Các khái niệm căn bản trong ảnh Macro*
1. Độ phóng đại của hình ảnh (« Magnification Ratio » hay « Rapport de Reproduction »)
Độ phóng đại này xác định tỉ lệ giữa kích thước thật của vật thể và hình ảnh của nó ghi lại trên phim 24x36mm (hoặc sensor). Nó được tính bằng khoảng cách giữa mặt phẳng phim và vật thể với tiêu cự của ống kính. Ví dụ như khi hình ảnh của vật thể trên phim có kích thước bằng kích thước thật bên ngoài, ta nói độ phóng đại là 1 :1 hay 1x. Nếu hình ảnh lớn gấp đôi vật thật thì độ phóng đại là 2 :1 hay 2x.
Để có thể có được một độ phóng đại chính xác của vật thể thì đầu tiên ta phải chọn chỉ số này và sau đó tiến hành canh nét bằng cách dịch chuyển máy ảnh cho đến khi tìm được điểm nét ưng ý.
2. Hiệu chỉnh kết quả đo sáng (« Exposure Correction » hay « Correction d’exposition »)
Khi khoảng cách chỉnh nét giảm đi thì nó cũng kéo theo sự suy giảm của ánh sáng, đây là một định luật trong quang học. Khi bạn chụp ảnh bình thường thì sự suy giảm ánh sáng này là không đáng kể nhưng trong chụp ảnh Macro thì nó lại cần có thêm sự hiệu chỉnh về kết quả đo sáng để bù lại lượng sáng bị thiếu này. Với hệ thống đo sáng TTL thì việc hiệu chỉnh được làm hoàn toàn tự động.
3. Độ nét sâu của trường ảnh (« Depth of Field » hay « Profondeur de champ »)
Khái niệm này ám chỉ vùng ảnh nét ở phía trước và phía sau của điểm mà bạn canh nét. Trong chụp ảnh Macro thì độ nét sâu đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và nó thay đổi tùy theo độ phóng đại của hình ảnh và khẩu độ mở của ống kính. Độ phóng đại càng lớn và khẩu độ ống kính càng rộng thì độ nét sâu của trường ảnh càng bé. Độ phóng đại nhỏ cùng với khẩu độ ống kính khép sâu sẽ cho D.O.F lớn. Bạn có thể kiểm tra D.O.F bằng một nút bấm nằm ở phía trước của thân máy ảnh.
4. Đảo ngược ống kính (“Reversed a Lens” hay “Inverser l’Objectif”)
Khi chụp ảnh thông thường thì chủ thể thường ở xa ống kính còn phim (hoặc sensor) thì lại ở rất gần. Khi ta tiến lại gần chủ thể thì tương quan giữa hai khoảng cách này thay đổi dẫn tới làm giảm chất lượng hình ảnh. Nếu bạn dung một ống kính không thuộc loại chuyên dụng cho ảnh Macro với độ phóng đại lớn thì bạn có thể làm tăng khả năng của ống kính bằng cách lắp ngược nó vào than máy ảnh bằng một vòng nối gọi là “Reversing Ring” hay “Bague d’inversion”.
5. Cự ly chụp ảnh
Ở đây ta đang nói về khoảng cách giữa đầu của ống kính và vật thể. Khi cự ly chỉnh nét càng gần thì khoảng cách này càng ngắn lại và như thế ống kính có thể làm cản trở một phần ánh sáng chiếu tới vật thể. Khi bạn thao tác chụp ảnh quá gần sẽ làm cho các loài vật sống trở nên khích động và khó chụp hơn. Trong trường hợp này bạn nên sử dụng một chiếc ống kính có tiêu cự lớn hơn để có thể chụp từ xa.
6. Độ rung của thân máy ảnh
Khi chụp ảnh Macro thì ngay những rung động nhỏ nhất cũng sẽ làm ảnh hưởng tới độ sắc nét và làm giảm chất lượng của hình ảnh. Như thế bạn nên dùng chân máy ảnh hay một hệ thống cơ khí cho phép giữ bất động máy ảnh đồng thời dùng dây bấm mềm hoặc điều khiển từ xa để có thể đạt được độ sắc nét cao nhất. Nếu máy ảnh của bạn không thể lắp thêm dây bấm mềm thì bạn nên chụp bằng chế độ tự động. Trong trường hợp bạn chủ động chụp cầm tay thì nên sử dụng tốc độ cao nhất có thể.
