Nàng hộ khẩu Thủ đô. Nói “hộ khẩu Thủ đô” chính xác hơn nói “người Hà Nội”, vì cả bố và mẹ nàng đã đồng thanh trong lần chàng ăn cơm nhà nàng: Mời anh cầm đủa!
Còn chàng, nếu cứ chiếu theo địa điểm đang ở thì cũng gọi là “người Hà Nội”, nhưng chàng khai tuốt tuồn tuột gốc gác quê mùa: Tôi tên Tương quê Hưng Yên, đóng quân ở Tây Nguyên, giờ đang là học viên... Anh trai nàng phụ họa: Anh Tương đang gian nan môn Anh văn. Em chịu khó gia sư cho anh Tương giúp anh. Anh Tương năm nay ba hai xuân, nhưng vẫn còn trai tân... Nàng cười nắc nẻ khi hai ông lính đồng môn thay nhau trình bày hoàn cảnh. Không phải đùa tếu cho vui đâu. Thực thế đấy. Vốn tiếng Nga kha khá đã giúp chàng Tương rất nhiều trong khai thác khí tài, giờ ra đây không có đất tung hoành. Gặp tiếng Anh, miệng chàng cứng như nhai đá lạnh. Thế nên Ngữ, chàng trung tá đến từ quân khu Thủ đô mới thương tình tiếp thị: Tôi có con em đang học bên Kinh tế...
Nàng học tiếng Anh từ ngày chưa sõi tiếng Việt nên đương nhiên là giỏi. Nói như gió thì ăn nhằm gì, nàng còn hát tiếng Anh như Madonna ấy chứ! Nàng không thiếu tiền tiêu. Đương nhiên là thế. Tiền tiêu vặt một tháng của nàng bằng mấy lương chàng. Nàng đồng ý làm gia sư cho chàng chỉ vì thích được “mắng mỏ và dạy dỗ” một thiếu tá quân đội cho oai!
Những gì tiếp theo diễn ra đúng logic cuộc sống. Một trai một gái thanh tân. Cái thông minh sắc sảo của nàng gặp cái chân phương chững chạc của chàng... Đương nhiên!
Mọi người xầm xì chàng Tương khôn. Bố nàng làm to thế, học xong chàng ở lại Hà Nội là đương nhiên.
Có người lại bảo nàng khôn. Thời buổi này bói đâu ra được người đàn ông như thế. To cao đẹp giai, kỹ sư vô tuyến điện tốt nghiệp bên Nga, giờ lại thêm Học viện. Cán bộ nguồn đấy, lên tướng là cái chắc!
Nàng thì nghĩ, chả biết mình dại hay khôn. Nàng đã trải qua mấy cuộc tình. Những công tử Hà thành đi qua đời nàng như lốc xoáy. Rạp người ôm cứng nhau trên con xe phân khối lớn lao với tốc độ kinh hoàng, vũ trường đèn chớp ma quái nhì nhằng quay cuồng cơn say thuốc lắc... Những cơn thác loạn qua đi để lại cho nàng những cảm giác mệt mỏi rã rời. Khi đã chán ngán patê phó mát, người ta lại thèm cà pháo, cua đồng. Đương nhiên!
Chàng Tương thì nghĩ, tình yêu ai lại tính dại khôn. Chàng cứng tuổi, đóng quân nơi hoang vu rừng núi, lòng khô xác như cỏ tranh mùa khô, giờ gặp lửa tức thì bùng cháy. Khi yêu ai chả bảo tình yêu của mình là trong sáng vô tư không vụ lợi. Đương nhiên!
