Lượm được bài này, thấy hay quá nên lưu lại:
ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
Một trong những lệch lạc trong sinh hoạt tính dục, đó là quan hệ Đồng tính luyến ái.
Tại các nước phương Tây, vấn đề này đã được đề cập và công khai hóa kể từ thập niên 60.
Thứ hai ngày 22/03/1995 tại San Francisco, Mỹ, khoảng 175 cặp Đồng Tính Luyến Ái cả nam và nữ, đã chính thức trao nhẫn cho nhau trong một nghi thức hôn phối tập thể tại Tòa Thị sảnh.
Thế nhưng ở Việt Nam, vì truyền thống và vì văn hóa đặc thù, điều này dường như vẫn còn là một cấm kỵ không ai muốn nhắc tới.
Chính vì vậy mà khi Đồng tính luyến ái trở thành một phong trào, phát triển quá nhanh trong những năm gần đây, nó mới trở thành một vấn nạn.
I. KHÁI NIỆM:
Từ Đồng tính luyến ái (ĐTLA) được sử dụng để chỉ những thái độ và hành động rất khác biệt nhau:
Dưới danh hiệu ĐTLA, người ta muốn nói đến khuynh hướng tự nhiên của một người không cảm thấy sự thu hút hoặc hướng chiều nào đối với người khác phái; trái lại, chỉ muốn có quan hệ tính dục với người cùng phái mà thôi.
Người ta cũng thường hiểu người ĐTLA là người nào đó về mặt tâm lý và tình cảm luôn cảm thấy mình thuộc về phái khác. Đó là trường hợp một người nam trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử muốn tỏ ra mình là người thuộc phái nữ; hoặc ngược lại, cũng có những người thuộc phái nữ nhưng trong tâm lý luôn cảm thấy mình thuộc phái nam.
Ngoài ra, nói đến ĐTLA, người ta cũng nghĩ đến những người vì tiền bạc mà có những quan hệ ĐTLA với người khác.
Cũng có những người ĐTLA không có khuynh hướng tự nhiên, mà chỉ vì trong môi trường sống của họ không có người khác phái.
II. NGUYÊN NHÂN:
1. Vì di truyền:
Nói đến di truyền, về ĐTLA, khoa học ngày nay vẫn chưa có bằng chứng mang tính thuyết phục để chứng minh chính xác nguyên nhân này; nhiều điều đến nay vẫn còn trong vòng bí ẩn.
Người ta thường nói đến yếu tố di truyền về ĐTLA như là một khuynh hướng tự nhiên hầu như không thể chữa trị được nơi một cá nhân nào đó.
Nhưng khuynh hướng tự nhiên này có truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hay không, cũng như cơ chế di truyền của nó như thế nào vẫn còn là một câu hỏi hóc búa đối với khoa học.
2. Môi trường không thuận lợi cho sự phát triển tâm lý một cách bình thường:
Nguyên nhân này có vẻ chiếm đa số nơi những cá nhân bị ĐTLA.
Hoàn cảnh sống được nuông chiều thái quá hay khắc nghiệt trong gia đình thời thơ ấu, hoặc những kinh nghiệm đau thương sâu thẳm của cá nhân không thể xóa nhòa, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy một cá nhân đến tình trạng ĐTLA.
- Một người cha độc tài, khó tính có thể khiến con gái thù ghét người khác phái.
- Một người mẹ độc tài hoặc có khuynh hướng chiếm đoạt, sở hữu đứa con trai cũng có thể tạo nên nơi nó thái độ e dè và thù ghét người khác phái, thúc đẩy nó tìm đến người cùng phái.
- Kinh nghiệm bị hãm hiếp, lạm dụng về tình dục nơi một bé trai hay gái – khi không thể vượt qua được cú sốc về tâm lý cũng có thể khiến cá nhân đó bị ĐTLA khi trưởng thành vì ghê sợ và chán ghét người khác phái.
- Một người đàn ông thất vọng về vợ mình sau khi ly dị, mang tâm lý chán ghét những người khác phái cũng dễ rơi vào vòng xoáy của ?TLA.
Còn rất nhiều những trường hợp khác phát xuất từ môi trường sống không thuận lợi để một cá nhân phát triển tâm lý bình thường, lành mạnh dẫn đến ĐTLA.
3. Tình trạng xã hội:
Nguyên nhân này có vẻ như đang là nguyên nhân mang tính thời đại.
Có những nơi trên thế giới cổ võ hoặc dung dưỡng cho khuynh hướng ĐTLA, đó là điều không thể phủ nhận.
Khi đó, khuynh hướng ĐTLA đã phát sinh và gia tăng nơi nhiều người, trở nên phong trào ĐTLA, kéo theo nhiều cá nhân mù quáng đi theo chỉ để thỏa mãn yếu tố cá nhân tức thời.
Nhìn chung, ĐTLA có khi không chỉ là kết quả của một trong những nguyên nhân trên, mà còn có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân hợp lại.
III. BẢN CHẤT:
Về mặt khách quan, quan hệ ĐTLA tự nó là một hành động đi ngược lại với ý nghĩa và mục đích của Tính dục, do đó đi ngược lại với trật tự tự nhiên của tính dục.
Một hành động Tính dục được gọi là lành mạnh khi hội đủ 3 yếu tố:
- Cả hai đều phải trưởng thành về thể lý.
- Có sự tự nguyện giữa hai người phối ngẫu.
- Khác biệt về giới tính.
Bản chất đích thực của Tính dục là hướng đến việc sinh sản, trao ban sự sống.
