--------------------------------------------------------------------------------

Trong bài Phép dụng tự có đề cập đến việc bài thơ phải tránh:
1. Điệp thanh
2. Điệp âm
3. Điệp vận

Hôm nay xin được tiếp tục bàn về ba điểm trên. Trong phạm vi bài này chỉ bàn về Thơ Thất Ngôn Luật Thi mà thôi (Thơ Ngũ Ngôn Luật Thi sẽ bàn vào một dịp khác).


1. Điệp thanh:

Chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong các câu luật trắc vần bằng. Hai chữ ấy đều bình thanh thì thượng đoản hạ trường, hoặc ngược lại (thượng trường hạ đoản), chớ đừng dùng cả hai hoặc đều đoản hay đều trường.
Thí dụ 1 (cả hai đều cùng đoản bình thanh):

Thành Loa vừa thấy xây vua Thục
Ải Lạng quanh coi đuổi giặc Ngô
(Nguyễn Đỉnh Ngọc)

Câu thơ không có tiếng ngân, hơi thơ đọc xong là đứt không đủ sức đi vào lòng người đọc người nghe.

Tuy vậy vẫn còn đỡ hơn chữ thứ 4 và chữ thứ 7 đều cùng trường.
Thí dụ 2 (cả hai đều cùng trường bình thanh):

Nõn nà sắc nước nhờ ơn nước
Ngào ngạt hương trời ngát dặm trời
(Lê Thánh Tôn)

Câu thơ quặp ở giữa lưng như bụi chuối bị gió thổi gãy, âm hưởng nghe chìm lỉm như tiếng trống bị đùn da. Lỗi này nên tránh.

Thượng đoản hạ trường hoặc thượng trường hạ đoản thay đổi nhau thì câu thơ mới hài hảo.

Tuy nhiên nếu chữ thứ 4 có một trường bình thanh đứng kề thì câu thơ lại đọc nghe êm tai.
Thí dụ:

Thay mười tám triệu người ăn nói
Mở bốn ngàn năm mặt nước non
(Trần Tế Xương)

Mấy hàng tóc bạc từng dâu bể
Một tấm lòng son giải núi sông
(Đặng Xuân Bảng)

Nói tóm lại trong một câu Thất Ngôn thì có hoặc 4 tiếng bằng 3 tiếng trắc, hoặc 4 tiếng trắc 3 tiếng bằng thì những tiếng bằng trắc ấy phải có thanh độ khác nhau, câu thơ mới giàu âm nhạc. Trong mỗi câu ít nhất là phải có 1 tiếng trường bình thì nghe mới êm. Nhưng chớ nên dùng nhiều trường bình quá. Nhiều trường bình làm cho câu thơ yếu ớt, giọng trầm trầm khó nghe. Trong một câu Thất Ngôn có 4 tiếng bằng thì dùng 2 tiếng trường bình là vừa. Nếu một câu có 3 tiếng bằng mà dùng trường bình cả 3, hoặc 4 tiếng bằng mà dùng đến 3 trường bình thì câu thơ nghe không được du dương trầm bổng, mặc dù không phạm lỗi gì cả.
Thí dụ:

Trời làm đá nát lại vàng sôi
Thiên hạ trông mưa đứng lại ngồi
Ngày trước biết gì ăn với ngủ
Bây giờ lo cả nước cùng nôi
Trâu mừng ruộng nẻ cày không được
Cá sợ ao khô vượt cả rồi
Tình cảnh nhà ai nông nổi ấy
Quạt mo phe phẩy một mình tôi
(Trần Tế Xương)

Chúng ta nhận thấy câu đầu có 3 trường bình thanh trên 4, âm thanh nghe không được hài mỹ bằng những câu mà thanh độ điều hoà là các câu dưới.