Họ ít đi chơi. Cả chàng và nàng đều không thích trò vờn vã, đãi đưa. Tình yêu cốt nhất là chân thành, chàng nói thế. Đúng, cốt nhất là sự chân thành, nàng cũng đồng ý thế. Nên khi nàng đòi tổ chức mừng sinh nhật của chàng, chàng giãy: Trong đơn vị anh tất cả những chiến sĩ sinh cùng tháng được đơn vị tổ chức mừng sinh nhật một lần. Đông vui đáo để nhé! Nàng phụng phịu: Nhưng đây là Hà Nội. Anh đừng mang nếp sinh hoạt doanh trại vào giảng đường, chán lắm! Chàng Tương ngỏn nghẻn: Dưng mà anh... ngượng lắm!
14-2, nàng hỏi khéo, hôm nay là ngày gì ấy nhỉ? Chàng Tương gãi đầu, ngày gì ấy nhỉ? Nàng khoằm mặt, Valentine, ngày Tình yêu, anh thờ ơ nhỉ! Hiểu ra, chàng à, ngày đấy là của Tây, mình là người Việt Nam, ai lại thế! Nàng háy, anh nhìn xung quanh kìa, ai cũng tặng người yêu kẹo chocolate, chỉ mỗi anh là thế! Chàng Tương ngẩn người: à... ra thế!
22-12, chàng Tương hỏi bắt chước nàng, hôm nay ngày gì ấy nhỉ? Nàng ngơ ngác nhìn chàng, có ngày gì đâu nhỉ? Chàng Tương tẽn tò, à... hôm nay bọn anh... được nghỉ...
24-12, nàng thỏ thẻ, hôm nay mình đi chơi Noel! Chàng giật mình, Noel à? Đêm Noel ở Tây Nguyên lạnh lắm! Noel nào bọn anh cũng phải trực... Nàng đổi tông giọng, nhưng đây là Hà Nội, và anh không phải là bác bảo vệ trường! Chàng nhượng bộ, thì đi! Phố xá như nêm. Xe đổ chỏng kềnh. Chàng cuống quít đỡ nàng đứng dậy luôn miệng suýt xoa: Tại anh không quen xe tay ga. Nàng nén đau xoa gối nhìn chàng nhắc nhỏ: Đấy là xe Attila. Chàng lóng ngóng khởi động lại xe thầm tự giễu: Mình quê thế! Nàng áp má vào lưng chàng, nghĩ thầm: Người đâu mà yêu thế! Nàng đòi overnight - qua đêm... chàng vẫn còn con trai!
Chàng đưa nàng về thăm quê. Con mèo ngồi khoanh tròn giữa sân lim dim sưởi nắng. Nàng reo lên: Ôi, con mèo ngồi như một chữ @! Chàng Tương nhíu mày: Sao không nói chữ @ như một chú mèo ngồi? Mẹ chàng nhanh nhảu: Cua còng gì đấy? Thích ăn để mẹ chạy vào chợ chiều mua cho dăm xóc mà ăn. Cua đang mùa, rẻ lắm! Chàng cười: Ôi mẹ ơi, đấy là tụi con nói về một kí hiệu trong tin học. Mẹ chàng ngẩn người lẩm bẩm: Tin học... tin học... Tin mà phải học! Chàng Tương phì cười túm gáy chú mèo xếch lên. Chú mướp co người, bốn vó rúm vào nhau. Loại này hay chuột phải biết. Chàng hỏi: Miu, nhà mày giàu hay nghèo? Con mèo mắt nhắm nghiền khẽ kêu một tiếng. Chàng cười: Nó bảo nghèo! Nàng cũng cười: ứ phải, nó kêu meo!
Học năm thứ hai, nàng trầm trồ: Tiếng Anh của anh hơi bị tanh! Bây giờ học kiểu khác. Nàng đưa chàng vào quán nét. Chàng lơ ngơ giữa căn phòng ngập ngụa tiếng phím gõ rào rào như một nong tằm ăn sắt thép: Học ở đây à? Nàng cười: Chứ sao!
