hôi, đang ròng ròng trên làn da xám ngoét:
- Tôi sợ sống quá!
Cô thì có lẽ không. Không sợ nhưng quá buồn... Không để đâu cho hết.
Nguyễn Thị Minh Thái