"Thể thơ Đường luật, về hình thức, các nhà thi học đều công nhận là toàn hảo. Nhưng nó chỉ thích hợp với những tình cảm đã được tiết chế, với những tâm hồn trầm tĩnh, với những người nặng về đời sống nội tâm. Nó không còn thích hợp với người hiện đại, bởi lòng luôn bị ngoại cảnh chi phối, rất ít khi được yên tĩnh, ung dung, nhịp lòng và nhịp thơ không thể hài hòa với nhau được thỏa đáng".
Thơ có nhiều thể, thể nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm hoặc nhược điểm. Chúng ta chọn thể thơ Đường luật là vì thể thơ này thích hợp với tâm hồn của chúng ta. Thể thơ này đã bị các nhà Thơ Mới đả kích dữ dội ngót mười năm từ 1932 đến 1941. Bị công kích, đả đảo ngay khi thể thơ mới ra đời, đã bị một số danh gia, như Lý Thái Bạch, Hàn Sơn ... chỉ trích nặng lời, chớ chẳng đợi đến các thi nhân sanh sau hàng ngàn năm.
Bị đả kích mà vẫn tồn tại bởi có những ưu điểm. Trừ những kẻ thiên kiến, những người không độ lượng, không ai phủ nhận, không ai nỡ hủy diệt, trái lại còn rũ lòng ấp ủ nâng niu
Để mở đầu phần Thi Pháp Thơ Đường Luật, hôm nay Hoàng Thứ Lang xin trích bàn về Phép dụng tự.
Thơ Đường thường dùng thực tự ít dùng hư tự.
Các nhà thi học đời sau thường nhận xét rằng: "Thơ mà dùng hư tự không hay". Đó là lời của Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên. Người đồng thời cùng họ Triệu là Phạm Phanh nói thêm: "Thơ dùng nhiều thực tự thì mạnh, dùng nhiều hư tự thì yếu". Tạ Trăn cũng nói: "Dùng nhiều thực tự thì ý giản mà câu mạnh, dùng nhiều hư tự thì ý phồn mà lời yếu".
Xét kỹ thì Cổ Thi thường dùng hư tự, Luật Thi thường dùng thực tự. Đường nhân hay dùng thực tự, Tống nhân hay dùng hư tự.
Nói là chuyên dùng, ưa dùng ... là chuyên dùng nhiều, ưa dùng nhiều tự loại này hơn tự loại kia đó thôi. Hư tự dùng để đẩy đưa lời thơ, để gắn nối chữ này với chữ nọ. Dùng nhiều thực tự quá câu thơ thành nặng nề. Dùng nhiều hư tự quá câu thơ trở nên lỏng lẻo bên lời, cạn cợt bên ý. Phải sử dụng sao cho thích ứng, cho cân xứng. Như thế mới là diệu thủ.
Trong làng thơ Quốc âm, bà Huyện Thanh Quan hay dùng thực tự, bà Hồ Xuân Hương hay dùng hư tự. Tôn Thọ Tường thường dùng thực tự, Trần Tế Xương thường dùng hư tự.
Dùng nhiều thực tự thì thơ cô đọng chững chàng. Dùng hư tự vừa phải thì thơ nhẹ nhàng bay bướm. Xin dẫn chứng:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
(Bà Huyện Thanh Quan)
Bát canh Quảng Võ ơn còn nhớ
Chén rượu Hồng Môn lệ khó ngăn
(Tôn Thọ Tường)
Tóc vướng hơi hương vườn thúy liễu
Lòng nương tiếng địch bến vi lô
(Tú Xương)
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
(Bà Huyện Thanh Quan)
Nghi ngút tro tàn nền đạo nghĩa
Lờ mờ bụi đóng cửa trâm anh
(Tôn Thọ Tường)
Thà không trời đất không chi cả
Còn có non sông có lẽ nào
(Phan Sào Nam)
Chiếc bá buồn vì phận mỏng mênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
Cầm lái mặc ai lăm đổ bến
Giang chèo thây khách rắp xuôi ghềnh
Ấy ai thăm ván căm lòng vậy
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh
(Hồ Xuân Hương)
Đó là những câu dùng hư tự nhiều mà hay, nhất là câu thơ của Phan Sào Nam thật là hy hữu.
Dùng hư tự mà không khéo thì câu thơ thành non nớt, không truyền được cảm, mặc dù trong thơ có nhiều tình:
Trên đài hiu hắt ngọn đèn hoa
Gang tấc xem bằng mấy dặm xa
Một kiếp đã đành rằng để vậy
Chín trùng có thấu đến chăng là
Ỏi tai ngán nỗi đàn ve gảy
Tan mặt buồn tênh cái nhện sa
Ví biết thân này chi khó bấy
Quyền môn chen chúc chẳng bằng thà
Đó là một bài thơ được truyền tụng nhan đề CUNG OÁN.
Trong sách "Phép làm thơ" của Diên Hương chép là của Ôn Như Hầu. Theo Quách Tấn nhận xét thì không phải, vì bút pháp của Ôn Như Hầu rất già dặn, chải chuốt. Thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc đã nổi danh là điêu luyện đến mức, và những câu sau đây, chỉ vài câu còn truyền tụng thôi, cũng đủ chứng minh rằng những câu thơ quá dễ dãi trên đây không phải là di sản của Ôn Như Hầu:
Cõi thế lênh đênh thuyền hạo kiếp
Lẽ trời lồng lộng võng huyền cơ
(Cảm tác - Ôn Như Hầu)
Man mác cảnh đâu ngoài vạn dặm
Bâng khuâng chuyện những mấy trăm năm
(Nghe ếch kêu - Ôn Như Hầu)
Lời thơ tự nhiên, lưu loát chớ không quê vụng như bài CUNG OÁN trên.
Bài CUNG OÁN có nhiều chữ dư, tức là những chữ không cần thiết, chỉ đem vào cho đủ vế mà thôi. Chúng ta nên tránh.
Chẳng những tránh dùng chữ thừa, mà còn tránh dùng một chữ đến 2 hoặc 3 lần, trừ khi cố ý nhấn mạnh, cố ý làm nổi bật một tứ thơ.
Lỗi bị trùng chữ rất thường xảy ra. Đến các bậc lão luyện vẫn nhiều khi vấp phải. Như Tố Như trong bài Vọng Phu Thạch.
Nhưng vì bài thơ có giá trị của viên ngọc liên thành, cho nên những vết nhỏ kia có thể bỏ qua. Tuy nhiên nếu viên ngọc toàn mỹ thì càng quý bội phần.
Tản Đà thỉnh thoảng cũng không tránh khỏi. Tiên sinh có bài THEO VOI ĂN BÃ MÍA cũng bị phạm lỗi này.
Chúng ta không phải như Tố Như, Tản Đà nên đừng bắt chước.
Huống nữa đã là lỗi thì dù là của bậc đại gia văn chương đi nữa cũng không nên lấy đó làm gương.
Tránh những chữ vô dụng, tránh những chữ trùng điệp.
Lại còn phải tránh:
1. Điệp thanh.
2. Điệp âm.
3. Điệp vận.