Hôm 10 tháng 6, nhà báo Nguyễn Văn Khanh, đặc phái viên của báo NV, đã đặt chân đến thủ đô Johannesburg của Nam Phi theo dõi World Cup 2010. Trong những ngày ở Nam Phi, nhà báo Nguyễn Văn Khanh sẽ liên tục gởi bài vở, tin tức, tường trình về World Cup 2010 để phục vụ độc giả của Người Việt. Bài viết dưới đây là bài đầu tiên do anh gởi về từ Nam Phi.



Chào Nam Phi!

Phải nói thật, chưa bao giờ tôi có một chuyến đi với cảm giác lạ như vậy. Cũng lên máy bay, cũng ngủ gà ngủ gật trên đoạn đường dài gần 20 tiếng đồng hồ, cũng khúc bánh mì với hộp cá mòi vào buổi tối, một ly nước cam, một ly cà phê và tô mì tôm vào buổi sáng, nhưng vẫn có cảm giác khá lạ. Lạ vì lần này sang tận Phi Châu, chứ không phải là những chuyến đi dài giờ qua Châu Á hay Châu Âu trước đây.

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi Châu Phi, lại càng không thích ghé vùng đất hoang vu làm chủ bởi các bộ lạc “cà răng căng tai”. Bốn chữ này tôi được nghe và thuộc lòng từ thủa bé, thuộc lòng qua những câu chuyện kể về ‘mọi’ Phi Châu chuyên bắt người ăn thịt. Cũng như phần đông quý độc giả, tôi lớn lên với truyện bằng tranh, và một trong những chuyện “ấn tượng” với tôi là cảnh đoàn người thám hiểm Phi Châu bị ‘mọi’ bắt, bỏ vào trong những cái nồi to chẳng khác gì cái lu nước nhóm lửa đun sôi. Ðối với các nhà khảo cổ thì rõ ràng Phi Châu rất kỳ bí, nhưng với tôi thì đây là vùng đất chuyên... ăn thịt người. Ngay chính chị Nam Anh, một người bạn rất thân với gia đình tôi ở Washington D.C., cũng bảo “nhớ bảo trọng nghe anh Khanh, coi chừng bị ‘mọi’ bắt ăn thịt đấy.” Cũng chị bạn của gia đình tôi bảo thêm “chỉ có lực sĩ chạy đua Olympic mới dám đi Phi Châu” vì “nếu lỡ bị ‘mọi’ bắt ăn thịt thì còn có đường... thoát”.

“Chuyện ông nghe được là chuyện thời... thượng cổ”, anh tình nguyện viên đón chúng tôi ở phi trường bật ngửa ra cười khi nghe tôi kể lại câu chuyện từ thủa còn thơ về vùng đất Phi Châu nhiều bí ẩn. “Chẳng phải mình ông mà ai cũng thắc mắc khi đến Phi Châu, số người mang tâm trạng sợ hãi khi đến đây cũng không phải là ít, nhưng đến rồi họ mới khám phá thấy những gì họ nghĩ về vùng đất này hoàn toàn sai, đặc biệt là ở Nam Phi vì chưa có một xứ sở nào nhiều màu sắc như xứ của chúng tôi”.

Nghe giải thích như vậy, tôi mới chợt nhận ra quả Nam Phi nhiều màu sắc thật. Chỉ nhìn lá cờ của quốc gia chủ nhà không thôi đã có tới 6 màu: xanh lá cây, đỏ, xanh đậm, vàng, đen và trắng.

Trên đường từ phi trường về khách sạn, những lá cờ đầy màu sắc này xuất hiện khắp mọi nơi, treo ở cột đèn đường cho đến dán bên hông những chiếc xe chạy dọc ngang ở thành phố. Nhưng quan trọng nhất là một màu sắc đặc biệt nhất chỉ có trên khuôn mặt của người dân xứ này là màu của rạng rỡ, của hãnh diện vì đất nước của họ là nơi được chọn để tổ chức cuộc tranh tài thể thao quan trọng nhất thế giới, World Cup 2010.


