Trang 1 / 2 12 LastLast
Bài 1 đến 10/228

Chủ đề: Tạp văn

Hybrid View

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket MinhThy's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    2.082
    Thanks
    2.347
    Thanked 1.804 Times in 388 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    Em có thể nhờ bạn của mẹ đăng lên báo CA, bạn mẹ là sếp bên đấy. Nếu anh đồng ý, anh có thể gởi bài báo với tên thật và địa chỉ cụ thể cho em vào lebao.tran84@yahoo.com để em nói mẹ.

  2. #2
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    Trích dẫn Trích dẫn của MinhThy Xem bài viết
    Em có thể nhờ bạn của mẹ đăng lên báo CA, bạn mẹ là sếp bên đấy. Nếu anh đồng ý, anh có thể gởi bài báo với tên thật và địa chỉ cụ thể cho em vào lebao.tran84@yahoo.com để em nói mẹ.
    Vậy thì tốt quá. Anh đã sửa lại bài viết và gửi vào hộp thư cho em rồi. Cảm ơn em
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  3. #3
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn


    GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG
    Truyện ngắn


    Vợ hắn bảo:
    - Anh ạ, mai thứ bảy rồi đấy. Mẹ về, mình mua cái gì cho mẹ ăn chứ nhỉ.
    Hắn tỏ ra khó chịu:
    - Ôi giời, vẽ chuyện. Chợ đầy thứ ra, mua gì mà chẳng được, sao cứ phải ngậu lên.
    - Thế thì nói làm gì. Em tính mai đi sớm lên chợ Thành Công, mua mấy cân rươi, chắc mẹ thích lắm.
    "Ừ nhỉ, con mẹ này nhiều khi cũng thông minh đáo để" - hắn nghĩ vui vui thế. Từ ngày hắn đi học đại học, ra trường rồi công tác cho đến bây giờ, hắn chẳng biết đến mùi vị những món ăn chế biến từ rươi. Chợ gần nhà hắn thì không có, muốn mua phải đi mất hơn chục cây số. Mùa rươi lại ngắn ngủi, chỉ trong vòng vài ngày. Mặt khác, hắn đã quen với lối suy nghĩ hiện đại, chẳng ăn thứ này thì thứ khác, thiếu gì món ngon.
    Mẹ hắn lên chơi với em hắn trên Bắc Giang từ đầu tháng, đến nay đã được ba tuần. Hôm kia, em hắn gọi điện bảo thứ bảy tuần này sẽ đưa mẹ xuống vì bà đã muốn về. Em hắn công tác xa nhà, cuối tuần mới về. Trong bụng hắn mừng vì không "mang tiếng" là lên đón mẹ nhưng hắn không tỏ thái độ gì.
    Hắn có một tính rất khỉ là hay làm vẻ lạnh lùng đối với mọi người trong nhà. Hắn thích quan tâm đến mọi người theo kiểu của hắn, không muốn tỏ ra ủy mị, vồ vập, sốt sắng. Mẹ ốm, hắn bắt vợ đi chợ mua tim cật về nấu cháo cho bà, hoặc tìm những thứ gì mà hắn biết là mẹ thích. Sau mẹ hắn khoe với mọi người là hắn cũng biết quan tâm đến bà. Hắn mắng vợ: "Anh bảo em nấu cho mẹ ăn thì em cứ nấu, lôi anh vào làm gì". Có lần mẹ hắn ra chợ chơi, thấy lâu không về, hắn sốt ruột đi tìm. Người già, một mình ra phố, biết đâu được. Gặp mẹ đang trên đường về, hắn định tránh đi nhưng bà đã trông thấy hắn. Bà hồ hởi: "Thế con ra tìm mẹ à" Hắn thản nhiên: "Đâu có, con đi mua mấy thứ. Mẹ đi được thì về được, việc gì con phải tìm" làm niềm vui của mẹ hắn tắt ngóm.
    Đã thế, hắn lại hay trêu ngươi. Mẹ trách hắn đi đâu, về nhà chẳng hỏi han mẹ lấy một câu, hắn cáu: "Thì ngày xưa, con đi học về không chào ai thì mẹ chẳng nói gì. Giờ con lớn thế này, lại có cả bốn đứa để sai bảo mà mẹ ne nẹt như với đứa trẻ là sao. Lại còn bắt hỏi thăm sức khỏe nữa. Con trông thấy mẹ là biết khỏe hay yếu chứ. Rõ là nhiêu khê.
    Bốn đứa mà hắn nói tới là vợ và con hắn, nhưng hắn thích gộp ráo cả vào một đám gọi là chúng nó. Vợ hắn mắng con, nó cãi lại, hắn quát: "Hai đứa im ngay, không cãi nhau nữa".
    Hắn đi làm về, đứa lớn nhanh nhẹn: "Con chào bố". Hai đứa em thấy thế cũng đồng thanh: "Con chào bố". Hắn liếc vợ rồi quay sang lũ trẻ con: "Thế còn đứa nào chưa chào bố?" Vợ hắn nguýt: "Này, quên cái suất ấy đi nhá".
    Có lần mẹ hắn tức bảo: "Tao chỉ cần trước đây tao nuôi chúng mày như thế nào thì bây giờ chúng mày nuôi tao thế vậy". Thế là hắn liền xổ ra một tràng:
    - Được nhá, mẹ muốn thế không? Vậy ngày xưa trời nóng, con phải quạt bằng mo cau. Bây giờ hôm nào nóng, mẹ đừng dùng quạt điện nữa nhá, Con tắt luôn cả điều hòa đi rồi mua hẳn quạt nan cho mẹ quạt. Còn ăn thì con ăn thế nào mẹ ăn thế vậy, con không ăn giấu mẹ cái gì là được. Con đi ăn nhậu ở đâu, mang phần về cho mẹ, như ngày xưa di ăn cỗ, mẹ vẫn mang phần về cho con ấy. Mẹ nuôi con mười tám năm. Vậy con nuôi mẹ đủ mười tám năm mà mẹ vẫn còn sống thì con kệ mẹ nhé. Ngày xưa, con hư thì mẹ đánh, bây giờ mẹ trái ý con thì làm sao đây ...
    Mẹ hắn đã chọc đúng vào cái mớ lý sự rất chầy cối của hắn. Hình như vẫn đang thích thú với cái trò lập luận quái đản này, hắn tiếp:
    - Còn hôm nào vợ chồng chúng con đi chơi thì mẹ cũng rủ cụ Tảo đi cho công bằng, con không cấm.
