Kiếm tiền hay ngừa nguy hại?
01/06/2010 05:19 (GMT +7)

Dự kiến đánh thuế tối đa đến 4.000 đồng/lít xăng trong dự luật khiến nhiều đại biểu “xây xẩm mặt mày” vì lo giá cả tăng, đời sống nhân dân sẽ càng chật vật.

Ngày 31-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, một dự luật được kỳ vọng là sẽ dùng công cụ tài chính để giữ gìn môi trường an toàn hơn với con người. Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2012.

Không thể “dùng nước thay xăng”

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng biên độ khung thuế đối với xăng dầu (1.000-4.000 đồng/lít) là rộng, mức trần 4.000 đồng/lít là cao, bởi hiện nay trong giá xăng dầu đã bao gồm nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá của một lít xăng; riêng phí là 1.000 đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đánh thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường nhưng sẽ không ảnh hưởng đến giá bán xăng. Ảnh: HTD

“Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như quy định của dự luật, cho dù có trừ phí xăng dầu thì giá bán vẫn sẽ tăng, dẫn đến tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng dầu. Do đó, cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống, giá thành sản phẩm, kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô” - ông Hiển nhấn mạnh.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) và Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đề nghị cân nhắc mức thuế đối với xăng vì người dân đi xe máy không thể “dùng nước thay xăng”, ít có lựa chọn phương tiện thay thế.

“Chúng ta rất hay rậm rịch nhằm vào xăng để tăng giá. Cơ quan chức năng cũng định thu phí bảo trì đường bộ thông qua xăng. Nếu chúng ta thấy tiện để thu thuế qua xăng thì rất nguy hiểm. Đánh thuế vào xăng với mức cao thì rõ ràng là tác động đến toàn bộ giá cả và các mặt hàng khác” - bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lên tiếng. Theo bà Nga, cần phải phân tích rất kỹ những yếu tố làm nên giá xăng để xem cái nào thu đúng mục đích, nếu đúng thì thu đến mức độ nào…

Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên bày tỏ quan điểm phải đánh thuế xăng dầu vì tiêu thụ xăng dầu là gây ô nhiễm. Xăng dầu đắt dân có thể phản ứng nhưng có đắt thì dân phải hạn chế sử dụng và dùng nguyên liệu thay thế. “Tuy nhiên, đánh thuế này thì phải giảm giá các thành phần khác cấu tạo nên giá xăng dầu. Nếu thuế môi trường trong giá xăng dầu là 1.000 đồng thì thuế khác áp cho mặt hàng xăng dầu phải giảm để không làm biến động giá” - ông Nguyên nói.

Bỏ lọt nhiều “thủ phạm”

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất năm nhóm hàng hóa chịu thuế: xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); than; môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC); túi nhựa xốp (túi nylon) và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đều cho rằng Chính phủ cần bổ sung vào đối tượng chịu thuế các loại hóa chất như hạt nhựa, hạt nix, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm… “Chất tẩy rửa ở các làng nghề đang làm cho khu vực sông Nhuệ và đồng bằng Bắc Bộ ô nhiễm và Chính phủ lúng túng chưa xử lý. Với cách làm ăn như thế này thì sẽ không còn môi trường cho chúng ta tồn tại được” - bà Khánh lo lắng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết bổ sung: “Ở đây tôi không thấy có dịch vụ nào bị đánh thuế hết, trong khi dịch vụ cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ, các dịch vụ nhà hàng xả thẳng nước thải xuống biển, sông. Các quán karaoke hát ầm ĩ ảnh hưởng đến môi trường…”.

Cho rằng dự luật chưa lưu ý đến những cái nhỏ nhưng gây ô nhiễm lớn, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị đánh thuế với cả thuốc lá mà “không sợ thuế chồng thuế”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng hiến kế: “Trước mắt đưa một số mặt hàng vào diện chịu thuế nhưng với thuế suất 0% để có sự cảnh báo đối với xã hội”.

Tham gia soạn thảo dự án luật, bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết danh mục đối tượng chịu thuế sẽ tiếp tục được cập nhật. Bên cạnh công cụ thuế, Chính phủ cũng đang xúc tiến ban hành các nghị định về thu phí rác thải, khí thải…