* Tham khảo tài liệu của Nikon
Thiết bị dùng trong chụp ảnh MACRO
Trong bài viết này NTL xin dành riêng cho kỹ thuật chụp ảnh Macro với máy SLR hay dSLR.
Các thiết bị của Nikon được dùng để minh họa, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy các thiết bị tương đương với Canon, Minolta…
1. Thân máy ảnh (“Body” trong tiếng Anh, “Boîtier” trong tiếng Pháp)
Đây là bộ phận khá quan trọng nhưng nó lại không có tiếng nói quyết định lớn nhất trong chất lượng hình ảnh. Thêm nữa khi chụp ảnh Macro bạn sẽ chỉnh bằng tay là chủ yếu và tốc độ chụp không có nghĩa lý gì ở đây cả. Tuy nhiên việc có một chiếc thân máy ảnh với khả năng tương thích với nhiều loại thiết bị chụp ảnh Macro cũng là điều cần thiết. Bạn nên chọn loại thân máy ảnh có điều khiển từ xa (bằng dây nối hay tia hồng ngoại) hoặc có thể lắp thêm giây bấm mềm.
2. Ống kính (“Lens” hay “Objectif”)
Trên lý thuyết thì tất cả các loại ống kính đều “có thể” dùng để chụp ảnh Macro nhưng bạn cũng nên lưu ý rằng có những ống kính được thiết kế chuyên cho một thể loại ảnh nhất định như chiếc 85mm f/1,4D dùng cho ảnh chân dung, lại không cho hình ảnh cực kỳ sắc nét và chi tiết như chiếc PC Micro-Nikkor 85mm f/2,8D. Bạn nên ưu tiên những ống kính có khẩu độ mở cố định (zoom hoặc tiêu cự cố định) vì chúng sẽ cho bạn khả năng thao tác rất lớn trong mọi điều kiện ánh sáng và chất lượng ảnh cũng cao hơn. Chẳng hạn như một chiếc 50mm f/1,4D dùng để chụp ảnh Macro sẽ cho kết quả rất đẹp.
Bên cạnh đó thì bạn có một gam ống kính chuyên dụng cho ảnh Macro của các hãng lớn như Nikon, Canon, Pentax…đồng thời các đồ “FOR” của Sigma, Tamron cũng khá chất lượng và giá thành rẻ. Dưới đây là các ống kính chụp ảnh Macro của Nikon:
- AF Micro-Nikkor 60mm f / 2.8D
- AF Micro-Nikkor 105mm f / 2.8D
- AF Micro-Nikkor 200mm f / 4D IF-ED
- AF Zoom-Micro Nikkor 70-180mm f / 4.5-5.6D ED
Bạn sẽ hỏi minh là tại sao lại dùng những chiếc ống kính đắt tiền này trong khi có thể chụp ảnh Macro được bằng nhiều phương pháp khác nhau? Câu trả lời chính xác và ngắn gọn nhất là: chất lượng và tiện nghi. Không những chúng được thiết kế bằng những thấu kính đặc biết có chất lượng cao mà việc xử lý các lớp trang phủ cũng như hệ thống “CRC” (hiệu chỉnh cho ảnh chụp ở cự ly gần) trợ giúp rất hiệu quả cho chất lượng ảnh chụp. Trong mỗi chiếc ống kính Macro này đều có một bộ xử lý 4-bits được nối với hệ thống xử lý trung tâm của thân máy ảnh. Như thế tất cả các phép tính phức tạp của ảnh Macro được hoàn thành trong vòng một vài phần nghìn giây! Bạn chỉ việc tập trung vào khuôn hình và bấm máy.
Bạn cũng có thể thấy trong một số ống kính zoom có chức năng Macro (như Sigma 28-135mm f/3.8-5.6 Aspherical IF Macro) điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó để chụp ảnh Macro. Tuy nhiên độ phóng đại của ảnh không lớn, thường là ở tỉ lệ 1:3 tùy theo ống kính, nhưng thao tác rất dễ dàng.
Hìhìhì, còn COCKOO đang xài con này để bắn
Canon EF 100mm f/2.8 USM Macro Lens