    Cụ Tảo là bố anh Huân hàng xóm. Cụ bà mất, cụ ông lên ở với con trai, na ná như hoàn cảnh mẹ hắn. Hắn thấy thế hay bông lơn gán cụ Tảo cho mẹ hắn. Có lần anh Huân sang nhà hắn gọi nhờ điện thoại. Khi anh về rồi, hắn bảo mẹ:
    - Bác ấy giả vờ để sang xem mắt mẹ đấy. Mẹ không thấy bác ấy vừa gọi điện vừa nhìn mẹ à. Hôm qua con mới nói chuyện với bác ấy, thế mà nay đã sang ngay. Chứ nhà bác ấy còn lắp điện thoại trước cả nhà con cơ, việc gì phải nhờ.
    Mẹ hắn bảo: "Tao không nói chuyện với thằng luyên thuyên như mày" rồi bà bỏ đi nằm.
    Mẹ hắn hay kể với con dâu chuyện ngày xưa bà nuôi anh em hắn ăn học vất vả như thế nào. Hắn nghe thấy, ngứa mồm nói luôn:
    - Thì bây giờ mẹ muốn đi học, con có cấm mẹ đâu.
    Rồi hắn quay sang vợ:
    - Mai mẹ mày mua vở cho bà đi học. Còn mấy đứa thay phiên nhau dẫn bà đến trường nghe chưa.
    Đại khái cứ như thế, mẹ hắn tức không thèm nói chuyện với hắn nữa. Nói làm gì với thằng ngang như cua. Có điều gì ấm ức, bà lại thì thọt kể lể với con dâu. Trong bằng ấy đứa con, bà có vẻ hợp vợ hắn hơn cả. Được cái vợ hắn cũng chịu khó hầu chuyện mẹ chồng. Thỉnh thoảng, hắn lại hỏi vợ: "Mẹ có trách gì anh không?".
    *
    Vợ hắn nhắc đến chuyện mua rươi cho mẹ ăn là do nhớ lại buổi tối cũng bằng giờ năm ngoái. Hôm ấy cả nhà ăn cơm xong, mẹ hắn ngồi kể chuyện ngày xưa. Chuyện của bà hôm ấy lại gợi đúng vào kỷ niệm ấu thơ của hắn mà hắn thích. Hắn hào hứng cùng mẹ ôn lại những mùa rươi ở quê nhà.
    "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm" là câu tục ngữ nói về mùa rươi. Nói thế nhưng không cứ gì đôi mươi hay múng năm mà là vào thời điểm ấy, rươi lên rộ nhất.
    Mỗi năm vào độ cuối thu, khi có gió đông về, rồi sau vài cơn mưa lác đác, cơ man nào rươi dưới ruộng chui lên. Những con rươi xanh, đỏ, vàng bơi loang loáng loằng ngoằng dưới nước. Ở những chỗ có dòng chảy lớn người ta đóng sắm để hứng rươi. Chị em hắn thì chỉ vớt rươi bằng vợt, được chăng hay chớ nhưng cũng không đến nỗi nào. Hắn thích nhất là ngồi vớt rươi ở cái rãnh cắt qua ngõ nhà hắn mà người ta xẻ ra để lấy nước vào ruộng. Rãnh chỉ rộng bằng nửa bước chân trẻ con, nên nước chảy rất mạnh. Thường ngày, hắn hay tha thẩn ở đây, ngắt là mây chơi thả thuyền. Ở nhà không phải đi đâu mà vẫn kiếm được cái ăn, thú gì bằng. Hắn vớt rươi như một trò chơi, góp chung vào với cả nhà. Mỗi hôm như thế, thường là đủ bữa. Mà không đủ bữa thì đã có chợ. Chợ bán nhiều và cũng rẻ vì hồi ấy không có chuyện mang hàng từ vũng này qua vùng khác, rươi lại không để được lâu. Mẹ hắn mua hàng cân. Hắn hay được ăn các món chả rươi, rươi xào cải, rươi nướng. Mẹ hắn chế biến thức ăn đủ cho một bữa, còn bao nhiêu thì làm mắm ăn dần.
    Rươi là đặc sản của tạo hóa ban cho con người, ai chỉ ăn một lần là nhớ mãi. Sau này, người ta dùng thuốc trừ sâu nhiều, rươi cũng ít dần, mùa rươi không náo nức nhộn nhịp như trước.
    Tuy mẹ không yêu cầu nhưng hắn biết nếu hắn làm một bữa rươi cho mẹ bớt phần nào nỗi nhớ quê hương, hẳn bà vui lòng và cảm động lắm. Tuổi già, ăn được là bao. Cái quí là con cái nó quan tâm đến mình. Nhưng tính hắn lại ngang. Hắn không muốn làm điều gì để người khác cho rằng hắn vì mình. Hắn muốn làm những việc mà hắn phải tự nghĩ ra, không phụ thuộc vào ý muốn của ai đó. Rồi công việc hàng ngày bận rộn, hắn cũng quên luôn. Giá phải bỏ một buổi đi xin học cho con, tất nhiên là hắn nhớ, cũng giống như mẹ hắn chẳng bao giờ quên đi họp phụ huynh cho hắn.
    Mẹ hắn nuôi hắn qua bao nhiêu mùa rươi. Thế nhưng ở với với hắn bằng ấy năm, hôm nay hắn mới nghĩ đến chuyện làm cho mẹ món ăn nhà quê mà người dân vùng biển đi đâu cũng nhớ ấy. Vậy mà vợ chồng hắn cũng phải bàn bạc, lên kế hoạch cứ như là chuẩn bị cho một sự kiện gì hệ trọng lắm.
    *
    Mẹ hắn đi mấy tuần, hắn cũng thấy nhớ. Mỗi lần về nhà, hắn có cảm giác cửa nhà khang khác, thiêu thiếu cái gì. Mấy lần hắn định gọi điện nhắn mẹ về nhưng lại thôi. Hắn không muốn cho mẹ biết mình nghĩ gì về bà.
    Lần này nghe vợ bàn thế, hắn cảm thấy vui lòng. Mặc dù với mẹ, hắn cố tỏ ra không mấy quan tâm nhưng hắn vẫn để ý cách cư xử của vợ đối với mẹ. Vợ hắn vẫn biết, trái ý chồng là chết ngay với hắn. Nhưng hắn có mắng vợ, không bao giờ để cho mẹ hắn thấy. Hấn không thích cho mẹ biết là hắn bênh bà.
    Hắn cứ thế và tự biết trong con người mình có rất nhiều mâu thuẫn. Nhưng cuối cùng thì hắn vẫn mặc, cứ để ai hiểu hắn như thế nào thì hiểu.
    Vợ hắn bảo:
    - Em mua thì cứ mua nhưng em không biết làm đâu đấy.
    Hắn giễu:
    - Cái dân đồng mầu nhà em có được ăn bao giờ đâu mà biết làm.
    Sợ vợ tự ái, hắn lại ân cần:
