3. BỆNH PHONG YÊU

Bệnh sanh ra do chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trùng thanh độ.
Thí dụ:
Để bụng phải đeo điều nhẹ nặng
Ôm tai mặc quách tiếng chê khen
(Trần Tế Xương)

In sáo vẽ cho thằng mặt trắng
Bẻ cò tính lại cái lương vàng
(Nguyễn Khuyến)

Văn tự viết cho thiên hạ giữ
Tính danh ghi để thế gian coi
(Quán Vinh)

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh
(Hồ Xuân Hương)

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
(Bà Huyện Thanh Quan)

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Bà Huyện Thanh Quan)

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
(Bà Huyện Thanh Quan)

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
(Nguyễn Khuyến)

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
(Nguyễn Khuyến)

Bệnh Phong Yêu Hạc Tất trong thơ Thất Ngôn không mấy ai lưu tâm, trừ những người chuộng thanh vận, vì chỉ là "bệnh ngoài da" không có ảnh hưởng bao lăm đến thi nhạc. Như đọc những câu thượng dẫn, chúng ta nghe không đến nỗi chói tai. Và những câu mà chữ thứ 2 và chữ thứ 7 đều là đoản bình thanh, nếu đặt trước chữ 2 hay chữ 7 một chữ trường bình thanh, thì thanh âm của câu thơ trở nên hoàn toàn hài mỹ.
Thí dụ:
Bình tước mặc tranh treo trước án
Cầu ô sẵn nhịp bắc ngang sông
(Trần Tế Xương)

Gương nọ toan soi cho đẹp mặt
Phấn kia không lẽ nỡ dồi chân
(Trần Tế Xương)

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Tôn Thọ Tường)

Bệnh tuy nhẹ, nhưng nếu tránh được thì càng hay, chúng ta nên tránh nhất là trong những câu có vần. Hễ chữ thứ 7, chữ hạ vần, là đoản bình thanh, thì chữ thứ 2 nên dùng trường bình thanh. Hễ chữ thứ 7 là trường thì chữ thứ 2 nên đoản. Đừng nên dùng trường thanh cả hai nơi. Nếu hai nơi đều là đoản thanh thì nên dùng một trường bình thanh ở trước nơi nầy hoặc nơi kia, như trên đã nói. Như thế là ổn. Trường bình thanh cũng cứu được khỏi bệnh trong những câu lẻ mà chữ 2 và chữ 7 trùng thanh độ về Thượng, Khứ, Nhập, như câu "Cầm lái... bến".