Dĩ nhiên, không phải mỗi quan hệ tính dục đều bắt buộc phải có ý hướng đó, nhưng cùng đích sinh sản của Tính dục cần phải luôn luôn được tôn trọng. Nếu không, Tính dục sẽ bị "dung tục hóa" và trở thành một phương tiện giải trí tầm thường, thỏa mãn dục vọng của cá nhân.
Trong quan hệ ĐTLA, khía cạnh sinh sản dĩ nhiên hoàn toàn bị chối bỏ.
Vì vậy, xét theo bản chất và mục đích của Tính dục, quan hệ ĐTLA là những quan hệ hoàn toàn phản tự nhiên.
Ngoài mục đích sinh sản, Tính dục của con người còn là ngôn ngữ của Tình yêu Vợ chồng.
Những quan hệ của tính dục chỉ phù hợp với bản chất và mục đích của tính dục, khi chúng diễn ra trong quan hệ yêu thương của những người phối ngẫu nam nữ.
Người ĐTLA thường đóng khung tính dục trong bản thân như trường hợp thủ dâm; hoặc hướng đến người khác, nhưng là người cùng phái.
Chính vì thế, “Giữa hai người ĐTLA không thể có tình yêu chân thật và trách nhiệm để tạo thành một gia đình theo đúng nghĩa”,
vì “Tình yêu đích thực đòi hỏi sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm. Điều này chỉ có được trong tình yêu hôn nhân giữa người nam và người nữ; và con cái là kết quả của tình yêu ấy”.
“Hôn nhân đồng tính” là một khái niệm hoàn toàn sai lầm tự bản chất.
Có quan điểm cho rằng, quan hệ giữa hai người ĐTLA có khi còn bền vững hơn cả quan hệ vợ chồng, vì thiết lập được một mối quan hệ tình bạn khắng khít.
Họ quên rằng, không thể có một tình bạn bình thường và tốt đẹp khi nó dẫn đến những hành động tính dục giữa hai người cùng phái.
Những hành động này không được thực hiện trong tinh thần tôn trọng mục đích thiết yếu của Tính dục; những hành động như thế không thể là thể hiện của một tình yêu đích thực và bền vững được.
Một tình yêu đích thực chỉ có trong quan hệ vợ chồng, bởi vì hành động giao hợp của vợ chồng hướng đến mục đích của Tính dục là Yêu thương và sinh sản. Chỉ có một quan hệ Tính dục như thế mới có thể và phải bền vững, vì nó đòi hỏi trách nhiệm của con người; trong khi quan hệ ĐTLA không được xây dựng trên bất cứ một nền tảng nào đòi hỏi sự chung thủy và bền vững.
Tuy nhiên, về mặt chủ quan, không ai có quyền xét đoán những người ĐTLA, mà tự họ, với sự trưởng thành của mỗi cá nhân, sẽ tự soi lại mình trong chính lương tâm của mình.
IV. THÁI ĐỘ
Cái nhìn rất tự nhiên của mọi người, Á Đông cũng như Tây Phương đối với những người Đồng tính luyến ái luôn chứa đầy sự khinh thị.
Đó là một sai lầm cơ bản nên tránh; vì như vậy, những người Đồng tính luyến ái luôn bị nhìn dưới khía cạnh của người bất thường.
Những người ĐTLA vẫn là những con người và xứng đáng được tôn trọng như một con người khi xuất hiện trong cuộc sống này.
Chúng ta không thể đánh giá nhân cách của một con người qua định hướng tính dục của người đó.
Sai lầm thứ hai chúng ta có thể rơi vào khi đánh giá Đồng tính luyến ái, đó là đơn giản hóa hiện tượng.
Thật ra, Đồng tính luyến ái là một hiện tượng phức tạp hơn những gì chúng ta đang nghĩ.
Mỗi người Đồng tính luyến ái cần phải được lắng nghe trong sự riêng tư, dị biệt của người đó, cho dù nhìn chung, họ có một vài nét giống nhau.
- Cần phân biệt người Đồng tính luyến ái độc thân với người Đồng tính luyến ái có gia đình.
- Cần phân biệt người Đồng tính luyến ái sống theo cặp như hôn nhân với người Đồng tính luyến ái sống lang chạ.
- Cần phân biệt người Đồng tính luyến ái mang nặng mặc cảm với người Đồng tính luyến ái sống một cách bình thường với định hướng và chọn lựa của mình.
Mỗi người Đồng tính luyến ái là một cá nhân với những riêng tư của mình.
Nhưng khuynh hướng ĐTLA không hoàn toàn làm cho con người trở thành bất thường hoặc xấu xa.
Họ vẫn là những con người bình thường, họ phải được tôn trọng và cảm thông. Và bản thân họ vẫn là những con người có tự do và trách nhiệm.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta ủng hộ hay khuyến khích mọi người bước đi trên con đường đó nếu bản thân họ còn cảm thấy có được một sự chọn lựa dù là nhỏ nhất từ sâu trong tâm khảm.
Dù hiện nay, rải rác đâu đó trên thế giới vẫn dấy lên phong trào đấu tranh quyền lợi của những người ĐTLA, nhưng điều đó không có nghĩa “mỗi nhóm riêng biệt trong xã hội có quyền đòi hỏi xã hội phải xem họ là tốt đẹp và phải cho phép họ có những hành động hay lối sống tự nó là vô luân, đi ngược lại với trật tự của tự nhiên”.
Hành động tôn trọng những người ĐTLA – như những con người bình thường và đáng được tôn trọng và cảm thông, là hành động nên làm.
Mọi người cần có cái nhìn cảm thông và một thái độ sống nhân bản nền tảng trong cách cư xử với những người ĐTLA trong xã hội ngày nay.