    - Em cứ mua về, món gì anh làm được thì anh làm, món gì không biết thì hỏi mẹ. Mua lấy vài cân vào. Thừa thì nhờ mẹ muối, ăn dần.
    Lòng hắn vui vui khi nghĩ đến ngày mai em hắn đưa mẹ hắn về. Ba tuần đi chơi xa, hẳn là mẹ con bà cháu có nhiều chuyện để nói lắm. Hắn sẽ mua một can bia hơi Hà Nội là đồ uống mà anh em nhà hắn thích, gọi thêm mấy đứa em nữa đến cùng vui.
    *
    Nhưng thật đáng đời cho hắn. Cái dự định xuất phát từ lòng tử tế hiếm hoi ấy của hắn đối với mẹ, hắn chẳng bao giờ thực hiện được.
    Khoảng ba giờ chiều, chuông điên thoại nhà hắn đổ. Đầu dây bên kia tiếng em dâu hắn hốt hoảng:
    - Anh lên ngay. Mẹ bị ...
    Hắn sốt ruột:
    - Bị sao? Thím nói nhanh lên xem nào.
    Em dâu hắn lắp bắp:
    - Mẹ bị ... ốm ... nặng ..
    Bỗng có tiếng đàn ông xen vào:
    - Cô đưa đây. Lúc này mà còn giấu để làm gì.
    Rôi người đó giật lấy ống nói:
    - Bà mất, vừa xong.
    Hắn gào lên:
    - Mất rồi mới báo. Sao không báo từ lúc bà ốm.
    - Bà bị đột quỵ, ai mà biết trước ...
    Hắn rụng rời buông máy ngồi phịch xuống nền nhà. Sao tử thần lại bắt mẹ hắn đi đúng vào sát ngày mà mẹ hắn sẽ trở về với hắn. Vậy là mẹ hắn chết vì chính cái bệnh mà bà đã báo trước cho hắn. Hôm đó cách đây chừng hai tháng, tự nhiên mẹ hắn vét hết tiền trong túi đưa cho hắn:
    - Mẹ bị bệnh huyết áp cao, người ta bảo bệnh này, người già có thể chết bất cứ lúc nào. Mẹ còn dành dụm được chút tiền, các con giữ lấy, nếu mẹ có mệnh hệ gì thì thêm vào đỡ phần nào cho các con việc tang ...
    Hắn át đi:
    - Mẹ chỉ vớ vẩn. Tự nhiên nói đến chuyện chết với chóc. Còn lâu mẹ mới chết.
    Rồi hấn bịa ra để trấn an mẹ:
    - Con đi xem rồi, thầy bảo mẹ thọ đến ngoài chín mươi cơ.
    Khi ấy, hắn có hiểu gì về bênh huyết áp đâu. Hắn nghĩ mẹ hắn huyết áp cao cũng như hắn huyết áp thấp. Chắc bà có nhiều điều không bằng lòng với hắn nên làm ra thế để dọa hắn mà thôi. Mẹ hắn tuy hơn tám mươi nhưng còn khỏe. Bà vẫn khâu vá được, tự xỏ được kim, nói năng minh mẫn, đi lại còn nhanh nhẹn. Ngoài việc nuôi mẹ ngày mấy bữa ăn, chẳng một đứa con nào phải hầu hạ mẹ. Hắn thấy thế nên chưa bao giờ chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn của bà.
    *
    Vợ chồng hắn tức tốc thuê xe lên Bắc Giang đưa mẹ về. Em hắn cũng chỉ về trước hắn mấy chục phút. Y hoàn toàn không biết tin mẹ mất vì không ai liên lạc được. Y về là để ngày mai đưa mẹ xuống nhà hắn. Chỉ đến khi về nhà, em hắn mới biết mẹ không còn nữa.
    Ba ngày lo đám tang cho mẹ, hắn không nhỏ giọt nước mắt nào. Hắn không có thời gian để khóc. Hắn biết vai trò và phận sự của hắn trong việc tang lễ cho mẹ.
    Đến ngày thứ tư, khách đã về hết, hắn vào phòng chốt cửa nằm vật ra.
    Vậy là hắn mồ côi mẹ thật rồi. Hắn nghĩ thế mặc dù vẫn biết chữ mồ côi người ta chỉ dùng cho những đứa trẻ mất cha hay mẹ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Hắn chưa quen không có mẹ. Lúc bé, hắn dựa dẫm vào mẹ đã đành, lớn lên có vợ con rồi, hắn vẫn cần mẹ để thỏa mãn cái tính ngỗ ngược, ngang ngạnh của hắn. Hắn biết, hắn chỉ có thể làm được những điều ấy với mẹ chứ không thể là ai khác. Người mẹ, có thể có chuyện này chuyện khác với con dâu hay với cả con gái, nhưng hiếm người mẹ nào lại ghét bỏ con trai, dù chúng hư hỗn đến mấy.
    Bằng ấy năm có mẹ, nhưng bây giờ hắn mới biết hắn cần mẹ đến chừng nào. Hắn chỉ biết đến điều đó khi không còn mẹ. Giá mà mà mẹ hắn sống thêm được ít nữa, hắn sẽ ..., hắn sẽ ... Nhưng hắn chỉ "sẽ" thôi chứ không bao giờ hắn làm được. Có một cái "sẽ" chắc chắn hơn cả là hắn sẽ vẫn như thế. Vì làm sao hắn biết được mẹ hắn chết vào lúc nào. Và chỉ khi mẹ chết, hắn mới nghĩ đến chữ "giá mà"
    Bao nhiêu những lạnh lùng, những kìm nén, giấu giếm tình cảm của hắn đối với mẹ lúc này hóa hết thành nước mắt. Hắn để mặc nó chảy thành dòng xuống gối. Hắn nấc lên và rên ư ử như trẻ con bị đòn đau, giờ mới ngấm. Hắn nhớ lại có lần mẹ hắn nói với hắn: "Chỉ đến lúc nào tao chết, chúng mày mới biết thương tao".
    Hắn cắn môi, cay đắng. Hắn chợt nghĩ hình như ông trời bắt mẹ mẹ hắn đi và chọn đúng vào ngày ấy là để trừng phạt hắn, để mở mắt ra cho hắn mặc dù có muộn, để hắn tử tế hơn với những người còn sống.
    Mãi trưa, hắn mới dậy. Hắn rửa mặt cẩn thận rồi ra khỏi phòng. Xuống dưới nhà, hắn trông thấy mấy đứa trẻ con, liền quát:
    - Chúng mày không ăn cơm đi còn chờ bố làm gì. Bố mệt nghỉ một tí rồi ăn sau thì đã sao.
    Chợt nhớ ra là mình đang đứng trước mặt vợ con, hắn liếc nhanh vào cái gương tủ. May mà mắt hắn không còn hoe đỏ, trông không giống như người vừa khóc.


