-
Cuốn sổ tay
Trời trở lạnh, cái lạnh bất thường của tháng ba ở vùng đất duyên hải này. Lan thấy ngực nghẹn đứng. Chị cố thở thật sâu nhưng lại cất lên một tràng ho sù sụ. Chị níu tay vào song cửa. Trời có nắng nhưng nhạt nhẽo và lạnh lùng. Mấy đứa nhỏ đi học vẫn chưa về. Chồng đi làm từ sáng sớm. Khổ thân ảnh ! Hai dòng lệ lăn trên gò má xanh xao.
Lan quen Cường vào một buổi chiều thẫm. Hôm ấy, chị ra Bãi Trước nhưng không tắm mà thẫn thờ ngắm hoàng hôn. Trời tối lúc nào chị chẳng hay. Bỗng chị nghe tiếng ghitare vẳng lại phía sau lưng. Ngoảnh lại, chị bắt gặp ngay một mái tóc lãng tử, một giọng hát ấm áp và một cái nháy mắt nghịch ngợm. Chị chủ động đứng dậy và đến chỗ chàng thanh niên.
- Anh hát hay lắm, nhất là trước biển. – Chị mượn một lời khen thay cho câu chào.
- Anh sẽ hát hay hơn nếu có một tóc dài bên cạnh. – Chàng cũng đẩy đưa con sáo.
Lan tự nhiên ngồi xuống. Chàng chuyển tông và chơi một bản van-xơ nhẹ nhàng. Lan chỉ yên lặng lắng nghe. Không khen, không chê.
- Em hát một bài nhé ! – Chàng trai đề nghị.
- Nha Trang Ngày Về của Phạm Duy. Được chứ? – Nàng hỏi, giọng sẳn sàng.
Cường chuyển qua gam thứ rồi móc điệu slow điệu nghệ. Giọng Lan thanh và cao. Giọng hát đau đớn như vừa qua một vết thương… khi tình tôi chít khăn tang, ai gào ai giữa đêm trăng, cho từng lớp sóng mơn man từ đó… tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát lưu đầy… dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này… dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này… dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này…Đôi mắt Lan ầng ậc nước mắt. Cường đưa cho nàng chiếc mùi xoa. Hai người nói chuyện bâng quơ rồi chia tay.
Hai năm sau thì họ lấy nhau sau những lần lại gặp nhau ở Bãi Trước, Bãi Sau. Lan cũng suy nghĩ lung lắm trước khi kết hôn với Cường. Có nên thuyết phục “mối tình đầu” lần nữa và quay lại miền cát trắng Nha Trang ? Hay kể hết chuyện ngày xưa cho Cường rồi ra sao thì ra ? Cuối cùng Lan đành nín lặng nhìn lên tượng Đức Jesus đang đau khổ dang tay nhìn ra biển.
Đêm cưới, Lan lo sợ đến đau đớn. Cường sẽ đối xử như thế nào nếu biết mình đã là đàn bà, thậm chí đã làm mẹ …??? May sao hôm ấy nó hành kinh sớm, Cường tạm thời không nhận ra.
Mười lăm năm sống với Cường, có với nhau ba mặt con. Lan rất đớn đau mỗi lần gần gũi. Sự lo sợ ngự trị trong lòng nàng. Đã nhiều lúc, Lan ước chi lại được quay về với “người tình đầu tiên”, chàng thợ mộc tài hoa, hiền lành mà mạnh như trâu ấy. Ngày ấy, vừa xong lớp 12, Lan lên thành phố học việc thì gặp Bảy Tuấn. Dãy phòng trọ Lan ở chỉ mỗi Bảy Tuấn là đàn ông. Lan thương anh ở tính tình chất phác và hay thương người. Tuấn chẳng nề hà nhường từng xô nước cho chị em tắm giặt, nấu ăn, còn mình thì đợi đến lượt sau. Xa gia đình, cô đơn nên Tuấn và Lan đến với nhau chóng vánh. Ở cái tuổi đang xuân, lửa và rơm cứ quấn với nhau khi nào có dịp. Khi thì ở phòng Tuấn, dịp khác thì ở phòng Lan khi chị em cùng phòng đi làm vắng hoặc chưa về.
