-
Newbie
Cách làm sữa đậu nành ở nhà
Sữa đậu nành: Siêu thực phẩm của phái đẹp
Đậu nành là một trong năm loại ngũ cốc quan trọng, có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, trong đó có sữa đậu nành. Sữa đậu nành có hàm lượng đạm khá cao.
Sữa đậu nành - nguồn dinh dưỡng hoàn hảo
Tại một hội thảo chuyên về dinh dưỡng vừa được tổ chức tại TPHCM, chuyên gia dinh dưỡng Justine Gayer đến từ Hoa Kỳ cho biết chất lượng đạm có trong sữa đậu nành tương đương đạm từ thịt, sữa và trứng. Sữa đậu nành phù hợp cho tất cả mọi đối tượng vì nó chứa tất cả các acid amin cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Đặc biệt đậu nành có chứa nhiều acid amin loại glutamine và argine, đây là những acid amin giúp duy trì và củng cố hệ miễn nhiễm cho cơ thể...
Sữa đậu nành còn là nguồn cung cấp vitamin dồi dào. Hạt đậu nành chứa nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12,...) và vitamin E. Sữa đậu nành vì thế có tác dụng tích cực trong việc trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng trong tế bào, giúp chống lại sự mệt mỏi và căng thẳng, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa. Các axít béo không bão hòa có trong sữa đậu nành đồng thời cũng là chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Sữa đậu nành cũng rất thích hợp với những người không thể dung nạp đường sữa (lactose) có trong các loại sữa có nguồn gốc động vật. Với hàm lượng và chất lượng đạm không thua kém sữa động vật, nhưng lại không chứa lactose nên sữa đậu nành dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ hơn hẳn.
Không chỉ có người châu Á mới có thói quen uống sữa đậu nành hằng ngày. Ngay cả ở Hoa Kỳ và châu Âu, loại thức uống này cũng đang dần trở nên phổ biến. Ngày 19/05/2004, Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua đề nghị dùng sữa đậu nành song song với sữa bò trong khẩu phần ăn tại các trường học do những đặc điểm dinh dưỡng vượt trội của sữa đậu nành: giàu đạm, giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, ít chất béo và dễ tiêu hóa. Sữa đậu nành, thức uống bổ dưỡng truyền thống của người châu Á đang ngày càng được thế giới ưa chuộng.
Sữa đậu nành - bí quyết của phái đẹp
Tại nhiều nước châu Á, sữa đậu nành từ lâu được người tiêu dùng quan tâm vì những lợi ích vượt trội đối với sức khỏe con người, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đậu nành không chỉ giàu đạm mà còn giàu sắt, kẽm, chất béo omega 6, lecithin, vitamin E và isoflavone. Vitamin E trong đậu nành giúp ngăn ngừa quá trình ôxy hóa và lão hóa. Isoflavone trong đậu nành có tác dụng như nội tiết tố nữ estrogen giúp phái đẹp có làn da trắng hồng, săn chắc, mái tóc và móng tay chân khỏe mạnh.
Quan sát và phân tích của nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng cho thấy phụ nữ Nhật Bản có làn da đẹp, ít bị thừa cân và có tuổi thọ cao là nhờ một chế độ ăn uống nhiều cá, rau quả, rong biển và các sản phẩm từ đậu nành. Đạm đậu nành có thể cung cấp đủ lượng axít amin để thay thế các mô bị thoái hóa, chống lại ảnh hưởng của bức xạ mặt trời trên làn da bằng các hoạt động chất chống oxy hóa và cho làn da khỏe mạnh săn chắc bằng cách giảm thiểu các loại đạm và cholesterol trong mô, giúp gia tăng nguồn máu và dinh dưỡng cho da.
Sữa đậu nành cũng có tác dụng với hệ xương của phụ nữ. Theo bác sĩ Annie Kung, Giáo sư Đại học Hồng Kông, những phụ nữ bổ sung 60 milligam phyto-oestrogen vào khẩu phần ăn mỗi ngày, tương đương với 2 miếng đậu hũ hay 3 tách sữa đậu nành sẽ có xương khỏe hơn. Đồng quan điểm với Giáo sư Kung, Bác sĩ Lee-Jane Lu, một nhà nghiên cứu dinh dưỡng và các đồng nghiệp của bà tại ĐH Y Texas (Hoa Kỳ) đã kết luận sữa đậu nành có thể kích thích tốc độ thay thế và tạo lập xương.