Nàng ấn chàng vào máy: Để em lập cho anh một cái nick, anh sẽ ngất ngây con gà tây! Nàng click liên hồi. Mấy phút sau nick của chàng Tương đã hiện ra với cái tên vô cùng ấn tượng: cuadong70. Anh đánh password vào đi! Nàng ngoảnh mặt ra ngoài để chàng lóng ngóng mổ cò những kí hiệu vào hộp mật mã, lịch sự tuyệt đối! Nàng quay vào cười tươi: Nhớ kĩ nhé, quên là die luôn đấy! Nàng cầm tay cậu học trò lớn xác nắn từng nét chuột. Chỉ vài giây khi nick của chàng xuất hiện trong chat room, đã có cái nick Ngoisaocodon nhảy vào gạ gẫm: Hi!!!!!! are you Korea? (Bạn là người Hàn Quốc?). Nàng nhếch mép: Nó thấy nick cuadong70, tưởng người Hàn đấy. Chàng ngớ ra: Em đặt tên nick của anh như thế có nghĩa gì? Nàng cười rũ rĩ: Ôi giời ôi! Cuadong70 là Cua đồng sinh năm 1970 đấy! Chàng đỏ mặt ngồi thần. Nàng liến thoắng: Out đi anh! Con này là gà nội, tiếng Anh mới ở mức i tờ. Tìm gà Tây chát mới phê! Thế nhé. Em buôn với gà của em đây. Nàng mở máy của nàng. Những cái nick name nhấp nháy liên hồi. Một chàng trai có khuôn mặt đẹp như tài tử cinema xuất hiện trong webcam. Hộp thoại ríu rít những lời chào thân thiện.
Thoạt đầu chàng Tương hơi bất ngờ và thích thú nhìn chú “gà Tây” ngước lên cúi xuống mổ lúc cúc trên bàn phím. Nhưng chỉ một lát sau mặt chàng đã xịu. Chàng đã đọc được những câu âu yếm hai người chát qua lại với nhau. Chàng đo lường được nồng độ tình cảm và thời gian liên hệ của hai người. Nàng đồng thời “nói chuyện” với chàng trai có nick name Donjuan bằng cách của người khiếm thị trên bàn chữ brai, và nói chuyện với chàng bằng môi miệng thường ngày: Anh thấy chưa, học tiếng Anh cách này “vào” lắm! Chàng lững lờ: ừ, vào lắm! Nàng ngẩng lên nhìn: Anh sao vậy? Xung đột phần mềm à? Đừng chuối thế. Mình học thôi mà. Chúng nó xa tít mù, ảnh hưởng gì đâu. Chàng hờn: Thời đại thông tin, người người đánh bắt xa bờ. Nàng không hiểu ẩn ý của chàng nên lại rào rào múa ngón. Chàng lơ đãng thoát khỏi chương trình Yahoo Messager, vào mục tin tức. Mỹ tấn công Irarq. Ngày đầu tiên, tên lửa hành trình Tomahoc với độ chính xác cao gần như tuyệt đối đã phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng. Quân đội của Tổng thống Saddam Hussein hoàn toàn bất lực trước đòn phủ đầu...
Nàng, mắt vẫn không rời màn hình: Anh thấy chưa, học cách này là nhất quả đất. Chàng rời mắt khỏi trang tin đẫm máu và thuốc súng quay sang. Hộp thoại vẫn ríu rít lời tình tứ. Nàng quay sang giải thích: Con này em mới câu được hai năm. Dân London gốc. Hơi bị đỉnh đấy! Nó đang than thở vì stress. Vừa lúc đó hộp thoại hiện lên dòng chữ ỡm ờ: Anh se sang Viet Nam gap em, ok? Nàng cười xoé lên: Mày dám không, hay chỉ bẻm mép! Rồi gõ nhanh: Ok! Em đang đoi anh! Webcam rung rinh. Chú “gà Tây” ngồi đờ đẫn trong sung sướng đến vài phút rồi mới gõ: Phu nu Viet Nam that tuyet voi! Anh ơi, gà của em đang nỉ non này... Không thấy tiếng đáp, nàng quay lại đã không thấy chàng đâu.