    27/6/2010
    Tường Thụy

    Last edited by Tường Thụy; 29-06-2010 at 10:33 PM.
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  4. #4
    Yêu cái đẹp Ghét cái xấu! PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Boulevard's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2010
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    2.167
    Thanks
    5.803
    Thanked 12.551 Times in 2.470 Posts

    Smile Ðề: Tạp văn

    Trích dẫn Trích dẫn của Tường Thụy Xem bài viết
    GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG
    Truyện ngắn
    27/6/2010
    Tường Thụy
    BLV vô cùng đồng cảm với câu chuyện về mẹ mà anh TT viết. Trong cuộc đời thực, BLV đôi khi cũng đã từng phải đóng giả là một người “vô tâm” và thậm chí không quan tâm tới bố mình. Bởi 1 lẽ, người bố của em là một người rất cá tính, ông không thích phải đón nhận sự quan tâm quá của mọi người, kể cả với con cái. Đó là lý do đôi khi muốn làm gì cho bố em đều phải nghĩa ra các chiêu. Thấy bố thích về quê hay đi Từ Sơn thăm chú chơi và chỉ thích đi 1 mình, ngại nhờ vả con gái. Thế nên biết ý định của ông, thậm chí khi ông dắt xe máy ra khỏi cửa mới biết thì em đều phải giả bộ nói cũng có việc muốn đi chợ Ninh Hiệp (Từ Sơn) hay thích về quê để ăn thịt dê ở Sài Đồng cùng bố để được đi cùng. Muốn nhường bố những miếng ngon, nếu cứ phăm phăm mà gắp thì thế nào cũng bị bố tỏ vẻ khó chịu và nói : Thôi để bố tự gắp, không phải gắp! Thế là đến bữa cơm, đĩa thức ăn nào ngon nhất cũng được đặt về phía bố, miếng nào ngon nhất cũng được con gái “vô tình” để về phía bố. Đã bao lần chồng và con gái, cô bé giúp việc tủm tỉm vì “cô gái” vừa để miếng ngon ngon về phía bố là ông gắp luôn… Với người già sự quan tâm đôi khi phải tế nhị một chút. Có những người thì thích sự quan tâm vồ vập và thể hiện ra trò (giống mẹ em), típ người như mẹ thì lại quá đơn giản vì mẹ cứ yêu cầu là có thể đáp ứng. Nhưng với típ người như bố, ngại sự quan tâm của người khác thì lại phải dò ý từng đường đi nước bước. Nhân câu chuyện anh viết về mẹ. BLV cóp lại 1 entry trong blog ngoài đời của BLV về bố vào Những khoảnh khắc. Cũng là một món quà tự tặng cho mình vào ngày 28.6 – Ngày gia đình Việt Nam. Cả ngày qua BLV lang thang ở Trung tâm Triển lãm VHNT ở Vân Hồ để dự Ngày hội văn hóa gia đình Hà Nội. Ngắm nghía những gương mặt các cụ già 80 tuổi mà vẫn khéo léo, uyển chuyển trong màn đồng diễn thái cực trừơng sinh, trầm trồ thán phục tài nghệ cắm hoa của các cụ già và cả các cô con gái còn rất trẻ trong hội thi cắm hoa… Một gia đình văn hóa là một gia đình hòa thuận, mỗi thành viên đều biết quan tâm, lo lắng và chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn. Cơm ăn, áo mặc đầy đủ chưa thể gọi là một gia đình hạnh phúc. Nỗi buồn của BLV trong hôn nhân cũng chính là ở điều này mà không phải ai cũng có thể hiểu nổi, bởi họ không ở một thế giới như BLV…
    "Cuộc đời là một sân khấu lớn và mỗi người đều có một vai quan trọng" (Shakespeare)