Sau bốn năm tháng, Lan mới biết mình có mang. Lan bàn với Tuấn. Anh đưa Lan về Khánh Hoà để xin phép mẹ và anh trai. Mẹ anh đời nào chịu nhận một nàng dâu mà chưa cưới bụng đã vượt mặt. Tuấn bàn với anh trai. Ngữ ấy lại sợ vợ chồng chú em về chia nhà nên lấy “quyền huynh thế phụ” mà đuổi đi. Lan thư về cho mẹ ruột. Bà nước mắt thấm vào ruột non nhưng sợ ba và các anh Lan biết. Bà xoay đâu hai chỉ vàng rồi gởi tiền cho Lan. Mẹ Tuấn không thương dâu nhưng tiếc cháu, bà bảo cứ đẻ bà nuôi, cưới thì đừng hòng. Lan bí quá đành về nhà Tuấn mà sinh. Nàng thầm mong sau khi có cháu thì mẹ Tuấn sẽ thay đổi mà nhận nàng làm dâu con trong nhà.
Thanh Hương ra đời sau đó ít tháng. Được một trăm ngày, mẹ Tuấn cương quyết đuổi Lan đi. Một người mẹ dễ dàng gì từ bỏ đứa con rứt ruột sinh ra. Nhất là đứa bé ấy mới vừa hơn ba tháng đang còn bú mẹ và mới tập ăn dặm. Tuấn bất lực vâng phục mẹ. Đến đêm, nàng ra đi trong hoảng loạn, đau đớn và tuyệt vọng. Những ngày kế tiếp, sữa cương làm nàng càng đau đớn. Lan nhảy tàu về lại Nha Trang. Tần ngần trước nhà, nghe tiếng khóc của bé Hương mà lòng nàng như xót muối. Bà bán hàng gần đó lại cho nàng biết Bảy Tuấn sắp lấy vợ. Người được chọn đã gần ba mươi, giỏi chạy chợ nhưng hơi đanh đá.
Lan lên xe đò ngược về nam, chuyến xe đưa nàng về Vũng Tàu. Chị bắt đầu quãng đời ở đây bằng chân phụ quán cà phê.
Hôm nay, tự dưng mà chị lại nghĩ đến con. Chị nhìn lên tờ lịch. Hương gần mười tám rồi. Chị vội vàng lục lọi lại địa chỉ nhà Tuấn, nơi mà chị đã cố quên trong mười lăm năm qua. Chị gọi vào tổng đài 0583 1080 để may ra có số điện thoại nhà Tuấn. May quá ! Chị bấm hú hoạ . Mẹ Tuấn bắt máy.
- Thưa … mẹ ! (Chị rất khó khăn khi gọi ra từ này). Con là…Lan đây. Con có lẽ sắp đi rồi. Mẹ cho con gặp bé Hương…Con chỉ muốn gặp cháu một lần…Con chỉ muốn nói với cháu mấy lời…
- Chị định dụ cháu tôi đấy à? Rồi nó lại như chị thì đẹp mặt nhỉ? – giọng bà chua chát và cay độc.
Lan định nói nữa nhưng bị một cơn ho cắt ngang. Máu tươi cứ theo đờm dãi mà chảy. Lan gục xuống bên bàn điện thoại.
Mấy tháng sau thì Lan đi. Chị để lại một quyển sổ ghi chép. Trong đó, một số sự việc được ghi lại vắn tắt. Phía sau là những trang ghi chép cho Cường như một sự xin lỗi muộn màng; những trối trăn cùng sắp nhỏ và đặc biệt với bé Hương – đứa con gái từ mối tình khờ dại mà chị chưa gặp mặt lại từ khi nó mới một trăm ngày tuổi.
Hôm qua, anh Cường điện thoại cho tôi. Anh bảo nếu mấy tháng nay tôi không ốm thì đã kể cho tôi nghe “để xin ý kiến” và chuyển quyển sổ tay cho bé Hương. Tôi biết là Cường sốc. Mười lăm năm đầu ấp tay gối mà không hề nhận ra. Tôi cũng sợ bé Hương sốc. Con bé sắp thi tốt nghiệp rồi. Tôi nhắn tin cho Cường. “Cứ thư thư ông ạ. Mà tôi cũng kiểm tra xem nhà tôi có lập sổ riêng không đã”. Cường trả lời tôi là biểu tượng cái mặt méo.
-
Posting Permissions
- Bạn không thể tạo chủ đề mới
- Bạn không thể trả lời
- Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
- Bạn không thể hiệu chỉnh bài
-
Quy định của diễn đàn