Cuộc chiến Triều Tiên

Những lời đe dọa và biện pháp trừng phạt lẫn nhau hiện nay khiến người ta lo ngại về nguy cơ tiếp diễn cuộc chiến tranh từng xảy ra cách đây 50 năm trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 1950, khi cộng đồng quốc tế nỗ lực tái thiết sau Thế chiến II, một cuộc xung đột mới nổ ra ở vùng Đông Bắc Á. Đây là một biến cố hiếm hoi khi Chiến tranh Lạnh biến thành nóng, đặt Mỹ và đồng minh ở thế đối nghịch với Liên Xô, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Nó được đánh dấu bằng những bước ngoặt bất ngờ của lịch sử và số thương vong khổng lồ. Ít nhất hai triệu dân thường và 1,5 triệu lính Triều Tiên thiệt mạng. Trong khi đó, số lính Mỹ chết trong trận chiến là 30.000, còn quân đội Hàn Quốc mất 400.000 người.

Trong phần lớn thời gian xảy ra chiến tranh, hai bên có lúc tìm cách đàm phán hòa bình. Khi thỏa thuận ngừng bắn được ký vào ngày 27/7/1953, không ai có thể tưởng tượng được rằng hơn 50 năm sau đó, bán đảo Triều Tiên về danh nghĩa vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền không đạt được hiệp ước hòa bình và khu vực biên giới vẫn dày đặc mìn, pháo và hàng trăm binh sĩ.
Triều Tiên
Bán đảo Triều Tiên được chia thành hai phần bởi vĩ tuyến 38. Sơ đồ: BBC.

Cuộc chiến Triều Tiên khởi nguồn từ lịch sử phức tạp trên bán đảo và rộng hơn nữa là trong khu vực. Trung Quốc, Nhật và Liên Xô đều muốn có ảnh hưởng ở nơi này.

Sau cuộc chiến 1904-05, Nhật giành thế áp đảo và chính thức đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho đến khi Thế chiến II kết thúc.

Chỉ 7 ngày trước khi Nhật đầu hàng vô điều kiện năm 1945, Liên Xô đưa quân vào bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Liên Xô và Mỹ đồng ý chia bán đảo này thành hai phần, phân cách ở vĩ tuyến 38. Liên Xô tiếp quản miền bắc còn Mỹ quản lý miền nam.

Liên Xô hậu thuẫn chế độ cộng sản ở miền bắc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Mỹ tổ chức bầu cử ở miền nam và ông Syngman Rhee đắc cử tổng thống. Quân đội hai nước rút khỏi bán đảo Triều Tiên trước năm 1949.

Quân đội Triều Tiên được Liên Xô huấn luyện và trang bị tốt. Họ có 135.000 binh sĩ, xe tăng và pháo. Trái lại, lực lượng Hàn Quốc chỉ có 98.000 và chỉ mang tính dân sự. Chính quyền cả hai miền đều muốn thống nhất bán đảo dưới một chế độ.

Rạng sáng ngày 25/6/1950, khi một nửa binh sĩ Hàn Quốc nghỉ cuối tuần, Triều Tiên bất ngờ tràn quân sang bên kia vĩ tuyến 38. Mỹ liền vội vàng huy động binh sĩ ở các căn cứ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc gặp khó khăn trong các cuộc đối đầu ban đầu với Triều Tiên. Cuối cùng, họ lui về cố thủ ở thành phố cảng Busan, phía đông nam bán đảo, trong khi Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tay giúp đỡ.
Lính Hàn Quốc và Mỹ cố thủ ở Busan. Sơ đồ: BBC.
Lính Hàn Quốc và Mỹ cố thủ ở Busan. Sơ đồ: BBC.

HĐBA liền thông qua một nghị quyết, kêu gọi tất cả các thành viên giúp Hàn Quốc chống Triều Tiên. Quyết định này chỉ đạt được sự đồng thuận vì đại biểu của Liên Xô, chắc chắn sẽ phủ quyết, vắng mặt trong phiên họp. Ông này tẩy chay tất cả các phiên họp của HĐBA cho tới khi Trung Quốc được gia nhập LHQ.

14 quốc gia trong đó có Australia, Bỉ, Canada, Colombia, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cam kết đưa quân tới bán đảo ở Đông Bắc Á. Trong số 260.000 lính được điều động, Mỹ, Anh, Canada và Australia chiếm ưu thế.

Trong khi chờ viện binh, lực lượng ít ỏi ở Hàn Quốc cố gắng giữ Busan. Đường tiếp tế của Triều Tiên cũng bị kéo căng một cách nguy hiểm do tiến quân quá nhanh.

Ở phía nam bán đảo, trước tình thế nguy ngập, chỉ huy của quân đoàn số 8 của Mỹ, tướng Walton Walker, đã lên tiếng khuấy động binh sĩ. Ông có bài phát biểu nổi tiếng "Đứng lên hoặc là chết" nhấn mạnh rằng họ sẽ không rút lui nữa. Kết quả là binh sĩ Hàn Quốc cùng 4 sư đoàn Mỹ cầm cự được khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, đây cũng là chiến dịch mà quân Mỹ gặp hao tổn về người nhiều nhất trong suốt chiến tranh liên Triều. Họ đã mua thời gian bằng máu.