Nàng lồng lên đi tìm. Ký túc xá Học viện: Không có chàng. Nàng phi xe ào ào trên phố. Dòng người nườm nượp ào qua. Chàng lúc này khác chi chim trời cá nước. Chợt nàng nhớ có lần chàng nói chàng thích những nơi yên tĩnh. Nàng lượn ve vé quanh mấy cái hồ cạn nước Thủ đô. Dưới gốc cây dương liễu kia phải chàng Tương?
Chàng đứng lặng nhìn nàng bằng cái nhìn của người đàn ông khi ghen.
Nàng cũng đứng lặng nhìn chàng bằng con mắt của nhà điểu học ngắm chim bay. Rồi nàng ào vào lòng chàng: Anh đừng có mà ăng ghen như thế! Chàng ngoãy. Nàng cười thầm: Chuyện nhỏ như con thỏ! Hôm sau, để “hạ hoả”, nàng tặng quà chàng. Chàng mở ra ngỡ ngàng: Cái gì thế này? Nàng nghiêng mắt: Xì phôn đấy! Chúng mình có thể nấu cháo với nhau hai bốn trên hai bốn mà không mấy tốn!
Hoan hô Xì phôn! Điện thoại của những người yêu nhau! Trừ bốn tiếng trong lớp, mười tám tiếng còn lại Xì phôn luôn grừ grừ tút tít. Anh đang ở đâu, làm gì, nghĩ về ai? Vân vân và vân vân... Anh đang đọc sách, anh đang ăn cơm, anh đang đánh bóng bàn, anh đang trong... toa lét! Giời ạ! Trong toa lét mà cũng phải báo cáo! Thì... anh là lính thông tin mà, cứ phải chính xác tuyệt đối! Thông tin không chính xác có mà nướng hết quân! Thế em đang ở đâu? Làm gì? Nghĩ về ai? Vân vân và vân vân.... Em đang ở nhà. Có đi đâu đâu? Có ai để nhớ đâu? Chỉ mình anh thôi. Ghét thế! Tối nay mình đi Bờ Hồ nhé. Vân vân và vân vân…
Hoan hô Xì phôn! Nhờ có nó, nàng cảm thấy luôn luôn cạnh chàng. Hoan hô Xì phôn! Nhờ có nó chàng cảm thấy luôn luôn cạnh nàng. Họ đắm trong vùng phủ sóng. Nàng mãn nguyện vì đeo được chiếc vòng phát tín vào chân chú chim ngờ nghệch. Chàng hạnh phúc với kiếp một con chim đã đánh số. Con trâu bị buộc chỉ ăn quẩn quanh mòn mỏi trong bán kính quy định của sợi dây thừng. Chàng và nàng bằng lòng quẩn quanh trong bán kính cột viba nơi thành phố...Thấy chàng bơ thờ bước vào sân, mẹ đã giật mình:
- Thế con Khánh đâu không về?
Chàng lặng im. Mẹ càng hỏi gặng. Chàng bực mình đáp xẵng:
- Để cho con yên!
Một mình chàng lang thang ra cánh đồng vắng lặng buổi chiều. Gió rười rượi. Chuồn chuồn ngô liệng xè xè trên những đụn rạ dựng im lìm trên ruộng. Hai con chuột béo mẫm vọt ra từ một ngôi mộ đuổi nhau chí chóe ngay dưới chân chàng. Đồng quê muôn thủa vẫn chứa những âm thanh buồn trong lành. Mười mấy năm đi xa, lần nào về quê chàng cũng nôn nao một cảm giác rất lạ. Ngày còn học bên Nga, chàng gọi một cách văn hoa đó là cảm giác “đói đồng”.
