2. BỆNH THƯỢNG VĨ

Bệnh Thượng Vĩ là bệnh mà 3 chữ sau cùng của 2 liên đứng kề nhau, nghĩa là 3 chữ sau của 4 câu đứng liền nhau, hoặc 4 câu đầu, hoặc 4 câu giữa, hoặc 4 câu cuối. Kỵ nhất là chữ thứ 5. Nếu 3 chữ cuối của 4 câu, nhất là chữ thứ 5, chữ làm thi nhãn cho câu thơ, đồng tự loại, thì câu thơ như chỏng đuôi lên cao. Do đó mà gọi là bệnh Thượng Vĩ, tức là bệnh Chỏng Đuôi.
Thí dụ:

KHÓC TRƯƠNG QUỲNH NHƯ

Trời xanh cao thẳm mấy từng khơi
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói
Sầu nâng chén cúc rượu không hơi
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng
Ải bắc hồng sang bể tuyệt vời
Một khối chung tình tan mấy mảnh
Suối vàng ai cũng thấu lòng ai

Phạm Thái


VIẾNG THÀNH HUẾ SAU NGÀY ĐÌNH CHIẾN

Nắng nhạt chiều thu quạ rộn ràng
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
Tro tàn thư viện duyên ngao ngán
Đá nát hoàng cung bước ngỡ ngàng
Gầy gọ gió sương tùng Thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang
Trông vời Thiên mụ mây man mác
Lơ lửng chuông hôm rụng tiếng vàng

Tú Xương


Những chữ ngao ngán, ngỡ ngàng, và Thế miếu, Hương giang tuy không đồng tự loại (một bên là trạng từ một bên là danh từ riêng) nhưng đều là tiếng đôi (từ kép), cho nên đứng sau tiếng Duyên, Bước, Tùng, Trúc, đều là danh từ chung, trở thành bộ ba gây ra bệnh Thượng Vĩ.

Nếu chữ thứ 5 tức chữ thi nhãn, của Hạm liên và của Cảnh liên không đồng tự loại, thì dù 2 chữ sau của cả 4 câu đều một tự loại cũng không bị bệnh. Thí dụ 4 câu giữa bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan, nhờ nhãn tự của Hạm liên là danh từ, nhãn tự của Cảnh liên là giời từ, nên tránh được bệnh.

Bệnh Thượng Vĩ xưa nay thường bị vấp. Trong những tác phẩm lưu truyền của các danh gia, chúng ta thường gặp những bài bị bệnh. Bị bệnh là vì thi nhân muốn cho câu thơ được già dặn hay dùng thực tự làm thi nhãn và quá chú trọng ở nhãn tự, nhiều khi quên nghĩ đến bệnh. Lúc đã nhận thấy lại tiếc chữ vừa ý, không muốn thay đổi.
Cho nên muốn tránh bệnh Thượng Vĩ, chúng ta nên để ý đến chữ thứ 5 của 4 câu đi liền nhau, đừng cho trùng tự loại.