LỜI KHUYÊN CỦA TUỆ TĨNH:
"Bế Tinh dưỡng Khí tồn Thần
Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình"
Tuệ Tĩnh là một danh y của nước ta từ thế kỷ thứ 14. Tác phẩm người đã để lại cho chúng ta không nhiều, nhưng người đã để lại cho chúng ta những quan điểm về đường lối y tế thật là bất hủ.
Về dùng thuốc Tuệ Tĩnh đã đề xuất: "Nam dược trị Nam nhân" nghĩa là thuốc Nam trị bệnh cho người Việt Nam.
Nước ta là một đất nước mà quanh năm cây cỏ tốt tươi, dược liệu phong phú, khai thác nguồn thuốc sẵn có để phục vụ nhân dân ta vừa nói lên tinh thần tự lực cánh sinh không lệ thuộc nước ngoài vừa phát huy tính tự hào dân tộc.
Cho đến nay tinh thần đó của Tuệ Tĩnh là rất đúng và rất cần phát huy, nhưng tiếc là thực hiện phương châm đó chưa được bao nhiêu. Chúng ta nhập thuốc quá nhiều, trong số thuốc Bắc nhập từ Trung Quốc, phần lớn ở trong nước có nhưng chúng ta ít nuôi trồng khai thác và chế biến.
Chúng ta ai cũng biết Tinh - Khí - Thần là ba báu vật của con người. Nếu tinh khí thần đầy đủ sung túc là khỏe mạnh.
Tuệ Tĩnh khuyên chúng ta muốn khỏe thì phải giữ gìn tinh khí của chúng ta không bị phung phí hao tổn một cách vô ích.
Tinh đây phải hiểu là cơ sở vật chất của sự sống bao gồm các tinh chất nuôi sống cơ thể như protit, gluxit, lipit, các sinh tố, các nguyên tố vi lượng, máu nước... tất nhiên có bao gồm cả tinh sinh dục chứ không phải chỉ có tinh sinh dục (như một số học giả đã hiểu sai).
Bế tinh là giữ tinh luôn được đầy đủ đừng để tinh bị phung phí hao tổn, tinh là cơ sở vật chất của sự sống, tinh được đầy đủ tất nhiên con người sẽ khỏe mạnh. Ắn uống thiếu thốn, lao động quá sức, dâm dục quá độ sẽ làm hao tổn tinh khí sinh ra ốm đau bệnh hoạn vì thế muốn sống lâu phải bế (giữ) tinh.
Dưỡng khí là bảo vệ giữ gìn sức lực của mình luôn luôn cường tráng. Muốn cho năng lực hoạt động của con người được khỏe tất nhiên cần có "tinh" được giữ đầy đủ nhưng trong sinh hoạt lao động đều phải biết "dưỡng khí" tức phải biết giữ gìn sức lực, trong lao động (cả lao động trí óc và lao động chân tay) không nên cố gắng quá sức, không chơi bời quá độ tức biết dưỡng khí, cơ thể khỏe mạnh mới sống lâu.
Tồn thần là luôn giữ gìn tinh thần của mình được thanh thản; thoải mái, đừng để cho hoàn cảnh bên ngoài làm nhiễu, loạn tinh thần chúng ta, đừng làm điều gì để lương tâm chúng ta bị cắn rứt (mà y học ngày nay gọi là những stress) thì đó là biết "tồn thần".
Yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe và vì thế mà y học cổ truyền rất coi trọng yếu tố "thất tình" (sự rối loạn của bảy trạng thái tinh thần) trong nguyên nhân gây bệnh nội thương như: tức giận hại can, vui quá hại tâm, lo nghĩ nhiều hại tỳ, buồn rầu hại phế, kinh khủng sợ hãi hại thận.
Trên thực tế cuộc sống chúng ta ai cũng hiểu được là trạng thái tinh thần của chúng ta ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta rất nhiều và nhiều loại bệnh và cơn bệnh do yếu tố tinh thần gây nên như suy nhược thần kinh, cơn hen, cơn đau bao tử, cơn cao huyết áp, tai biến mạch máu não...
Và tôi cho rằng khi trị bệnh mạn tính thì việc đầu tiên của người thầy thuốc nên ổn định tinh thần cho người bệnh. Kinh nghiệm của bản thân tôi, từ sau khi tôi bị tai biến mạch máu não liệt nửa người, tôi cố gắng "tồn thần" luôn tự tạo cho mình một tinh thần thoải mái, không lo, không buồn, không tức giận và tôi tự thấy người khỏe ra, đặc biệt là những chứng bệnh cũ như mất ngủ, đau đầu, cơn đau bao tử cũng biến mất (trước đây tôi mắc nhiều bệnh như viêm gan mạn tính, viêm đại tràng, loét hành tá tràng, đau đầu...) cho nên tôi thấy muốn sống lâu khỏe mạnh nhất thiết là phải "tồn thần".
Còn như "thanh tâm quá dục thủ chân luyện hình" là những điều rất cần có để đảm bảo sức khỏe tốt.
Theo tôi muốn "thanh tâm" thì phải "quả dục" vì bất cứ sự tham lam nào (tham danh, tham tiền, tham sắc đều làm cho cái "tâm" của mình khó sạch, mà tâm không sạch, tinh thần bứt rứt thì làm sao khỏe mạnh được).
Hải Thượng Lãn Ông có mấy câu thơ về giữ gìn sức khỏe nói rất hay:
"Công danh là bệnh khó khăn
Sửa mình đạo đức dần dần khỏe vui"
"Giữ lòng liêm chính chẳng ham tiền tài
Chẳng mong danh lợi đua đòi,
Giữ lòng trong sạch cho thần được yên"
"Nước chảy không thối không rêu,
Lòng sạch, người sạch là liều thuốc tiên"
"Thủ chân" là giữ chân khí được tốt, và muốn vậy, ngoài việc bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm quả dục như Tuệ Tĩnh đã dạy thì việc "luyện hình" để "thủ chân" là rất cần thiết như Hoa Đà, một vị danh y Trung Quốc vào thế kỷ thứ hai đã nói: "Vận động giúp khí huyết lưu thông và ngăn ngừa bệnh tật".
Aristote, một triết gia phương Tây đã nói:
"Không có gì làm kiệt quệ và hủy hoại cơ thể bằng trường kỳ bất động thể lực".
Canton, một triết gia phương Tây khác ở thế kỷ thứ 2 cũng nói:
"Con người như kim khí, dùng vào việc thì sáng bóng, không dùng ắt bị rỉ ăn mòn".
Và Hải Thượng Lãn Ông cũng có mấy câu thơ về sự cần thiết luyện hình:
"Luyện thân, luyện khí đứng ngồi thong dong,
Làm cho khí huyết lưu thông,
Chân tay cứng cáp, trong lòng thảnh thơi!"
GS. TRẨN VĂN KỲ - Viện Y học Dân tộc