  5. #5
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    NDDY:
    Cảm ơn em đã tặng anh bài hát. Nhưng sao anh click mãi chỉ thấy nó quay mà không ra âm thanh nào cả vậy. Tại máy anh chăng?
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  6. #6
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Nhudadauyeu's Avatar
    Ngày gia nhập
    Jun 2009
    Bài viết
    3.670
    Thanks
    1.803
    Thanked 1.542 Times in 492 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    Trích dẫn Trích dẫn của Tường Thụy Xem bài viết
    NDDY:
    Cảm ơn em đã tặng anh bài hát. Nhưng sao anh click mãi chỉ thấy nó quay mà không ra âm thanh nào cả vậy. Tại máy anh chăng?
    em ko rõ, dưng em mở qua fifox là oki anh ạ
    anh thử lại xem sao
    ------------------------------------------------------------------------
    Trong đôi mắt em, anh là tất cả ...!!!

  7. #7
    Super Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Phu sinh's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    3.353
    Thanks
    10.473
    Thanked 3.852 Times in 1.190 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    Trích dẫn Trích dẫn của Tường Thụy Xem bài viết
    NDDY:
    Cảm ơn em đã tặng anh bài hát. Nhưng sao anh click mãi chỉ thấy nó quay mà không ra âm thanh nào cả vậy. Tại máy anh chăng?
    Thấy cái hình zingmp3 mờ cứ quay quay hoài thì có lẽ tại cái server nó bận, lúc khác mở lại xem sao!

  8. #8
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    đã xóa
    Last edited by Tường Thụy; 03-07-2010 at 08:42 AM.
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  9. #9
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn

    Trích dẫn Trích dẫn của boulevard Xem bài viết
    BLV vô cùng đồng cảm với câu chuyện về mẹ mà anh TT viết. Trong cuộc đời thực, BLV đôi khi cũng đã từng phải đóng giả là một người “vô tâm” và thậm chí không quan tâm tới bố mình. Bởi 1 lẽ, người bố của em là một người rất cá tính, ông không thích phải đón nhận sự quan tâm quá của mọi người, kể cả với con cái. Đó là lý do đôi khi muốn làm gì cho bố em đều phải nghĩa ra các chiêu. Thấy bố thích về quê hay đi Từ Sơn thăm chú chơi và chỉ thích đi 1 mình, ngại nhờ vả con gái. Thế nên biết ý định của ông, thậm chí khi ông dắt xe máy ra khỏi cửa mới biết thì em đều phải giả bộ nói cũng có việc muốn đi chợ Ninh Hiệp (Từ Sơn) hay thích về quê để ăn thịt dê ở Sài Đồng cùng bố để được đi cùng. Muốn nhường bố những miếng ngon, nếu cứ phăm phăm mà gắp thì thế nào cũng bị bố tỏ vẻ khó chịu và nói : Thôi để bố tự gắp, không phải gắp! Thế là đến bữa cơm, đĩa thức ăn nào ngon nhất cũng được đặt về phía bố, miếng nào ngon nhất cũng được con gái “vô tình” để về phía bố. Đã bao lần chồng và con gái, cô bé giúp việc tủm tỉm vì “cô gái” vừa để miếng ngon ngon về phía bố là ông gắp luôn… Với người già sự quan tâm đôi khi phải tế nhị một chút. Có những người thì thích sự quan tâm vồ vập và thể hiện ra trò (giống mẹ em), típ người như mẹ thì lại quá đơn giản vì mẹ cứ yêu cầu là có thể đáp ứng. Nhưng với típ người như bố, ngại sự quan tâm của người khác thì lại phải dò ý từng đường đi nước bước. Nhân câu chuyện anh viết về mẹ. BLV cóp lại 1 entry trong blog ngoài đời của BLV về bố vào Những khoảnh khắc. Cũng là một món quà tự tặng cho mình vào ngày 28.6 – Ngày gia đình Việt Nam. Cả ngày qua BLV lang thang ở Trung tâm Triển lãm VHNT ở Vân Hồ để dự Ngày hội văn hóa gia đình Hà Nội. Ngắm nghía những gương mặt các cụ già 80 tuổi mà vẫn khéo léo, uyển chuyển trong màn đồng diễn thái cực trừơng sinh, trầm trồ thán phục tài nghệ cắm hoa của các cụ già và cả các cô con gái còn rất trẻ trong hội thi cắm hoa… Một gia đình văn hóa là một gia đình hòa thuận, mỗi thành viên đều biết quan tâm, lo lắng và chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn. Cơm ăn, áo mặc đầy đủ chưa thể gọi là một gia đình hạnh phúc. Nỗi buồn của BLV trong hôn nhân cũng chính là ở điều này mà không phải ai cũng có thể hiểu nổi, bởi họ không ở một thế giới như BLV…
    Tình thương yêu của boulevard đối với bố thật thuyệt. Vừa có tấm lòng vừa có trí tuệ chứ không như cái anh chàng trong truyện "Giọt nước mắt muộn màng" boulevard nhỉ.
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

  10. #10
    Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Tường Thụy's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.397
    Thanks
    1.155
    Thanked 1.531 Times in 370 Posts