“Đói đồng”, nghe thì da diết thế nhưng gần ba năm trời ra ngoài này học, đã mấy lần chàng thấy “đói” đâu. Mụ mẫm trước tình yêu sôi cuồng tuổi trẻ, chàng quên phứt những thao thức thường thấy ở Tây Nguyên. Giờ ngấm đắng, chàng mới ngộ ra khi vui thú ta có thể lãng quên mọi thứ, kể cả nơi chôn nhau cắt rốn, chỉ khi có tâm sự thì quê hương là cái túi trút bỏ buồn phiền. Và đến lúc này chàng lại có một thèm muốn oái oăm được sống như những ngày trên trạm TT. 3006.
Nơi ấy gần trăng gió, gần mặt trời. Mây bốn mùa quấn quýt quanh những cột ăng ten cao vút, quấn quýt trong mỗi bước đi, trong từng bữa ăn giấc ngủ, nũng nịu chui cả vào phòng máy. Ngày nắng ráo, máy bay dân dụng lững lờ vẽ lên những vệt bay thẳng tắp như những dòng nhạc ngang trời xanh mãi không tan loãng. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống luôn thấy một biển cúc quỳ rờm rợp cuộn sóng vàng. Càng vào mùa khô, cúc quỳ càng vàng ngợp. Nhìn đẹp đến nao người nhưng cũng khiến người nhìn có một cảm giác sờ sợ, ngại ngần nếu phải đi xuyên qua rừng hoa ấy. Ngại thì ngại, hàng ngày vẫn phải thay nhau đi thồ nước, đi mua đồ tiếp tế. Chàng là trạm trưởng, lâu lâu thèm dân quá cũng dành phần đi chợ. Cưỡi chiếc Minkhơ ngầu ngã, chàng chạy oành oành trên những đường dốc cao nguyên buông chùng cánh võng. Chàng cũng vào chợ chọn hàng, cũng kì kèo mặc cả. Mặc cả để được hưởng cái hạnh phúc được tiếp xúc với dân, chứ dân chợ vùng cao không khi nào nói thách. Chàng thồ trăm thứ bà rằn về đến chân núi thì dừng lại múc đủ bốn can nước chất lên xe, vằn vèo theo con dốc xoáy ngược lên. Cúc quì quệt vào xe ràn rạt toả mùi hăng ngái. Về trạm thì cả người cả xe vương bộn cánh hoa.
Ngày chàng đi, cậu chiến sĩ báo vụ có biệt danh Tuân toác, cái thằng sau mỗi ca trực lại nằm ghểnh gọng lôi tất cả tin bài trong báo ra hát thành chèo, đã cất lên một câu vọng cổ đầy bịn rịn: Trạm trưởng ơi! Mai trạm trưởng ra chốn thành đô phồn hoa rực rỡ.... Xin trạm trưởng đừng quên chốn rừng xanh núi đỏ có anh em đang vò võ mong... ơ... chờ! Mọi ngày chàng vẫn cười trước trò hát hổng của Tuân, còn hôm đó chàng suýt khóc. Cả trạm tiễn chàng xuống núi. Mấy anh em trong trạm đã đùa: Trông trạm trưởng ngố rừng lắm! Nhưng yên tâm, ba năm Học viện, cơm gạo Thủ đô sẽ làm bong cái da tái ngăm màu sốt rét kia thôi. Chả mấy chốc mà thành người sành điệu! Chàng chống chế: Bảy năm học bên Nga còn chẳng ăn ai nữa là ba năm Hà Nội.
Vậy mà...
Ngay sau khi chàng đưa nàng ra mắt bạn bè, người bạn cùng phòng tên Huân đã lửng lơ: Em Khánh của ông đẹp như dòng Hô-nô-xê! Chàng phổng mũi vì lời bình phẩm ấy. Người bạn thấy thế thì cất giọng bâng quơ đọc bài thơ Nhật Bản:
Sông Hô-nô-xê
Nước rất nông
Đứng giữa dòng cũng không ướt váy
Hỏi lòng một người cũng nông như vậy
Làm sao tôi có thể yêu sâu?