Trong khi quân đội Triều Tiên bao vây Busan, chỉ huy lực lượng LHQ - tướng Douglas MacArthur - toan tính đảo ngược tình thế chiến tranh. Ngày 15/9/1950, ông phát động một chiến dịch mạo hiểm nhằm vào thành phố cảng Inchon ở phía tây. Mục đích là cắt đứt đường hậu cần và liên lạc của Triều Tiên, khiến họ bị mắc kẹt giữa Inchon và Busan.

Kế hoạch này được cho là mạo hiểm vì binh sĩ sẽ phải vượt qua những đợt thủy triều khó lường ở ngoài khơi và đập ngăn nước cao tới 4 m, sau đó sẽ phải đối mặt với pháo đài kiên cố ở Inchon vì nơi này đã bị Triều Tiên chiếm giữ. Tuy nhiên, tiểu đoàn của MacArthur đánh bại những đợt kháng cự và không gặp đòn phản công nào.

Cùng lúc đó, quân đoàn số 8 của Mỹ làm chủ Busan. Binh sĩ Triều Tiên bắt đầu lui quân. Đến ngày 25/9, lực lượng đồng minh đã giành lại Seoul.

Đồng minh đáng lẽ dừng lại ở vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Harry Truman muốn thống nhất bán đảo dưới một chính phủ ủng hộ phương Tây. Tướng MacArthur liền ra lệnh binh sĩ đuổi theo quân Triều Tiên qua biên giới. Tuy nhiên, Truman vì lo ngại chiến tranh mở rộng yêu cầu MacArthur không được xâm phạm Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ tham chiến nếu như đồng minh tràn sang Triều Tiên.

Hôm 15/10, tại đảo Wake Island ở Thái Bình Dương, tướng MacArthur và Tổng thống Truman cùng bàn bạc tương lai chiến tranh. MacArthur tỏ ra tự tin vào thành công sớm trong chiến dịch Triều Tiên và không e ngại việc Trung Quốc can thiệp.

Chỉ 10 ngày sau, quân đội Trung Quốc tiến hành một đợt tấn công đầu tiên nhằm vào đồng minh. Sau đó tướng MacArthur ra lệnh tiến hành chiến dịch dứt khoát ngày 24/11, đưa binh sĩ dấn sâu tới tận sông Yalu, nơi đánh dấu biên giới giữa Triều Tiên và đông bắc Trung Quốc. Ông lạc quan hy vọng rằng bước đi này sẽ giúp kết thúc chiến tranh và cho phép binh sĩ “về nhà trước Giáng sinh”. Tuy nhiên, nó lại khiến đảo ngược tình thế. Hôm sau, khoảng 180.000 "quân tình nguyện" Trung Quốc tấn công đáp trả.

Quá choáng váng, MacArthur thốt lên: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc chiến hoàn toàn mới”.

Ông muối mặt ra lệnh rút quân trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ, đưa binh sĩ về sau vĩ tuyến 38 trước thời điểm cuối năm.

Khi binh sĩ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch mới, lực lượng đồng minh buộc phải rút lui tới phía nam Seoul vào tháng 1/1951. Tại đây, nhờ vị thế sân nhà, binh sĩ LHQ phòng vệ tốt hơn. Sau vài tháng chiến đấu, khu vực vĩ tuyến 38 bình ổn trở lại.

Tổng thống Truman lúc này tuyên bố LHQ sẵn lòng ký hiệp ước đình chiến. Tuy nhiên, tướng MacArthur không muốn nhượng bộ. Ông công khai quan điểm mở rộng chiến tranh với Trung Quốc và qua mặt tổng thống, đệ trình ý kiến lên quốc hội.

Truman sa thải tướng MacArthur vì bất tuân vào tháng 4/1951. MacArthur được thay thế bởi tướng Matthew Ridway. Ông này từng thay vị trí chỉ huy quân đoàn số 8 của Mỹ ở Hàn Quốc - tướng Walton Walker - sau khi ông chết vì tai nạn xe hơi.
Sơ đồ: BBC.
Bán đảo Triều Tiên sau chiến tranh. Sơ đồ: BBC.
Các cuộc đàm phán về ngừng bắn bắt đầu vào ngày 10/7/1951. Tuy nhiên, tiến trình này liên tục gặp bế tắc vì những vấn đề như trao đổi tù nhân hay vị trí của ranh giới tạm thời. Hai bên cuối cùng cũng ký thỏa ước đình chiến song vì những tác động từ bên ngoài.

Tháng giêng năm 1953, Dwight Eisenhower, vốn công kích cuộc chiến, kế nhiệm Truman làm tổng thống Mỹ. Eisenhower tuyên bố sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để chấm dứt xung đột ở bán đảo này. Tháng 3/1953, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin qua đời.

Ngày 27/7/1953, một thỏa thuận ngừng bắn được ký và đường ranh giới tạm thời được xác định là biên giới mới giữa hai nước. Lúc đó, thỏa thuận đình chiến chỉ được xem là tạm thời cho tới khi "hòa bình được thiết lập lại".

Việc đó chưa bao giờ xảy ra. Hội nghị Geneva năm 1954 đã không giải quyết được vấn đề này. Từ đó tới nay, biên giới Triều Tiên vẫn là một điểm nóng.