Tại Hoa Kỳ và châu Âu, giá trị của sữa đậu nành đối với sức khỏe phụ nữ ngày càng được quan tâm. Các nhà khoa học ở Anh đã đưa ra kết luận rằng so với phụ nữ phương Tây, phụ nữ châu Á ít phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu của giai đoạn mãn kinh là do thói quen sử dụng thực phẩm từ đậu nành. Hai ly sữa đậu nành mỗi ngày có thể giúp phụ nữ thoát khỏi tình trạng mất xương cho thiếu canxi trong giai đoạn mãn kinh. Tháng 10/1999, Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức đưa ra lời khuyến khích: "Sử dụng 25 gam đậu nành trong khẩu phẩn ăn hằng ngày với ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể giúp đảm bảo và tăng cường sức khỏe".
Sữa đậu nành vì thế có thể xem như quà tặng từ thiên nhiên cho sức khỏe, sắc đẹp và tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn hiệu đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có thời hạn sử dụng. Sữa đậu nành không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Các loại hương liệu, chất phụ gia không kiểm soát là nguyên nhân gây nên ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Sữa đậu nành bán rong nếu không đảm bảo vệ sinh và có chứa những chất phụ gia độc hại sẽ không còn là nguồn dinh dưỡng kỳ diệu mà thực sự là mối nguy hại cho sức khỏe.
(24H.COM.VN)
******************************
Cách chế biến sữa đậu nành :
Nếu không có máy chuyên làm sữa đậu nành, bạn cũng có thể làm sữa với một chiếc máy xay sinh tố, máy xay thực phẩm đa năng hoặc theo cách cổ truyền là dùng loại cối đá xay bột.
Bạn có thể làm sữa đậu nành với 100% là đậu nành; nhưng để tăng thêm hương vị, có thể cho thêm lạc (đậu phộng), đậu xanh hoặc mè rang, tùy ý.
Sau đây là công thức thực hiện sữa đậu nành tại nhà với một ít lạc (đậu phộng) giúp tăng thêm vị béo của món sữa:
Nguyên liệu:
300g đậu nành khô; 50g lạc (đậu phộng rang); 4 lít nước; 1 bó lá dứa.
Hoặc
- 150gr đậu nành + 50g đậu xanh + 2,5l nước
- 50gr mè trắng rang vàng
- 1 trái dừa vừa vừa (chỉ lấy cơm, nhớ là dừa không già cũng k non quá)
- Lá dứa
Cách làm:
1. Chuẩn bị:
- Đậu nành khô nhặt bỏ hạt sâu, mọt, cho vào nước lạnh. Ngâm đậu trong khoảng 8 giờ.
- Vo lại cho sạch, xả nước thật kỹ cho đến khi nước trong. Vớt đậu ra để ráo.
2. Xay đậu:
- Cho đậu vào máy xay, vừa xay vừa cho nước vào từ từ.
- Khi đậu nhuyễn, cho tất cả vào túi vải, vắt kỹ để lấy phần nước đậu.
- Có thể xay thêm lần nữa để vắt hết nước sữa đậu.
3. Nấu sữa:
- Cho nước sữa đậu vào nồi. Lá dứa rửa sạch, cột thành bó, cho chung vào nồi nước sữa đậu.
- Nấu sữa cho sôi khoảng 10 phút, vừa nấu vừa khuấy đáy nồi để không bị khét. Chú ý không để sữa sôi mạnh dễ bị trào.
Sữa đậu nành nấu xong có thể dùng nóng hoặc để nguội, cho vào tủ lạnh, dùng chung với đường (hoặc không) đường tùy thích.
Cần lưu ý chế biến xong chỉ dùng trong ngày, vì đây là loại thức uống dễ bị hỏng. Nếu muốn để lại, cần phải trữ lạnh đúng cách, để sữa giữ được chất lượng và hương vị ban đầu. Độ lạnh cần thiết là từ 3 đến 5ºC.
Ngoài ra, tuy đây là loại thức uống có lợi cho sức khỏe nhưng cũng không nên dùng quá ½ lít sữa đậu nành mỗi ngày. Khi nấu cần để sữa sôi kỹ, nếu không có thể gây cồn cào, buồn nôn hoặc đau bụng, tiêu chảy.
Các nghiên cứu cho thấy thành phần dinh dưỡng trong sữa đậu nành bổ dưỡng gần bằng sữa bò tươi. Sữa đậu nành không đường là nguồn cung cấp hoàn hảo loại đạm chất lượng cao, isoflavone và các vitamin nhóm B.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những thực phẩm làm từ đậu nành nguyên chất còn giàu axit béo Omega - 3 có lợi cho tim mạch. Bên cạnh đó Isoflavone trong sữa đậu nành giúp làm giảm lượng LDL (cholesterol "xấu"), có khả năng chống loãng xương, chống lại một số dạng ung thư, giảm mất thăng bằng về hóc môn sau mãn kinh ở phụ nữ có tuổi.
