Nghe chị Triplec tả thì hình như là quán ốc bà Sáu ở 72 hay 73 Mai Hắc Đế thì phải. B cũng hay ăn ở đó, nếu đi từ mạn Trần Nhân Tông rẽ vào thì nó ở bên trái.

Bún ốc bà Sáu
Chủ nhật, 19/04/2009 16:34 pm




Vào buổi trưa Hà Nội, nếu không lựa chọn món bún đậu mắm tôm thì bạn có thể nghĩ ra chọn lựa là đi ăn bún ốc.

Cũng lạ, món bún ốc cũng chỉ ăn vào buổi sáng hay buổi trưa mới ngon. Ăn vào buổi tối thì nặng bụng và kém phần thú vị.

Thương hiệu bún ốc thì có nhiều: bún ốc Phủ Tây Hồ, bún ốc chuối đậu trong ngõ đường Trường Chinh, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng, bún ốc Phù Đổng Thiên Vương, bún ốc bà Sáu ở Mai Hắc Đế, bún ốc phố Hòe Nhai…

Có ăn rồi mới biết, thực ra bún ốc Phủ Tây Hồ chỉ được cái tiếng lâu đời thế thôi, chứ món bún ốc ở đây không được “tinh xảo” cho lắm. Đôi khi thương hiệu nằm ở cái địa danh chứ không phải vì bản thân món ăn. Bún ốc Phù Đổng Thiên Vương ăn nhạt nhẽo, màu sắc không có gì hấp dẫn, sở dĩ nổi tiếng vì nhờ có món nem ốc, chả ốc ăn lạ miệng. Bún ốc Trường Chinh có biến tấu để đỡ nhàm chán, vì có thêm chuối xanh hầm nhừ, đậu rán, mắm tôm, ăn vào cũng phải gật gù. Người sành ăn đánh giá cao bún ốc nguội của cô Xuân ở gần Ô Quan Chưởng và bún ốc nóng của bà Sáu phố Mai Hắc Đế, là thứ bún ốc Khương Thượng nổi tiếng một thời.

Thật lạ kỳ cho quán xá Hà Nội, quán nổi tiếng thường bé tí, người ăn cứ phải chờ đợi, xếp hàng mới tìm được một chỗ ngồi khiêm tốn trong cái quán mà hình thức không có gì đẹp mắt.

Nếu đúng trưa thì thực khách phải chờ đợi khá lâu thì mới len chân được vào quán bà Sáu mà thưởng thức một tô bún ốc…trong vội vã.

Nhưng trong lúc chờ đợi bát bún được bưng ra, người ta có thể ngắm nhìn cách bà Sáu làm bún ốc. Mặc khách chờ, bà cứ nhẩn nha làm từng khâu một cách chu đáo.

Ốc được luộc ngay ngoài vỉa hè, luộc xong chuyển vào cho bà nhể ốc. Ốc luộc và khêu sẵn thì không bao giờ ngon. Bà dùng cái xiên bằng sắt đập đít ốc rồi khêu, bỏ cái đuôi và diềm ốc ở bên cạnh, thả vào bát chừng 5-6 con. Đôi bàn tay điệu nghệ nhúm một nhúm hành hoa cắt dài, chẻ mỏng và nhón mấy cái lá tía tô xếp gọn gàng vào tô bún. Xong rồi bà cầm muôi nhỏ múc dấm bỗng, một thứ nước hỗn hợp gì đó rất cay và một thìa mỳ chính bỏ vào. Sau cùng, bà múc nước dùng từ nồi nước trong rất ít váng mỡ, đỏ au màu cà chua và thơm nức mùi dấm bỗng chan vào bát.

Đến lúc đó thực khách mới được đón lấy bát bún nóng hôi hổi với đủ màu sắc sau khi dài cổ chờ đợi.

Nếu để ý kỹ, người ta có thể thấy bát nào bà cũng chăm chú từng động tác, như thể người mẹ hiền đang chăm chút đứa con cưng.

Nước dùng không có xương mà chỉ toàn nước ốc. Cứ mẻ ốc nào vừa luộc xong là nước ốc lại được châm thêm vào nồi nước dùng. Hóa ra, quả cà chua bà bổ đôi, bổ tư cho vào nồi là thứ cà chua gốc; người sành ăn chọn cà chua gốc vì màu đỏ au rất đẹp, nước từ quả cà chua tiết ra làm ngọt lừ, ngọt mát nồi nước dùng. Không hiểu sao, cà chua bổ to lại ngọt nước hơn là cà chua bổ nhỏ; tinh tế là ở chỗ đó, và bà Sáu quả đúng là “bậc thầy” trong những chi tiết nhỏ như thế.

Có lần nghe thấy một thực khách dặn đi dặn lại bún ốc đừng cho mắm tôm, bà Sáu nổi quạu: ở đây không bao giờ bán bún ốc có mắm tôm. Giữa một trào lưu bún ốc thường cho mắm tôm, món bún của bà Sáu không có thứ mắm này, vì theo bà, mắm tôm cho vào át mất mùi bỗng và mùi ốc, làm nước ốc thô đi, kém độ thanh. Quả vậy, ăn tô bún ốc bà Sáu, bên cạnh vị cay làm xộc lên mũi đã đời là cái thanh thoát, duyên dáng của nước bún ốc không có quán nào làm được.
http://blog.yume.vn/xem-blog/bun-oc-....35B33379.html