Chàng trợn mắt đùa yêu với bạn: Ông đừng có mà trâu buộc ghét trâu ăn! Huân đáp lại: Tôi nói vì thương ông thôi. Ông với Khánh chênh nhau cả một thế hệ. Cộc lệch như thế thì sống làm sao? Chàng phẩy tay: Chả làm sao cả! Cứ phải yêu người trẻ cho mình... trẻ ra. Mà quả thực từ ngày yêu Khánh chàng thấy lòng phơi phới thuở hai mươi tuổi và lòng trai nguyên nếp. Chàng có những biểu hiện yêu đương hơi lố, không còn phù hợp với cái tuổi trên băm, bất chấp những ánh mắt khó chịu của bạn bè.
Họ hay giận nhau. Huân bảo: Cứ ba ngày một trận giận nhỏ, bảy ngày một trận giận lớn như thế thì mệt lắm! Chàng phẩy tay, chuyện vặt! Ông cứ việc chung thuỷ với bà vợ già và hai đứa con gái ở quê, mặc kệ tôi!
Ngày 8/3 năm nay chàng nảy ra sáng kiến. Tối mồng 7 chàng đã không gọi điện. Chàng nhắn tin. Nhắn tin, người nhận có niềm vui ngắm nghía những con chữ hiển hiện, lời yêu thương được lưu giữ và lan tỏa mãi. “Em luon la nguoi phu nu dam dang cua anh”. Tin nhắn gửi đi, chàng khấp khởi mong tin nhắn lại. Nhưng nàng đã gọi lại cho anh sau một hồi lâu, giọng chanh chua the thé: Anh là đồ vô văn hóa! Máy cắt cái rụp. Chàng điếng người không tin vào tai mình. Chàng lập cập mở máy kiểm tra tin đã gửi. Có gì sai sót đâu? Chàng hấp tấp mua hoa và quà tặng đến nhà. Nàng đứng án nơi cổng chỉ tay ra đường hét vào mặt chàng: Chim cút! Chàng sợ đến mụ cả người. Suốt một ngày chàng vơ vẩn tự lục vấn mình có gì sai sót. Đúng lúc chàng bế tắc nhất thì nàng lại ào tới dụi đầu vào ngực chàng: Anh ơi, cho em xin lỗi nha! Tại em dịch sai tin nhắn... Chàng chưa hoàn hồn hỏi lại: Em dịch thế nào? Nàng ghé tai chàng nũng nịu: Tại cái máy không dấu chứ đâu phải tại em. Chữ đảm đang mà em lại... hí hí... tưởng là... Dâm đãng! Mãi chiều nay con bạn em nó mới dịch cho. Nó mắng em sao mà mày bồ nông thế! Chàng né đầu tránh một cái hôn bất thần, ém một hơi thở dài nhè nhẹ.
Nhưng đấy vẫn là chuyện nhỏ. Chỉ vài giọt nước mắt, nàng đã biến chân lý thành bé tí! Em biết lỗi rồi mà! Vâng, để em sẽ dành thời gian đọc sách cho bớt bồ nông. Nhưng mà sách Việt Nam chả có gì đáng đọc. Người ta cứ khen Truyện Kiều mà em thấy nó chuối lắm, đọc chả hiểu gì sất. Em thích sách dịch hơn. Điên cuồng như Vệ Tuệ mới đỉnh chứ... Mà phụ nữ hiện đại cần gì sâu sắc. Chỉ cần giỏi ngoại ngữ với tin học là ổn áp! Anh không thích thế à? Hay là anh muốn em quê như mụ vợ lão Huân ấy. Khiếp, hôm nọ bà ấy dẫn con ra thăm chồng, thấy mà man rợ!... Nghe cách nàng dùng từ, chàng phì cười. Thế là huề.
Chuyện hờn giận trong tình yêu bao giờ cũng nhỏ.
Chuyện lớn chỉ bắt đầu từ lúc chàng ra trường.