Gương mặt rạng rỡ của người dân Nam Phi đón mừng
World Cup 2010 trên đường phố Johannesburg.
(Hình: ALEXANDER JOE/AFP/Getty Images)


Niềm rạng rỡ và hãnh diện đó đã bao phủ cả Nam Phi trong 6 năm qua, và ít giờ đồng hồ nữa mới chịu nhường lại cho mọi người, khi đội tuyển mang biệt danh Bafana Bafana (có nghĩa là “những chàng trai” theo tiếng Zulu) của họ ra sân đá trận mở màn với “những chàng trai” của hội tuyển Mexico đến từ Bắc Mỹ.

Ðây không phải lần đầu tiên thế giới biết đến Nam Phi hay nói về Nam Phi. Ðúng 20 năm trước đây, tất cả mọi chú ý đều đổ dồn cho quốc gia này, khi lãnh tụ tranh đấu người da đen Nelson Mandela bước ra khỏi trại tù sau 27 năm bị giam cầm. Lúc đó chính những bình luận gia chính trị nổi tiếng nhất thế giới đều nói sớm muộn gì Nam Phi cũng sẽ lâm vào cuộc nội chiến, và chẳng ai dám nghĩ sẽ có ngày quốc gia này tổ chức World Cup cả.

Trong lá thư ngỏ chào mừng du khách từ khắp bốn phương trời về Nam Phi xem đá banh và viếng thăm quốc gia này, Tổng Thống Jcob Zuma nói rằng thành công có được ngày hôm nay “là một bước đường thể hiện dân chủ rất dài của chúng tôi”, và World Cup là nhịp cầu “để Nam Phi giới thiệu với thế giới về tiềm năng của người dân và những gì đất nước này mong muốn đóng góp cho nhân loại”.

Nhà lãnh đạo từng có thời ngày ngày xách giầy ra sân đá cho hội banh tại Robben Island (nơi ông Madala đã sống 18 trong trại tù) ví von mọi chuyện chẳng khác gì một trận banh, “khi khởi đầu và lúc kết thúc luôn luôn tràn đầy hy vọng”.

Dù mới đặt chân đến vùng đất quá xa lạ này chỉ một vài giờ, nhưng tôi tin hy vọng đã thật sự đến với người dân Nam Phi. Những nụ cười rạng rỡ cùng niềm tin thể hiện rõ trên khuôn mặt của họ là bằng chứng rõ rệt nhất mà mọi người đều nhận ra. Ngay chính anh bạn trẻ làm hướng dẫn viên cho chúng tôi cũng bảo “hai thập niên rồi mà vẫn đổ lỗi cho chế độ kỳ thị ‘apartheid’ thì không thể nào chấp nhận được. Chúng tôi không thể nào đổ lỗi cho bất cứ ai hay chế độ nào được nữa”.

Cũng theo anh bạn trẻ và là người dân Nam Phi đầu tiên tôi gặp cũng như có cơ hội tiếp xúc “vẫn còn rất nhiều vấn đề chúng tôi phải giải quyết. Từ thất nghiệp cho tới HIV/AIDS, nhưng cơ hội ngày hôm nay là cơ hội của chúng tôi”.

Ý kiến đó cũng thể hiện rõ trong cuộc họp báo cuối cùng của ban tổ chức, trước khi trận khai mạc bắt đầu. Ông Trưởng Ban Tổ Chức Danny Jordaan bảo “ước mơ World Cup là ước mơ của thế giới, nhưng chẳng mấy quốc gia có được cơ hội như Nam Phi. Không chỉ ước mơ, chúng tôi còn có ký vọng sẽ tổ chức World Cup hoàn hảo nhất để cho mọi người thấy được quyết tâm của Nam Phi, của 49 triệu người đang sung sướng được chia sẻ niềm hãnh diện riêng của mình với hàng tỷ người khác.” Và ông tin, tối hôm nay, 49 triệu người dân Nam Phi sẽ lên giường đi ngủ với niềm hãnh diện đó.

Tôi cũng tin như thế. Good Night Nam Phi. Chúc các bạn ngủ ngon với giấc mơ tuyệt đẹp và niềm hãnh diện tuyệt vời. Hẹn gặp lại tất cả các bạn sáng mai ở sân Johannesburg.