Ở Việt Nam, sữa đậu nành thường được làm bằng phương pháp thủ công, bán khắp nơi từ lề đường cho đến trong các quán xá, có thể uống cả nóng và lạnh. Tuy nhiên, các loại sữa đậu nành được chế biến thủ công đôi khi không đảm bảo vệ sinh nên người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm sử dụng.
Loại sữa đậu nành sản xuất theo quy trình công nghiệp, với dạng chai hoặc đóng hộp, cũng thơm ngon, thu hút một lượng khách hàng khá lớn nhờ tính tiện dụng và khá an toàn. Một số nhà sản xuất còn thêm canxi, các loại vitamin và hương vị như vani, chocolate vào sản phẩm sữa đậu nành để làm phong phú thêm sản phẩm của mình. Khuyết điểm của các loại sữa đậu nành sản xuất công nghiệp là thường không giữ được hương vị tự nhiên và luôn có chất bảo quản.
Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là tự làm sữa đậu nành tại nhà với các dụng cụ nhà bếp đơn giản. Nếu gia đình bạn có máy chuyên làm sữa đậu nành thì chỉ cần mua đậu về, ngâm một đêm, sau đó chà rửa sạch và cho đậu nành vào máy, đổ nước vào, chờ khoảng 10 đến 15 phút sau là bạn đã có sữa đậu nành để dùng.
******************************
Hoạt động cơ bản của máy làm sữa đậu nành
Sữa đậu nành tự làm ở nhà thường rẻ hơn mua sẵn. Ngoài ra, nó có thể được chế biến phù hợp khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng của người uống. Okara, một sản phẩm phụ bổ dưỡng trong quá trình làm sữa đậu nành, có thể dùng làm nguyên liệu cho nhiều công thức nấu. Việc chế biển sữa đậu nành tại gia, nếu không dùng máy, thường khá vất vả với các giai đoạn như ngâm nước đậu tương, xay đậu bằng cối xay, chắt nước, rồi nấu. Máy làm sữa đậu nành thực hiện các bước này tự động, đơn giản hóa việc tự làm sữa đậu nành ở nhà
Máy làm sữa đậu nành hoạt động giống như một sự kết hợp giữa máy xanh sinh tố và máy pha cà phê tự động. Đậu tương đã ngâm được đổ vào cốc lọc của máy. Tại đó máy sẽ nghiền đậu thành một thứ bột nhão và mịn. Hỗn hợp này sau đó được lọc (tương tự như lọc trà) vào nước, rồi được đun nóng, làm chín cả đậu và okara.
Đa số máy làm sữa đậu nành có cơ chế để ngắt và bật quá tình đun sôi sữa, tránh việc sữa bị tràn ra ngoài. Bình đun được cắt điện khi mực nước dâng lên đỉnh của bình đựng, rồi lại được bật khi sữa trở về một mức nhất định. Cơ chế này lặp lại trong suốt quá trình đun sữa, kéo dài khoảng 15 phút.
Sau khi sữa đã chín hoàn toàn, máy sẽ tự động tắt, để lại okara trong cốc lọc và sữa đậu nành trong bình đun. Nhiều máy kêu "bíp" khi việc chế biến sữa đã hoàn thành.
(nếu không có lá dứa cũng vẫn ngon. Sữa đậu nành cực tốt cho sức khỏe và tránh được ung thư, cả nhà mình thi thoảng làm nhé. Cứ 2 ngày là nhà mình lại làm 1 lần, nhớ là sữa đậu nành tự làm chỉ uống trong 1 đến 1,5 ngày thôi và phải để sát với ngăn lạnh mới bảo đảm không bị chua)
-
Có 3 thành viên cám ơn bài của DạMiên:
onesieuthi (23-07-2010),Sheiran (23-07-2010),Triplec (23-07-2010)
-
Re: Cách làm sữa đậu nành ở nhà
Không có máy say sữa đậu nành, máy say sinh tố ... vỡ cái nắp đậy, không biết làm sao mà làm đây hix
-
Posting Permissions
- Bạn không thể tạo chủ đề mới
- Bạn không thể trả lời
- Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
- Bạn không thể hiệu chỉnh bài
-
Quy định của diễn đàn