    Default Ðề: Tạp văn


    TÌNH YÊU THỜI A CÒNG

    Truyện ngắn


    Y nhặt mấy bộ quần áo, vài thứ đồ dùng lặt vặt rồi lên công ty tìm sếp:
    - Báo cáo anh, em sửa nhà. Anh cho em ở luôn cơ quan để làm việc cho tiện.
    Sếp y ngạc nhiên:
    - Sửa nhà à. Nhà cậu mới xây được mấy năm, sao đã phải sửa.
    Y nói đầy ẩn ý:
    - Nhà em trông thế thôi nhưng cũng đang xuống cấp đấy sếp ạ. Có khi nó đổ lúc nào mà không biết ấy chứ.
    - Cậu thì cứ hay cường điệu hóa sự việc. Thế cô ấy với các cháu ở đâu?
    - Đang nghỉ hè, em cho mẹ con nó về quê chơi một thể. Việc sửa sang đã có thằng em nó lo.
    Sếp y vui vẻ:
    - Thôi được, cậu ở đây cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ngoài gờ làm việc lại có thêm người kiêm nhiệm bảo vệ mà không phải trả thêm lương cũng tốt chứ sao.
    *
    Thực ra, vợ chồng y vừa cãi nhau một trận kịch liệt tới mức suýt nữa thì xưng hô với nhau bằng cô, tôi. Trước khi đi, y buồn rầu bảo vợ:
    - Em ạ, anh thấy chúng mình nên tách nhau ra một thời gian để mỗi bên cùng suy nghĩ lại. Nếu cả hai đều cảm thấy không thiếu được nhau, anh sẽ quay về. Nếu thấy không nên ở với nhau nữa thì em cứ viết đơn, lúc nào về qua nhà anh ký. Về con cái, tài sản, em yêu cầu thế nào anh cũng chiều, đừng lo có chuyện xảy ra tranh giành. Giải quyết xong, em có thể lấy chồng. Còn anh, khi đã mất hết lòng tin vào phụ nữ thì chẳng bao giờ có chuyện lập lại gia đình nữa đâu.
    Y làm ra vẻ nghiêm trọng thế thôi chứ có cho hoa hậu y cũng chẳng dám bỏ vợ. Chẳng phải là y chê hoa hậu hay vợ y toàn mỹ nhưng vợ chồng bỏ nhau đâu dễ, nó có bao nhiêu ràng buộc và cái chính là y vẫn còn yêu vợ. Vợ chồng y hay cãi vã nhau nhưng toàn xuất phát từ những chuyện vặt vãnh. Tính y với vợ rất khác nhau. Chẳng hạn y cẩu thả luộm thuộm còn vợ y thì ngăn nắp gọn gàng, y ít nói, cần sự yên tĩnh nhưng vợ y thì lắm lời, y mê thơ trong khi vợ y lại dửng dưng. Theo cô thì thơ của y đem tặng cũng còn khó nữa là bán. Nó cũng chẳng thể đem đổi lấy gói thuốc lá hay những lon bia mà hàng ngày cô vẫn mang về cho y. Điều vợ y lo hơn cả là cứ đà này rồi y sẽ hóa hâm lúc nào không biết. Cô sợ nhất là những lúc y đi đi lại lại trong phòng, tay vung lên, hạ xuống, miệng thì lẩm bẩm như một thằng tâm thần. Dù chẳng mặn mà gì với thơ nhưng tác giả của nó lại là chồng cô, cô không thể coi chồng giống như những sản phẩm mà anh ta tạo ra. Y đi tận Sài Gòn hội ngộ với bạn thơ, cô vẫn phải đôn đáo lo vé máy bay rồi chuẩn bị tư trang hành lý cho chồng chu đáo. Những lúc y ngồi viết, cô vẫn mang đến cho y khi thì cốc nước mát, khi thì một thứ trái cây vừa mua về. Nếu chỉ thế thôi thì đã chẳng có chuyện gì nhưng đôi khi cô lại kèm theo câu: "Suốt ngày thơ với thẩn". Thế là lại nổ ra cãi nhau.
    Được cái vợ chồng y chẳng giận nhau dai bao giờ. Hình như lần lâu nhất, hai đứa thi gan cũng chỉ được có ba ngày. Giận nhau nhưng vẫn ở chung phòng. Bên nào cũng chờ bên kia quay mặt vào, quàng tay sang một cái là cả hai đứa ôm riết lấy nhau như chưa hề có cuộc cãi vã nào trước đó. Những lần như thế, y hay vợ y chủ động làm lành thì tùy thuộc vào ai gan hơn. Khi ấy y lại có được cảm giác thật thú vị, nó gần giống như làn đầu tiên y tán được cô và cô đồng ý cho y ôm. Cũng thổn thức nghẹn ngào, cũng nói với nhau những câu tình tứ.
    Nhưng dù sao thì cái sự cãi nhau cũng chẳng hay ho gì. Chuyện hôm qua bắt đầu bằng việc vợ y quát lũ trẻ con:
    - Từ nay đứa nào mà còn vứt rác ra nhà là tao đánh chết. Tao bầy bẩn ra chúng mày cũng được quyền đánh.
    Chẳng biết ngứa mồm thế nào, vợ y lại thêm câu:
    - Còn bố mày ném mẩu thuốc lá ra nhà thì tao với chúng mày phân công nhau dọn.
    Thế là cái ý thơ y vừa nắm bắt được bay đâu mất. Y tức điên lên. Y cho là vợ phá đám và móc máy mình nên lập tức ra lời. Thế là cãi nhau. Rồi y chủ động đẩy cuộc xung đột to hơn chút nữa để lấy lý do bỏ nhà đi như đã định từ sau lần cãi nhau trước mà y cho là chưa đủ độ. Y bỏ đi là để ép vợ phải hoàn toàn làm theo ý y. Vợ y có thể chịu đựng chồng một chút không sao chứ y không thể nhịn vợ. Không chấm dứt được tình trạng ông chẳng bà chuộc thì cái gia đình con con của y trước sau cũng dẫn đến tan vỡ. Y thấy cần thiết phải lập lại trật tự. Theo y, chỉ như thế mới tránh được những cuộc cãi vã vô tiền khoáng hậu mà chưa bao giờ có dấu hiệu sẽ không tái diễn.
    Y nghĩ cùng lắm chỉ ba ngày, vợ y phải gọi điện năn nỉ y. Y sẽ ra điều kiện với vợ và cô sẽ hứa, lúc ấy y mới chịu về.
