--------------------------------------------------------------------------------
THI BỆNH (tiếp theo)
Hôm nay chúng ta cùng nghiên cứu về thi bệnh thứ nhất, đó là bệnh
1. BÌNH ĐẦU:
Bệnh này nằm ở 2 hoặc 3 chữ đầu của 2 liên đứng kề nhau, tức là 2 hay 3 chữ đầu của 4 câu: 4 câu trước hoặc 4 câu giữa hoặc 4 câu sau trong bài bát cú.
Hai hay 3 chữ đầu của 4 câu đứng liền nhau không được cùng một tự loại. Nếu cùng một tự loại thì đầu 4 câu trông bằng nhau như để thước mà xắn, nên gọi là Bình Đầu.
Bệnh bình đầu ở Ngũ Ngôn có thể do trùng thanh độ mà có.
Bệnh bình đầu ở Thất Ngôn Luật Thi do đồng tự loại mà ra.
Cổ thể (thơ cổ phong) thì chỉ 2 câu liền nhau đã gây ra thi bệnh. Cận thể (thơ Đường luật) phải 4 câu liền nhau mới có thể sinh ra bệnh. Bệnh căn và bệnh trạng hai bên khác nhau là thế.
Các bệnh khác đại để cũng vậy.
Xin cử một vài thí dụ về bệnh Bình Đầu:
1.
HOA SEN
Nắng sưởi ao xanh nắng ửng hường
Bèo lây cốt cách súng lây hương
Sắc ngời Ngân hán thô màu gấm
Bóng dợn Thiềm cung thẹn dáng gương
Ơn nước nặng mang tình uỷ ký
Lòng tơ riêng vướng nợ văn chương
Non xưa sực nhớ hồi ly biệt
Tiếng hạc canh dài mộng vấn vương
Liên Tâm
2.
LĂNG MAI XUÂN THƯỞNG
Lưng ngựa ba đông dặm chiến trường
Hoành sơn đá chất nghĩa Cần Vương
Làu làu bóng rạng gương Hoàng Nguyễn
Vọi vọi nền cao tiết Vũ Trương
Ôm ấp hùng tâm bia chuốt ngọc
Giữ gìn trung cốt đất sanh hương
Trăng lên ba biểu chờ tin hạc
Một nén tinh thành gió bốn phương
Tú Xương
3.
CUNG OÁN (1)
Trước ốc huỳnh hôn đứng vẩn vơ
Thêm ngao ngán cảnh chạnh lòng thơ
Hài hoa bước khẽ chiều tha thiết
Mắt phụng trông chừng luống ngẩn ngơ
Trướng bạc những khi hơi bích lọt
Nhà vàng bao thuở thoả ân thừa
Âm thầm luống chịu mình u bế
Đừng trách đời Đường hạn chẳng mưa
Khuyết danh
4.
CUNG OÁN (2)
Hay cợt người chi một chữ tình
Thôi đừng dở rối lại buồn tênh
Giọng rầu rĩ dế càng đưa tiếng
Mặt ủ ê hoa khéo đạm hình
Gió phảng phất chiều kề trước giại
Nguyệt mờ mệt vẻ hé bên mành
Đến Dương bao nả hơi xuân bén
Đành để riêng ai chịu bất bình
Khuyết danh
Hai bài Cung Oán này là 2 bài thơ cổ khuyết danh (không biết tác giả). Trong sách "Phép làm thơ", Diên Hương ghi là của Ôn Như Hầu. Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ là không phải của Ôn Như Hầu vì bút pháp của Ôn Như Hầu rất lão luyện, còn văn chương 2 bài Cung Oán này (cũng như những bài Cung Oán khác) có phần kém thôi xao. Hai bài này được trích dẫn ra đây chỉ để trình bày về Thi Bệnh mà thôi.
Hoàng Thứ Lang không có nhiều thì giờ sao lục, sưu tập những bài thơ theo từng loại thi bệnh của nhiều tác giả để cùng các bạn phân tích cho thêm phần phong phú.
Tuy nhiên, nếu có thể được thì Hoàng Thứ Lang sẽ làm từ từ để có dịp hầu chuyện cùng các bạn.