Khi kết hôn muộn, bạn sẽ có đường công danh, sự nghiệp ổn định, nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn khác.
Tự tin có thừa để ung dung tận hưởng cuộc sống tự do thời “hoàng kim”mà không lo bị ế, nếu bị thúc giục, họ sẽ nói: “Thà kết hôn muộn còn hơn ly dị sớm”.

Kết hôn muộn có hay?

Đã xa rồi cái thời “lấy chồng từ thủa mười ba, đến khi mười sáu em đà năm con”. Thời đại internet cuốn con người vào vòng xoáy, khiến không ít người chẳng có thời gian để mà lo cho hạnh phúc trăm năm. Chỉ đến khi nhìn lại, thấy mình đã đi khá xa điểm xuất phát ban đầu, họ mới nháo nhác tìm kiếm nửa kia.

Lấy chồng sớm làm gì?

Thời hiện đại, nam nữ bình đẳng, có cơ hội trong học tập, làm việc như nhau nên phụ nữ ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trong gia đình và xã hội.

Phụ nữ thời nay có không gian tiếp xúc rộng rãi, đa dạng hơn xưa, có nhiều sự lựa chọn nên việc “kén cá chọn canh” cũng không có gì là khó hiểu.

Hơn nữa, với những bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định, có đời sống tinh thần vui nhộn với các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn trong một xã hội có cái nhìn ngày càng thoáng hơn đối với các mối quan hệ nam nữ, thì cuộc sống tự do thật sự lý tưởng để “tiêu pha” thời trai trẻ của mình. Mấy ai dại gì “ký vào bản án chung thân” với một người bỗng nhiên trở thành vợ hoặc chồng của mình để rồi vướng bận đủ thứ chuyện gia đình, con cái phiền phức.

Nếu lấy chồng thì các nàng cũng không thể “một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà phải tìm anh nào nhà cửa đàng hoàng hoặc ít ra cũng có cơ hội thăng tiến chứ.

Thiên hạ vẫn bảo “Chờ lâu mới bắt được cá to” nên các cô chả đi đâu mà vội. Thế nên, khi bà mẹ cuống cà kê lên vì đứa con gái đã 27 tuổi mà vẫn không chịu lấy chồng: “Có phúc như con người ta là đã con bồng con bế rồi đấy! Còn đây thì chỉ suốt ngày nhí nhoét rồi chả ma nào nó thèm rước cho đâu con ạ!” thì cô gái vẫn bình chân như vại với một phương châm bất hủ: “Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”.


Với những cô gái này, tự tin có thừa để ung dung tận hưởng cuộc sống tự do thời “hoàng kim”mà không lo bị ế. Nếu bị thúc giục, họ sẽ nói: “Thà kết hôn muộn còn hơn ly dị sớm”.

Sống vội, yêu vội nhưng...

Các chàng trai hiện đại không hiểu rủ rỉ rù rì vào tai nhau những gì mà cũng rủ nhau “nói không với hôn nhân” hết cả. Tất nhiên, không phải họ có tư tưởng độc thân suốt đời bởi vì dù sao lấy vợ cũng là một trong những “sự sung sướng” của đàn ông. Vấn đề là họ muốn “hoãn cái sự sung sướng ấy lại” đến một cái tuổi thích hợp, khi mà họ đã chuẩn bị bước sang “cái dốc bên kia của cuộc đời” và dám đối mặt với những “ám ảnh” về hôn nhân.

Không nói ra thì ai cũng biết, càng ngày người ta càng có xu hướng sống nhanh hơn, gấp hơn. Giới trẻ ngày nay đại diện cho một lớp người sống vội.

Tình yêu của tuổi trẻ là một điều vô cùng hấp dẫn nhưng thường diễn ra một cách chóng vánh theo kiểu “tình một đêm” để rồi cứ mải miết chạy theo hết tình yêu này đến tình yêu khác mà không hề mệt mỏi. Đa số họ thường bị ghép cho một cái tội là “ích kỷ”, chỉ biết đến cái sung sướng của bản thân mình mà không ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình và những giá trị to lớn mà gia đình mang lại.

Những mối tình nhoáng nhoàng thường chẳng để lại gì ngoài một vài lần chung chạ chứ đừng nói chuyện nghĩa nặng tình sâu để se duyên chồng vợ, sống với nhau tới đầu bạc răng long.


Hãy biết điểm dừng

Thực tế không phải ai muốn trì hoãn việc hôn nhân cũng là do kén chọn hay muốn hưởng thụ tự do. Nhiều người không hề thích “chăn đơn gối chiếc” hay lý tưởng cuộc sống độc thân gì cả. Họ cũng mong sớm có một mái ấm gia đình, một bàn tay ấm áp yêu thương và những đứa con xinh xắn nhưng phải miễn cưỡng chịu đựng sự cô đơn của mình vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau.

Nhiều người mê mải chạy theo công danh, sự nghiệp lo lấy cái bằng 2, bằng 3, thạc sĩ, tiến sĩ... Nhiều người lại quyết tâm lên đến chức này chức nọ, làm được cái này cái nọ rồi mới tính chuyện gia đình. Nhưng đến khi đạt được những mục tiêu ấy, nhìn lại họ mới nhận ra “Hình như mình không còn son trẻ”. Cái đuôi U30, U40 đã xếp họ vào nhóm “quá lứa lỡ thì”. Thiên hạ đồn ầm ầm “Ở cái tuổi ấy mà chưa vợ (chồng) gì coi như hâm nặng rồi”.

Áp lực cuộc sống hiện đại khiến con người ta có quá nhiều việc phải làm, phải lo nghĩ cũng như “phải” hưởng thụ. Áp lực đó sẽ không giảm đi mà luôn tăng lên theo thời gian. Vì thế, xu hướng kết hôn muộn là điều tất yếu.

Không nên kết hôn quá sớm khi vợ (chồng) còn quá trẻ, chưa có tích lũy về kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm sống, không có khả năng duy trì cuộc sống ổn định cũng như hạnh phúc gia đình.

Nhưng nếu không biết điểm dừng để kết thúc cuộc sống độc thân vào thời điểm thích hợp trước tuổi băm sẽ rất khó tìm “đối tượng” nhất là với phụ nữ có lứa có thì. Ngoài ra, những cặp vợ chồng kết hôn quá muộn có thể gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản.

(Theo Zing)