    Nhưng một tuần trôi qua, trái với mong muốn, y không nhận được tin gì từ vợ. Mấy lần định gọi điện về nhưng lòng sĩ diện đàn ông đã ngăn y lại. Y muốn về nhìn vợ con một lúc song lại lo vợ máy móc làm theo lời y dặn, chìa lá đơn xin ly hôn ra bắt ký. Điều không lường trước được là cô ta gan hơn y tưởng. Mỗi lần chuông điện thoai reo là lòng y lại khấp khởi, Nhưng nó vẫn không phải là cuộc gọi từ số máy của vợ y. Đó là những cuộc điện thoại của mấy đứa bạn rủ y đi nhậu, hoặc sếp bắt y theo tiếp khách cùng. Gần đây, khi sếp có khách đột xuất chỉ có huy động y là tiện nhất vì không vướng bận gì. Kể ra thì những cuộc nhậu như thế cũng không đến nỗi tệ lắm, nó làm cho y nguôi ngoai đi phần nào nỗi thất vọng bởi vợ y có lẽ đã coi như không có y ở trên đời này.
    *
    Y làm thơ và giao lưu với nhiều bạn bè trên các diễn đàn. Chẳng biết thơ y hay đến đâu nhưng đôi khi cũng có người vào cổ vũ. Chắc người ta thấy trang thơ của y hoang vắng quá mới hạ cố động viên một câu. Còn những bạn thân và am hiểu thơ y thì cùng lắm chỉ nhấn nút cảm ơn rồi ra, có vẻ rất là bí hiểm.
    Hàng ngày, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, y thường chăm chăm vào những diễn đàn mà y tham gia. Y thả vào đấy vài câu tâm trạng hoặc bài thơ vừa nghĩ ra, chẳng biết hay dở thế nào, nhưng ít ra, nó cũng xả bớt nỗi lòng y đang chất chứa.
    Từ hôm bỏ lên cơ quan, y quen thêm một người bạn mới là Tuyết Trinh, một cái tên mà mới chỉ thấy thôi đã muốn làm quen, chưa cần biết người đó thế nào, thậm chí là nữ hay là … nam. Nhưng trường hợp này, nếu người ấy là đàn ông thì còn đỡ tai hại cho y vạn lần.
    Bắt đầu từ cái tin nhắn: "Em đọc thơ anh, em đã không cầm được nước mắt. Hẳn anh là một người đàn ông từng trải, lịch lãm và thấu hiểu tâm can những người người phụ nữ bất hạnh. Ước gì hàng ngày em được chia sẻ nỗi lòng mình với một người sâu sắc và bặt thiệp như anh để vơi đi phần nào nỗi trống trải, cô đơn ...".
    Y không dám đọc nhanh, thong thả nhấm nháp từng chữ trong cái thông điệp đầy mời gọi ấy. Lòng y rạo rực và vui sướng. Truyết Trinh quả là con người nhạy cảm, tinh tế trong cảm thụ văn chương. Vợ y làm sao hiểu nổi ý tứ sâu xa trong những bài thơ y viết. Làm được bài nào tâm đắc, y không thể đem khoe vợ và có đưa thì cô ta cũng chẳng bao giờ thèm đọc, khác nào đem đàn mà gảy tai trâu.
    Từ đó hàng đêm, y say sưa chat với người con gái mới quen nhưng đã như rất hiểu mình ấy. Y quên luôn cả việc mong vợ nhắn về. Nhưng gần một tháng rồi, cô vẫn chẳng thèm nhắn cho y một câu. Thế thì càng tốt chứ sao. Đã thế, y vẫn cứ lờ đi xem đứa nào gan hơn. Lúc này, y thấy cuộc sống độc thân cũng không đến nỗi nào. Y ở cơ quan, đến bữa ra phố ăn quán, tuy không hợp khẩu vị như vợ nấu nhưng được cái thích ăn thế nào tùy ý, lại có cả một đội ngũ chạy bàn khoanh tay thưa dạ và sẵn sàng làm vừa lòng y. Y không phải nghe tiếng vợ càu nhàu hoặc quát tháo lũ trẻ con như những khi ở nhà. Y không bị ai tra vấn lý do về muộn rồi dí mũi vào kiểm tra mùi lạ trên đầu tóc, trên áo y, căng mắt ra rà soát xem có vết son nào trên người y không. Và nhất là không bị thử thách xem y làm "nghĩa vụ thuế" có khác bình thường hay không.
    Theo những gì Tuyết Trinh tâm sự với y, nàng là người sinh ra trong một gia đình có giáo dục. Nhưng nàng lại vớ phải người chồng vô tích sự. Anh ta suốt ngày rượu chè, cờ bạc chẳng quan tâm gì đến gia đình. Những hôm quá chén, hắn thường về chửi bới, đập phá thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Nàng bảo: "Anh ơi, em khổ lắm, anh có hiểu được không?"
    Nghe nàng kể, lòng y dâng lên một niềm xót xa thương cảm. Y căm ghét cái thằng đàn ông bất tài và vũ phu kia. Hắn đã làm khổ Tuyết Trinh của y. Giá là y, y sẽ làm cho nàng hạnh phúc biết bao nhiêu.
    Rồi Tuyết Trinh gửi cho y xem ảnh của nàng. Đó là một phụ nữ chừng ba mươi tuổi. Người ta nói phụ nữ ở tuổi này thì nhan sắc mới thể hiện đầy đủ nhất. Một cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ ở tuổi đôi mươi vẫn còn phải dè chừng: hãy đợi mươi năm nữa mới có thể khẳng định được vẻ đẹp của mình..
    Y mê man ngắm nàng trong bức ảnh, một vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà, viên mãn. Thế mà nàng còn bảo là em không được ăn ảnh lắm. Không hiểu sao lúc ấy, y nặn ra được một giọng cải lương cũng không đến nỗi nào: ‘Em! Hình như trời muốn bù đắp cho anh tất cả những gì mà anh đã phải chịu thua thiệt”.
    *
    Có một điều lạ là Tuyết Trinh không bao giờ chịu cho y số máy điện thoại. Y hỏi thì nàng khéo léo từ chối: "Em chỉ sợ nghe được giọng anh, em sẽ không làm chủ được mình". Y thích lắm và nghĩ rằng mình là mẫu người đàn ông có sức hấp dẫn phụ nữ. Điều lạ hơn là nàng tỏ ra hiểu khá rõ về y. Đại loại ngày xưa, y lưu ban những lớp mấy, đi học trường Mầm non, cô giáo dạy mãi không biết viết chữ "o,a", mẹ y phải "chạy" cho y vào lớp Một ra sao. Rồi cả tình trạng hôn nhân của y nữa chứ: "Quan hệ vợ chồng anh đang rạn nứt, khó lòng mà hàn gắn..."
    Y hỏi:
    - Tại sao em biết?
    Nàng lấp lửng:
    - Em đọc thơ anh. Thế thôi.
    Trời ơi! Mấy vần thơ con cóc mà nói lên được cả cái thân thế sự nghiệp chẳng lấy gì làm vẻ vang của y ư? Trong thơ có ma, có quỉ thật sao? Hay nàng là ... người giời? Nói vậy thôi nhưng y nghĩ chắc có thằng bạn thân nào trên diễn đàn đã khai ra với nàng.
    Rồi sự mong đợi của y cũng đến. Những đêm khuya ngồi trên mạng tới quá nửa đêm của y không phải là vô bổ. Những mơ tưởng tới giây phút lãng mạn lúc này không chỉ còn là ao ước nữa. Đó là hôm Tuyết Trinh hẹn y cho gặp. Niềm vui đến quá bất ngờ. Y băn khoăn:
    - Nhưng làm thế nào để chúng mình nhận ra nhau?
    - Đơn giản thôi, anh cứ buộc cái khăn trắng vào cổ tay trái là được.
    Bây giờ thì y lại lo: nhỡ ra chuyện đi quá đà, y phải lòng Tuyết Trinh thật thì sao đây. Tuyết Trinh sẽ bỏ chồng còn Y sẽ bỏ vợ ư? Không, vợ y không có lỗi gì. Cô hay cáu bẳn cũng chỉ bởi vất vả và lo toan nhiều quá. Ngoài công việc ở cơ quan ra, cô phải làm toàn bộ việc gia đình, săn sóc chồng con từng ly từng tí. Cãi nhau với vợ thì vậy, nhưng trong thâm tâm, y vẫn cho là mình là người gặp may mắn trong hôn nhân. Trước khi lấy vợ, y đã từng yêu, tất nhiên lần nào, y cũng đều tính đến chuyện đi tới hôn nhân. Đến khi gặp vợ y bây giờ rồi ở với nhau, y không có chút nào nuối tiếc về sự đổ vỡ của những cuộc tình trước đây, thậm chí y còn cho đó là điều may mắn.
    "Nhưng sao mình cứ phải rối lên nhỉ" - y nghĩ. Y đã phản bội vợ đâu. Y gặp Truyết Trinh, coi như những người bạn khác giới có nhu cầu chia sẻ tình cảm thôi. Biết đâu hai người có thể giúp nhau khai thông được những bế tắc, lấy lại niềm tin vào cuộc sống, sẽ sống tốt hơn lên thì sao. Nếu tình cảm nồng nàn quá, y nhất định sẽ kiềm chế, không để đi quá xa. Cùng lắm thì chỉ trao nhau một nụ hôn, thế thôi. Với đàn ông, một nụ hôn đặt vào môi người con gái đẹp như Tuyết Trinh là hoàn toàn có thể thông cảm được chứ.
    Tự bào chữa như thế, y yên tâm phần nào. Y chọn cái áo sơ mi duy nhất có dưới hai chiếc khuy đứt diện vào người, xong vào nhà vệ sinh cơ quan lấy lọ nước hoa xịt phòng bơm lên đầu. Y tìm chiếc áo trắng chuyên dùng làm mụn vá, xé một mảnh buộc vào cánh tay trái. Rồi y tự tin nhằm hướng điểm hẹn thẳng tiến, miệng huýt sáo "cuộc đời vẫn đẹp sao ..."
    Y bồn chồn. Lâu lắm kể từ khi lấy vợ, y mới lại có cái cảm giác được chờ đợi. Nhưng y không phải chờ lâu.
    Vợ y xuất hiện:
    - Anh đợi Tuyết Trinh?
    Cô nhìn chằm chằm vào miếng vải trắng làm ám hiệu trên cánh tay trái y, như là xác minh lại vật chứng lần cuối, tránh để oan người vô tội. Rồi cô ấn lá đơn xin ly hôn đã viết sẵn vào tay y:
    - Anh ký vào đây. Ký xong thì tha hồ đi mà tìm cái cô Tuyết Trinh của anh.
    Y đứng như trời trồng, bỗng hiểu ra tất cả. Rồi bắt chước người xưa ngửa mặt lên trời than rằng: "Trời đã sinh ra ta, sao còn sinh ra cái mạng Internet".


    1/7/2010
    Truyện này được viết từ một tiểu phẩm của Tường Thụy

    Last edited by Tường Thụy; 06-07-2010 at 07:44 PM.
    Niềm riêng nhưng vẫn thắm tình chung
    Mỗi lúc online thấy ấm nồng
    Tình em trong mái nhà chung ấy
    Vẫn giấu riêng anh một tấm lòng.

    http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/

Trang 1 / 2 12 LastLast

Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 0
    Bài cuối: 13-09-2013, 09:54 PM
  2. Tản Văn
    By MinhThy in forum Tác Phẩm, Sách, Truyện Sưu Tầm...
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-11-2009, 11:25 AM
  3. Thế giới nhà văn
    By phale in forum Vườn Văn
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 07-08-2009, 01:39 PM
  4. Những bài văn đại học gây sốc
    By TeacherABC in forum Tin Tức, Báo Chí
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 30-07-2009, 06:06 PM
  5. Vườn yêu – Lã Văn Cường
    By Nguyên Thoại in forum V
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 25-06-2009, 11:11 AM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •